Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 29/05/2023

Điểm báo ngày 29/05/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Tiền phong (29/5) có bài “Tồn ngân quỹ 1 triệu tỷ đồng: xót xa trước “Cục máu đông” và “Có tiền mà không tiêu được thì nên để trả nợ” ; Tin tức (28/5) có bài “Tồn 1 triệu tỷ đồng trong kho bạc gây tắc nghẽn cho nền kinh tế”; Người lao động (27/5) có bài “Đại biểu Trần Văn Lâm xót xa khi 1 triệu tỉ đồng gửi ngân hàng mà vẫn phải đi vay”; Dân trí (28/5) có tin “Ngân quỹ tồn hơn 1 triệu tỷ đồng nhưng vẫn phải đi vay 3 triệu tỷ đồng” cho biết: Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, 1 triệu tỷ đồng Kho bạc Nhà nước đang gửi ngân hàng là “hoàn toàn đúng”. Đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Tuy nhiên, do giải ngân vốn đầu tư công “nghẽn”, nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền trên vào Ngân hàng Nhà nước, lãi suất 0,8%/năm.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhận định, đây là một vấn đề nhức nhối với nước ta - một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển, nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý “tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng việc sử dụng vốn đầu tư công phải linh hoạt, hiệu quả trong điều tiết, tránh hiện tượng tay trái đi vay, còn tay phải có tiền nhưng không sử dụng. Nếu có tiền mà không giải ngân được thì nên để trả nợ, giảm chi phí vay. Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội dành thời gian nhiều hơn cho rà soát thể chế, để điều chỉnh vướng mắc.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: Xót xa vì tồn đến 1 triệu tỷ đồng không tiêu được thì đương nhiên ai cũng xót. Một triệu tỷ đồng chậm đưa vào giải ngân coi như chậm phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải cứ muốn đẩy nhanh nguồn tiền lưu thông là cứ thế đưa tiền ra bằng mọi giá, mà cần phải sử dụng hiệu quả.

Để tháo gỡ rào cản vướng mắc, Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng, cần sớm dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công? Rõ ràng, phải đơn giản hoá thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian từng bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán… Mỗi bước rút một chút thủ tục thì thời gian sẽ được đẩy nhanh lên, đơn giản đi. Quốc hội đã có nhiều cố gắng theo hướng này. Các luật đang sửa như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Đất đai…đều hướng tới việc tăng cường quản lý nhưng đơn giản hoá, giảm bớt thủ tục rườm rà không cần thiết.

2. Báo Công an nhân dân (27/5) có bài “Không áp giá sàn, chỉ quy định giá trần đối với sách giáo khoa” cho biết: Để đảm bảo quản lý tốt giá sách giáo khoa (SGK), Bộ GD&ĐT đã đề xuất đưa SGK vào mặt hàng được Nhà nước quản lý giá. Trong dự án Luật giá sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa, các Nhà xuất bản định giá cụ thể.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật giá sửa đổi chiều 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi báo cáo Ủy ban TCNS, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đều đồng thuận không quy định giá sàn SGK, chỉ quy định giá trần, để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh.

Trước đó, mặt hàng này được Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung vào danh mục do Nhà nước định giá và Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương này khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ SGK phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

II. Vấn đề về quản lý thuế

3. VTV.vn (27/5) có tin “Khẩn trương gỡ vướng hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp”; Pháp luật Việt Nam (29/5) có tin “Khẩn trương giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng”; Đấu thầu (28/5) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương hoàn thuế giá trị gia tăng với hồ sơ đủ điều kiện” cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ban hành công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết thực hiện Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế thì cần giải thích, kịp thời thông báo cho người nộp thuế biết một cách công khai, minh bạch.

