Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/04/2023

Điểm báo ngày 13/04/2023

I. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

1. Báo Đại đoàn kết (13/4) có tin “Vụ rơi trực thăng Bell 505: Tạm ứng chi trả bảo hiểm 1,18 tỷ đồng cho gia đình phi công”; Người lao động (12/4) có bài “Vụ rơi trực thăng Bell 505: Tạm ứng chi trả bảo hiểm 1,18 tỉ đồng cho gia đình phi công”; Dangcongsan.vn (12/4) có bài “Tạm ứng 1,18 tỷ đồng chi trả bồi thường cho gia đình phi công trực thăng Bell 505”; Dân trí (12/4) có bài “Vụ rơi máy bay ở Quảng Ninh: Bảo hiểm đã tạm ứng 1,18 tỷ đồng”; Zingnews.vn (12/4) có bài “Bảo hiểm tạm ứng 1,18 tỷ đồng cho gia đình phi công trực thăng rơi” cho biết: Ngày 12/4, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đã nhận được báo cáo bước đầu của doanh nghiệp bảo hiểm về việc tạm ứng chi trả bồi thường liên quan đến vụ rơi máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 chở 5 người ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long bị rơi trên biển Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cụ thể, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình phi công lái trực thăng Bell 505 với số tiền là 50.000 USD (tương đương 1,18 tỷ đồng). Số tiền còn lại sẽ được bảo hiểm chi trả ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan theo quy định của Đơn bảo hiểm.

2. Báo Thanh niên (13/4) có bài “Bẫy ngầm trong hợp đồng bảo hiểm: Tư vấn… hiểm chỉ để chốt hợp đồng” cho biết: Thực trạng của nhiều tư vấn viên bảo hiểm khi đi tư vấn là chỉ nói về quyền lợi mà lờ đi rủi ro; mập mờ sản phẩm, ép uổng khách hàng, thay vì giải thích cặn kẽ cho khách hàng hiểu bản chất của bảo hiểm thì lại tư vấn “hiểm” chỉ để ký được hợp đồng.

Theo Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư TP HCM, câu chuyện bảo hiểm cần phải chấn chỉnh từ cả hai phía, người mua và người bán. Người mua phải xác định bảo hiểm là hướng tới lợi ích lâu dài, không phải chỉ gửi tiền vào rồi hưởng lãi. Khách hàng phải tự bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ hợp đồng, tìm hiểu kỹ các điều khoản hoặc nhờ nguời có kinh nghiệm, chuyên môn để tư vấn trước khi đặt bút ký hợp đồng. Về phía người bán, luật sư đề cập đến trách nhiệm của công ty bán bảo hiểm, đại lý, tư vấn viên trong từng trường hợp cụ thể…

3. Báo Tuổi trẻ (13/4) có bài “Hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trước khi ký hợp đồng” cho biết ý kiến của ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam khuyến cáo khách hàng, trước khi quyết định mua bảo hiểm nhân thọ nên cân nhắc nhu cầu thực sự và khả năng tài chính của mình để lựa chọn sản phẩm với mức phí phù hợp. Ông Dũng cũng lưu ý: Hợp đồng bảo hiểm khá dài với nhiều nội dung, khách hàng cần đọc thật kỹ bảng minh hoạ quyền lợi. Yếu tố quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm là bảo vệ nên người mua cần quan tâm kỹ đến quyền lợi khi không may ốm đau, tai nạn xảy ra thì được chi trả thế nào.  Khách hàng cũng phải chú ý đến thời gian chờ, lịch sử khám, chữa bệnh, nghĩa vụ của người mua bảo hiểm…

4. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (12/4) có bài “Lá chắn bảo hiểm” cho biết: Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mà người mua để tìm giải pháp có thể bảo lãnh bù đắp tổn thất rủi ro nếu có xảy ra trong tương lai. Thế nhưng khi những lùm xùm bị ép mua bảo hiểm, biến tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm qua kênh bacassurance chưa có kết luận thanh tra sau cùng, thì vụ diễn viên Ngọc Lan “tố” bảo hiểm Manulife một lần phơi bày nhiều vấn đề đang xảy ra trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Rất khó để có thể yêu cầu người dân phải có hiểu biết đầy đủ về sản phẩm, do đó, quy định về vai trò của tư vấn viên với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người dân cần rõ ràng, có chế tài chặt chẽ, bởi bản thân các nhà tư vấn có lợi ích phát sinh ngay trên từng hợp đồng. Bên cạnh đó, là cơ chế quản lý, giám sát của cơ quan chức năng với một thị trường đang bùng nổ nhưng còn sơ nguyên như hiện nay. Để phát triển thị trường bảo hiểm, cơ quan chức năng cần là lá chắn bảo hiểm niềm tin cho dân, tránh nỗi lo rơi vào bị tư vấn sai, bị chèn ép khi có nhu cầu hưởng quyền lợi bảo hiểm.

