Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 14/04/2023

Điểm báo ngày 14/04/2023

I. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

1. Báo Tuổi trẻ (14/4) có bài “Rối loạn với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ” phản ánh: Thông thường, một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài từ 25-60 trang. Nhưng có khi dài tới hơn 100 trang, tuỳ công ty bảo hiểm cũng như một số sản phẩm bảo hiểm khách hàng tham gia. Kể cả khi có chú ý đọc hợp đồng bảo hiểm, nhiều người vẫn rối loạn, không thể nắm hết thông tin vì quá dài, nhiều thuật ngữ khó có thể hiểu đúng… Nhân viên tư vấn chỉ cần nói bỏ chữ hoặc diễn giải nghĩa khác một chút thì nghĩa đã thay đổi. Chưa kể, bảo hiểm nhân thọ bán ở các ngân hàng được đặt tên giống với tiền gửi, đầu tư, nên hầu hết cá nhân gửi tiền vào dễ bị nhầm lẫn. Nhân viên bảo hiểm thường đến các câu lạc bộ, khu công viên dành cho người cao tuổi để tư vấn, họ có tiền nhưng không thể hiểu biết về thị trường nên càng dễ nhầm. Theo tác giả, bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực ít khách hàng nắm vững, chủ yếu phụ thuộc vào lòng nhiệt tình của các tư vấn viên. Tuy nhiên, dù cách thức tiếp cận thế nào đi nữa thì không thể thiếu sự tỉnh táo, thận trọng ở người mua.

Cũng đề cập đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Tuổi trẻ (14/4) có bài “Hợp đồng phức tạp, ai hiểu nổi!” cho rằng: Hợp đồng bảo hiểm rất phức tạp, chỉ những người có chuyên môn sâu đọc mới hiểu hết, còn phần lớn những người mua bảo hiểm nghe theo tư vấn. Đề nghị cơ quan quản lý cần kiểm soát các mẫu hợp đồng bảo hiểm sao cho dễ hiểu, không để cài cắm các thuật ngữ phức tạp, gây hiểu nhầm, trở thành giải pháp bảo vệ người mua bảo hiểm.

Theo ông Trần Nguyên Đán, giảng viên môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, các công ty bảo hiểm cần cố gắng làm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trở nên dễ hiểu hơn. Dù biết rằng, Bộ Tài chính là cơ quan duyệt điều khoản và bản chất hợp đồng bảo hiểm là rất khó để làm cho đơn giản. Tuy nhiên, vì một thị trường bảo hiểm lành mạnh, thân thiện, tất cả đều phải cố gắng.

Một số ý kiến đề xuất, trong hợp đồng bảo hiểm cần có 2-3 trang dành cho người tư vấn bảo hiểm ghi các nội dung tư vấn cho khách hàng. Sau đó, công ty bảo hiểm thẩm định lại, nếu chấp nhận với nội dung nhân viên đã tư vấn thì đóng dấu gửi lại khách hàng. Mục đích để tránh tư vấn viên gian dối. Bảo hiểm nhân thọ không xấu. Chỉ xấu khi tư vấn viên vì lợi mà lừa dối khách hàng, làm khách hàng hiểu sai về bảo hiểm. Công ty bảo hiểm nên kiểm tra, chấn chỉnh lại các đại lý, nhân viên của mình.

2. Báo Thanh niên (14/4) có bài “Bẫy ngầm trong hợp đồng bảo hiểm: Ai bảo vệ quyền lợi của khách hàng?” cho biết: Mấy năm gần đây, các công ty bảo hiểm tăng cường ký kết với các ngân hàng phân phối sản phẩm bảo hiểm. Phía công ty bảo hiểm chi cho các nhà băng một lượng tiền lớn, với điều kiện đảm bảo doanh thu phí hằng năm. Có ngân hàng nhận được 60% trên doanh thu phí năm đầu tiên, lên đến hàng tỷ đồng. Món lợi nhuận béo bở này khiến nhiều nhà băng giao KPI cho nhân viên, nhất là bộ phận tín dụng, bán bảo hiểm. Vì áp lực KPI bán bảo hiểm, trong quá trình tư vấn hợp đồng bảo hiểm, nhân viên không cung cấp thông tin đầy đủ cho khách hàng hoặc khách hàng cung cấp thông tin bệnh tật nhưng vẫn bị nhân viên, đại lý bảo hiểm ngó lơ để chốt hợp đồng.

