Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 30/05/2023

Tin chuyên ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 30/05/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Tuổi trẻ (30/5) có bài “Xem xét công bố hết dịch Covid-19”; Thanh niên (30/5) có bài “Nhiều bài học từ đại dịch “chưa có tiền lệ””; Người lao động (29/5) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Họp chống dịch COVID-19 đến 2 giờ sáng, 4 bộ trưởng được 4 gói mì tôm”; VTV.vn (29/5) có bài “Ông Hồ Đức Phớc kể chuyện 4 Bộ trưởng ăn mì tôm ở sân bay thời chống COVID-19”; Vietnamnet (29/5) có tin “Ông Hồ Đức Phớc nhớ lại ngày chống dịch 4 bộ trưởng chia nhau 4 gói mì tôm”; VOV.vn (29/5) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quỹ vaccine đang còn dư 3.118,9 tỷ đồng”; Dân trí (29/5) có tin “Ông Hồ Đức Phớc kể chuyện 4 Bộ trưởng ăn mì tôm tập trung chống dịch”; Dân Việt (29/5) có tin “Ông Hồ Đức Phớc kể chuyện 4 Bộ trưởng ăn mì tôm tập trung chống dịch”; Giao thông (29/5) có tin “Ông Hồ Đức Phớc kể về ký ức 4 Bộ trưởng ăn mỳ tôm trong đại dịch” cho biết: ngày 29/5, Quốc hội thảo luận về nội dung huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Báo cáo của đoàn giám sát cho hay tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội huy động trong giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 230.000 tỉ đồng. Kinh phí mua và sử dụng vắc xin Covid-19 tính đến hết năm 2022 là 15.134 tỉ đồng chi cho hơn 102 triệu liều (ngân sách nhà nước là 7.467,18 tỉ đồng, Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 là 7.667 tỉ đồng). Kinh phí mua sắm kit test là 2.593 tỉ đồng...

Đáng chú ý, báo cáo giám sát chỉ ra đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân VN từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19. Nhiều cán bộ ở T.Ư và địa phương bị xử lý hình sự…

Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ rằng khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta đã không lường trước được vì chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chống dịch. Chính phủ vừa chỉ đạo chống dịch vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển kinh doanh. Năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn giảm, hoàn thuế, phí và lệ phí là 132.000 tỉ đồng. Trong đó miễn và giảm là 24.000 tỉ đồng, gia hạn là hơn 108.000 tỉ đồng. Năm 2022 chúng ta huy động nguồn lực một cách lớn nhất, thực hiện chính sách miễn giảm, hoãn thuế lớn nhất là 200,3 tỉ đồng. Năm 2023, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, chúng tôi dự kiến miễn giảm và hoàn thuế 195,4 tỉ đồng. Những vướng mắc trong quá trình huy động nguồn lực mà các đại biểu nêu sẽ được tiếp thu tối đa.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Chính phủ đã làm việc không quản thời gian, nhằm nhanh chóng thành lập quỹ vắc xin. Lúc 21h (năm 2021) Thủ tướng đã gọi điện cho ông hỏi có thể thành lập quỹ vắc xin không, ông báo cáo với Thủ tướng là thành lập được. Ngay trong đêm đó, khoảng 22h, Bộ Tài chính triệu tập họp và phân công nhiệm vụ cho các cục, vụ triển khai xây dựng quy chế thành lập quỹ vắc xin COVID-19, giao Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng thông tư 41. Đến 8h sáng hôm sau đã đặt trên bàn Thủ tướng cả thông tư và đề án thành lập quỹ.

Nhờ thành lập quỹ, chúng ta đã huy động được hơn 10.600 tỉ đồng để chủ động mua vắc xin, đó là một thành công. Đến nay quỹ đã chi ra mua vắc xin hơn 7.600 tỉ đồng, còn dư hơn 3.100 tỉ đồng. Về hàng viện trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau để đảm bảo chống dịch như chống giặc.

Bộ trưởng cũng chia sẻ về nghị quyết 43 của Quốc hội, thông qua ngày 11/1/2022 thì 17 ngày sau, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đã ban hành nghị định 15 quy định miễn giảm thuế theo nghị quyết 43, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Nghĩa là chỉ 20 ngày sau khi có nghị quyết của Quốc hội, đã có nghị định để thực hiện ngay lập tức các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, tất cả các ngành đều đã tập trung chống dịch để cứu dân, cứu người, để phục hồi kinh tế.