II. Vấn đề về quản lý thuế

5. Chiều 12/4, Văn phòng Bộ đã phát hành thông tin báo chí về Công điện số 01/TB-CĐ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Ngay sau khi nhận được thông tin, nhiều báo, đài đã đồng loạt đưa tin, như: Vietnamnet (12/4) có tin “Nạn xuất khống hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Tài chính lệnh xử nghiêm”; Baochinhphu.vn, Lao Động (12, 13/4) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường kiểm tra hóa đơn điện tử”; Dân trí (12/4) có tin “Bộ Tài chính siết nạn trục lợi từ hóa đơn điện tử”; Vneconomy (13/4) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra, xử nghiêm việc xuất khống, mua bán hóa đơn điện tử”; VOV (12/4) có tin“Yêu cầu xử lý nghiêm việc xuất khống, mua bán hóa đơn điện tử để trục lợi”; Bnews -TTXVN (12/4) có tin “Quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử”; Pháp luật Việt Nam (12/4) có tin “Bộ trưởng Tài chính yêu cầu chặn trục lợi từ hoá đơn điện tử”; Tin tức - TTXVN (12/4) có tin “Giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử”; Infonet (13/4) có tin “Nạn xuất khống hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Tài chính lệnh xử nghiêm”; Zingnews (12/3) có tin “Bộ Tài chính chỉ đạo siết chặt nạn trục lợi từ hóa đơn điện tử”; Công luận (12/4) có tin “Doanh nghiệp trục lợi bằng cách đề xuất khống hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn”; Dân Việt (12/4) có tin “Bộ Tài chính mời công an vào cuộc vì nhiều doanh nghiệp khai “khống” hoá đơn điện tử”; Vietnamplus (12/4) có tin “Bộ TC: Siết chặt quản lý, ngăn chặn gian lận trong sử dụng hóa đơn” và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có Công điện gửi Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua vẫn có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế.

Ngoài ra, cơ quan quản lý có trách nhiệm cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế; không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an, các Bộ, ngành đơn vị liên quan nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

6. Báo Sài gòn Giải phóng (13/4) có bài “Đòn bẩy thuế tối thiểu toàn cầu” thông tin: Mục đích cơ bản của thuế suất tối thiểu toàn cầu (TTTC) là đảm bảo thu nhập của các công ty đa quốc gia phải chịu mức thuế suất tối thiểu 15% với đối tượng áp dụng chung là công ty đa quốc gia có một hoặc nhiều pháp nhân/bộ phận kinh doanh ở Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR trở lên (khoảng 19.500 tỷ VND) và thuế suất hiệu quả của các công ty trong tập đoàn ở Việt Nam dưới 15%.

Thuế suất TTTC dự kiến có hiệu lực từ năm nay, trong khi các nước có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Nhật Bản đều sẽ áp dụng quy tắc này vào năm 2024. Trong khu vực, Malaysia, Thái Lan, Singapore cũng đã có phản ứng nhanh và lên kế hoạch hoặc tuyên bố sẽ áp dụng thuế nội địa tối thiểu nhằm dành quyền đánh thuế bổ sung để chặn dòng tiền phát sinh ở nước họ không chảy sang nước khác.

Theo tác giả bài báo, đứng trước những tác động, thách thức và lựa chọn, Việt Nam nên có phản ứng nhanh để tận dụng thời cơ và hóa giải thách thức. Ngoài việc rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chúng ta nên có những đánh giá lại để tái cấu trúc kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Cần lưu tâm, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là trọng điểm chính để thu hút đầu tư nước ngoài (nhất là đối với TPHCM). Thực tế, nhiều nhân tố khác có yếu tố quyết định hơn nhiều, như môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, miễn giảm thuế đất...

7. Báo Sài gòn Giải phóng (13/4) có bài “Chậm hoàn thuế, doanh nghiệp lao đao” thông tin: Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) xảy ra từ 2 năm qua tại nhiều doanh nghiệp, trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là các ngành cao su, gỗ, cơ khí… Mới đây nhất, ngày 29/3, các doanh nghiệp thành viên đã đồng ký đơn gửi Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị về việc các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đóng trên địa bàn TPHCM chậm được Cục Thuế TPHCM xét hoàn VAT đối với mặt hàng cao su sơ chế xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp, Cục Thuế TPHCM yêu cầu phải có kết quả xác minh nguồn gốc hàng cao su (tức là phải kiểm tra, xác minh các khâu trung gian từ F1, F2, F3, F4… Fn đến khâu cuối cùng), khi có kết quả xác minh tới khâu cuối cùng thì mới xét hoàn VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, Cục Thuế TPHCM yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu (giấy báo có) phải có thông tin “số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền” thì mới xét hoàn VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cuối cùng mới đến bước tiến hành xác minh thông tin doanh nghiệp mua hàng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cho rằng, những yêu cầu này của cơ quan thuế là trái ngược với quy định của pháp luật hiện hành, bởi ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 13076/BTC-TCT không yêu cầu phải xác minh các khâu trung gian; văn bản số 1017/TCT-CS của Tổng cục Thuế ban hành ngày 25/3/2019 cũng không đề cập các thông tin như yêu cầu nói trên. “Việc xác minh là quyền của cơ quan thuế, nhưng cũng không quá 40 ngày theo quy định. Có trường hợp Cục thuế TPHCM đã gửi công văn xác minh gần một năm nay, nhưng vẫn chưa có kết quả trả lời từ Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thuế, dẫn đến doanh nghiệp chưa được xét hoàn thuế”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc.

III. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Tuổi trẻ (13/4) có bài “Giá xăng, vé máy bay, chuyện đã rõ sao mãi tranh luận” cho biết: Mới đây có ý kiến đề xuất không chỉ duy trì quản lý giá trần mà cần bổ sung giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hàng không. Nước Mỹ những năm 1980 cũng từng quản lý giá sàn dịch vụ hàng không với lo ngại các doanh nghiệp cạnh tranh quá mức dẫn đến phá sản. Khi không thể giảm giá, các hãng cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng dịch vụ, trong đó có bữa ăn thịnh soạn trên máy bay. Vì sao đã có nhiều bài học mà chúng ta vẫn tranh luận những điều mà thế giới đã trả lời từ 50 năm trước?

Khi thấy thị trường xăng dầu của Việt Nam đứt gãy, nhiều chuyên gia thế giới cho rằng việc cố gắng quản lý giá xăng dầu, hệ quả đều giống nhau: thiếu hụt".

Bộ Công Thương đã nhận ra điều này. Dự thảo lần thứ hai sửa đổi nghị định về xăng dầu, bộ đề xuất cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ đưa ra giá định hướng, được tính bằng giá trên thị trường thế giới cộng hoặc trừ quỹ bình ổn xăng dầu. Các chi phí kinh doanh và lợi nhuận sẽ do doanh nghiệp tự quyết. Nếu được Chính phủ thông qua, đó là bước chuyển sang cơ chế thị trường đối với lĩnh vực xăng dầu.

Bài báo cho rằng hiện nay Việt Nam đã đang đi đúng hướng khi Luật quy hoạch đã loại bỏ những quy hoạch can thiệp vào sản lượng của hàng hóa, sản phẩm. Về giá cả, Luật giá đang được thảo luận tại Quốc hội. Một trong những sửa đổi mang tính cách mạng của luật này là Nhà nước chỉ can thiệp vào giá khi có hàng hóa, dịch vụ mang tính độc quyền hoặc do Nhà nước cung cấp. Đây là bước đi đúng đắn. Vấn đề thứ hai là các nhóm lợi ích muốn bóp méo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường luôn đòi hỏi sự cạnh tranh nhưng có nhiều người muốn hưởng lợi nhuận mà không phải cạnh tranh, từ đó vận động để đưa ra chính sách phi thị trường có lợi cho mình.

Điều này đặt ra vấn đề cho nhà làm chính sách, có nhiệm vụ phải ủng hộ những ý kiến tăng năng suất và gạt bỏ những kiến nghị để có được đặc quyền.

IV. Vấn đề về đầu tư công

9. Báo Nhân dân (13/4) có bài “Tháo gỡ khó khăn, phối hợp chặt chẽ, triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm”; Người lao động (13/4) có bài “Tăng tốc hoàn thành công trình trọng điểm”; Vneconomy  (12/4) có bài “Chi 400.000 tỷ đồng, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc hàng loạt dự án giao thông trọng điểm”; Tuổi trẻ (12/4) có bài “Triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm còn tâm lý sợ trách nhiệm” cho biết: Sáng 12/4, tại Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công là một trong động lực tăng trưởng, do đó, thúc đẩy đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, góp phần đạt nhiều mục tiêu. Các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo phải đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tăng cường tính chủ động, linh hoạt, kịp thời để triển khai các dự án trọng điểm; đi tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thách thức vượt qua, triển khai đồng loạt các dự án hệ thống đường giao thông, triển khai đồng loạt các dự án cao tốc từ Bắc đến Nam. Đây đều là công trình động lực phát triển, phải góp phần đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống, thành hiệu quả có thể "cân, đong, đo, đếm" được, nhân dân thấy được và hưởng thụ được.

Đối với các vấn đề nổi lên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có dự án đi qua, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chủ động phối hợp với nhau để hoàn thành thủ tục các dự án. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trao đổi với các đối tác, nhà tài trợ, phối hợp các cơ quan liên quan để trao đổi và Hiệp định vay cho khoản vay lần 4 dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.

V. Vấn đề khác

10. Báo Tiền phong (13/4) có bài “Cứu cả doanh nghiệp & nhà đầu tư” và bài “Dự án của Novaland đang gặp vướng mắc gì?” cho biết: Việc Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản yêu cầu lập tổ công tác gỡ khó cho Tập đoàn Novaland tiếp tục là chỉ dấu cho thấy Chính phủ đặc biệt quan tâm gỡ khó cho thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, động thái này không chỉ “giải cứu” doanh nghiệp mà còn cứu cả hàng ngàn nhà đầu tư mắc kẹt.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00