Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/04/2023

Điểm báo ngày 28/04/2023

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (27/4) có bài “Việt Nam và cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu” cho biết: Thời điểm áp thuế tối thiểu toàn cầu đã rất gần. Các hội thảo, họp bàn về chủ đề này liên tục diễn ra trong hai tuần qua. Dẫu vậy, chưa có thông tin chính thức từ cấp có thẩm quyền về việc Việt Nam có tham gia cuộc chơi này hay không khiến cộng đồng doanh nghiệp FDI bất an và bị động. Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp FDI lúc này là Việt Nam sớm có tuyên bố chính thức về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cam kết hỗ trợ, bù đắp để doanh nghiệp yên tâm và tính toán kế hoạch kinh doanh. Các vấn đề kỹ thuật, ví dụ áp thuế thế nào, hỗ trợ ra sao có thể bàn thảo sau đó.

Trước đó, theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ở Việt Nam, trước mắt có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Phần chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu và thuế thực tế của 90 tập đoàn này ước tính từ 10.000-200.000 tỷ đồng trong năm 2024. Số tiền này các tập đoàn hoặc sẽ phải nộp về quốc gia có công ty mẹ nếu nước này áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hoặc sẽ nộp vào ngân sách Việt Nam nếu Việt Nam tham gia cuộc chơi của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.

2. Báo Tuần tin tức (27/4) có bài “Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng” cho biết: Phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc và trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới được kỳ vọng đem lại hiệu ứng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị: Chính phủ và Quốc hội có thể xem xét cơ chế thông qua chính sách này một cách nhanh chóng nhất có thể, thậm chí là áp dụng những trường hợp đặc biệt để việc giảm thuế 2% cho các hàng hóa có thể áp dụng ngay trong dịp 30/4-1/5 mà không chờ đến tháng 7/2023 như đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, ngoài giảm thuế, Chính phủ cũng nên xem xét giảm lãi suất. Lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức rất cao. Lãi suất cho vay bình quân 10%/năm, trong khi lạm phát chỉ có 4%, tức là lãi suất thực đang ở mức 6%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

3. Các báo: Thanh niên, Đại đoàn kết (28/4) có tin“Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô”, Pháp luật Việt Nam (28/4) có tin “Kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước: Đề xuất tiếp tục giảm lệ phí trước bạ” cho biết: Bộ Công Thương vừa có công văn trả lời ý kiến của Bộ Tài chính liên quan đến việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ và gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp.

Theo Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và Vinfast, trong 3 tháng đầu năm doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

II. Vấn đề về bảo hiểm

4. Một số báo tiếp tục đưa tin liên quan đến việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Manulife:

- Báo Lao động online (27/4) có phóng sự “Gửi tiền SCB thành bảo hiểm Manulife: Người bán trứng bỗng hoá chủ bất động sản” cho biết: Mặc dù thực tế làm nghề bán trứng ở chợ (thu nhập khoảng 8 triệu/tháng), song trong hợp đồng bảo hiểm (thực tế khách hàng đem tiền đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm Tâm an đầu tư của Manulife) nhưng khách hàng lại được khai làm nghề kinh doanh bất động sản, thu nhập lên tới 80 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là nhiều chữ ký của khách hàng trong hợp đồng mà bản thân khách hàng không hề hay biết.

Nhiều khách hàng trong phóng sự cũng phản ánh gặp tình trạng tương tự khi mang tiền đi gửi tiết kiệm tới ngân hàng SCB thì nhận về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm an đầu tư. Đáng chú ý, trong tin nhắn trao đổi với khách hàng, nhân viên ngân hàng luôn khẳng định dịch vụ mà khách hàng tham gia là tiết kiệm lãi suất cao, đầu tư sinh lời chứ không có nội dung nào nhắc tới tư vấn bảo hiểm. Đa số người dân không có bằng chứng về việc nhân viên tư vấn “bẫy” khách hàng.

- Báo Lao động online (28/4) có bài “Hàng loạt khách hàng tung thêm bằng chứng mới sau phản hồi của Manulife” cho biết: Sau khi phía Manulife công bố phương án giải quyết về khiếu nại của khách hàng vào ngày 26/4, đến sáng ngày 27/4, có thêm hàng loạt những tình tiết mới do khách hàng đưa ra liên quan đến bản hợp đồng bảo hiểm được “hô biến" bởi nhân viên Ngân hàng SCB. Nhiều khách hàng thắc mắc vì sao những thông tin cung cấp lại được Manulife cho là “không có đầy đủ chứng cứ chứng minh các khiếu nại” và bằng chứng như thế nào thì được cho là hợp lý.

Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng cung cấp thêm tình tiết mới liên quan đến vụ việc. Cụ thể, trong bản hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư của nhiều khách hàng được ký kết sau ngày 12/11/2020, Tổng giám đốc của Công ty TNHH Manulife Việt Nam - ông Kimberly Wade Fleming là người trực tiếp ký. Tuy nhiên, ngày 12/11/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13905/BTC-QLBH chấp thuận ông Lee Sang Hui làm Tổng giám đốc của Công ty TNHH Manulife Việt Nam thay thế ông Kimberly Wade Fleming kể từ ngày 12/11/2020.

