Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/05/2023

Điểm báo ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 15/05/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Lao động (13/5) có bài “Xử lý dứt điểm các tồn tại trong quản lý, sử dụng ngân sách”; Đại biểu nhân dân (13/5) có bài “Quyết toán ngân sách 2021: Xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại đã kéo dài nhiều năm”; Dangcongsan.vn (12/5) có tin “Siết chặt kỷ luật quản lý ngân sách nhà nước”; Công Thương (15/5) có bài “Quyết toán ngân sách: Xác định lộ rình xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế” cho biết: Thảo luận về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Phiên họp sáng ngày 12/5, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính ngân sách, nhất là khâu lập, thi hành dự toán, đến quyết toán còn chậm, thiếu chính xác, phải điều chỉnh.

Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày. Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; một số bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.

Trên cơ sở Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2021 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.491 tỷ đồng; Bội chi NSNN 214.105 tỷ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách trung ương là 211.702 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng.

Qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách đã kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý vấn đề này. Đặc biệt là những vấn đề như thông tin số liệu chung chung, chưa rõ; nguồn thu ngân sách chưa bền vững, tăng chủ yếu từ nguồn thu từ nhà đất, chứng khoán, bất động sản, dầu khí…

2. Báo Người lao động (15/5) có bài “Quản chặt vốn công” cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Kết quả tổng số cắt giảm chi của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 716,9 tỉ đồng. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước 53.887 tỉ đồng. Trong đó bộ, ngành 9.901 tỉ đồng; các địa phương 38.157 tỉ đồng; các tập đoàn, tổng công ty 5.837 tỉ đồng.

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp...

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỉ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo, khi còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch.

Dành sự quan tâm đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phạm Thúy Chinh cho rằng công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện, từ đó không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng kết quả còn hạn chế, nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng.

Từ thực tiễn trên, qua thẩm tra, Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023; có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

II. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc tại Đồng Nai

3. Công an nhân dân (15/5) có tin “Tổ công tác của Chính phủ làm việc về tháo gỡ khó khăn cho một số địa phương”; VTVnews (14/5) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giải quyết các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”; Nhân dân có tin “Tổ công tác Chính phủ làm việc với 5 địa phương để tháo gỡ khó khăn”; Tin tức (TTXVN) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giải quyết các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”; Kinh tế đô thị (14/5) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với một số tỉnh phía Nam về đầu tư công”; Pháp luật TPHCM (14/5) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các tỉnh tăng cường giải ngân đầu tư công” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 14/5, Tổ công tác số 5 của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã làm việc với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên để đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh đầu tư công, xây dựng hạ tầng.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đầu tư tư nhân và đầu tư công là 2 động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân đang vướng về thủ tục pháp lý ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc vướng về thủ tục đất đai, khiến nhiều nơi nhà đầu tư rơi vào tình cảnh có tiền cũng không đầu tư được. Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tậm trung giải quyết các nút thắt TTHC để đầu tư tư nhân phát triển và tăng cường đầu tư công. Bởi nếu để tắc nghẽn trong đầu tư tư nhân và đầu tư công sẽ dẫn đến tắc nghẽn cả nền kinh tế.

Bộ trưởng cho rằng, các bộ ngành địa phương cùng nhau tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển. Đối với giải ngân vốn đầu tư công, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng qua là quá thấp cần nỗ lực quyết liệt thực hiện các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ trưởng sẽ ghi nhận những vấn đề các tỉnh kiến nghị để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và QH.

4. Cũng liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, báo Đại đoạn kết (13/5) có bài “Khơi thông nguồn lực đầu tư công:Tạo động lực thật sự cho phát triển” cho biết: Để khơi thông dòng vốn đầu tư công, cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết một số giải pháp để tăng giải ngân vốn đầu tư công.