Đối với nhân viên, tuỳ thuộc vào quy định của từng công ty, tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm nhân thọ dao động từ 30-40%. Đây là một trong nhưng tỷ lệ hoa hồng cao nhất trong các ngành nghề hiện nay. Ngoài tỷ lệ hoa hồng, nhân viên còn được thêm nhiều khoản thưởng bằng tiền, du lịch theo tỷ lệ doanh thu.

Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Đại học Fullbright Việt Nam, nhà nước cần có chính sách để giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin, sao cho bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ về mình, bên bán bảo hiểm cung cấp thông tin về sản phẩm và nghĩa vụ của mình và các quy định về đảm bảo an toàn trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc công ty luật Kinh Luân, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là theo mẫu phải được phê duyệt nên cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại nội dung hợp đồng theo hướng đơn giản, từ ngữ dễ hiểu. Trong đó, lưu ý thêm về điều khoản tranh chấp nên ưu tiên khách hàng cá nhân lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp theo nơi cư trú hoặc bất kỳ nơi nào. Bởi trong các hợp đồng  bảo hiểm hiện nay, công ty bảo hiểm nhân thọ là đơn vị soạn sẵn hợp đồng nên lựa chọn theo hướng có lợi cho mình như chọn toà án nơi đặt trụ sở công ty. Điều này bất lợi cho khách hàng ở các tỉnh xa khi có khiếu kiện, khiếu nại.

Một số ý kiến khác cho rằng, bảo hiểm là sản phẩm tài chính có nhiều thuật ngữ, ngay cả chuyên gia tài chính, pháp luật không chuyên mảng bảo hiểm cũng gặp khó. Vì vậy, sản phẩm này cần đội ngũ tư vấn chuyên biệt. Việc đẩy hết trách nhiệm cho khách hàng không phù hợp cả tình và lý. Cơ quan giám sát và doanh nghiệp bảo hiểm đều phải có trách nhiệm.

3. Báo Lao động (14/4) có bài “Mua bảo hiểm nhân thọ: Cẩn trọng với bẫy cam kết lợi nhuận”, “Cảnh giác với rủi ro trong gói bảo hiểm đầu tư” và bài “Dòng tiền của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đi đâu?” cho biết: Theo các chuyên gia, bảo hiểm nhân thọ đề cao tính bảo vệ sức khoẻ chứ không phải thu nhập hay lợi tức. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người dân nào cũng hiểu rõ về điều này. Đây là kẽ hở được nhiều nhân viên tư vấn bảo hiểm lợi dụng để thu hút khách hàng đang tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn, lợi nhuận cao.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, thời gian qua, vẫn còn một số bộ phận tư vấn viên tư vấn không đúng, mập mờ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa các sản phẩm bảo hiểm, gây tiếng xấu và giảm uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm. Do đó, việc kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động đại lý đang là vấn đề được cơ quan quản lý, hiệp hội bảo hiểm quan tâm giải quyết. Tới đây, trong quy định hướng dẫn luật mới, sẽ có những quy định yêu cầu doanh nghiệp ghi âm quá trình tư vấn các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư của tư vấn viên với khách hàng. Điều này, sẽ giúp kiểm soát được tốt hơn chất lượng hoạt động tư vấn.

Nội dung các bài báo cũng cho biết, bảo hiểm liên kết đầu tư hay còn gọi là bảo hiểm đầu tư hiện chưa quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý. Tuy nhiên, với tính chất đầu tư của gói bảo hiểm này, khách hàng nên cảnh giác khi mua bởi có thể sẽ bị lỗ.

Ngoài ra, bài báo lý giải việc tại sao khách hàng tham gia bảo hiểm đã đóng tiền 3 năm rồi huỷ thì gần như không rút lại được bao nhiêu, công ty bảo hiểm thường thu các loại phí nào, giá trị hoàn lại và một số nội dung khách hàng tham gia bảo hiểm cần quan tâm trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm.

