Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/05/2023

Tin chuyên ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 08/05/2023

I. Vấn đề về họp Chính phủ, họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023

1. Báo Nhân dân (6/5) có tin “Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát”; Thanh niên (5/5) có tin “Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tính toán giảm thuế trước bạ ô tô”; Quân đội nhân dân (6/5) có tin “Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”; Thời báo ngân hàng (8/5) có tin “Quyết tâm cao để đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội”; Người lao động (6/5) có tin “Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng” cho biết: Sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Thủ tướng nhấn mạnh các điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 4 và 4 tháng vừa qua.

Đó là, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập; Cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp; Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; Tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả với các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém…

2. Báo Người lao động (6/5) có tin “Bố trí hơn 59.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ ngày 1/7”; VTCnews (5/5) có tin “Bố trí hơn 59.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ ngày 1/7”; Dangcongsan.vn (5/5) có tin “Ngân sách dành hơn 59.000 tỷ đồng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 tới đây”; VOV.vn (5/5) có tin “Chuẩn bị 59.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023”; VTV.vn (5/5) có tin “Bố trí hơn 59.000 tỉ đồng để tăng lương cơ sở từ 1/7”; Tuổi trẻ (5/5) có tin “Bố trí hơn 59.000 tỉ đồng tăng lương cơ sở trong 6 tháng cuối 2023”; Hà Nội mới (5/5) có tin “Chính phủ bố trí hơn 59.000 tỷ đồng cho chính sách tăng lương từ ngày 1/7”; Sài Gòn giải phóng (5/5) có tin “Chính phủ bố trí hơn 59.000 tỷ đồng cho chính sách tăng lương từ ngày 1/7”. Các báo cho biết: Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra chiều ngày 5/5, trao đổi với báo chí về nguồn kinh phí thực hiện tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương từ 1/7.

“Cách đây nửa năm tôi có thông tin là cần 60.000 tỉ đồng để cho 6 tháng cuối năm 2023. Hiện nay con số chính xác là hơn 59.000 tỉ đồng. Với số tiền này, chúng tôi đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 12.000 tỉ đồng. Còn 47.000 tỉ đồng khác được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương, trong đó ngân sách địa phương là 27.000 tỉ đồng, ngân sách Trung ương là 20.000 tỉ đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin. Thứ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách về tăng lương và cải cách tiền lương 6 tháng cuối năm 2023.

- Cũng liên quan đến việc điều chỉnh tăng lương hưu, Báo Hà Nội mới (6/5) có tin “Rà soát kỹ nguồn kinh phí dự kiến tăng thêm khi điều chỉnh tăng lương hưu”; Kinh tế & Đô thị (5/5) có tin “Rà soát kinh phí tăng thêm gần 15.000 tỷ đồng tăng lương hưu, trợ cấp”; Quân đội nhân dân (5/5) có tin “Dự chi gần 15.000 tỉ đồng để tăng lương hưu, Bộ Tài chính đề nghị rà soát lại” cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến chi gần 15.000 tỉ đồng để tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7 tới song Bộ Tài chính đề nghị rà soát lại.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng năm 2023, Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh tăng lương đối với một số nhóm đối tượng là cần thiết. Tuy nhiên, về kinh phí tăng thêm, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát lại cho kỹ lưỡng hơn…

Bởi dưới góc độ chuyên môn, sau khi rà soát, Bộ Tài chính dự kiến kinh phí tăng thêm khi thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng là 12.658 tỷ đồng, trong đó nguồn NSNN khoảng 2.983 tỷ đồng, nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 9.675 tỷ đồng.

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

   3. Người lao động (6/5) có tin “Giảm phí, lệ phí để tiếp sức DN”; Hà Nội mới (6/5) có tin “Bộ Tài chính lấy ý kiến về đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí” cho biết: Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành về rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành khẩn trương đánh giá tình hình thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lệ phí thuộc lĩnh vực quản lý; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư theo quy định.

Đề xuất của Bộ Tài chính nhận được đồng tình cao của cộng đồng DN và người dân. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh góp ý Bộ Tài chính, các bộ ngành cần rà soát, lấy ý kiến thực tế DN, người dân để giảm các loại phí, lệ phí có sự tác động lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, như vậy chính sách hỗ trợ mới mang lại hiệu quả lớn.

