Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/05/2023

Điểm báo ngày 12/05/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Pháp luật Việt Nam (12/5) có các bài “Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc quy định ban hành bảng giá đất hàng năm”, “Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 đạt gần 54.000 tỷ đồng”, Báo Đại đoàn kết (12/5) có bài “Minh bạch trong thu hồi đất”, Tiền phong (12/5) có các tin, bài “Kiến nghị công khai đơn vị chậm ban hành chương trình tiết kiệm, chống lãng phí”, “Cán bộ tín nhiệm thấp: Nên sớm xin từ chức”, Báo Công an nhân dân (12/5) có bài “Quá nửa phiếu tín nhiệm thấp mà không từ chức, Quốc hội sẽ xem xét”, vtv.vn (11/5) có bài “Tiết kiệm gần 54.000 tỷ đồng kinh phí, vốn Nhà nước trong năm 2022”. Các báo cho biết: Sáng 11/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Trong phiên buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Tuy nhiên thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho rằng, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất, kiến nghị Chính phủ một số nhóm giải pháp. Trong đó, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo. Nghiên cứu, có giải pháp, chính sách mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, các nội dung cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như: Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương....

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Đảng cộng sản (11/5) có tin “Số thu ngân sách của ngành Thuế đạt hơn 42% dự toán”, Vietnamplus (11/5) có tin “Tổng cục Thuế: Chủ động trong điều hành thu ngân sách Nhà nước”, Thời báo ngân hàng (12/5) có tin “Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4”, Vneconomy (11/5) có tin “Bốn tháng, thu ngân sách ngành thuế quản lý đạt gần 580.000 đồng, nhiều địa phương "hụt hơi"” cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng do cơ quan thuế quản lý ước đạt 136.191 tỷ đồng, đạt 9,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 82,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 578.035 tỷ đồng, bằng 42,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhận xét về tổng thể, tiến độ thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2023 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

3. Báo Tiền phong (12/5) có các bài “Doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ nần”, “Gặp khó cần lên tiếng, kiến nghị” cho biết: Nhiều doanh nghiệp trong khó khăn đã tìm đủ cách xoay xở trong vòng xoáy nợ nần, bán những tài sản có thể để trả nợ. Điều đáng nói là, phía mua là tổ chức nước ngoài, nhiều tài sản còn bị bán với giá thấp hơn giá trị thực rất nhiều.

Bài báo lấy dẫn chứng lãnh đạo một tập đoàn giáo dục kể về việc phải xoay xở lo trả nợ khoản trái phiếu DN đã phát hành trước đó. Theo đó, đầu năm 2023, DN đến hạn tất toán trái phiếu nhưng cạn tiền không thể thanh toán. Trong khi đó, trái chủ không đồng ý kéo dài thời hạn thanh toán. Bán rẻ tài sản đảm bảo để trả nợ trái phiếu cũng diễn ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn…

Bài viết “Gặp khó cần lên tiếng, kiến nghị” cho biết: Về giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi đơn hàng suy giảm, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, vấn đề hiện nay là các chính sách hỗ trợ luôn đưa ra rất chậm. Việc giảm thuế VAT 2% thực tế chỉ hỗ trợ người tiêu dùng chứ doanh nghiệp sản xuất ít được lợi. Khi ban hành chính sách hỗ trợ, cũng cần chú ý việc đừng tạo thêm các khó khăn cho doanh nghiệp. Các chính sách thời gian qua ban hành nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải làm rất nhiều giấy tờ. Vì vậy, đôi khi doanh nghiệp không được hưởng.

4. Báo Công lý (12/5) có bài “Giảm thuế VAT là cần thiết” cho biết: Thừa ủy quyền của Thủ tướng, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình gửi Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Đồng thời giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.

Về ngày có hiệu lực thi hành của nghị quyết, Chính phủ đề xuất áp dụng đến hết ngày 31/12/2023. Việc áp dụng chính sách theo thời gian này (dự kiến trong 6 tháng), Chính phủ cho rằng sẽ giảm thu ngân sách khoảng 35.000 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

III. Vấn đề về hải quan

5. Báo Công an nhân dân (12/5) có bài “Nghiêm cấm tiếp tay, bảo kê buôn lậu, gian lận thương mại”, Pháp lut Vit Nam (12/5) có tin “Không đ xy ra bo kê, tiếp tay cho buôn lu, gian ln thương mi” đưa tin về một số nội dung đáng chú ý tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và tổng kết kế hoạch cao điểm chống buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kết quả quý 1/2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2023, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 28.037 vụ vi phạm, trong đó, xử lý vi phạm hành chính 25.617 vụ. Số vụ khởi tố hình sự 163 vụ/193 đối tượng. Tổng thu nộp NSNN là 513,6 tỷ đồng.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương những kết quả, thành tích các Ban Chỉ đạo của Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

