Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 09/05/2023

Điểm báo ngày 09/05/2023

I. Vấn đề về thuế

1. VTV, Tuổi trẻ (8/5) có bài “Đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT đến cuối năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụ”, Lào Cai (8/5) có bài “Chính thức trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng”, Tiền phong (7/5) có bài “Chính phủ 'chốt' phương án giảm thuế VAT trình Quốc hội” cho biết: Ngày 7/5, Chính phủ đã chính thức có tờ trình gửi Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).  Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội, tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện chính sách này.

Đặc biệt trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, thách thức và biến động khó lường, mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân là sâu rộng khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Thêm nữa, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí và lệ phí, nhưng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 số thu ngân sách cho thấy xu hướng giảm. Lũy kế quý I/2023 chỉ bằng 30,9% dự toán (loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp thì giảm 6% so với cùng kỳ); số thu hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16,4% so với cùng kỳ.

Vì vậy bên cạnh các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, giảm tiền thuê đất, giảm các khoản thu phí, lệ phí, thì giảm thuế VAT như áp dụng cho năm 2022 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Chính phủ là cần thiết.

2. Tuổi trẻ (9/5) có bài “Kích cầu tiêu dùng lấy đà tăng trưởng” cho biết: Theo ghi nhận từ Tổng cục Thống kê và từ thị trường kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến theo hướng tốt lên từ việc kích cầu và sắp tới là giảm thuế giá trị gia tăng hàng hóa.

Các chuyên gia, DN cho rằng phải tận dụng ngay những điều kiện để lấy đà tăng trưởng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã đưa ra các nghị quyết gỡ vướng cho thị trường BĐS; nghị định gỡ vướng cho thị trường TPDN và công điện, thông tư gỡ vướng cho các thị trường. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính ban hành các chính sách về giãn, hoãn thuế và tiền sử dụng đất, giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Đức, việc giảm thuế giá trị gia tăng là một tín hiệu rất tích cực cho DN, người tiêu dùng. Vấn đề là làm sao chính sách này được triển khai nhanh nhất. Từ kinh nghiệm năm ngoái, nếu chính ta áp dụng giảm thuế đồng loạt sẽ giảm gánh nặng chi phí thực thi cho DN rất nhiều khi không phải mất thời gian để phân loại các mặt hàng.

3. Báo Hà Nội mới (9/5) có tin “Ngăn chặn gian lận hóa đơn điện tử” cho biết: Tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp gây thất thu ngân sách nhà nước, làm mất sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử phục vụ các đối tượng nộp thuế trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Đến nay, ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 4 tỷ hóa đơn điện tử.

Để ngăn chặn tình trạng trên, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Công điện số 01/CĐ-BTC về tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Tổng cục Thuế cũng vừa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các website có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng.

4. Báo Tiền Phong (9/5) có tin “Xóa nợ thuế cho doanh nghiệp, người dân: Làm sao đúng, trúng đối tượng khó khăn?” cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, đến nay Bộ Tài chính đã khoanh, xóa nợ cho hơn 1 triệu người nộp thuế, với tổng số tiền hơn 37.000 tỷ đồng. Thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết này vào ngày 30/6/2023.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế địa phương xác định đúng đối tượng được xử lý nợ, thu thập, bổ sung, hoàn thiện và lập đầy đủ hồ sơ xử lý nợ. Xử lý khoanh nợ, xóa nợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ đúng quy định. Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao trách nhiệm, gắn trách nhiệm xử lý nợ đến từng cán bộ, công chức trên địa bàn. Quy trình quản lý nợ đã sửa đổi, bổ sung nội dung về phân loại nợ thuế, về hồ sơ phân loại nợ thuế để phù hợp với quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về đăng ký kinh doanh, luật phá sản.

5. Báo Lao động (9/5) có bài “Nhiều băn khoăn đánh thuế bất động sản thứ hai” cho biết: Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi lấy ý kiến toàn dân, đại biểu Quốc hội. Theo đó, có ý kiến nhân dân kiến nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua nhà thứ hai trở lên và theo thời gian bán bất động sản. Đồng thời, đánh phụ phí cao với bất động sản tại khu vực, thành phố trung tâm, nhằm hạn chế đầu cơ, nhà hoặc đất không sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo luật về thuế nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều ý kiến băn khoăn khi phân tích, đánh giá về vấn đề này.

