Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 24/04/2023

Điểm báo ngày 24/04/2023

I. Vấn đề về bảo hiểm

1. Tạp chí nhà đầu tư (23/4) có bài “Generali Việt Nam bị tố mập mờ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, để nhân viên giả chữ ký khách hàng?” cho biết: Nhiều khách hàng đã mua bảo hiểm của công ty TNHH Bảo hiểm Generali (Gen) đã lên tiếng tố cáo công ty bảo hiểm này mập mờ về hợp đồng, giả chữ ký khách hàng.

Theo các khách hàng này, ngay sau khi phát hiện vấn đề, không thể trao đổi trực tiếp với tư vấn viên, khách hàng đã phản ánh qua đường dây nóng của công ty Gen nhưng họ chỉ ghi nhận ý kiến, chưa đưa ra hướng giải quyết, hẹn trả lời sau khi có xác minh thực tế nhưng không đưa ra thời gian cụ thể.

2. Báo Người lao động (22/4) có bài “Bảo hiểm nhân thọ: Dễ tổn thọ vì mập mờ” cho biết: Chỉ tính từ ngày 18-20/4/2023, đã có 146 đơn tố cáo của người dân gửi tiền tiết kiệm đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị “hô biến” thành gói bảo hiểm Tâm an đầu tư của bảo hiểm Manulife đã được gửi tới công an TP HCM.

Phóng viên báo Người lao động đã nhiều lần liên hệ với SCB và Manulife. Phía SCB cho biết chưa có thông tin gì mới. Khi nhận được đơn khiếu nại của khách hàng, SCB sẽ tổng hợp và chuyển Manulife để trả lời vì công ty bảo hiểm ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng. Phía Manulife cho biết đã ghi nhận thông tin liên quan đến việc khách hàng gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an. Công ty cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu. Việc này nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với các quy định của pháp luật và quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

3. Báo Tuổi trẻ (22/4) có bài “Ai được ngồi lại với công ty bảo hiểm?” và bài “Đẩy rủi ro cho khách hàng” cho biết: Cùng khiếu nại về bảo hiểm nhân thọ, cùng đưa sự việc lên mạng xã hội nhưng đâu phải ai cũng may mắn được công ty bảo hiểm nhanh chóng liên hệ, trao đổi. Ngày 20/4, một công ty bảo hiểm xin lỗi một khách hàng nổi tiếng. Thông tin này đến cùng lúc với những hình ảnh hàng trăm người mang đơn đến trình báo với cơ quan công an về việc họ đã bị tư vấn không đúng trước khi ký hợp đồng. Họ đã đóng hàng trăm triệu cho công ty bảo hiểm trong mấy năm và giờ đang lo lắng có thể mất phần lớn hoặc mất hết số tiền đã đóng nếu dừng đóng tiền.

Thêm hàng ngàn ý kiến của bạn đọc gửi đến báo Tuổi trẻ bày tỏ nỗi niềm về bảo hiểm nhân thọ. Nhiều bạn đọc đặt vấn đề trách nhiệm của công ty bảo hiểm và việc quản lý lĩnh vực kinh doanh này. Trách nhiệm của công ty bảo hiểm ở đâu khi để đại lý, tư vấn viên làm sai, tư vấn không đúng? Khách hàng ký hợp đồng với công ty, sao lại đổ hết trách nhiệm cho tư vấn? Các cơ quan hữu quan cần có cơ chế siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo vệ người mua. Phải có chế tài pháp luật mạnh với công ty bảo hiểm sai phạm.

4. Báo Đầu tư chứng khoán (24/4) có bài “Trách nhiệm xử lý thông tin nhiễu loạn” phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam xung quanh vấn đề bảo hiểm nhân thọ. Theo ông Thắng, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để được bán sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư (bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị). Ông Thắng cũng đưa ra một số giải pháp nhằm xử lý tình trạng nhiễu loạn thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Trong đó, cơ quan quản lý có thẩm quyền cần vào cuộc xử lý những thông tin gây nhiễu loạn thị trường, những trường hợp cố ý thông tin sai lệch về các giá trị của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, trái quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm…

5. Báo Đầu tư chứng khoán (24/4) có bài “Lầm tưởng về bảo hiểm” cho biết: Thực tế, không phải ai cũng có đủ kiến thức về bảo hiểm, kể cả những người làm trong ngành tài chính. Sau một loạt lùm xùm liên quan đến thị trường bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua như việc gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm, việc nữ diễn viên lên mạng “bóc phốt” hợp đồng bảo hiểm của mình vì hiểu nhầm thời gian tham gia sản phẩm,…ý thức về bảo hiểm của người dân có lẽ sẽ cải thiện hơn. Do đó, việc các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý các vụ việc trên thế nào để củng cố niềm tin vào bảo hiểm là điều được quan tâm.