4. Tuổi trẻ (6/5) có các tin “Cơ hội lớn để kích sức mua”, “Nên giảm VAT đến hết 2024”; Tiền phong (8/5) có bài “DN, người dân ngóng giảm thuế VAT” cho biết: Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ chấp thuận đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Người dân và DN ngóng chờ chính sách giảm 2% thuế VAT bởi số tiền thuế này sẽ trực tiếp góp phần giảm giá bán hàng hóa, một phần giảm chi phí kinh doanh.

Gửi góp ý tới Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị quyết của QH về giảm thuế VAT, VCCI hoàn toàn đồng tình với việc giảm 2% thuế VAT. Cùng với đó, VCCI ủng hộ phương án giảm thuế đối với toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH) cho rằng, khi xây dựng chính sách liên quan đến miễn, giảm thuế cần xác định tránh giật cục và phải “tính trước, lường sau tương đối lâu dài”. Với giai đoạn hiện nay đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% đảm bảo tính tương đối ổn định. Đồng thời đảm bảo thu ngân sách không bị giảm quá lớn trong bối cảnh thu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu có thể áp dụng cho hết năm 2023 và trong trường hợp lượng sức được thì kéo dài thêm một thời gian nữa sang năm 2024.

5. Báo Công an nhân dân (6/5) có tin “Phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin rao bán hóa đơn trên mạng”, daidoanket.vn (8/5) có bài “Ngăn chặn rao bán hóa đơn điện tử trên mạng”, baophapluat.vn (7/5) có bài “Tăng cường phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin rao bán HĐĐT trên không gian mạng”. Các báo cho biết: Tổng cục Thuế vừa có Công văn 1448/TCT-TTHT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị phối hợp ngăn chặn, xử lý các thông tin rao bán hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên không gian mạng. Đây là biện pháp phối hợp cần thiết trước tình trạng tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng không gian mạng xã hội đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn GTGT gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TTTT cho biết, Cục đã nhận được văn bản đề nghị của Tổng cục Thuế. Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung không phải là biện pháp tối ưu, không xử lý triệt để tình trạng vi phạm bởi với mạng xã hội dễ lập tài khoản như hiện nay thì gỡ trang này sẽ xuất hiện trang khác. Quan trọng là phải xử lý tận gốc vấn đề, tức là xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm, khi đó mới có tính răn đe, cảnh báo.

6. Báo Nhân dân (5/5) đưa tin “Điều tra đường dây mua, bán hóa đơn khống hàng chục nghìn tỷ đồng”, báo Tiền phong (5/5) có tin “Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn hàng nghìn tỷ ở TPHCM”, báo Vnexpress (5/5) có tin “Đường dây mua bán hoá đơn khống hàng chục nghìn tỷ đồng”, báo Tuổi trẻ (5/5) có tin “Công an TP.HCM phá đường dây mua bán hóa đơn khống hàng chục ngàn tỉ đồng”, báo Công lý (8/5) đưa tin “Phá đường dây mua bán hóa đơn “khống” hàng chục nghìn tỷ đồng” và nhiều báo khác đưa tin cho biết: Ngày 5/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã khởi tố một số bị can để điều tra về hành vi “in, phát hành, mua, bán trái phép hóa đơn” xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện đường dây mua, bán hóa đơn quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thông qua hình thức thành lập công ty “ma”, các đối tượng lên mạng tìm khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn rồi tiến hành mua, bán. Mức hưởng chênh lệch trên mỗi hóa đơn dao động từ 1,5%-2% trị giá hóa đơn chưa thuế. Thông tin ban đầu, hàng chục công ty “ma” do các đối tượng thành lập đã xuất khống hơn 20 nghìn tờ hóa đơn giá trị gia tăng cho gần 4 nghìn công ty khác nhau tại nhiều tỉnh, thành phố, trị giá ghi trên hóa đơn khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp điều tra vụ việc.

7. Thanh niên (6/5) có bài “Vẫn tranh cãi đánh thuế lũy tiến bất động sản” cho biết: Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến toàn dân, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022). Trong đó, vấn đề đánh thuế lũy tiến bất động sản vẫn nhận nhiều sự quan tâm.

