Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/04/2023

Điểm báo ngày 26/04/2023

I. Vấn đề về thuế, phí lệ phí

1. Báo Đại đoàn kết (26/4) có bài “Những chiêu gian lận hóa đơn điện tử”; báo Lao động (26/4) có bài “Bịt lỗ hổng gian lận hóa đơn điện tử” cho biết: Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, vẫn còn một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp (DN) để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền của ngân sách nhà nước với các thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) với chức năng phân tích dữ liệu HĐĐT, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về HĐĐT trong toàn ngành Thuế. Song để tiến tới xóa bỏ tình trạng mua bán hóa đơn, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu các vụ đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế cần kịp thời ban hành quy trình và triển khai ứng dụng quản lý rủi ro trong công tác phân tích thông tin đánh giá người nộp thuế. Trên cơ sở danh sách đã được ứng dụng đưa ra cảnh báo, các cục thuế rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý tại địa phương, tập trung vào những người nộp thuế có rủi ro cao.

2. Báo Nhân dân (26/4) có bài “Đưa Luật thuế TNCN phù hợp thực tế. Bài 2: Giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong thực hiện” cho biết: Theo Bộ Tài chính, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hầu hết pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của các nước đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo hình thức khác nhau. Các khoản giảm trừ TNCN các nước áp dụng được chia thành 3 nhóm: Giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế, giảm trừ cho người phụ thuộc và các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù.

Theo chuyên gia tài chính Trương Bá Tuấn, về bản chất quy định về giảm trừ trước khi tính thuế bảo đảm nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Vì vậy mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Thuế, nếu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có nhiều tác động tích cực. Người nộp thuế sẽ giảm bớt khó khăn trong bối cảnh lạm phát tăng, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế trong đó mức độ giảm của nhóm người nộp thuế ở bậc thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao.

Bên cạnh mức thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 xuống 5 bậc thuế. Cùng với đó là xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, bảo đảm điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

II. Vấn đề về bảo hiểm

3. Các báo: Thanh niên (26/4) có tin “Chấn chỉnh tình trạng nhân viên ngân hàng lôi kéo, ép buộc mua bảo hiểm”; Zing.vn (25/4) có bài “Phó thủ tướng: Làm rõ tình trạng ép khách mua bảo hiểm của ngân hàng”; Người lao động (25/4) có bài “Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ tình trạng ép khách của ngân hàng mua bảo hiểm” và một số báo khác cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thời gian qua. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Trong đó, nghiên cứu bổ sung, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, quy định về xử phạt vi phạm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm. Ngân hàng Nhà nước được giao rà soát, làm rõ thông tin phản ánh về các tồn tại, bất cập liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, đặc biệt là tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.

4. Báo điện tử Zing.vn (26/4) có bài “Lý do khách trắng tay khi hủy hợp đồng bảo hiểm trong 2-3 năm đầu” cho biết: Sau những lùm xùm xoay quanh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại trước những nguyên tắc, điều khoản mà các công ty bảo hiểm nhân thọ đưa ra trong hợp đồng. Trong đó, những điều khoản khiến nhiều người dùng bất bình nhất là chính sách hoàn tiền phí rất thấp; thời hạn tham gia hợp đồng bảo hiểm dài tới 70-99 năm.

Liên quan các điều khoản bị khách hàng phản ánh nhiều nhất này, đại diện Công ty TNHH Manulife Việt Nam lý giải trường hợp khách hàng hủy hợp đồng trong 2-3 năm đầu tiên, giá trị hoàn lại rất thấp bởi khoản phí khách hàng đóng vào đã được phân bổ cho các chi phí phát hành hợp đồng, quản lý hợp đồng và các loại chi phí bảo hiểm rủi ro…

Tương tự, đại diện Generali Việt Nam cũng cho biết hiện phần lớn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trên thị trường đều được thiết kế để bảo vệ dài hạn, có thể lên đến 99 tuổi. Nếu khách hàng kết thúc hợp đồng trong những năm đầu, số tiền nhận lại rất nhỏ hoặc thậm chí bằng không. Do trong những năm đầu của hợp đồng, các công ty bảo hiểm cần khấu trừ các chi phí của hợp đồng như chi phí phát hành hợp đồng, chi phí thẩm định, thiết kế hệ thống, sản phẩm...Các chi phí này sẽ giảm dần trong các năm sau và cuối cùng là về bằng 0. Do vậy, giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm sẽ được tích lũy nhanh hơn trong những năm sau, thường là sau 7-10 năm. Cơ chế hoạt động này của bảo hiểm nhân thọ không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà hầu như khắp nơi trên thế giới đều như vậy. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một cam kết dài hạn, khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ trước khi quyết định tham gia. Đồng thời, cần cân nhắc và lên kế hoạch tài chính phù hợp để lựa chọn mức bảo vệ và phí đóng phù hợp.