Trao đổi với Báo Đại đoàn kết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chỉ đạo rất sát sao trong thời gian vừa qua. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án đầu tư, trong đó có khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án đầu tư công. Trước những khó khăn và thách thức đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tháo gỡ các nút thắt về cơ chế chính sách, do vậy năm 2023 dự kiến công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ có những bước tiến mạnh hơn so với các năm trước.

III. Vấn đề về thuế

            5. Báo Chính phủ (15/5) có bài “Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2023”, báo Quốc hội (13/5) có bài “Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ có thêm đánh giá tác động khi mở rộng phạm vi điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng”, VTV.vn (15/5) có bài Trình Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% tại kỳ họp thứ 5”, báo Đại đoàn kết (1 5/5) có bài “Giảm thuế, tăng đề kháng cho doanh nghiệp” cho biết: Năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%; giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi nói về đề xuất giảm thuế GTGT cũng cho biết đây là một trong các giải pháp của Chính phủ để giải quyết khó khăn hiện nay. Việc giảm thuế nhằm mục tiêu chính là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế, qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN.

Theo dự kiến của Bộ Tài chính, số thu NSNN giảm khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương với khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Bài báo cũng dẫn ý kiến của nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng cho biết, đang rất mong chờ chính sách này được thực thi.

6. Báo Tiền phong (15/5) có bài “Rầm rộ mua bán hóa đơn điện tử khống” thông tin: Dù ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp chống gian lận thuế, gian lận hóa đơn điện tử nhưng việc rao bán hóa đơn điện tử vẫn đang diễn ra náo nhiệt trên các chợ mạng. Với mức phí từ 3 đến 7% tổng giá trị hóa đơn, chỉ cần cung cấp thông tin, người mua hóa đơn khống với số lượng bao nhiêu cũng có.

Ông Mai Xuân Thành, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đã yêu cầu tất cả các Cục Thuế rà soát thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp trên nền tảng không gian mạng; thu thập thông tin của tổ chức, cá nhân bán trái phép hóa đơn điện tử và xử lý theo quy định.

Tổng cục Thuế đã gửi công văn tới Bộ TT&TT đề nghị phối hợp ngăn chặn, xử lý các thông tin rao bán hóa đơn điện tử trên không gian mạng. “Hành vi đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn vi phạm các quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ

7. Báo Tiền phong (15/5) có bài “Nguy cơ phá sản vì bị “treo” tiền hoàn thuế” cho biết: Nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ, cao su… buộc phải tạm ngừng hoạt động vì không có vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Việc bị “treo” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khiến nhiều DN ở TPHCM rơi vào cảnh khốn đốn, phải kêu cứu khắp nơi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, đã nhiều lần gửi văn bản đến Cục Thuế TPHCM, UBND TPHCM nhưng cũng chưa biết đến khi nào được giải quyết. Trong khi dòng tiền của các DN đang gặp khó, thì tiền hoàn thuế lại bị tắc và chậm gây thêm nhiều áp lực.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, liên quan đến việc chậm hoàn VAT cần xem xét cả hai phía gồm cơ quan thuế và DN. Về phía cơ quan thuế, xuất phát từ thực tế đã có một số vụ gian lận trong hoàn VAT gây thất thoát cho ngân sách nên họ siết chặt quy định hoàn thuế. Bởi nếu làm sai, chính cán bộ thuế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với phía DN, cần làm đến nơi đến chốn, trung thực, tuân thủ đúng quy định. Trường hợp cần xác minh thì DN cố gắng cung cấp đầy đủ nhất cho cơ quan thuế.