Nhìn lại “lịch sử”, việc đánh thuế bất động sản (BĐS) luôn gặp nhiều tranh cãi mỗi lần đưa ra. Theo Bộ Tài chính, giá trị nhà ở, đất ở có sự chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế đối với nhà, đất ở thứ hai thì sẽ có trường hợp nhà, đất có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế và nhà, đất có giá trị lớn lại không thuộc đối tượng chịu thuế. Việc đánh thuế đối với nhà ở, đất ở thứ hai trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê, chưa phù hợp với chủ trương của nhà nước về phát triển nhà ở. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc bỏ nội dung này trong dự thảo Nghị quyết 54 của TP.HCM.

Một số chuyên gia cho rằng đánh thuế cần công bằng, cần có tiêu chí để xác định thời điểm nào, đối tượng nào, trường hợp nào sẽ bị đánh thuế BĐS thứ hai. Bởi thực tế vẫn luôn phát sinh tình trạng vợ chồng sở hữu 2 - 3 BĐS đứng tên giùm cho con cái, sau này con trưởng thành sẽ sang tên. Hoặc trường hợp trước đây ông bà có một căn nhà lớn xong lại chia ra thành 2 căn nhà nhỏ thì người đứng tên cả 2 căn nhà này có được xem là đối tượng bị đánh thuế BĐS thứ hai hay không cũng cần phải dựa vào những tiêu chí cụ thể.

8. Công Lý (5/5) có bài “Giải pháp thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu” cho biết: Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là phương cách tốt nhất để ứng phó với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Thuế suất tối thiểu toàn cầu là một biện pháp, sáng kiến của Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu có sự tham gia của 141 thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương và tích cực tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Đồng thời, kịp thời sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

III. Vấn đề về chứng khoán

9. Báo Pháp luật Việt Nam (8/5) có tin “Xét xử vụ án thao túng chứng khoán, gây thiệt hại 154 tỷ đồng”, plo.vn (7/5) có bài “Mở phiên tòa xử vụ thao túng chứng khoán gây thiệt hại 154 tỉ đồng”, vov.vn (8/5) có bài “Mở phiên tòa xử vụ thao túng chứng khoán gây thiệt hại 154 tỉ đồng”. Các báo cho biết: Hôm nay (8/5), TAND TP Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử bị cáo Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) và Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt - TVB) về tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo cáo trạng, Đỗ Thành Nhân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings, hoạt động kinh doanh chính là xuất nhập khẩu gạo. Từ năm 2020, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu thêm nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm “hệ sinh thái” Louis Holdings. Đỗ Thành Nhân trực tiếp đứng tên đại diện 3 công ty.

Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam sử dụng các tài khoản chứng khoán đăng ký tên người thân, lãnh đạo, nhân viên thân tín trong các công ty của ông Nhân và dùng nguồn tiền của Công ty Quản lý tài sản Trí Việt để giao dịch mua bán, thao túng 2 mã cổ phiếu BII và TGG. Đến ngày 6/10/2021, các bị can kết thúc hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu mã BII, TGG và bán các cổ phiếu này, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 154 tỉ đồng.

10. Báo Sài Gòn Giải phóng (8/5) có tin “Cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 12/5”, Báo điện tử VnExpress (7/5) có bài “Cổ phiếu Vietnam Airlines vào diện kiểm soát” cho biết: Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ bị chuyển diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 12/5. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa ra quyết định này bởi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Hồi cuối tháng 3, Vietnam Airlines cũng từng xin Uỷ ban Chứng khoán, HoSE được chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã không chấp thuận đề nghị này. Theo quy định hiện hành, nếu Vietnam Airlines tiếp tục trễ hẹn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái 45 ngày, cổ phiếu HVN sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

11. Báo Công an nhân dân (6/5) có tin “Tăng cường giám sát giao dịch chứng khoán của người có liên quan” thông tin: Nhằm tăng cường công khai, minh bạch, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động ổn định và bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam yêu cầu các tổ chức niêm yết, đăng kí giao dịch tuân thủ quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đối với giao dịch của người có liên quan theo quy định.

