Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/04/2023

Điểm báo ngày 12/04/2023

I. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

1. Báo Thanh niên (12/4) có bài “Bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm: Sập hầm ở phần phụ lục” cho biết: Hợp đồng bảo hiểm được phản ánh là có nhiều “bẫy”; khiến người mua phải ngậm đắng nuốt cay khi có sự cố xảy ra. Các luật sư, chuyên gia cho rằng, trách nhiệm của các đại lý, công ty mời mua bảo hiểm và cả cơ quan quản lý, giám sát là rất quan trọng.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, cách tổ chức mạng lưới giao dịch của các công ty bảo hiểm đang có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mạng lưới tổ chức tư vấn, bán hàng cũng như hợp đồng bảo hiểm. Luật không định rõ nên các công ty bảo hiểm muốn làm thế nào cũng được. Luật kinh doanh bảo hiểm cần bổ sung quy định chi tiết với các hợp đồng nhiều chữ, điều khoản phải ngắn gọn, dễ hiểu; quy định công ty bảo hiểm phải chứng minh được rằng khi người mua bảo hiểm đặt bút ký hợp đồng khi đã hiểu rõ các điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ,…

TS Trần Nguyên Đán, giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, Luật kinh doanh bảo hiểm đã quy định rõ nếu đại lý tư vấn sai thì theo hợp đồng đã uỷ quyền, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm. Về lý thuyết, các công ty bảo hiểm đều thực hiện công tác đào tạo đại lý, Bộ Tài chính cũng có tổ chức thi sát hạch thông qua phần kiến thức cơ bản. Những cá nhân, tổ chức vượt qua kỳ sát hạch sẽ được cấp “code” để trở thành đại lý. Như vậy, Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên xác nhận cá nhân đủ tiêu chuẩn đi tư vấn bảo hiểm. Nếu đại lý cố tình tư vấn sai, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm. Thực tế, hiện nay, thay vì đào tạo một đội ngũ đạt chuẩn, các doanh nghiệp bảo hiểm đang sa đà vào việc luyện thi để đối phó với bộ đề của Bộ Tài chính.

2. VOV.vn (12/4) có bài “Từ vụ hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan: Người mua cần cẩn trọng” cho biết: Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ quan quản lý có vai trò quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm.

II. Vấn đề về NSNN

3. Báo Sài Gòn Giải phóng (12/4) có bài “Trước 31/12: Hoàn thành thanh, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19”; Đầu tư (12/4) có bài “236.452 tỷ đồng được huy động chống dịch Covid-19, cần gỡ vướng trong thanh, quyết toán” cho biết: Theo báo cáo của đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” được trình UBTVQH sáng 11/4, trong 3 năm 2020-2022, tổng số tiền đã huy động để phòng, chống dịch Covid-19 là hơn 236.452,549 tỷ đồng. Tổng số ngân sách nhà nước đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân là 131.259,371 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề nổi lên hiện nay là vướng mắc trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh, dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực đã được phát hiện. Sai phạm trong mua sắm vẫn còn ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết sau giám sát, trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.

- Cũng về nội dung này, báo Lao động (11/4) có tin “Ngân sách nhà nước không hỗ trợ các chuyến bay giải cứu”; VTCnews (11/4) có tin “Thứ trưởng Bộ Tài chính: Ngân sách nhà nước không hỗ trợ các chuyến bay giải cứu”; VOV (11/4) có tin “Ngân sách không hỗ trợ cho các “chuyến bay giải cứu””; Zingnews (11/4) có tin “Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ chuyến bay giải cứu” cho biết: Liên quan đến nội dung về tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ đã có báo cáo gửi tới đoàn giám sát với nhiều phụ lục về tổng mức huy động ngân sách Nhà nước, huy động từ các nguồn khác gồm viện trợ, quỹ vaccine, quỹ của Trung ương cũng như của các địa phương.

Trong đó, cũng đã làm rõ lượng chi cho chống dịch, vaccine, chi cho từng địa phương. Tuy nhiên, hạch toán huy động nguồn lực tổng thể thì còn chưa đầy đủ, đặc biệt là những hỗ trợ từ các cộng đồng xã hội, người dân… Các giấy tờ, thủ tục để xác lập sở hữu toàn dân còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác hạch toán.

Về Quỹ Vaccine, báo cáo của Bộ Tài chính đã làm rõ số liệu về con số tổng thể, số đã sử dụng, số còn lại. Liên quan đến các vướng mắc, việc xác lập sở hữu toàn dân, đa phần tài sản chưa được xác lập là do thiếu các giấy tờ chứng minh, chưa xác định giá. Tuy Chính phủ đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng trong thời gian đó, có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp đóng góp nhưng trong điều kiện cấp bách không hoàn thiện hết các giấy tờ cần thiết.

Trước ý kiến đề nghị làm rõ hơn vụ “chuyến bay giải cứu” vì cũng thuộc phạm vi giám sát nguồn lực phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ cho các “chuyến bay giải cứu” trong thời gian vừa qua.

III. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

4. Báo Tiền Phong (12/4) có tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế”; Nhân dân (12/4) có tin “Nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh”; VTC.vn (11/4) có tin “Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm”; Hà Nội mới (11/4) có tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm và tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế”; Lao động (11/4) có bài “Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số bệnh viện Hà Nội” cho biết: Sáng 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu tình hình cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn trong công tác này.

Thủ tướng cho rằng, cần phải có cơ chế để khi cần (nhất là lúc dịch bùng phát) là có ngay thuốc, lúc đó đấu thầu thì không thể đáp ứng được; vướng nhất ở đây là dù bệnh viện lớn nhưng không được chủ động đấu thầu. Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ triệu tập Bộ Y tế, Bộ Tài chính xử lý 2 việc: Giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí; chậm nhất đến 20/4 phải hoàn thành giao quyền tự chủ. Thứ hai là vấn đề sinh phẩm còn dư và sinh phẩm phục vụ còn nghiên cứu, phải tổ chức họp để quyết ngay. Văn phòng Chính phủ phải tham mưu với tinh thần là giải quyết nhanh để bệnh viện đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.

Vấn đề nữa mà Thủ tướng bày tỏ quan tâm là hợp tác công tư, do đó đề nghị Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính hướng dẫn, bảo đảm hài hòa lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nếu phá vỡ cấu trúc này thì không thể hợp tác công tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần y đức của những cán bộ tham gia đấu thầu, đấu giá, hết sức tránh tiêu cực, gửi giá…

IV. Vấn đề về quản lý giá

5. Báo Thời báo Ngân hàng (12/4) có tin “Giá xăng dầu trong nước tăng theo thế giới”; Người lao động (12/4) có tin “Giá xăng dầu tăng mạnh”; Công an nhân dân, Công an nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam, VOV, Lao Động, Thanh niên, Vnews, VTC news (12/4) có tin “Giá xăng dầu đồng loạt tăng cao” cho biết: Ngày 11/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng theo hướng tăng. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.090 đồng/lít và xăng RON 95 đồng tăng 1.120 đồng/lít; dầu diesel tăng 710 đồng/lít; dầu mazut tăng 720 đồng/kg; Riêng giá dầu hoả tăng 700 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ tiếp tục thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (Quỹ BOG) đối với mặt hàng xăng dầu như sau: E5RON92 ở mức 150 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít; dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; riêng dầu mazut không trích lập trong kỳ này. Đồng thời, Liên Bộ tiếp tục ngừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Sau khi trích lập Quỹ BOG, giá xăng dầu trên thị trường kể từ 15h ngày 11/4 phổ biến ở mức sau: Giá xăng E5RON92 không cao hơn 23.170 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 24.240 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.140 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 19.730 đồng/lít; Giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.190 đồng/kg.

Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 10 lần điều chỉnh giá, trong đó có 7 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

6. Thời báo Ngân hàng (12/4) có tin “Điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến thị trường”; Dân trí (12/4) có bài “Đánh giá kỹ tác động việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ hàng không”; Công luận (12/4) có bài “Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu” cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 118 ngày 10/4 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm nay.

Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định. Hai bộ tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu…

Đối với các mặt hàng điện, dịch vụ hàng không, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

7. Báo Tuổi trẻ (12/4) có bài “Thị trường trái phiếu bắt đầu hồi phục” cho biết: Sau thời gian ảm đạm, gần đây thị trường TPDN hồi phục đáng kể, nhờ được hỗ trợ bởi hàng loạt chính sách. Nhiều doanh nghiệp huy động được hàng ngàn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý I/2023 có 14 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị hơn 28.330 tỷ đồng, tăng tới 59% so với quý trước. Cũng theo nguồn dữ liệu này, có tới 9 đợt phát hành riêng lẻ diễn ra sau khi Nghị định 08 ban hành, chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý đầu năm. Đặc biệt là nhóm bất động sản là nhóm chiếm ưu thế về giá trị phát hành (85,55%), còn lại là ngành ngân hàng, xây dựng, hàng tiêu dùng, nông nghiệp…

Theo ông Vương Hoàng Sơn – Giám đốc khối ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDirect, bên cạnh những động thái tích cực cho thấy nỗ lực của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, một số nội dung trong Nghị định 08 vẫn có thể vướng mắc phát sinh khi đưa vào vận hành thực tế. Chẳng hạn như những vướng mắc liên quan đến sự phụ thuộc vào quan điểm về giá trị tài sản bảo đảm, hay sự bất bình đẳng giữa các trái chủ. Theo đó, trái chủ trái phiếu đến hạn sớm có cơ hội lựa chọn tài sản tốt hơn trái chủ của trái phiếu đến hạn sau.

8. Báo Lao động (12/4) có bài “Giãn thời gian trả nợ trái phiếu 2 năm có phải là giải pháp tốt?” dẫn lời bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch của PwC Việt Nam cho biết: Việc Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm mới chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý tạm thời chứ không phải biện pháp cơ bản và chưa giải quyết được bài toán chung của thị trường trái phiếu. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là chất lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Muốn phát triển thị trường trái phiếu, cần có quy định, điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải minh bạch tài chính không khác gì doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00