Liên quan kiến nghị mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, UBND TPHCM vừa giao Cục Thuế TPHCM thực hiện quyết liệt việc hoàn thuế đúng thời hạn cho DN, trường hợp cần thiết có văn bản kiến nghị Tổng cục Thuế. UBND TPHCM cũng giao Cục Thuế nghiên cứu, xem xét đề nghị miễn giảm thuế trong năm 2023, tiếp tục áp VAT 8% cho tất cả các ngành kinh tế đến hết năm 2023. Xem xét miễn giảm các loại thuế khác như thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…

8. Báo Lao động (13/5) có bài “Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Bộ Tài chính” thông tin: Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh luôn hướng về doanh nghiệp để hỗ trợ. Vì nếu doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế cũng sẽ phát triển. Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là trung tâm của sự phát triển. Nếu doanh nghiệp phát triển sẽ thanh toán nợ được ngân hàng, thanh toán được nợ trái phiếu, tạo công ăn việc làm, nộp thuế được đầy đủ. Như vậy, chính sách tài khóa sẽ ngày một vững mạnh.

9. Báo Lao động (15/5) có bài “Giữ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online”; VnExpress (13/5) có bài “Bộ Tài chính giữ quan điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online”; Vietnamnet (12/5) có bài “Bộ Tài chính quyết áp thuế tiêu thụ đặc biệt game online” cho biết: Mặc dù vấp phải những góp ý trái chiều, trong Dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vừa được Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp, game online vẫn nằm trong danh sách các mặt hàng bị áp thuế TTĐB.

Trước đó, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng cho biết, việc đánh thuế TTĐB đối với game online không thực sự khả thi. Thứ nhất, đối tượng chịu thuế trò chơi điện tử trực tuyến sẽ rất khó để phân biệt với các phần mềm, ứng dụng máy tính khác. Thứ hai, người nộp thuế sẽ bao gồm nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khiến cho việc kê khai và nộp thuế gặp nhiều khó khăn. Nếu không có biện pháp hữu hiệu thì việc đánh thuế này sẽ mang tính “bảo hộ ngược”, chỉ tác động đến các game được phát hành trong nước mà bỏ qua các game nước ngoài có nội dung không được kiểm soát. Thứ ba, doanh thu của ngành game đến từ người dùng và từ quảng cáo. Nếu chỉ đánh thuế đối với doanh thu từ người dùng sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất game miễn phí, vốn được trẻ em chơi nhiều hơn người trưởng thành. Nếu đánh thuế cả với doanh thu quảng cáo thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo và đặc biệt khó khăn khi phân biệt quảng cáo trong nước và nước ngoài.

Theo VCCI, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng của Việt Nam với tầm nhìn trở thành công nghiệp nội dung số mũi nhọn và quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Sẽ rất khó để đạt được tầm nhìn đó nếu chúng ta đánh Thuế TTĐB đối với game online.

10. Báo Nhân dân (15/5) có bài “Cần thêm giải pháp tăng thu NSNN” cho biết: Để thúc đẩy thu nội địa, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch hành động để triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế, giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; triển khai Cổng Thanh toán điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử; triển khai hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử giúp ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về hóa đơn….

Với những giải pháp cụ thể đó, 4 tháng qua, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán; 13/20 khản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Tới nay, đã có gần 3,7 tỷ hóa đơn điện tử được tiếp nhận và xử lý; 13.621 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; có 52 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài với tổng số thu lũy kế đến nay đạt hơn 7.250 tỷ đồng (số thu trong năm 2023 là 3.772 tỷ đồng)….

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

11. Báo Lao động (15/5) có bài “Chịu lãi “cắt cổ” để gia hạn trái phiếu – giải pháp duy nhất còn lại” cho biết: FiinRatings cho biết, tỉ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng với 98 tổ chức phát hành. Giá trị chậm trả lên tới 128.500 tỉ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất. Trước khả năng thanh toán đang yếu dần, nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành trong đầu tháng 3 đã cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận hàng loạt thoả thuận thành công.