5. Vietnamplus (24/4) có bài“Ngành Bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin”; VnEconomy (25/4) có bài “Gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng năm 2022”; Công thương (24/4) có bài “Số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang sụt giảm” cho biết: Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển. Nếu DN không tìm cách khắc phục thì rất khó tồn tại và phát triển. Hiệp hội đã ghi nhận những phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các DNBH nhân thọ cũng như những hạn chế của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Sau những lùm xùm mới đây, Hiệp hội cũng đã làm việc với từng bộ phận và kênh phân phối của các DNBH nhân thọ. Theo đó, các bên cam kết tiến hành rà soát hoạt động đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, đồng thời thực hiện đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp để nâng cao chất lượng tư vấn. Các DN cũng thống nhất cải tiến quy trình tư vấn, bán hàng, thẩm định, dịch vụ khách hàng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm; tăng cường kiểm soát nội bộ, công tác quản trị rủi ro; cam kết hỗ trợ và xử lý khiếu nại của khách hàng nhanh chóng, minh bạch….

6. Báo điện tử Vietnamnet (26/4) có bài “Bảo hiểm nhân thọ gây khủng hoảng niềm tin”; Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn online (24/4) có bài “Doanh nghiệp bảo hiểm muốn tồn tại phải chấn chỉnh lại” cho biết: Bán bảo hiểm chéo qua ngân hàng là một dịch vụ bình thường ở nhiều nước khác. Nhưng ở nước ta, việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, áp lực của các nhân viên ngân hàng về doanh số, sự phức tạp của một hợp đồng bảo hiểm, mà trong nhiều trường hợp được thiết kế phức tạp như một cái “bẫy” đã làm dịch vụ này trở nên méo mó.

Hoa hồng cho nhân viên ngân hàng cao, cộng với sức ép về chỉ tiêu, khiến đa số đã “ép” khách mua bảo hiểm, hoặc tư vấn sai về bảo hiểm nhân thọ. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ rủi ro, có nhiều vấn đề phải cân nhắc trước khi mua như: kỳ hạn đóng phí dài, nếu rút trước hạn sẽ bị mất hết…đều bị bỏ qua, chỉ tập trung nói về những lợi ích. Trong khi đó, công tác đào tạo đại lý bảo hiểm có vấn đề, từ nghiệp vụ cho đến đạo đức nghề nghiệp. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm và hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, muốn thay đổi định kiến của người dân về bảo hiểm nhân thọ thì các doanh nghiệp cần thay đổi trong cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Nếu công cụ chính để doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh vẫn chỉ là chi hoa hồng thật cao, mở thật nhiều đại lý mà lờ đi việc cải thiện chất lượng thì khủng hoảng niềm tin có lẽ chưa dừng lại.

7. Báo Lao động online (25/4) có bài “Bồi thường bảo hiểm xe máy rườm rà, Bộ Tài chính nói hướng xử lý” cho biết: Mới đây, cử tri tỉnh An Giang có kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước làm việc với những công ty kinh doanh bảo hiểm xe máy nghiên cứu giảm bớt thủ tục khi giải quyết bồi thường bảo hiểm. Bởi khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tổn thất, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức trách nhiệm đã được giao kết, việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà.

Trả lời về vấn đề này, ngày 25/4, Bộ Tài chính cho biết đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15. Theo đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một số giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ bồi thường bảo hiểm đối với xe máy.

Bộ Tài chính cũng cho biết trong năm 2022 và đầu năm 2023, đã có các công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp chủ động kiểm tra, rà soát các quy trình nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe môtô, xe máy dưới nhiều hình thức.

8. Các báo: Dân trí (25/4) có bài “Trực thăng Bell 505 gặp nạn được bảo hiểm bồi thường hơn 1,5 triệu USD”; Tuổi trẻ online (25/4) có tin “Vụ trực thăng rơi: Bảo hiểm chi gần 1,57 triệu USD bồi thường thân máy bay”; VOV.vn (25/4) có bài “Vụ trực thăng rơi: Bảo hiểm bồi thường gần 1,57 triệu USD cho thân máy bay” cho biết: Ngày 24/4, Bảo hiểm PVI (Nhà bảo hiểm gốc cho Tổng công ty trực thăng Việt Nam - VNH) đã hoàn tất các thủ tục có liên quan đến bảo hiểm thân máy bay trực thăng Bell 505 số đăng ký VN-8650 trong vụ tai nạn ở tỉnh Quảng Ninh trước đó. Số tiền bảo hiểm chi trả cho VNH là gần 1,57 triệu USD (gần 37 tỷ đồng, sau khi trừ đi mức miễn thường).