IV. Vấn đề về bảo hiểm

6. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (11/5) có bài “Để người mua bảo hiểm có thể bảo vệ quyền lợi của mình” cho biết: Những ngày qua, việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã trở thành vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiều thông tin không tích cực được nêu ra khiến người mua bảo hiểm hoang mang, người chưa mua bảo hiểm thì dè chừng, cảnh giác. Bài viết tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm trong giao kết hợp đồng bảo hiểm; các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm để lưu ý các bên trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.

7. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (11/5) có bài “Phát triển dịch vụ phụ trợ tài chính: trễ còn hơn không” cho biết: Sau những vụ việc nổi cộm thời gian qua liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu bị thao túng, các sàn giao dịch sản phẩm tài chính trực tuyến,… vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính trở nên cấp thiết. Theo tác giả, cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ phụ trợ tài chính. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy vai trò trong việc ban hành các khung tiêu chuẩn hành nghề và cấp giấy phép hành nghề; thành lập các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành; xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

V. Vấn đề về quản lý giá

8. Lao Động, Vnexpress, Thanh niên, Tuổi trẻ, Dân Trí, Zing, VTC, Người lao động, Kinh tế đô thị, Tài nguyên môi trường (11/5) có tin “Giá xăng giảm mạnh 1.300 đồng/lít” cho biết: Từ 15h ngày 11/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III giảm xuống mức 21.000 đồng (giảm 1.320 đồng), xăng E5 RON 92 là 20.130 đồng (giảm 1.300 đồng) một lít. Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, dầu diesel là 17.650 đồng một lít, giảm 600 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 117.970 đồng, giảm 550 đồng, dầu mazut giảm 640 đồng, có giá mới là 14.860 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập 300 đồng mỗi lít với xăng E5, RON 95 và dầu DO, dầu hoả, mazut.

9. Người lao động (12/5) có bài “Nhiều địa phương chưa chọn xong SGK” cho biết Năm học 2023-2024, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục triển khai ở lớp 4,8 và 11. Hiện tại, mới có 37/63 địa phương theo công bố của Bộ GD&ĐT hoàn thành việc chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vấn đề chủ yếu liên quan đến SGK sẽ thay vào năm nay bao gồm các nội dung về việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn, tính giá, thẩm định giá, duyệt giá, in, xuất bản, phát hành…

Bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính cơ bản đã rà soát xong giá SGK lớp 4,8,11 và đang yêu cầu NXB Giáo dục rà soát lại các chi phí và kê khai lại. Từ nay đến ngày 15/5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả SGK để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị các NXB công bố đầu vào sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.

VI. Vấn đề về đầu tư công

10. Báo Đại đoàn kết (12/5) có bài “Khơi thông nguồn lực đầu tư công: Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương” cho biết: Muốn công tác đầu tư công hiệu quả, theo các chuyên gia, việc đầu tiên là phải thắt chặt kỷ cương, kỷ luật ngay từ những khâu đầu. Đồng thời phải có sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng của tất cả các bộ, ban, ngành liên quan.

Trao đổi với Báo Đại đoàn kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng để thúc đẩy giải ngân, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành để thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Theo đó, cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng làm không thực chất.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta phải nhấn mạnh đến việc giao trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành trong việc đảm bảo tiến độ giải ngân. Đặc biệt, thông tin về đầu tư công phải được công khai minh bạch, công bố thường xuyên. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư đối với từng dự án cụ thể.

VII. Vấn đề khác

11. Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, Người lao động (12/5) có bài “Thêm cơ chế đột phá cho TP. Hồ Chí Minh” cho biết: Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mang sứ mệnh vì sự phát triển chung của cả nước, hiện thực hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, giúp TP phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á.

Dự thảo nghị quyết mới có bảy nhóm chính sách lớn với hơn 40 cơ chế, chính sách. Trong đó có hai chính sách kế thừa Nghị quyết 54, năm chính sách vừa kế thừa vừa “nâng cấp” từ Nghị quyết 54, bốn chính sách tương tự các địa phương khác, sáu chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng với 22 cơ chế, chính sách mới hoàn toàn.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00