6. Báo Đầu tư chứng khoán (24/4) có bài “Nhà bảo hiểm lo làm mới hợp đồng” cho biết: Tại Toạ đàm Hợp tác giữa bảo hiểm – Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ được tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho rằng, mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn hơn, từ 10-20 trang là phù hợp để người bình thường đọc có thể hiểu, thay vì dài cả trăm trang như hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chỉnh sửa là không dễ và cần tính đến các yếu tố khác bởi còn liên quan đến câu chuyện viện dẫn để xử lý tranh chấp hoặc giải quyết quyền lợi bảo hiểm có thể bị vướng.  

Thực tế, dù dài hay ngắn, có một điều không thể phủ nhận là nhiều nội dung trong hợp đồng bảo hiểm còn phức tạp, khó hiểu, trong khi đa phần người tham gia bảo hiểm vì cả nể, cả tin do bên bán là người thân quen. Cộng thêm việc DN bảo hiểm lơ là giám sát đội ngũ tư vấn viên, cơ quan quản lý chưa quản chặt, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện nên thị trường bảo hiểm vừa qua xuất hiện nhiều lùm xùm.

II. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

7. Báo Công an nhân dân (23/4) có tin “Cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu DN”; Dangcongsan.vn (21/4) có tin “Các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu DN”; VOV (21/4) có tin “Nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu DN”; Tiền phong (21/4) có tin “Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro trái phiếu DN”; Diễn đàn DN 921/4) có tin “Tái cảnh báo rủi ro trái phiếu DN”; Tin tức (23/4) có tin “Nhiều người đầu tư trái phiếu chỉ quan tâm lãi suất cao mà bỏ qua các rủi ro” cho biết: Theo Bộ Tài chính, sự phát triển của thị trường trái phiếu DN (TPDN) trong những năm gần đây góp phần cung cấp thêm một công cụ, sản phẩm đầu tư mới ngoài các kênh đầu tư như mua cổ phần, cổ phiếu của DN, gửi tiền ngân hàng. Các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN ngày càng nhiều.

Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật DN năm 2020 đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất cao mà không đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu hoặc không hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, của DN, của tổ chức phân phối trái phiếu (bao gồm cả các ngân hàng thương mại).

Kể từ sau các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trong năm 2022, thị trường TPDN gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, DN mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn lớn. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ lợi ích hợp pháp và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08 sửa đổi các Nghị định về TPDN riêng lẻ, trong đó, tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải nắm giữ danh mục chứng khoán trị giá 2 tỷ đồng trong vòng 6 tháng theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Việc tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hỗ trợ các DN có thêm thời gian tái cơ cấu nợ và đối với DN có tình hình tài chính lành mạnh có thể tiếp tục phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN riêng lẻ và quan trọng hơn nữa là cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về DN phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của DN phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm TPDN với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

8. VnExpress (22/4) có tin “Ngân hàng có thể được mua lại ngay trái phiếu DN”; Vietnamnet (23/4) có tin “Cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu DN”; Thời báo Ngân hàng (24/4) có tin “Thúc đẩy việc ban hành hai Thông tư quan trọng” cho biết: Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với Ngân hàng Nhà nước về sửa quy định trái phiếu và khoanh, giãn nợ cho DN. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN về tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu DN theo hướng cho phép ngân hàng mua lại ngay TPDN.

Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua TPDN chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó. Còn dự kiến sửa mới đây của Ngân hàng Nhà nước là cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mà ngân hàng bán ra trước ngày 31/12/2023.

Thủ tướng cũng lưu ý, các quy định sửa đổi cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng đầu tư, cho vay với trái phiếu, nhằm tăng nguồn cung, thanh khoản và phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.

III. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (21/4) có bài “Tính đúng, tính đủ chi phí phân phối xăng dầu” cho biết: Một số doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho DN.