Trả lời về vấn đề bản hợp đồng được ký bởi Tổng giám đốc đã miễn nhiệm, luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, có 2 tình huống xảy ra trong trường hợp này. Nếu hợp đồng được ký sau ngày được Bộ Tài chính chấp thuận thay đổi Tổng Giám đốc và tất cả các thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật trên giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (trường hợp Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật) hoặc văn bản chấm dứt ủy quyền (trong trường hợp Tổng Giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) đã được thực hiện xong thì lúc này Tổng Giám đốc cũ ký hợp đồng là không đúng thẩm quyền và hợp đồng vô hiệu. Ngược lại, nếu các thủ tục trên chưa được thực hiện xong thì Tổng Giám đốc cũ vẫn ký hợp đồng và các văn bản khác nhân danh công ty và hợp đồng vẫn phát sinh hiệu lực.

5. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (27/4) có bài “Yêu cầu chi trả bảo hiểm: chứng từ y tế gốc thuộc về ai?” cho biết: Thực tế, trong hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm gồm 2 loại: chứng từ y tế và chứng từ tài chính liên quan đến chi phí y tế. Để đảm bảo độ chắc chắn của thông tin, các công ty bảo hiểm thường yêu cầu khách hàng nộp chứng từ gốc. Có thể, việc lưu giữ chứng từ gốc là phương thức giúp các công ty bảo hiểm tránh việc người mua bảo hiểm tiếp tục sử dụng chứng từ để yêu cầu thanh toán bảo hiểm ở những đơn vị bảo hiểm khác. Tuy nhiên, đây là một lập luận thiếu thuyết phục.

Theo tác giả, điều đáng tiếc nhất là Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không đề cập đến vấn đề này. Nghĩa là, mọi yêu cầu và thủ tục thanh toán bảo hiểm phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nội dung của hợp đồng bảo hiểm và quy tắc chi trả bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã chuẩn bị.

Một trong những bấu víu hiện tại chính là quy định về phê duyệt các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm. Theo quy định hiện tại tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe thuộc danh mục được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Có thể xem đây là “chốt chặn” vì Bộ Tài chính có thể rà soát nội dung yêu cầu quy định về hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm mà doanh nghiệp đề cập trong sản phẩm bảo hiểm được đệ trình. Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý phải sâu sát hơn với quá trình thực hiện tại các doanh nghiệp. Thực tế, không ít doanh nghiệp dù khẳng định nội dung thông tin sản phẩm bảo hiểm là chỉ yêu cầu khách hàng kẹp vào hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm chứng từ y tế gốc để đối chiếu, kiểm tra, nhưng sau đó không chịu trả lại khách hàng với lý do là quy trình và yêu cầu nghiệp vụ chung của công ty.

6. Báo Tuổi trẻ (28/4) có bài “Tham gia bảo hiểm nhân thọ thế nào cho đúng?” cho biết: Đến nay, ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới vẫn rất phát triển, và tại Việt Nam, sau gần 30 năm, bảo hiểm nhân thọ đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021). Theo định hướng của Chính phủ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, số người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ đạt 15% và 18% vào năm 2030. Để phát triển ngành bảo hiểm nhân thọ bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần nỗ lực nghiên cứu đưa ra những giải pháp bảo hiểm ưu việt, đáp ứng yêu cầu của người dân tham gia bảo hiểm. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn bảo hiểm; xây dựng môi rường kinh doanh minh bạch, thấu hiểu, sẻ chia. Người tham gia bảo hiểm cũng cần lưu ý tìm hiểu kỹ càng trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm.

III. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Tuổi trẻ (28/4) có bài ““Dông bão” giá sàn vé máy bay” cho biết: Bên cạnh những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quý I/2023 không mấy khả quan, “dông bão” với đề xuất áp sàn giá vé máy bay được nêu trở lại. Thậm chí, có ý kiến đề nghị bổ sung giá sàn vào Dự thảo Luật Giá sửa đổi, sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới đây. Tức là, việc áp sàn mang tính tổng quát, lâu dài, chứ không phải mang tính tạm thời, linh hoạt nhằm giải cứu hãng hàng không Việt Nam trong nguy cơ bị phá sản dưới tác động của dịch Covid-19 như từng được đề xuất năm 2021.

Lập luận của các ý kiến ủng hộ quy định giá sàn vé máy bay cho rằng việc này để tránh khả năng các hãng hàng không chuyên nghiệp bị cạnh tranh/đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ. Phải chăng, họ phủ nhận nguyên tắc cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường đã được quy định rõ? Theo tác giả, tốt hơn hết, hãy để Vietnam Airlines tự lực cánh sinh trên thương trường, nhìn lại bản thân mình, tự tìm kiếm phương thức sinh tồn và phát triển xứng đáng với thương hiệu hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Báo Sài Gòn giải phóng (28/4) có bài “Khơi thông thị trường trái phiếu” cho biết: Sau một thời gian dài “đóng băng”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong những năm tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận nhiều đợt phát hành thành công. Nguyên do là Chính phủ đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo gỡ khó, giúp thị trường này dần hồi sinh.

