Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 11/05/2023

Điểm báo ngày 11/05/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Người lao động (11/5) có bài “Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm”, Báo Nhân dân (11/5) có bài “Đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống nhân dân”, baotintuc.vn (10/5) có bài “Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm”, Báo Thanh niên (11/5) có bài “Người dân lo rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, bảo hiểm”, vtv.vn (10/5) có bài “Phòng chống, khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm”. Các báo cho biết: Sáng 10/5, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng. Nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm…, tuy đã được các cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của khách hàng nhưng cử tri và nhân dân vẫn chưa thực sự yên tâm.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Một số đại biểu nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc hệ trọng, liên quan tổ chức bộ máy, con người. Hiện nay, có nhiều ý kiến đề nghị việc sắp xếp cần được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, vì vậy, để bảo đảm chất lượng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm.

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

2. Tuổi trẻ (11/5) có bài “Giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân” cho biết: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Nhiều người đồng tình bởi trong bối cảnh khó khăn, với nhiều người, phần đóng thuế TNCN đang là gánh nặng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phương thức hỗ trợ kịp thời khi các chỉ số kinh tế, thu nhập của người dân, người lao động gặp khó khăn. Hiện nay mức quy định giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng, mức tăng lên cụ thể cần chờ Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán cho phù hợp. Khi có con số đưa sang, Ủy ban chúng tôi sẽ có đánh giá về căn cứ, có xác đáng hay không.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tú, Chuyên gia thuế cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần được nâng lên 20 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 10 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

3. Tiền Phong (11/5) có bài “Khi người dân thắt chặt hầu bao” cho biết: Kết quả khảo sát mức sống của Tổng cục Thống kê cho thấy, người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh ngày càng nhiều người mất việc, bị cắt giảm giờ làm; thu nhập của lao động ở nhiều địa phương đang ở mức thấp đến khó tin. Ngay cả nhóm người giàu, mức độ chi tiêu cũng suy giảm rất mạnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, sức mua giảm sút, cơ cấu chi tiêu thay đổi khi thu nhập từ sản xuất không được cải thiện, giá hàng hoá và dịch vụ vẫn cao so với mức thu nhập của dân.

Theo đó, nửa cuối năm 2023, việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, giúp tăng tổng cầu và tạo tác động lan tỏa rất lớn. Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

4. Báo Thanh niên (11/5) có tin “Hơn 50 triệu lượt giao dịch trên sàn thương mại điện tử”; An ninh Thủ đô online (11/5) có tin “Google, Tik Tok,Meta, Netflix... đã nộp hơn 7.250 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, có 304 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin qua Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước với 146.967 cá nhân và 31.635 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn. Các cá nhân, tổ chức thực hiện hơn 50,2 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.231 tỷ đồng.

Đã có 52 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử với số thu lũy kế từ khi vận hành cổng đến nay, đạt trên 7.250 tỷ đồng, trong đó, số thu trong năm 2023 là 3.772 tỷ đồng.

5. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (10/5) có tin “Tái đề xuất thuế nhà thứ 2” cho biết: Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 5 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tại dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cập nhật lần 3 mà Bộ KH&ĐT cho ý kiến để trình Chính phủ, thay cho các phương án mà TPHCM đề xuất về thu thuế nhà, đất thứ 2, TPHCM đề xuất tăng thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp với đất ở không quá 5 lần thu hiện hành; tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên, nhưng không quá 2 lần hiện hành.

Thực tế, nội dung đề xuất đánh thuế nhà, đất thứ 2 vẫn gây nhiều tranh cãi. Một chuyên gia cho rằng, phương án đánh thuế nhà ở thứ 2 của Bộ Tài chính là “khó đảm bảo công bằng xã hội, không đáp ứng được mục tiêu ban hành của chính sách thuế là nhằm điều tiết hợp lý thu nhập của một bộ phận tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất có giá trị lớn hoặc có nhiều nhà, đất; thậm chí là chưa phù hợp với chủ trương của nhà nước về phát triển nhà ở, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Theo đó, một cơ chế đặc thù, thông thoáng, riêng biệt cho TPHCM để đảm bảo thực sự thí điểm, vượt trội là rất cần thiết, song cơ chế đó cũng không nên chồng chéo hoặc bất công bằng so với áp chính sách chung, tránh tình trạng thuế chồng thuế.

6. Báo Thanh niên (11/5) có tin “Đề xuất thu phí 9 tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư” cho biết: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các Bộ liên quan xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc với 9 tuyến do nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ thực hiện thí điểm theo cơ chế phí.

