Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 16/05/2023

Điểm báo ngày 16/05/2023

I. Vấn đề về thuế

1. Báo điện tử VnExpress (15/5) có bài “Bộ Tài chính vẫn muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt” thông tin: Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính vẫn đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, trừ sữa và nước dinh dưỡng. Nội dung này nêu trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Điểm mới là Bộ Tài chính sửa khái niệm “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường” theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) sau khi tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp, để áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nêu quan điểm trước đó, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Theo họ nó không giúp giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt. Chưa kể, chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như mía đường, bán lẻ, bao bì.

Với vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Tổ chức y tế thế giới - WHO đã khuyến nghị chính phủ các nước hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua việc đánh thuế vào nước giải khát có đường, để định hướng tiêu dùng.

Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng muốn đưa đại mạch và nước giải khát không cồn vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Vietnamplus.vn (15/5) có bài “Tổng cục thuế triển khai ứng dụng quản lý rủi ro về sử dụng hóa đơn”, vneconomy.vn (15/50 có bài “Ngành thuế xếp hạng người nộp thuế có rủi ro, nâng cấp công nghệ để truy lùng gian lận hoá đơn” cho biết: Ngày 15/5, Tổng cục Thuế tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Trên thực tế, cơ quan thuế phát hiện các vụ việc vi phạm về hóa đơn điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro và Quy trình áp dụng để đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng nâng cấp ứng dụng quản lý rủi ro phân hệ quản lý hóa đơn và chức năng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành thuế kiến nghị cần siết chặt lại quy định thành lập doanh nghiệp mới, như thông tin của cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp cần được kiểm soát. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng cần quản lý thông tin về doanh nghiệp theo quy trình đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ định danh (cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp), bổ sung phiếu lý lịch tư pháp, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh..., để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

II. Vấn đề về hải quan

3. Báo Nhân dân (16/5) có bài “Không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, hàng giả” thông tin: Theo công bố mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta vẫn đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương và hầu hết các tuyến lưu chuyển hàng hóa. Trong quý I năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý hơn 28.000 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã nhấn mạnh, cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Các lực lượng, đơn vị liên quan phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu những lĩnh vực mới có đủ năng lực để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, nhất là với lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, xác lập các chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, mặt hàng, tụ điểm, đường dây, ổ nhóm buôn lậu…

III. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Hà Nội mới (16/5) có bài “Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực” cho biết: Những tháng đầu năm 2023, thị trường chứng khoán trong nước biến động khá quanh co khi chỉ số Vn-Index chủ yếu đi ngang, một số thời điểm có những nhịp tăng - giảm mạnh. Kết thúc quý đầu tiên của năm 2023, chỉ số Vn-Index đóng cửa ở mức 1.064,64 điểm, tăng 5,71% so với phiên cuối năm 2022. Dù thanh khoản sụt giảm mạnh, song có điểm tích cực khi khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trong tháng 1, chuyển sang bán ròng trong tháng 2 rồi quay lại mua ròng trong tháng 3. Sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn của khối ngoại.

Giới chuyên gia kỳ vọng, các chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng, cùng với mặt bằng lãi suất giảm sẽ giúp thị trường sớm diễn biến tích cực và có thể đạt quanh mức 1.200 điểm trong năm nay.

IV. Vấn đề về bảo hiểm

5. Báo Người lao động (16/5) có tin “Khách hàng đòi Manulife hủy gói tâm an đầu tư” cho biết: Sáng 15/5, nhiều khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị nhân viên tư vấn để chuyển thành sản phẩm Tâm an đầu tư của Công ty Bảo hiểm Manulife đã kéo đến trụ sở của Manulife ở quận 7, TP HCM để yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm và đòi lại tiền đã đóng. Những khách hàng này chủ yếu có đơn khiếu nại sau ngày 30/4 mà theo thông báo của Manulife ngày 12/5 là sẽ không giải quyết cho những khách hàng khiếu nại sau ngày 30/4.

Đại diện phía Manulife đã đứng ra tiếp nhận đơn khiếu nại tập thể của những khách hàng này với danh sách lên đến 98 người. Đại diện Manulife cho biết những khách hàng có trong danh sách sẽ đóng băng tạm thời, không cần tiếp tục phải đóng phí nếu đến hạn. Trong biên bản làm việc giữa Manulife với các khách hàng, phía đại diện Manulife sẽ đề xuất lãnh đạo Manulife sửa đổi thông báo ngày 12/5 theo hướng vẫn tiếp tục nhận đơn khiếu nại của khách hàng Tâm an đầu tư để giải quyết. Manulife sẽ xem xét và trả lời chậm nhất là ngày 19/5.

V. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Người lao động (16/5) có tin “Giá cả hàng hóa tương đối ổn định” cho biết: Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 4 tháng đầu năm 2023, giá cả hàng hóa trên thị trường tương đối ổn định. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen. Dù vậy trong năm 2023, việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa nhà nước định giá là một trong các nhiệm vụ phải có phương án chủ động để triển khai phù hợp; đồng thời phải có các giải pháp kiểm soát phù hợp; đồng thời phải có các giải pháp kiểm soát lạm phát tăng cao. Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới và trong nước để có những giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp.

VI. Vấn đề về công sản

7. Báo Người lao động (16/5) có bài “Đấu giá biển số ô tô ra sao?” cho biết: Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo dự thảo, đấu giá biển số ô tô được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên mạng internet. Số tiền bán đấu giá biển số ô tô và số tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương. Đại diện Bộ Công an cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định này góp phần khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho NSNN. Qua đó, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô. Nghị quyết nêu rõ giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá, bước giá là 5 triệu đồng…

VII. Vấn đề về đầu tư công

8. Thanh niên (16/5) có bài “Đầu tư công tăng tốc: Sâu sát đến từng địa phương” cho biết: Giải ngân hết 95% tổng vốn đầu tư công kỷ lục khoảng 700.000 tỉ đồng được giao trong năm 2023 là mục tiêu Chính phủ đặt ra, với kỳ vọng tạo động lực cho nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Tính đến hết tháng 4, cả nước đã giải ngân được 110.633 tỉ đồng, dư địa vốn còn phải giải ngân từ nay đến hết năm 2023 còn hơn 555.000 tỉ đồng (nếu tính mục tiêu 95%). Như vậy, mỗi tháng còn lại trung bình phải giải ngân ít nhất gần 70.000 tỉ đồng. Đây thực sự là bài toán khó cần rất nhiều nỗ lực để hoàn thành.

Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn ngân sách năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung nhiều giải pháp như đẩy mạnh hoạt động 5 tổ công tác; có chế tài xử lý nghiêm khắc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00