Đã có nhiều chuyên gia đồng tình và khuyến nghị cần nghiên cứu áp dụng thuế bất động sản với nhà thứ hai trở lên, tuy nhiên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để xác định đúng và trúng đối tượng và phải có cơ sở tính thuế hợp lý.

TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới lưu ý, phải có các tiêu chí đánh thuế như quy mô, giá trị địa tô, số lượng để có định hướng được tài sản có bị đánh thuế không và đánh ở mức độ nào.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đánh thuế tài sản sẽ giảm thiểu tình trạng lãng phí đất đai hiện nay. Tuy nhiên, khó xác định đúng đối tượng phải đóng thuế, hạn mức đánh thuế phù hợp. Theo ông Thịnh, nên thu thuế đối với nhà, đất không sử dụng, bỏ hoang mới ngăn chặn được đầu cơ, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.

II. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Pháp luật Việt Nam (9/5) có tin “Ngày đầu xử vụ thao túng thị trường chứng khoán”; Người lao động (9/5) có tin “Chủ tịch Louis Holdings phủ nhận thao túng chứng khoán”; Vietnamplus (8/5) có tin “Nhiều mâu thuẫn trong lời khai vụ thao túng thị trường chứng khoán”; Tiền phong (9/5) có tin “Đối chất tại phiên xử vụ thao túng giá cổ phiếu” cho biết: Sau nửa ngày công bố cáo trạng, chiều 8/5, HĐXX xét hỏi bị cáo Đỗ Thành Nhân (Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings) cùng 7 đồng phạm trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, hưởng lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng. Ông Đỗ Thành Nhân cũng đối chất tại tòa với bị cáo Đỗ Đức Nam (cựu Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt).

Trả lời đầu tiên, bị cáo Đỗ Thành Nhân thừa nhận mọi nội dung cáo buộc truy tố của Viện kiểm sát. Nhân khai đã nhờ nhân viên công ty, người thân lập các tài khoản chứng khoán. Khi có được tài khoản, Nhân giao cho Đỗ Đức Nam (cựu Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) thực hiện các giao dịch khớp lệnh mua bán. Về phần mình, bị cáo Nhân chỉ quyết định giá mua và thời điểm mua tùy thuộc vào giá thị trường lên xuống hàng ngày.

Theo ông Nhân, việc bán hai mã cổ phiếu TGG và BII được Louis Holdings dừng từ tháng 7/2021, song việc mua vào tiếp tục thực hiện đến tháng 10 cùng năm mới chấm dứt. Đối với nguồn tiền phục vụ mua bán, Nhân khai vay từ Công ty Quản lý tài sản Trí Việt, với tài sản đảm bảo chính là cổ phiếu. Với khoản tiền thu lời bất chính hơn 154 tỷ đồng bị quy kết trong cáo trạng, Nhân cho biết, đã trả lãi hơn 14 tỷ đồng cho Công ty Quản lý tài sản Trí Việt và chi hoa hồng cho các đồng phạm trong vụ án, trong đó, chi cho nhóm Đỗ Đức Nam 3 tỷ đồng.

Trong khi, bị cáo Đỗ Đức Nam được gọi lên bục khai báo đã trả lời quanh co. Ông ta phủ nhận cá nhân mình và Công ty Chứng khoán Trí Việt tham gia mua bán, quản lý các tài khoản chứng khoán do Đỗ Thành Nhân chuyển tới.

- Liên quan đến nội dung này, Người lao động (9/5) có tin “Ngăn chiêu “lùa gà” trên sàn chứng khoán” cho biết: Sáng 8/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, mã chứng khoán TGG) và 7 đồng phạm thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng thông qua hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK). Đây được xem là một vụ “thổi giá, đẩy giá” chứng khoán hay còn gọi là “lùa gà” điển hình từng bị phát hiện tại thị trường Việt Nam. Những nhà đầu tư không có kinh nghiệm rất dễ “sập bẫy”, tiếp tay cùng các đội, nhóm “thổi giá” cổ phiếu.

Một chuyên gia chứng khoán khá nổi tiếng trên thị trường nhiều năm qua cho biết nhà đầu tư cá nhân thường rất dễ bị “hội chứng đám đông” và thích tham gia các hội, nhóm kín để tìm hiểu thông tin “mật” hay được “phím” mã cổ phiếu sắp tăng giá. Họ rất dễ bị dẫn dắt và làm theo nên cũng dễ “rước họa vào thân”. Các “đội lái” hay các nhóm thao túng cổ phiếu thường lợi dụng đặc tính này của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để tung chiêu trò “lùa gà”.