Tính riêng trong tháng vừa qua, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê có 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kì hạn trái phiếu với kì hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kì hạn ban đầu.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - CEO nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho rằng, gia hạn trái phiếu là cách duy nhất mà doanh nghiệp hiện nay có thể làm. Bởi nếu tính đến phương án hoán đổi tài sản sẽ không dễ dàng khi chính tài sản lại đang bị chôn chặt tại các ngân hàng. Nếu hoán đổi được thì sẽ không phải mức giá thị trường hiện nay do mức định giá của ngân hàng thời điểm trước rất cao.

Đội ngũ phân tích dự đoán tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành sẽ giảm xuống còn 11% GDP vào cuối năm 2023 (hiện nay đạt gần 15%). Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới sẽ tăng dần, nhưng tốc độ phát hành mới sẽ không phục hồi về mức trước năm 2022. Các doanh nghiệp sẽ ưu tiên điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tích trữ nguồn tiền mặt để trả nợ trái phiếu đáo hạn hoặc gia hạn kì hạn trái phiếu.

12. Báo Pháp luật Việt Nam (15/5) có tin “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng” cho biết: Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận đạt gần 31,7 nghìn tỷ đồng với 7 đợt phát hành công chúng có giá trị 5,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 17% tổng khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 26,14 nghìn tỷ đồng (chiếm 83%). Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49,5 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022).

V. Vấn đề về bảo hiểm

13. Báo Đầu tư chứng khoán (15/5) có bài “Lỗi xử lý khủng hoảng truyền thông bảo hiểm” cho biết: Theo giới phân tích, ngành bảo hiểm nói chung, lĩnh vực nhân thọ nói riêng đang rơi vào khủng hoảng truyền thông lớn chưa từng có trong lịch sử, nhưng cách xử lý còn thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Nhắc lại vụ việc của diễn viên Ngọc Lan livestream, báo này cho biết, khi nhiều cơ quan báo chí đăng tải và nhận nhiều phản hồi trái chiều thì bên bán bảo hiểm là công ty bảo hiểm nhân thọ MVI Life lại không có bất kỳ động thái nào cho đến khi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có công văn đề nghị công ty làm rõ thông tin thì công ty mới có công văn phúc đáp, gửi báo chí các thông tin liên quan. Đến 20/4/2023, MVI life mới chính thức có buổi gặp gỡ khách hàng, báo chí, có lời xin lỗi chính thức khách hàng. Hay vụ lùm xùm bán bảo hiểm tại ngân hàng SCB, sau nhiều tháng gần như im lặng, đối tác bảo hiểm Manulife Việt Nam mới công bố phương hướng giải quyết vấn đề của những khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm Tâm an đầu tư được phân phối qua ngân hàng này. Với những cách xử lý trên, giới chuyên gia cho rằng, dù đáng được ghi nhận song vẫn còn chậm nên để lại nhiều hệ lụy.

Nhiều ý kiến cho rằng, để truyền thông về ngành phức tạp như bảo hiểm, không nên chỉ “xấu che, tốt khoe” mà còn phải thẳng thắn đề cập đến những vấn đề tồn tại trong ngành để tăng cường nhận thức của người dân.

14. Báo Đầu tư chứng khoán (15/5) có bài “Bảo hiểm cần đầu tư nhiều hơn cho truyền thông nhận thức” cho biết chia sẻ của ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA tại Việt Nam (trực thuộc GAMA Global Hoa Kỳ - tổ chức quy tụ các nhà quản lý, lãnh đạo, chuyên gia bảo hiểm hàng đầu trong ngành bảo hiểm Hoa Kỳ và thế giới) về thị trường bảo hiểm.

Theo ông Thắng, với những vấn đề đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, cần phân định rõ trách nhiệm của nơi gây ra vấn đề, chẳng hạn như sự tư vấn không rõ của nhân viên ngân hàng với khách hàng về việc tham gia bảo hiểm nhân thọ hay là tiền gửi tiết kiệm. Các sai phạm luôn cần phải được làm rõ và người làm sai phải chịu trách nhiệm và cụ thể ở đây là cách ngân hàng triển khai hoạt động tư vấn, khai thác bảo hiểm nhân thọ, không thể cứ thế quy chụp cho công ty bảo hiểm nhân thọ. Các chuyên gia bảo hiểm quốc tế cũng gợi ý, bên cạnh phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các chương trình truyền thông nhận thức về các giá trị của bảo hiểm nhân thọ trên diện rộng và cho các đối tượng, từ người dân tới đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm.