Bình luận về việc các DN cho rằng việc Thông tư số 104/2021/TT-BTC không ghi rõ tỉ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu, bán lẻ là bao nhiêu đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối hưởng gần như hầu hết phần chi phí này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Công Thương cũng đã nêu rất rõ, đây là quan hệ thoả thuận giữa hai bên. Nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không chấp nhận thì có thể đi tìm đầu mối khác để làm đại lý. Vấn đề này hiện nay vẫn đang bàn và nghị định cũng đang sửa vì vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nên chưa đi vào “chung kết”.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng họ phải dùng tiền túi bù lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, muốn biết thực tế như thế nào thì phải có điều tra, khảo sát cụ thể. Nhìn ngược trở lại, giả sử đầu mối xăng dầu cũng không có lãi nên mới buộc họ phải làm như vậy. Cho nên, trách nhiệm của Bộ Tài chính bây giờ là phải tính đúng, tính đủ và tính kịp thời chi phí kinh doanh cho đầu mối xăng dầu. Khi đó mới gỡ được hết khúc mắc, đó là bên đầu mối sẽ trả cho phía bán lẻ một cách hợp lý.

Ông Long cũng cho rằng, đề xuất các bộ ngành liên quan lập hội đồng để phân chia lại chi phí định mức và lợi nhuận định mức, phân chia cho doanh nghiệp khi thực hiện sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu của các DN là không khả thi. Ban soạn thảo và Bộ Công Thương đã nêu rất rõ, đây là quan hệ dân sự nên hai bên tự thoả thuận và sẽ không đưa vào văn bản pháp lý. Đề nghị này của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không mang tính khả thi, mà phải tính toàn diện, toàn cục chứ không thể theo nguyện vọng của riêng các doanh nghiệp bán lẻ là muốn “chia phần”. Vì, có thời kỳ chi phí hoa hồng cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn thì họ có thắc mắc hay không?

10. Báo Tiền Phong (24/4) có bài“Đại lý bán lẻ xăng dầu có thể lấy hàng từ nhiều nguồn” cho biết: Đây là một trong bảy nội dung sửa đổi chính trong dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương hoàn tất trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, thực sự cấp bách và phù hợp với tình hình thực tiễn của các DN kinh doanh xăng dầu với nhiều điểm mới. Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào sửa công thức tính giá và phương thức điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; quy định cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc. Dự thảo cũng có các điều khoản chặt chẽ hơn, quy định phù hợp hơn về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện đối với thương nhân kinh doanh đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu. Cùng với đó, các DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng được yêu cầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế…

Một trong những điểm đáng chú ý và cũng được các DN bán lẻ mong chờ thời gian qua chính là Nghị định mới cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nhà cung cấp thay vì chỉ một nguồn như hiện tại. Việc mở cửa cho phép DN bán lẻ lấy nhiều nguồn cũng là quan điểm và kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong góp ý sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Điểm đáng chú ý nữa, theo Bộ Công Thương, hướng tới loại bỏ khâu trung gian là các tổng đại lý trong hệ thống phân phối xăng dầu cũng như các quy định cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc. Cụ thể, quy định về dự trữ lưu thông vẫn giữ nguyên như hiện tại. Các đầu mối và đơn vị sản xuất xăng dầu phải dự trữ tối thiểu 20 ngày cung ứng và thương nhân phân phối là 5 ngày. Tuy nhiên, dự thảo mới bổ sung quy định liên quan đến việc các DN đầu mối sẽ phải mua bù đắp số lượng thiếu hụt trong 15 ngày từ thời điểm mức dự trữ giảm trong trường hợp phải đáp ứng nhu cầu thị trường tăng đột biến.

11. Các báo: Đại đoàn kết (22/4) có tin “Giảm giá xăng dầu”, Tiền Phong có tin “Giá xăng dầu giảm mạnh, RON 95 còn hơn 23.000 đồng/lít”, Vietnamnet (21/4) có tin “Giá xăng hôm nay 21/4: Quay đầu giảm sâu”, Nhân Dân, Tin tức (21/4) có tin “Xăng dầu giảm giá nhẹ”, Thanh niên (21/4) có tin “Giá xăng đồng loạt giảm, giá dầu mazut tăng 649 đồng/kg”, Lao Động, VTV, Kinh tế & đô thị, Dân Việt (21/4) có tin “Giá xăng, dầu đồng loạt giảm” cho biết: Trên cơ sở điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, các DN đồng loạt niêm yết giảm giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 21/4. Theo đó, từ 17h hôm nay, giá xăng RON95 giảm 610 đồng/lít, giá bán là 23.630 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 490 đồng/lít, giá bán là 22.680  đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 750 đồng/lít, giá bán là 19.390 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít với các loại xăng dầu, trừ dầu madut.