4. Báo Tuổi trẻ online (13/4) có bài “Kim Tử Long mất trắng tiền bảo hiểm sau 3 năm đóng”; Tiền phong online (13/4) có bài “NSƯT Kim Tử Long: 'Tôi mất trắng 100 triệu đồng sau 3 năm mua bảo hiểm'” và nhiều báo khác cho biết: Mới đây, NSƯT Kim Tử Long cũng lên tiếng chia sẻ thông tin sự cố khi mua bảo hiểm. NSƯT Kim Tử Long cho biết anh được nhân viên bảo hiểm mời mua sản phẩm bảo hiểm cho con trai với mức khoảng 40 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau khi mua bảo hiểm, anh không còn được tư vấn viên chăm sóc như lúc đầu. Do quên đóng bảo hiểm nên anh bị huỷ hợp đồng, nhân viên tư vấn bán bảo hiểm cho anh ban đầu cũng đã nghỉ việc. Theo nghệ sĩ Long, nếu người tư vấn chuyển hợp đồng của anh cho người khác, ít nhất phải liên lạc với anh để thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi gọi lên họ chỉ trả lời là anh bị hủy hợp đồng. Anh mất trắng hơn 100 triệu đồng suốt ba năm. Từ đó anh Long khuyến cáo mọi người cân nhắc khi mua bảo hiểm để không vướng vào sự việc như anh.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thông thường, trước hạn đóng phí duy trì bảo hiểm, công ty gọi điện, gửi email cho khách hàng để thông báo, nhắc nhở. Khách hàng được phép đóng chậm trong 60 ngày, sau 60 ngày chưa đóng, sẽ bị phạt và hủy hợp đồng. Khi truy cập trang web bảo hiểm mà NSƯT Kim Tử Long nhắc đến, quy định về việc đóng hợp đồng có ghi rõ: Sau thời hạn đóng phí bảo hiểm mà người tham gia vẫn chưa nộp các khoản phí đầy đủ thì có thể gia hạn thêm thời gian đóng phí, khoảng từ 60-120 ngày (tùy quy định ở mỗi công ty). Trong khoản thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm, người tham gia vẫn được nhận các quyền lợi như thỏa thuận trong hợp đồng.

Nếu hợp đồng bảo hiểm tạm thời mất hiệu lực do không đóng phí hay do khoản tạm ứng và nợ lãi lớn hơn giá trị tiền mặt/giá trị tài khoản hợp đồng, người tham gia vẫn có thể khôi phục lại hợp đồng trong vòng 2 năm kể từ lúc hợp đồng bị tạm dừng, sau khi nộp phí đầy đủ. Bên cạnh đó, người tham gia còn có thể tiếp tục hợp đồng với khoản phí thấp hơn ban đầu để phù hợp với điều kiện tài chính hiện tại. Tuy nhiên, quyền lợi bảo hiểm sẽ bị thay đổi.

Trong trường hợp của NSƯT Kim Tử Long bị trễ hạn đóng hai năm và bị hủy hợp đồng, Báo Tiền Phong đang liên hệ với phía công ty bảo hiểm để có phát ngôn chính thức về trường hợp bảo hiểm của nghệ sĩ Kim Tử Long.

5. Báo Tiền phong (14/4) có bài “Hôm nay diễn ra toạ đàm: “Hợp tác giữa Bảo hiểm – Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ” cho biết: Sáng nay (14/4), tại trụ sở báo Tiền phong, báo Tiền Phong và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tổ chức Toạ đàm Hợp tác giữa bảo hiểm – ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ. Khách mời tham dự Toạ đàm có đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính); ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, một số chuyên gia, luật sư, đại diện khách hàng gặp vướng mắc với sản phẩm bảo hiểm liên kết qua ngân hàng. Tại Toạ đàm, đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia sẽ trao đổi về nguyên nhân vì sao ở Việt Nam lại có hiện tượng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi tới giao dịch như thời gian qua.