15. Báo Đầu tư chứng khoán (15/5) có bài “Bảo hiểm nhân thọ lo giữ khách” cho biết: Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gần như không tăng trong 4 tháng đầu năm 2023, đặc biệt sau những lùm xùm liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thời gian qua đang khiến các doanh nghiệp nhân thọ sốt sắng giữ chân khách hàng hiện hữu. Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ như Generali, Prudential, Manulife,…đã chủ động gửi thư cho khách hàng hiện hữu để trấn an trong bối cảnh niềm tin vào bảo hiểm xuống thấp. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng chủ động đề xuất những giải pháp phù hợp khi khách hàng có những thay đổi quan trọng trong cuộc sống; chủ động cập nhật các thông tin, chính sách mới cho khách hàng; nâng cấp đội ngũ bảo hiểm, tư vấn viên. Đáng chú ý, công tác chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng cũng được tập trung hơn so với trước. Trong 4 tháng qua, các công ty bảo hiểm trên toàn thị trường chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm 2022, riêng khối nhân thọ ước chi trả 16.104 tỷ đồng.

VI. Vấn đề về NSNN

16. Báo Hà Nội mới (15/5) có tin “Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023”; Người lao động (15/5) có tin “Chính thức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng”; Baochinhphu.vn (14/5) có tin “Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023”; Tuổi trẻ (15/5) có tin “Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023”; Tiền phong (14/5) có tin “Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023”; Tin tức (14/5) có tin “Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023” cho biết: Chính phủ vừa ban hành nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.

Về kinh phí thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao.

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí...

VII. Vấn đề về Quản lý giá

17. Đại đoàn kết (13/5) có bài “Hàng hóa có hạ nhiệt theo giá xăng” cho biết: Lo lắng giá điện tăng đã giảm bớt khi giá xăng giảm 3 lần liên tiếp. Người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng giá hàng hóa sẽ hạ nhiệt cùng giá xăng.

Việc giá xăng, dầu liên tiếp giảm là tin vui với người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đối diện nhiều thách thức. Thực tế, giá xăng, dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng các chuyên gia giá cả, thương mại đều tỏ ra khá thận trọng. Nhiều ý kiến cho rằng chưa vội lạc quan về cơ hội mua hàng hóa, dịch vụ giá rẻ nhờ xăng rẻ. Theo đó, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng DN và người dân đang chịu đựng mức giá xăng từ 20.000 - 23.000 đồng/lít, nay giá về 20.000 - 21.000 đồng/lít là thấy “nhẹ nhõm” hơn nhiều. Giá xăng, dầu đã về ngưỡng chấp nhận được của DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức giá này có ổn định hay biến động thì cần chờ thêm thời gian.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giảm giá xăng, dầu là tốt nhưng quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và quản lý chặt hơn về mặt bằng giá tiêu dùng nói chung. Khi giá xăng, dầu lên, giá điện lên các DN mượn cớ đó tăng giá dịch vụ và các mặt hàng tiêu dùng nhưng khi giá xăng, dầu giảm phải tính toán lại để có mức giá tương xứng. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần quan tâm đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác để người tiêu dùng được hưởng lợi.

VIII. Vấn đề về DNNN

18. Báo Đại đoàn kết (15/5) có tin “Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn vẫn chậm” thông tin: Bộ Tài chính cho biết, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn vẫn còn khá chậm. Tính đến gần cuối tháng 4, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 5 doanh nghiệp, thu về gần 180 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/4/2023, đã có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 24 doanh nghiệp thuộc các địa phương.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00