IV. Vấn đề về hải quan

12. Báo Thanh niên (8/5) có tin “Đề nghị hoãn xuất cảnh loạt lãnh đạo công ty xuất nhập khẩu nợ thuế” thông tin: Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) vừa gửi loạt thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc, đại diện pháp luật các công ty xuất nhập khẩu (XNK) tại TP.HCM, lý do không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo thông báo của hải quan.

V. Vấn đề về NSNN

13. Báo Pháp luật Việt Nam (8/5) có tin “Thu ngân sách có xu hướng giảm dần qua các tháng”; An ninh thủ đô (8/5) có tin “Thu ngân sách có xu hướng giảm dần qua các tháng”; Dangcongsan.vn (8/5) có tin “Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 39,8% dự toán”; Nhân dân (6/5) có tin “Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 645,4 nghìn tỷ đồng”; VTV.vn (5/5) có tin “Thu ngân sách nhà nước đạt 39,8% dự toán”; Công Thương (5/5) có tin “Bộ Tài chính: Thu ngân sách nhà nước đạt 39,8% dự toán”; Đấu thầu (6/5) có tin “Thu ngân sách 4 tháng đạt hơn 645 nghìn tỷ đồng”; Vietnamplus (5/5) có tin “Thu ngân sách 4 tháng đạt 645 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán” cho biết: Thu ngân sách nhà nước tháng 4/2023 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán; lũy kế thu 4 tháng đạt ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 42,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 36,3% dự toán).

Bộ Tài chính cho biết, số thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán, trong đó: Thu nội địa ước đạt 40,4% dự toán, thu từ dầu thô ước đạt 52,2% dự toán dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 35,4% dự toán. Tuy nhiên, số thu hằng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,6% dự toán). Trong đó, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022…

14. Hà Nội mới; Quân đội nhân dân (8/5) có tin “Thí điểm sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN cải tạo, nâng cấp công trình” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 71/NĐ-CP ngày 6/5/2023 thống nhất báo cáo UBTVQH, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo UBTVQH, QH theo đúng quy định bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình với QH, UBTVQH và các cơ quan của QH theo đúng quy định.

VI. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

15. Các báo: Tuổi trẻ (6/5) có bài “Vụ gửi tiết kiệm bị hô biến thành bảo hiểm nhân thọ: Không phải trả tiền là xong chuyện”; Sài Gòn giải phóng (7/5) có bài “Bị buộc giữ im lặng, nhiều khách hàng của Manulife bức xúc”; Đại đoàn kết (8/5) có bài “Rối não vì bảo hiểm nhân thọ” cho biết: Ngày 5/5, nhiều khách hàng đã tới gặp đại diện Công ty Bảo hiểm Manulife làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã tham gia tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và được hứa là sẽ được trả lại 100% số tiền đã đóng nhưng phải ký cam kết giữ bí mật tuyệt đối, không khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và cấp quản lý, nhân viên của công ty.

Trong khi đó, một số khách hàng khác chưa đến lịch hẹn với Manulife cho biết sẽ không ký giấy mà khởi kiện công ty bảo hiểm này ra tòa để yêu cầu bồi thường bởi cùng số tiền trên, với mục đích ban đầu là gửi tiết kiệm, sau khoảng thời gian 1-3 năm qua, họ có thể nhận được một khoản lãi tương đối lớn, nhất là không phải lao tâm khổ tứ đi khiếu nại.

Trong một diễn biến khác, cơ quan công an đã thụ lý đơn tố giác của các khách hàng liên quan vụ việc. Các chuyên gia pháp lý cho biết, việc Manulife thỏa thuận trả lại tiền cho khách hàng và khách hàng không tiếp tục tố giác thì các hoạt động tố tụng vẫn diễn ra bình thường.

Một số luật sư, chuyên gia cho rằng, để giải quyết cái gốc của vấn đề, cơ quan có thẩm quyền cần xem lại cơ chế hợp tác độc quyền với các hãng bảo hiểm, nếu thấy bất tương xứng, bình đẳng, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho thị trường, thiệt hại cho người dân thì cần chấn chỉnh, sửa đổi.