Thị trường TPDN, đặc biệt là TPDN bất động sản không chỉ “ấm” hơn sau khi Nghị định 08 đi vào thực tiễn mà thanh khoản thị trường TPDN cũng được cải thiện. Không ít “ông lớn” bất động sản như Công ty Hưng Thịnh, Novaland, Công ty CP Tập đoàn Tiến Phước… cũng đã đàm phán giãn nợ thành công với trái chủ. Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá, Nghị định 08 chỉ tác động tích cực đến thị trường TPDN trong ngắn hạn.

Việc cơ quan quản lý cho phép các ngân hàng giải cứu TPDN được các chuyên gia nhận định sẽ phần nào làm tăng tính thanh khoản trên thị trường, nhất là khi các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoản 34% tổng dư nợ TPDN đang lưu hành. Việc các ngân hàng được tham gia sâu hơn trong việc mua bán lại TPDN cũng sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, vì đây là một trong những nhóm doanh nghiệp phát hành TPDN lớn nhất. Từ đó, các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn từ kênh trái phiếu thuận lợi hơn.

9. Báo Lao động (28/4) có bài“Người dân nhờ chính quyền can thiệp, vì mua trái phiếu không được trả lãi” cho biết: Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri vừa được tổ chức chiều 27/4, ông Vũ Tiến Dũng (trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) phản ánh, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có hàng nghìn người dân qua sự môi giới của Ngân hàng SCB đã mua trái phiếu của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp này đã bị đình chỉ hoạt động, công an điều tra khiến người dân mua trái phiếu không được trả lãi từ tháng 10/2022 đến nay. Nhân dân mong chính quyền thành phố can thiệp để Ngân hàng SCB sớm trả lãi và gốc cho nhân dân. Nhà nước và Quốc hội cũng cần sớm có ý kiến để đòi lại quyền lợi chính đáng cho người dân.

V. Vấn đề về đầu tư công

10. Các báo: Chinhphu.vn (27/4) có tin “Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ”; VOV.vn (27/4) có tin“Gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ”; Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam (27/4) đưa tin“Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tháo gỡ khó khăn từng dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”; Pháp luật Việt Nam (28/4) có tin“Tăng cường năng lực, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 2 thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với 17 Bộ, cơ quan Trung ương, diễn ra hôm qua (27/4).

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, đến hết tháng 4/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 17 Bộ, cơ quan Trung ương khoảng 23.741 tỷ đồng, đạt 21,24% so với kế hoạch vốn được giao và cao hơn mức bình quân của cả nước (14,66%). Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các Bộ, cơ quan Trung ương; có 2 Bộ, cơ quan Trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước. Các Bộ, cơ quan Trung ương còn lại đều giải ngân rất thấp. Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ nêu rõ thực trạng, một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vượt thẩm quyền xử lý của các Bộ, ngành Trung ương.

Sau khi cho ý kiến cho các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, làm việc sát với các địa phương để tháo gỡ từng dự án; chỉ rõ vướng mắc, đề xuất hướng ban hành những văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền để giải quyết. Qua kết quả giải ngân từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng, Tập thể lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định, tổ chức thực hiện dự án đến phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh, “không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ”. Chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án.

VI. Vấn đề về quản lý tài sản công

11. Báo Lao động (28/4) có bài “Phải có cơ chế đặc thù để các bộ, ngành “nhả” đất vàng” thông tin: Trên thực tế, nhiều Bộ ngành sau khi di dời đến trụ sở mới hoành tráng vẫn tiếp tục “ôm” đất trụ sở cũ. Trao đổi với Lao động, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) cho rằng: “Phải xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ trong các khu trụ sở và có sự kết nối giao thông vành đai 1,2,3. Ngoài ra, cần xác định xây dựng trụ sở của Bộ nào cần phải tính toán giá thị trường của trụ sở cũ trên cơ sở thiết kế, đầu tư mà còn thiếu thì Nhà nước bổ sung. Không phải ngân sách mang ra đầu tư xây dựng cuối cùng trụ sở cũ vẫn tồn tại, thậm chí chuyển đổi mục đích không đúng yêu cầu của Chính phủ sẽ phá vỡ quy hoạch”.

Trong khi đó, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cần có một chính sách đặc thù để trả lại đất. Ngoài ra, Nhà nước phải có ưu đãi về ngân sách để các bộ, ngành thuận lợi trong xây dựng trụ sở mới.

VII. Vấn đề khác

12. Báo Tuần tin tức (27/4) có bài “Nỗ lực gỡ vướng trong mua sắm trang thiết bị y tế” cho biết: Nhằm khắc phục khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế, các đơn vị y tế đề nghị cần khẩn trương sửa đổi Luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Cụ thể, cần có những quy định riêng, dành cho thuốc và trang thiết bị y tế với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sửa Luật Đấu thầu theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị phân nhóm các nước sản xuất. Đặc biệt, Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cũng đã quy định về nội dung bệnh viện được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống về pháp lý.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00