Ngoài ra, chuyên gia này còn chỉ ra chiêu “lùa gà” tinh vi hơn nữa là tình trạng thổi phồng dự án để đẩy giá cổ phiếu. Dự án không quá tốt nhưng DN và các “đội lái” không ngừng “bơm” thông tin tích cực để thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu, đẩy giá, trong khi đó họ âm thầm bán ra, người mua sau rất dễ thiệt hại.

7. Diễn đàn doanh nghiệp (9/5) có bài “Nhận diện “bẫy” thao túng chứng khoán” thông tin: Mặc dù pháp luật đã có quy định khá rõ ràng và đầy đủ các hành vi thao túng chứng khoán, tuy nhiên, nạn thao túng giá chứng khoán vẫn vô cùng nhức nhối thời gian qua…Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và liên danh với Diễn đàn doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, để ngăn chặn thao túng cổ phiếu cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía. Với các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư về nguồn lực, tăng cường hạ tầng công nghệ kỹ thuật, nhất là nguồn nhân lực, phải nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động đấu tranh những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, thao túng chứng khoán nói riêng; Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên với các cơ quan chủ thể, Bộ Tài chính, các công ty chứng khoán, các chuyên gia tài chính có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ cho công tác điều tra truy vết để kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

8. Báo Sài Gòn Giải phóng (9/5) có tin “VN-Index tăng gần 14 điểm” cho biết: Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 8/5 tăng mạnh với số cổ phiếu tăng trên sàn gần gấp đôi số cổ phiếu giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng tăng ấn tượng. Nhóm cổ phiếu điện và năng lượng cũng tăng. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,13 điểm (1,26%), lên 1.053 điểm. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 3,12 điểm (1,5%), lên 210,92 điểm.

III. Vấn đề về hải quan

9. Thanh niên (9/5) có tin “Tìm chủ nhân 260 container hàng tồn tại cảng Cát Lái” cho biết: Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1, hiện có 260 container và 32 kiện hàng rời nhập khẩu quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu, đang lưu giữ tại các địa điểm thuộc Tân Cảng - Cát Lái, Tân Cảng - Phú Hữu, Cảng SP-ITC chưa được làm thủ tục nhận hàng. Nếu quá thời hạn theo quy định, không có người đến làm thủ tục hải quan, Chi cục sẽ xử lý các bước tiếp theo quy định pháp luật.

IV. Vấn đề về bảo hiểm

10. Báo Lao động (9/5) có bài “Bổ sung quy định về vi phạm bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng” cho biết: Cơ quan chức năng đang rà soát, bổ sung quy định về các hành vi vi phạm bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2023. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm để chấn chỉnh thị trường trong năm nay.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng biến tướng mua bán bảo hiểm như vừa qua: thị trường chứng khoán, tài chính gặp khó trong khi bảo hiểm đem phí đi đầu tư; pháp luật chưa nghiêm với cả bên mua và bên bán, chất lượng tư vấn viên bảo hiểm chưa tốt, hợp đồng liên kết đầu tư chiếm đến 85%...

Theo ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên chuyên ngành bảo hiểm (Đại học Kinh tế TP HCM), vai trò của cơ quan nhà nước trong vấn đề xử lý khủng hoảng của ngành bảo hiểm hiện nay rất quan trọng. Cơ quan chức năng cần đưa ra những hướng dẫn, quy định, khung pháp lý rõ ràng, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm để chấn chỉnh thị trường.

V. Vấn đề về quản lý giá

11. Đại đoàn kết (9/5) có bài “Kiểm soát lạm phát khi giá điện tăng” cho biết: Theo tính toán, giá điện tăng 3% có thể khiến giá thành sản xuất thép “đội” thêm khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45%, giấy tăng 0,4%... Đây sẽ là áp lực đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chưa kể nỗi lo nhiều mặt hàng sẽ “té nước theo mưa”.

Chia sẻ với báo giới, ông Phan Văn Tứ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay, DN này chi khoảng 2 tỷ đồng tiền điện, có tháng cao điểm là 300 triệu đồng. Trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, giờ có thêm bất kỳ tác động nào làm tăng chi phí sản xuất sẽ đẩy DN vào cảnh khó khăn hơn. Trong đó có việc tăng giá điện.

Dù đã có nhiều thành công trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng với diễn biến giá điện tăng, không thể chủ quan. Từ nay đến cuối năm, theo Bộ Tài chính, còn nhiều yếu tố đan xen làm tăng/giảm áp lực lên mặt bằng giá. Theo đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, như: Giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00