16. Báo Đầu tư chứng khoán (8/5) có bài “Bancassurance vẫn là gà đẻ trứng vàng” cho biết: Sau liên tiếp những lùm xùm, những tưởng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sẽ không còn đất sống nhưng với nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm, đây vẫn là con gà đẻ trứng vàng nên tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, bất chấp việc bị quản lý chặt hơn. Được biết, ngay sau khi các vụ việc khiếu nại về chất lượng tư vấn bảo hiểm diễn ra, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện ngay việc tái tư vấn cũng như kiểm tra, rà soát lại quy trình tư vấn, cấp đơn bảo hiểm,… đồng thời đầu tư trang thiết bị phục vụ ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn cho khách hàng theo quy định mới. 

17. Báo Nhân dân (7/5) có bài “Chấn chỉnh việc thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm” đặt vấn đề: Những sự việc liên tiếp liên quan đến bảo hiểm thời gian qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đây cũng là cảnh báo cho hệ thống dịch vụ tư vấn bảo hiểm; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải quyết khiếu nại; sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của người mua bảo hiểm trong việc đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm.

Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh lại việc thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm; khẩn trương rà soát lại tổng thể quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm quy định của pháp luật; kiểm soát các thông tin nêu tại bảng minh họa sản phẩm, tài liệu bán hàng; xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi thông tin này dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm không phù hợp thực tế….

18. Báo Lao động (6/5) có bài “Bộ Tài chính sẽ sớm ban hành hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm”; Đầu tư online (6/5) có bài “Bảo hiểm nhân thọ chững lại, gần 500 kiến nghị gửi về đường dây nóng”; Tiền Phong online (5/5) có tin “Bộ Tài chính xử lý 350 đơn khiếu nại về bảo hiểm nhân thọ”; Tuổi trẻ (6/5) có tin “Phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàng” và nhiều báo khác cho biết: Trong thông tin báo chí thường kỳ ngày 5/5, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính ghi nhận tổng 192 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 299 kiến nghị, phản ánh qua email về lĩnh vực bảo hiểm. Phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Dự thảo Thông tư hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng đại lý bảo hiểm, đặc biệt có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng. Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý. Minh bạch hóa các thông tin về hợp đồng bảo hiểm. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin và các lưu ý quan trọng khác. Đồng thời, rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và thực trạng triển khai bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.

VII. Vấn đề về quản lý giá

19. Báo Đại đoàn kết (8/5) có bài “Bỏ trần giá vé máy bay: Thời điểm nào thích hợp?”, tienphong.vn (6/5) có bài “Doanh nghiệp xin bỏ giá trần vé máy bay, Bộ Tài chính nói Bộ Giao thông tự quyết” thông tin: Bộ Tài chính vừa có Công văn số 168 gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) trả lời kiến nghị của doanh nghiệp hàng không về việc bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng chức năng quản lý Nhà nước về hàng không do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định. Do đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của doanh nghiệp hàng không.

Liên quan đến trần giá vé máy bay, câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi với hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến nên bỏ để thị trường vé máy bay cạnh tranh hơn, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển. Ngược lại có luồng quan điểm yêu cầu giữ trần giá vé máy bay bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.

20. Thanh niên (6/5) có bài “Điện tăng, giá hàng hóa có tăng?”, Người lao động (8/5) có bài “Nỗ lực kìm giữ giá cả hàng hóa, dịch vụ”, Đại đoàn kết (6/5) có bài “Giá điện tăng: Người dân và doanh nghiệp cùng lo” cho biết: Ngày 4/5 vừa qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chính thức áp dụng tăng giá bán lẻ điện bình quân trên toàn hệ thống, mức tăng tương đương 3% so giá điện bình quân áp dụng từ năm 2019 đến ngày 3/5. Cùng ngày, Bộ Công thương công bố biểu giá điện mới tại Quyết định 1062 căn cứ trên giá điện bình quân tăng. Theo đó, ước tính hóa đơn tiền điện của hộ sản xuất sẽ tăng thêm 307.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh, dịch vụ tăng thêm 141.000 đồng/tháng; hộ sử dụng điện sinh hoạt đến 200 kWh/hộ/tháng tăng 11.100 đồng/tháng (hiện có hơn 36% số hộ sử dụng điện sinh hoạt ở mức này); hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng tăng 27.200 đồng/hộ.