4. Báo Thanh niên (27/5) có bài “Doanh nghiệp kiệt quệ vì bị “giam” tiền thuế GTGT: Đau đầu chờ xác minh hóa đơn, đối tác” cho biết: Cơ quan thuế không chỉ xác minh hóa đơn của người bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp làm hồ sơ hoàn thuế mà còn xác minh cả hóa đơn của các doanh nghiệp F2, F3 đến Fn. Thời gian xác minh kéo dài khiến doanh nghiệp bị găm vốn vào tiền thuế.

Trong năm 2022, Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) đã liên tục kiến nghị và gửi công văn đến Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh vấn đề không được hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn. Theo thông tin từ hiệp hội, đến nay vẫn còn nhiều DN chưa được hoàn thuế vì cơ quan thuế mỗi nơi hiểu mỗi khác.

Vướng mắc của DN ngành sắn là từ khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 632 ngày 7/3/2022 về việc hoàn thuế GTGT với mặt hàng tinh bột sắn. Theo đó Tổng cục Thuế chỉ đạo nội bộ các cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế. Trong đó yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các DN trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các DN, tổ chức từ Trung Quốc, dẫn đến dừng hoàn tiền thuế GTGT của DN xuất khẩu sắn.

Theo Hiệp hội Sắn VN, hồ sơ được hoàn thuế GTGT xuất khẩu nông sản chỉ gồm giấy đề nghị hoàn thuế; hợp đồng mua bán, gia công; tờ khai hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn. Ðồng thời, DN xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng. Việc xác minh tư cách pháp lý người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của DN. Vì thế, DN không thể xác minh đối tác đó còn tồn tại hay không. Trong khi Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu sắn lớn của VN, chiếm tới 93%. Nghĩa là hầu hết các DN ngành này đều đã đang và đứng trước nguy cơ bị "treo" tiền thuế.

5. Thời báo ngân hàng (29/5) có bài “Mua bán hóa đơn điện tử khống trên mạng xã hội” cho biết: Dù các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm hành vi mua/bán hóa đơn điện tử khống nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại dai dẳng. Đáng chú ý, hành vi này còn diễn ra công khai trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội Facebook, Zalo, có hàng loạt nhóm mua bán hóa đơn với số thành viên lên tới vài chục nghìn người. Người có nhu cầu sẽ phải trả mức phí từ 3 đến 7% tổng giá trị hóa đơn và cung cấp thông tin đã có để có thể sở hữu hóa đơn khống với số lượng “bao nhiêu cũng có”. Cùng với đó, đội ngũ môi giới, cộng tác viên bán hóa đơn điện tử khống cũng có đất để hoạt động bởi thù lao cho hóa đơn có giá trị dưới 1 triệu đồng, được hưởng công 100 nghìn đồng; từ 1-3 triệu đồng là 120 nghìn đồng; từ 3,5-20 triệu đồng tiền công bằng 2,8-3,5% giá trị hóa đơn.

Theo các chuyên gia, hoạt động này diễn ra ngày càng tinh vi xuất phát từ nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử rất lớn. Trong khi đó, công tác quản lý hóa đơn điện tử phức tạp hơn quản lý hóa đơn giấy; các cơ quan chức năng lại chưa đồng bộ được trong quản lý.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có Công điện số 01/CĐ-BTC gửi Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các website có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng…

6. Báo Thanh niên (29/5) có bài “Mệt mỏi hoàn thuế thu nhập cá nhân”; Lao động (27/5) có tin “Mức giảm trừ gia cảnh không đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản” cho biết: Đóng thuế không thiếu một đồng, gánh mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời nhưng đến khi hoàn thuế, nhiều cá nhân phải cực khổ. Không ít người vì bức xúc đã bỏ luôn khoản tiền hợp pháp của mình để đỡ mất thời gian và khỏi “rước bực vào thân”. Các báo trích dẫn ý kiến một số chuyên gia, luật sư, Đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm và Chính đều cho rằng, hồ sơ quyết toán thuế TNCN rất rắc rối. Trong đó, nhiều từ ngữ chuyên môn khó hiểu mà chỉ có những người có chuyên môn trong lĩnh vực này mới có thể làm đúng yêu cầu của cơ quan thuế. Người dân không rành thủ tục phải đi lại nhiều lần để lấy chứng từ, nộp hồ sơ… đây là rào cản với họ.