II. Vấn đề về thuế, phí

6. Báo Đại đoàn kết (14/4) có bài “Chặn gian lận trong sử dụng hoá đơn” cho biết: Tổng cục Thuế vừa có chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hoá đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hoá đơn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoá đơn điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tập hợp các hành vi vi phạm về hoá đơn được phát hiện qua quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, điều tra của công an, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Đồng thời, thực hiện rà soát, đối chiếu thực tế quản lý thuế tại địa phương, tập trung vào những người nộp thuế có rủi ro cao để đưa vào danh sách người nộp thuế phải thực hiện giám sát trọng điểm…

7. Báo Tiền phong (14/4) có tin “Nghiên cứu miễn, giảm thuế phí cho doanh nghiệp lâm sản, thuỷ sản” cho biết: Sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thuỷ sản.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách tháo gỡ những vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

8. Báo Sài gòn giải phóng (14/4) có bài “Tháo gỡ các vướng mắc về thuế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu”; Nhân dân, Công an nhân dân (14/4) có bài “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản” cho biết: Ngày 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, phản ánh Bộ Tài chính đang coi xuất khẩu gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp (DN) gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong xuất khẩu. Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định: “Không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT”. Theo Luật Quản lý thuế, việc hoàn thuế phân thành 2 loại “hoàn trước - kiểm sau” và “kiểm trước - hoàn sau”. Hiện nay, mỗi năm có 150.000-170.000 tỷ đồng hoàn thuế thì 80% là cục thuế thực hiện “hoàn trước - kiểm sau”. Riêng đối với ngành gỗ, từ năm 2022 đến nay, số tiền hoàn thuế là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% là cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.

Về các hồ sơ chưa hoàn thuế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, chính sách thuế đối với DN gỗ xuất khẩu hiện nay đang là 0%, còn thu mua gỗ rừng trồng đang không phải chịu thuế. Các DN trực tiếp thu mua đều không vướng mắc về đầu vào gỗ, chỉ có một số DN thu mua qua nhiều “cầu” thì khi cơ quan chức năng kiểm tra không làm rõ được con số.

Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản trả lời về việc này. Trong tuần tới, Bộ Tài chính tiếp tục họp với các DN đang có vướng mắc về vấn đề này.

III. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

9. Ngày 13/4, Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với Văn phòng Bộ cung cấp thông tin cho báo chí về những điểm mới của Nghị định 08 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều báo đưa tin về nội dung này, như: Vietnamplus (13/4) có tin “Doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu”; Zingnews (13/4) có tin “Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với trái phiếu”; VTCnews (13/4) có tin “Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với nợ trái phiếu”; Người lao động (13/4) có tin “Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với nợ trái phiếu”; Vietnamnet (13/4) có tin “Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với nợ trái phiếu”; Pháp luật Việt Nam (14/4) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh” cho biết: Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, Nghị định 08 được ban hành trong bối cảnh cần phải tháo gỡ một số khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.

Cụ thể, Nghị định 08 quy định doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác khi có khó khăn trong việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành. Theo đó, doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có thể đàm phán để cân đối các nguồn lực của doanh nghiệp, thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn.

Doanh nghiệp được đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu theo quy định, được đàm phán để kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/9/2022.

Nghị định 08 cũng ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về 3 nội dung: xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, các quy định này của Nghị định 65 sẽ được triển khai từ ngày 01/01/2024.

Bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

IV. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Pháp luật Việt Nam (14/4) có bài “Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay: Còn nhiều ý kiến khác nhau” cho biết: Nếu như Nhà nước không quy định trần giá vé máy bay nội địa, thả nổi giá vé để các hãng bay tự quyết định, thì liệu quyền lợi người tiêu dùng có được đảm bảo?

