Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/05/2023

Điểm báo ngày 10/05/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Pháp luật Việt Nam (10/5) có bài “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu”, Báo Tiền phong (10/5) có bài “Bộ trưởng KH & ĐT: Nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản”, Báo Tuổi trẻ (10/5) có bài “Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, Báo Đại đoàn kết (10/5) có bài “Khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, sợ sai”, Báo Lao động (10/5) có bài “Đánh giá sát thị trường tài chính, bất động sản để có kịch bản ứng phó”, dangcongsan.vn (9/5) có bài “Kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” và nhiều báo đưa tin, bài cho biết: Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị báo cáo cần đánh giá thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Đầu năm 2023, báo cáo đánh giá là có chuyển biến tích cực trong trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Phương, qua khảo sát, làm việc với các đơn vị, dòng tiền vẫn còn bị nghẽn ở đâu đó. Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng, là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại, từ đó đánh giá cho đúng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền khi điều hành tín dụng “lúc thả nhanh, lúc siết lại”. Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không làm vì sợ sai cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần bổ sung vào báo cáo, làm rõ nơi nào tiến bộ, nơi nào đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm thì phải xử lý.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như: Phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng của một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai.

II. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Bình Định

2. BNews (TTXVN) (9/5) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nhiều chính sách tài khóa gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”; Đại biểu nhân dân (9/5) có bài “Kiên định mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”; Kinh tế đô thị (9/5) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”; Cổng TTĐT Quốc hội đưa tin “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN”; Điện tử Đảng cộng sản có bài “Kiên định mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN” cho biết: Trong 2 ngày (8-9/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh và huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thay mặt đoàn ĐBQH, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của cử tri, tổng hợp các kiến nghị cử tri để gửi đến Quốc hội và các cấp, các ngành có liên quan.

Thông tin đến cử tri huyện Phù Mỹ, Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách tài khóa nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng khẳng định: “Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, do đó, mong các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp có mạnh, thì kinh tế mới tăng trưởng và từ đó góp phần tăng thu về cho ngân sách nhà nước”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Thực hiện lời hứa của mình, thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát, xem xét, nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

III. Vấn đề về thuế

3. Báo Đại biểu nhân dân (10/5) có tin “Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng 4 của Bộ Tài chính đạt hơn 139 nghìn tỷ đồng”, báo Hà Nội mới (10/5) có tin “Đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 56,32 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp (10/5) có tin “Hơn 56 nghìn tỷ đồng miễn, giảm, gia hạn thuế, phí trong 4 tháng”, báo Công lý (9/5) có tin “Tiếp tục miễn giảm thuế phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4, Bộ tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.  Theo đó, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 4 khoảng 56,32 nghìn tỷ đồng; trong đó, miễn, giảm khoảng 18,32 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Về thu ngân sách, lũy kế thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số thu nội địa 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán, nhưng số thu hằng tháng có xu hướng giảm. Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của ngân hàng nhà nước, số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022.

IV. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Người lao động (10/5) có bài “Ngăn chiêu “lùa gà” trên sàn chứng khoán: Minh bạch để nâng hạng thị trường” cho biết: Quy định về minh bạch và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã có từ lâu song thị trường vẫn chứng kiến hàng loạt sai phạm, đòi hỏi chế tài quản lý chặt chẽ, có tính răn đe cao hơn

Theo Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn đang bị các “đội lái” trên thị trường “thao túng tâm lý”. Các công ty chứng khoán cần khuyến nghị nhà đầu tư nên hướng đến đầu tư lâu dài thay vì chuộng “lướt sóng”. Song song đó, cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và các sở giao dịch chứng khoán, cần phối hợp với công ty chứng khoán tăng cường rà soát để phát hiện và xử lý hành vi “lùa gà”, thao túng giá cổ phiếu cũng như cảnh báo sớm cho nhà đầu tư.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho hay, Ủy ban đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế cũng như chủ động đề xuất Bộ Tài chính trao đổi với các bộ, ngành liên quan về việc sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, UBCKNN và các cơ quan quản lý tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường; sửa đổi, bổ sung quy định kịp thời để bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay và trong thời gian tới.

V. Vấn đề về bảo hiểm

5. Báo Thanh niên (10/5) có tin “Phí bảo hiểm vi mô hiện khoảng 100.000 đồng/tháng” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô (Nghị định 21). Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội với mức phí thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Nghị định 21 quy định, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5% thu nhập bình quân đầu người hằng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Số tiền bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người hằng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Nhu vậy, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô khoảng 100.000 đồng/tháng, số tiền bảo hiểm tối đa là 120 triệu đồng, phù hợp với các sản phẩm bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm.

VI. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Thanh niên (10/5) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm ý kiến việc bỏ giá trần vé máy bay” cho biết: Trong Công văn số 168 vừa gửi Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định “hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”. Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của doanh nghiệp.

Trước đó, khi xây dựng Luật Giá sửa đổi, Cục Quản lý giá nhận được kiến nghị của Hiệp hội hàng không Việt Nam, VietnamAirlines và Bambo Airways đề xuất bỏ quy định khung giá trần nội dịa đối với dịch vụ vận tải hàng không. Đồng thời, kiến nghị quy định việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu.

7. Công an nhân dân (10/5) có bài “Tăng giá điện liệu có làm tăng giá các mặt hàng khác?” cho biết: Ở góc độ người tiêu dùng, nhiều gia đình cũng băn khoăn khi mà đúng thời điểm nắng nóng giá điện tăng 3%. Mặc dù mức tăng giá điện không cao, không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng CPI nhưng nhiều người dân lo ngại việc tăng giá điện sẽ gây ra hiện tượng “té nước theo mưa”.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giá điện tăng 3% là mức khiêm tốn. Việc tăng giá điện gây sức ép để DN và hộ gia đình tiết kiệm điện. Cùng với đó, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại Nam Trung bộ.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Trước hết là yêu cầu tất cả DN đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của DN khi giá điện tăng 3%, tránh tình trạng điện tăng 3% thì DN cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn. Đồng thời cần có giải pháp tránh lợi dụng việc tăng giá điện để lôi kéo các mặt hàng ở thị trường, chợ dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…

VII. Vấn đề về DNNN

8. VTV (9/5) có bài “Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm 3 dự án thua lỗ trong tháng 5/2023”, Chinhphu.vn, Quân đội nhân dân, Dân trí, Thời báo ngân hàng (9, 10/5) có tin “Đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước”, Sài gòn giải phóng, Pháp luật Việt Nam (10/5) có bài “Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ trong tháng 5” cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023 kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của Ủy ban theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1200/VPCP-ĐMDN ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, trong đó, phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dự án Luật sửa đổi căn bản, toàn diện Luật số 69/2014/QH13 theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 2738/VPCP-PL ngày 21/4/2023; phấn đấu trình Quốc hội thông qua và ban hành tại kỳ họp tháng 10/2023.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00