Sở dĩ thuế TNCN bị phản ánh nhiều vì mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương ở mức thấp, dẫn đến số thuế phải nộp tăng cao. Trong tỷ lệ thu thuế TNCN, người làm công ăn lương đóng hơn 70% thuế. Năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tăng song chưa thỏa đáng ngay tại thời điểm năm 2020. Ngoài ra, quy định cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải đóng thuế TNCN cũng chưa phù hợp.

Còn theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cơ quan thuế cần áp dụng hoàn trước kiểm sau để khuyến khích người nộp thuế tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời cũng tránh quá tải cho cơ quan thuế để tập trung nguồn lực vào việc kiểm tra các hồ sơ có nghi vấn, tăng thêm hiệu quả xử lý công việc.

ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh duy trì từ tháng 7/2020 đã không còn phù hợp, tạo sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Trao đổi bên lề Quốc hội với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, trong chương trình của Quốc hội có sửa 6 Luật thuế, trong đó có Luật Thuế TNCN. Dự kiến, trong nhiệm kỳ này sẽ được sửa đổi. Trong quá trình sửa cũng sẽ lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân để phù hợp với tình hình thực tế.

Các chuyên gia kinh tế cũng phân tích, về biểu thuế, nghiên cứu đánh giá khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến còn cao, chính sách hiện nay chưa đánh thuế lũy tiến với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thuế suất toàn phần với thu nhập từ trúng thưởng còn thấp và chưa có sự tương đồng trong điều chỉnh về mức thuế suất giữa thu nhập của cá nhân và thu nhập của doanh nghiệp.

III. Vấn đề về chính sách thuế

7. Báo Đại đoàn kết (27/5) có bài “Giảm thuế giá trị gia tăng: Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất” cho biết: Trước tình trạng khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, giới chuyên gia cho rằng, cần mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng hoặc kéo dài thời gian giảm thuế cũng như có thể nâng mức giảm thuế lên 4% thay vì 2% như đề xuất.

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của DN, người dân. Trong đó, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách nhà nước.

IV. Vấn đề về đầu tư công

8. Báo Nhân dân (29/5) có bài “Lo chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm 2022. Đáng lưu ý, đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đồng thời cũng là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn đang rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội.

Nguyên nhân chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và phân bổ vốn kế hoạch được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, phần lớn là do yếu tố chủ quan. Đặc biệt, năng lực triển khai ở một số nơi còn yếu, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 4 vẫn còn hơn 65 nghìn tỷ đồng chưa được bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết, chiếm 9,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

V. Vấn đề về tài chính ngân hàng

9. Báo Tuổi trẻ (29/5) có tin “doanh nghiệp đàm phán thành công gần 8.000 tỷ trái phiếu đến hạn”; Baochinhphu (29/5) có tin “Nền kinh tế Việt Nam được 'chèo lái' thế nào trước các cơn sóng lớn” cho biết: Tại tọa đàm về ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 28/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 5/3, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được 26.400 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường.

Ngoài ra, sau Nghị định 08, đã có 16 DN đã đàm phán với các nhà đầu tư để giải quyết khối lượng trái phiếu tổng trị giá gần 8.000 tỉ đồng như Novaland, Hoàng Anh Gia Lai, Hưng Thịnh Land... Nhờ có Nghị định số 08/2023/NĐ-CP mà doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư đã đàm phán việc gia hạn, chuyển đổi thành tài sản... để thị trường phát triển minh bạch, bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế.