Nhà nước hiện đang quản lý giá vé máy bay nội địa thông qua quy định về trần giá vé. Điều này có nghĩa hãng hàng không chỉ có thể được tăng giá vé máy bay đến một mức độ nào đó, không được vượt mức trần quy định. Từ trước đến nay, “vòng kim cô” này tỏ ra khá hiệu quả trong việc kiểm soát việc giá vé tăng bất thường, tránh việc người tiêu dùng (NTD) bị “móc túi”, nhất là vào những dịp lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Tuy nhiên, mới đây, nhiều hãng hàng không nội địa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tháo chiếc “vòng kim cô” này. Tại buổi tọa đàm mới đây về hàng không, ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong những năm gần đây các hãng bay có những kiến nghị điều chỉnh trần giá vé nội địa nhưng cơ bản khung giá vé trần vẫn được Bộ GTVT áp dụng tại Thông tư 36/2015/TT-BGTVT từ năm 2015 đến nay.

Hiện nay, mỗi chặng bay đều có 2 hãng khai thác nên NTD phần nào an tâm khi vào đầu tháng 4 mới đây, khi thảo luận, góp ý Luật Giá (sửa đổi), cả Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều đề nghị giữ trần vé máy bay nội địa. Nguyên nhân chính 2 Bộ quản lý này đưa ra là Nhà nước cần công cụ điều tiết, tránh trường hợp các hãng hàng không đưa ra giá vé quá cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế. Việc này sẽ làm hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng tới quyền lợi NTD, tác động tiêu cực xã hội.

Do còn nhiều quan điểm khác nhau về trần giá vé máy bay, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá tác động nếu bỏ trần giá vé máy bay, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

V. Vấn đề về đầu tư công

11. Baochinhphu.vn (13/4) có tin “Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật giải ngân đầu tư công”; Nhân dân (13/4) có tin “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật giải ngân vốn đầu tư công”; Tin tức (13/4) có tin “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư”; Người lao động (14/4) có tin “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật giải ngân đầu tư công”; Hà Nội mới (13/4) có tin “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật giải ngân đầu tư công” cho biết: Sáng 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.

Trong quý I/2023, tổng số giải ngân của 17 bộ, ngành, cơ quan Trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó, đáng chú ý, có 13 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%), 4 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công thấp là công tác tổ chức thực hiện (lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án) chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ ngành đều cam kết phấn đấu sẽ nỗ lực giải ngân cao nhất theo kế hoạch được giao.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, nhiệm vụ cụ thể. Vốn đã có mà không giải ngân được, thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng; nếu để "tích tiểu thành đại", đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ ngành, cơ quan trung ương phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; phải xác định rõ, đây là trách nhiệm của người đứng đầu.

VI. Vấn đề tài chính doanh nghiệp

12. Thời báo ngân hàng (14/4) có bài “Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm” cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm là do doanh nghiệp có quy mô lớn phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phận vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ cơ chế chính sách pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

VII. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

13. VnExpress (13/4) có tin “Kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại Yên Tử, Cửa Ông”; Vietnamplus (14/4) có tin “Quảng Ninh kiểm tra về quản lý tiền công đức tại các di tích từ 8/5”; Dân Việt (13/4) có tin “Đoàn liên bộ kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại Khu di tích Yên Tử, đền Cửa Ông trong 10 ngày”; Tin tức (14/4) có tin “Quảng Ninh: Thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích, đình chùa” cho biết: Ngày 12/4, Bộ Tài chính gửi văn bản đến tỉnh Quảng Ninh thông báo sẽ thí điểm kiểm tra về quản lý tiền công đức tại di tích, đình chùa trên địa bàn từ 8/5.

Diện kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan Nhà nước xếp hạng hoặc đưa vào danh mục kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và lễ hội; mở tài khoản, sổ ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ; nội dung chi; giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức trong năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.

Đoàn liên bộ phối hợp với địa phương sẽ kiểm tra khu di tích và danh thắng Yên Tử; di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều; di tích Bạch Đằng; đền Cửa Ông - Cặp Tiên trong 10 ngày. Các di tích, đình chùa còn lại do đoàn liên ngành địa phương phụ trách; hoàn thành trước 31/5 để báo cáo Thủ tướng.

Bộ Tài chính cho biết việc kiểm tra giúp các di tích, đình chùa quản lý tiền công đức theo hướng minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế xã hội.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00