Trong các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư này, đến nay đã có 4 dự án đã khai thác, 5 dự án sẽ hoàn thành trước năm 2025. Bộ GTVT muốn thực hiện thí điểm thu phí trong 5 năm với các dự án này (từ khi phương án được Quốc hội thông qua), áp dụng đến khi có pháp luật về thu phí đường cao tốc. Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân và điều kiện khai thác, kinh tế xã hội của từng khu vực. Các tuyến cao tốc sẽ thu phí tự động không dừng, liên thông giữa các dự án do nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức sẽ nộp trực tiếp vào NSTW hoặc NSĐP theo phương án đầu tư khai thác.

Do việc thu phí các tuyến cao tốc nhà nước đầu tư chưa có tiền lệ, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn, tuyến đường bộ cao tốc. Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế thí điểm được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

III. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (10/5) có bài “Khung pháp lý cho “đấu giá cổ phiếu”” cho biết: Theo Luật sư Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Cty Luật TNHH Hà Việt, các cuộc bán đấu giá cổ phiếu đối với phần vốn của Nhà nước thì lợi ích của Nhà nước, cổ đông luôn được quy định rất chặt chẽ nhằm nhạn chế tối đa những xung đột về mặt lợi ích có thể xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy chế cụ thể quy định về việc đấu giá chào bán ra công chúng dành cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, mặc dù đây là những công ty mang lại lợi ích cho công chúng, nhà đầu tư. Để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và uy tín của tổ chức niêm yết trên thị trường… cần xây dựng khung pháp lý cho hoạt động “đấu giá cổ phiếu”.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Lao động (11/5) có bài “DN có trách nhiệm đến cùng thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư” cho biết: Vừa qua, nhiều DN tiếp tục công bố thông tin bất thường về TPDN với nội dung chậm thanh toán. Cơ quan chức năng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với DN có dư nợ TPDN đến hạn lớn, yêu cầu các DN có trách nhiệm đến cùng thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho NĐT.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ TCNH (Bộ Tài chính), thị trường TPDN còn có một số yếu tố nội tại cần khắc phục về cơ cấu và chất lượng NĐT; có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật DN để phát hành TPDN với khối lượng lớn. Vì vậy cần thúc đẩy hoạt động của các NĐT tổ chức, giảm NĐT cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của một số DN phát hành. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường, nâng tính thanh khoản và nâng cao hiệu quả giám sát để minh bạch thị trường và sẽ thực thi các biện pháp để các DN nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, chủ động cung cấp thông tin cho NĐT, làm việc trực tiếp với DN có dư nợ TPDN đến hạn lớn.

9. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (10/5) có bài “Giãn kỳ thanh toán trái phiếu” cho biết: Trước áp lực trái phiếu đến kỳ đáo hạn khối lượng lớn, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận đàm phán chịu lãi suất cao với trái chủ để giãn kỳ thanh toán trái phiếu. So với mặt bằng lãi suất thời kỳ TPDN bùng nổ, thì mức lãi suất mà các trái chủ được hưởng khi gia hạn từ 13%/năm, đang trở nên phổ biến. Mức lãi suất này, nếu so với lãi suất trái phiếu mà các tổ chức vừa phát hành, có độ chênh lệch khá cao.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn đánh giá, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản nói riêng và tình hình thị trường TPDN chưa thực sự khởi sắc, thì mức lãi suất áp dụng cho thời gian gia hạn kỳ hạn thanh toán mà các doanh nghiệp đang thỏa thuận, có thể xem là mức lãi suất phù hợp. Bởi các trái chủ nắm giữ TPDN có thể bị rủi ro khi khả năng thanh toán của tổ chức phát hành gặp vấn đề.

10. Hà Nội mới (11/5) có tin “Phát hành TPDN giảm sâu” cho biết: Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ Sở GDCK Hà Nội và UBCKNN, trong tháng 4/2023, có 1 đợt phát hành TPDN riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng, chỉ bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng 3. Trong tháng 5, tính đến ngày 5/5, chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận.

V. Vấn đề về đầu tư công

11. Báo Đại đoàn kết (11/5) có tin “Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vì sao?” Cho biết: Báo cáo từ Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/3/2023, còn 27/49 bộ, cơ quan trung ương và 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những vướng mắc hiện tại là do “chúng ta tự mình đem đá buộc chân mình”. Hiện nay có 2 vấn đề nằm ở công tác chuẩn bị đầu tư và việc thực hiện đầu tư. “Ví dụ trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là khi có tiền mới được lập dự án đầu tư. Vậy khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án thì 2 năm sau mới giải ngân được” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc.

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Tài chính nêu: “Theo quy định tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các Hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. Việc này không có vấn đề gì khó khăn hết”. Đồng thời, trong công văn gửi các địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00