Trước đó, chỉ sau hai ngày xảy ra sự cố tai nạn, công ty bảo hiểm này đã tạm ứng bồi thường cho phi công bị thiệt mạng là 50.000 USD và đang phối hợp với thân nhân phi công để hoàn tất thủ tục thanh toán số tiền bồi thường còn lại, theo Đơn bảo hiểm tai nạn phi công là 150.000 USD. Như vậy, tổng số tiền người thân của phi công nhận được tương đương 4,7 tỉ đồng.

Đối với phạm vi bảo hiểm trách nhiệm của VNH liên quan đến hành khách, bảo hiểm cũng đang phối hợp cùng VNH trao đổi với thân nhân hành khách để xác định nguyện vọng cụ thể trên cơ sở hợp lý, theo thông lệ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

III. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Thanh niên (26/4) có bài “Thả” giá bán lẻ xăng dầu được không?” cho biết: Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới nhất, Bộ Công thương đã đưa một số nội dung sửa đổi như: doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn thay vì chỉ 1 nguồn; thời gian điều hành giá; quy định cụ thể về dự trữ bắt buộc, thay đổi công thức tính giá….Thế nhưng, những thay đổi này vẫn không làm vừa lòng các bên.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, vấn đề thị trường là sự bất bình đẳng trong chi phí, đó là có sự “chiếm dụng” chi phí kinh doanh của bán lẻ từ các khâu đầu mối, phân phối. Các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức trong giá bán được nhà nước áp, đầu mối giữ hết, bán lẻ không có nên khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn dù có lấy được nguồn hàng nhiều hay không.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, các cơ quan soạn thảo nên đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, khâu bán lẻ để làm chính sách sát hơn. Đừng tiếp tục sửa đổi Nghị định theo tư duy bao cấp, chỉ nên đưa ra mức giá sàn, còn giá bán lẻ hãy để thị trường quyết định, người bán lẻ định giá bán của họ sau khi đã cộng các chi phí vận hành. Chính phủ hoàn toàn có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế, phí; chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng chứ không nên can thiệp vào giá. Bình ổn xăng dầu bằng tiền của người tiêu dùng thì hãy lấy tiền đó mua hàng dự trữ khi giá thế giới biến động tăng, nhà nước có thể bán ra can thiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu có sửa đổi, thêm bớt vài chi tiết nhưng vẫn nặng tính can thiệp của nhà nước vào giá, chưa giải được bài toán xung đột lợi ích lâu nay.

IV. Vấn đề về đầu tư công

10. Báo Nhân dân (21/4) đăng tải bài phỏng vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc với tiêu đề “Chủ động tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công” làm rõ nguyên nhân việc chậm trễ, cũng như đề ra giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Dẫn lời Bộ trưởng, bài báo cho biết: Tỷ lệ giải ngân ba tháng đầu năm 2023 còn thấp, ước khoảng 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án đầu tư, trong đó có khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án đầu tư công.

Trong quy định hiện nay, để khơi thông dòng vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài là sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc chẳng hạn như tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới…

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

11. Thời báo ngân hàng (26/4) có bài “Tăng công khai minh bạch để lấy lại niềm tin nhà đầu tư” cho biết: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bước đầu sôi động trở lại, tuy nhiên Bộ Tài chính khuyến nghị, doanh nghiệp phải tăng công khai minh bạch, chủ động xếp hạng tín nhiệm để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, cần lưu ý trang bị đầy đủ hiểu biết về quy định của pháp luật về đầu tư TPDN và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Theo đánh giá của CTCP FiinRatings, thị trường TPDN tháng 3 ghi nhận sự đảo chiều trong hoạt động phát hành với tổng cộng 13 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt gần 27 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là sự trở lại của các nhà phát hành bất động sản khi có tới 6 lô phát hành từ 5 nhà phát triển bất động sản, giá trị đạt 23,7 nghìn tỷ đồng.

VI. Vấn đề khác

12. Các báo: Đại đoàn kết (26/4) có bài “Hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp”; Hà Nội mới (26/4) có bài “Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân”; Công an nhân dân (26/4) có bài “Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”; Tuổi trẻ (26/4) có tin “Phải giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng”; Tiền phong (26/4) có tin “Sử dụng hết các công cụ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”; Vietnamplus (25/4) có bài “Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân” cho biết: Ngày 25/4, Thường trực Chính phủ họp với các Bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và các giải pháp trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản đã ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện; đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, “việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ có kết quả” đối với thị trường tài chính, thị trường TPDN, thị trường bất động sản.

Đối với thị trường TPDN, phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đủ điều kiện thanh toán cho các trái chủ, theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành trong việc tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; tập trung hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch; xử lý các vướng mắc về đất đai; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thúc đẩy, sớm điều chỉnh gói hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục xem xét cắt giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí; khẩn trương hoàn thiện đánh giá tác động và đề xuất phương án để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00