Điều lo ngại nhất khi tăng giá điện chính là ảnh hưởng tới lạm phát. Thế nhưng nhìn trên cục diện chung, điều này khó xảy ra. Đầu tiên là giá các mặt hàng nhiên liệu khác đang giảm mạnh so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng tăng 3% là mức tăng khá thấp vì chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, còn mua điện từ nhà máy tua bin khí tăng 11,3%, rõ ràng bình quân giá điện đã tăng cao hơn mức 3%. Tuy nhiên, ông Thỏa thừa nhận việc điều chỉnh giá đầu vào lúc này dù ít hay nhiều cũng có tác động nhất định. Lo ngại nhất là một số hàng hóa âm thầm tăng giá theo. Thế nên, một mặt giữ ổn định vĩ mô, mặt khác, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Phải kiểm soát, bình ổn giá, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ đang sử dụng điện nhiều, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

VIII. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

21. Thời báo ngân hàng (8/5) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi trong thận trọng” cho biết: Thị trường TPDN sau khi phục hồi mạnh trong tháng 3 với giá trị phát hành mới tăng gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước thì đã chững lại trong tháng 4. Các chuyên gia nhận định, xu hướng phục hồi của thị trường trong vài tháng tới có thể chưa thực sự rõ nét, xen giữa những tháng có giá trị phát hành tăng tốc mạnh, sẽ có tháng thị trường lại rơi vào trạng thái trầm lắng, nghe ngóng tâm lý nhà đầu tư.

IX. Vấn đề khác

22. Báo Sài Gòn giải phóng (7/5) có tin “Công ty Xổ số Bình Dương chấn chỉnh việc phát hành vé số in sai sự kiện lịch sử”; Tiền phong online (6/5) có bài “Công ty xổ số Bình Dương xin lỗi vì in sai thông tin lịch sử trên vé số”; Zingnews (7/5) có bài “Công ty xổ số Bình Dương phát hành vé số in sai sự kiện lịch sử”; VOV.vn (6/5) có bài “Công ty xổ số Bình Dương phát hành vé số in sai sự kiện lịch sử” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 6/5, Công ty TNHH MTV XSKT Bình Dương có văn bản về việc in sai thông tin sự kiện lịch sử trong kỳ vé 06K18, mở ngày 5/5/2023. Lãnh đạo Công ty XSKT Bình Dương thừa nhận lỗi in sai và đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc thiếu sự phối hợp, kiểm duyệt với quy trình của đơn vị in và đề nghị chấn chỉnh lại quy trình tạo mẫu thiết kế và duyệt mẫu in vé số. Mặc dù sự kiện lịch sử bị in sai nhưng các kỹ thuật khác vẫn đảm bảo nên vé số vẫn có giá trị lĩnh thưởng.

Trước đó, ngày 5/5, công ty này phát hành khoảng 12 triệu tờ vé số với chủ đề và nội dung tuyên truyền là “Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023) nhưng bị nhầm lẫn nội dung là “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” trong khi đây là 2 sự kiện hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân được xác định là do trong quy trình tạo mẫu thiết kế và duyệt mẫu in vé số truyền thông tại công ty in Bình Dương có sai sót, chưa kiểm soát kỹ nội dung trước khi duyệt mẫu.

23. Thanh niên (6/5) có bài “Tài nguyên bị bỏ phí vì vướng thủ tục” cho biết: Hơn 77 m3 gỗ tang vật trong một vụ án phá rừng xảy ra cách đây khoảng 10 năm vẫn nằm ở bìa rừng thuộc tiểu khu 278, xã Đăk Rơ Nga (H.Đăk Tô, Kon Tum). Do phơi nắng mưa nhiều năm, số gỗ này dần bị mục nát, nhiều khúc gần như đã hư hỏng hoàn toàn. Điều đáng nói là đến nay lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum vẫn lúng túng trong việc xử lý số gỗ tang vật này.

Trước sự việc này, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi 2 bộ NN-PTNT và Tài chính xin ý kiến hướng dẫn trình tự thủ tục khai thác lâm sản nguy cấp, quý hiếm và xử lý hơn 2,2 m3 gỗ trắc đã cưa. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản trả lời và khẳng định việc chủ rừng tự ý cưa gỗ trắc và đưa vào kho bảo quản hơn 2,2 m3 là sai, không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Số gỗ này không thuộc đối tượng được phép khai thác trong khu rừng đặc dụng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00