10. VnExpress (28/5) có tin “Nghiên cứu các loại hình cá cược mới”; Người lao động (28/5) có tin “Nghiên cứu loại hình cá cược mới đáp ứng tình hình thực tiễn”; Tiền phong (28/5) có tin “Nghiên cứu các loại hình cá cược mới có thể hợp pháp hóa”; Zingnews (28/5) có tin “Nghiên cứu các loại hình cá cược mới”; Dân trí (28/5) có tin “Nghiên cứu hợp pháp hóa một số loại hình cá cược mới”; Vietnamnet (28/5) có tin “Thủ tướng yêu cầu kiểm tra kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá” cho biết: Ngày 27/5, Thủ tướng có Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu sự cần thiết, tính khả thi của việc mở rộng diện được phép tham gia một số loại hình cá cược hợp pháp.

VI. Vấn đề về quản lý công sản

11. Báo Tiền phong (29/5) có bài “Bộ Tài chính đẩy mạnh xử lý “đất vàng” lãng phí” cho biết: Nhiều bộ ngành có hệ thống nhà khách, khu nghỉ dưỡng trải dài trên cả nước. Do thời gian xây dựng đã lâu, đến nay nhiều khu nghỉ dưỡng cũ nát, hoạt động cầm chừng hoặc bỏ hoang lãng phí. Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ ngành, địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Theo đó, chậm nhất ngày 31/5, Bộ ngành, cơ quan trung ương, tỉnh thành phố trên cả nước hoàn thành rà soát cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Từ đó, xác định chính xác số nhà, đất phải sắp xếp lại, kê khai báo cáo, lập và phê duyệt phương án xử lý.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Cục Quản lý công sản đang được Bộ Tài chính giao chuẩn bị báo cáo Chính phủ để có những giải pháp mạnh hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà đất của bộ ngành trung ương.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cơ quan quản lý cần đưa ra cơ chế chung để xử lý hệ thống nhà khách, khu nghỉ dưỡng của cơ quan trung ương. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, có thể xử lý để chuyển thành công ty cổ phần.

VII. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

12. Thời báo ngân hàng (29/5) có tin “Bảo hiểm vi mô kỳ vọng sang trang mới” cho biết: Những quy định mới liên quan đến bảo hiểm vi mô tại Nghị định số 21/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch để phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm phù hợp với người thu nhập thấp.

Theo các chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm, việc luật hóa các quy định về bảo hiểm vi mô sẽ tác động tích cực đến việc nối lại các sản phẩm bảo hiểm phân khúc bình dân, chi phí thấp. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và phân phối các sản phẩm bảo hiểm đặc thù với chi phí rẻ nhằm khai thác phân khúc thị trường đầy tiềm năng này.

VIII. Vấn đề về công tác cán bộ

13. Báo Lao động (26/5) có tin “Nhiều cán bộ, công chức ngành tài chính nghỉ việc do lương thấp, áp lực cao” cho biết: Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Nội vụ báo cáo về tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ thôi việc theo nguyện vọng. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ thôi việc theo nguyện vọng từ ngày 1.7.2022 đến ngày 30.4.2023 là 469 người. Trong đó, công chức là 429 người; viên chức là 40 người.

Theo Bộ Tài chính, trước tình hình thôi việc của công chức, viên chức ngày càng tăng cao, trong thời gian vừa qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã quan tâm hơn tới đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị, tăng cường gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của công chức, viên chức; cải thiện môi trường làm việc; khuyến khích, tạo điều kiện để công chức, viên chức được tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực làm việc.

Tuy nhiên, với khối lượng công việc và trách nhiệm ngày càng cao, mặc dù chế độ tiền lương đã được cải tiến nhưng chưa giải quyết được căn bản đời sống của người cán bộ, công chức, viên chức trong khi đó, các doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước sẵn sàng trả lương cao cho những người làm việc có hiệu quả, có trình độ cao và có năng lực công tác. Bên cạnh đó, hiện nay nhân sự về một số lĩnh vực chuyên môn đang được các doanh nghiệp thu hút với chế độ đãi ngộ, lương thưởng khá cao so với mặt bằng chung mức lương trong cơ quan hành chính nhà nước.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00