IV. Vấn đề về đầu tư công

12. Báo Chính phủ (22/4) có tin “Siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công”, báo Tiền phong (24/4) đưa tin “Siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công”, báo Đấu thầu (22/4) đưa tin “Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công”, báo Lao động (21/4) đưa tin “Không để dự án khởi công mới chậm hoặc không thể giải ngân trước ngày 30.10”, Vietnamplus (22/4) đưa tin “Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ”,  cho biết: Ngày 21/4, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo số 146/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thông báo nêu đến hết quý I/2023 tỉ lệ giải ngân của 9 tỉnh đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước (10,35%) và còn hạn chế so với kết quả cùng kỳ năm 2022.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan trong đó có Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thành trong tháng 4/2023…

13. Báo Thanh niên (24/4) có tin “Trị tận gốc“bệnh” chậm giải ngân” cho biết: Đề nghị cắt vốn những dự án giải ngân bằng 0, phân bổ sang các dự án dở dang nhưng thiếu vốn là đề xuất của Bộ Tài chính trước tình trạng "đủng đỉnh" ở nhiều địa phương, bộ, ngành. Nhưng cắt vốn thôi chưa đủ. Để trị căn bệnh trầm kha giải ngân đầu tư công chậm trễ, cần phải quy trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu các địa phương, các đơn vị có dự án giải ngân bằng 0. Công khai cụ thể từng dự án cũng như mức chế tài tương ứng. Chỉ có như vậy mới hy vọng trị dứt điểm căn bệnh giải ngân "rùa bò" đã thành cố hữu trong lĩnh vực này.

Bởi nhìn lại lịch sử, không phải đến bây giờ giải pháp cắt hay điều chuyển vốn đầu tư công của những dự án chậm trễ mới được đưa ra. Tháng 9/2021, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao. Nhưng đến tận thời điểm này thì căn bệnh chậm trễ vẫn không hề có sự cải thiện. Bối cảnh hiện nay không cho phép chúng ta xuê xoa với tình trạng trên nóng dưới lạnh. Chỗ nào lạnh, cần được "cắt" dứt khoát để trị tận gốc căn bệnh chậm trễ trong giải ngân đầu tư công.

V. Vấn đề về thuế

14. Báo Lao động (24/4) có bài “Không phân biệt mặt hàng, tăng hiệu quả giảm thuế”, Báo Pháp luật Việt Nam (24/4) có bài “Tiếp tục giảm thuế để hỗ trợ DN, người dân” cho biết: Bộ Tài chính mới đây có đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý phương án giảm thuế giá trị gia tăng. Điểm mới của năm nay đó là Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cũng thống nhất ở quan điểm cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chính sách này đã phát huy hiệu quả thấy rõ trong một năm triển khai khi không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

VI. Vấn đề khác

15. Báo Lao động (24/4) có bài “Huy động nguồn để tăng lương cơ sở” cho biết: Tháng 11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, trong đó quyết nghị tăng lương cơ sở 2023 lên 1,8 triệu đồng/tháng và mức lương cơ sở mới sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023. Đầu tháng 2/2023, Bộ Nội vụ đã trình dự thảo Nghị định về vấn đề này, tuy nhiên cho đến nay, Nghị định vẫn chưa ra đời.

Trên thực tế, việc tăng lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023 cũng đã được tính toán kĩ để không gây áp lực lên tài chính vĩ mô. Một con số đáng chú ý là năm 2022, tổng thu NSNN đạt trên 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,76% dự toán. Trong khi đó, tổng chi ngân sách đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng. Như vậy cân đối thu - chi ngân sách, vẫn còn dư một khoản lên tới trên 250.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vừa chính thức có văn bản về việc lấy ý kiến tham gia dự thảo Thông tư hướng dẫn các định nhu cầu nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ công chức, viên chức năm 2023. Theo văn bản này, hạn cuối lấy ý kiến là ngày 5/5/2023.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00