2. Tiền Phong (30/5) có bài “Thiếu thuốc, vật tư y tế: Trăn trở việc sợ mua sắm, đấu thầu” cho biết: Quốc hội dành trọn ngày 29/5 để thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Các đại biểu cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc; máy móc, thiết bị hư hỏng cũng không thể sửa chữa.

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng vẫn xảy ra phổ biến, chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến thực tế đau lòng là bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Có nơi do vật tư y tế cạn kiệt phải chuyển viện các bệnh nhân phẫu thuật thông thường; máy móc, thiết bị hư hỏng cũng không thể sửa chữa.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề nghị báo cáo cần cân bằng giữa “xây” và “chống”. “Để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá".

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá.

II. Vấn đề về Quản lý thuế

3. Báo Đại đoàn kết (30/5) có bài “Sớm khai thông hoàn thuế cho doanh nghiệp”; Người lao động (30/5) có tin “Nhiều doanh nghiệp bị từ chối hoàn thuế”; Lao động (30/5) có bài “Vạch trần nhiều thủ đoạn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều dấu hiệu, chiêu trò vi phạm trong hoàn thuế GTGT.

Mới đây, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, cơ quan thuế phát hiện 7.609 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh, nguyên nhân do doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn khống để hoàn thuế, doanh nghiệp mua hàng có rủi ro cao về thuế.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế GTGT với các hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện.….

Phía Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương tổ chức đối thoại ngay với Hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian từ ngày 29/5-2/6/2023 để làm rõ vướng mắc trong hoàn thuế.

4. Báo Hà Nội mới (30/5) có bài “Nâng cao chất lượng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh” thông tin: Thời gian qua, Cục Thuế thành phố Hà Nội có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý hộ kinh doanh trên địa bàn, qua đó mang lại kết quả tích cực, song vẫn còn tình trạng sót hộ, doanh thu, mức thuế chưa sát với thực tế. Để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh”.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn yêu cầu các phòng, chi cục thuế đánh giá làm rõ các nguyên nhân, rủi ro từ yếu tố con người cho tới các yếu tố về quy trình quản lý, sự phối hợp giữa các cơ quan nhằm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và đưa ra phương hướng, giải pháp. Các Chi cục Thuế nhìn nhận trực diện các tồn tại đang diễn ra trong quá trình quản lý thuế hộ kinh doanh trên địa bàn; đồng loạt rà soát toàn bộ cơ sở dữ liệu về đối tượng, về doanh thu và mức thuế nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn tới các tồn tại trong công tác quản lý hộ kinh doanh, đưa ra được giải pháp hữu hiệu và báo cáo kết quả rà soát, phương hướng thực hiện trong thời gian tới.

III. Vấn đề về NSNN

5. Tiền Phong (30/5) có bài “Tăng học phí bậc Đại học: Cần tăng kinh phí từ ngân sách nhà nước” cho biết: Từ năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) sẽ tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó, học phí nhóm ngành Y dược được tăng cao nhất trong các nhóm ngành đào tạo. Trao đổi với phóng viên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đối với một cơ sở giáo dục ĐH, các nguồn thu chủ yếu cho đào tạo bao gồm ngân sách do Nhà nước cấp, học phí do người học đóng, tài trợ từ bên ngoài và các nguồn kinh phí điều tiết trong nội bộ nhà trường. Như vậy, học phí là một phần kinh phí đào tạo mà người học phải đóng góp, với tỉ lệ và mức đóng góp phụ thuộc vào bốn yếu tố chủ yếu: mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo, đặc điểm của chương trình và ngành đào tạo, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo.

Theo số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, NSNN chi cho giáo dục ĐH trong giai đoạn 2018-2020 đạt 0,25 - 0,27% GDP, năm 2020 dự toán là 16.703 tỷ đồng nhưng thực chi là 11.326 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu 2030 tăng tỉ trọng lên mức 0,8% GDP, nếu tính theo GDP của năm 2022 thì tương ứng 320 triệu USD, phù hợp với khuyến nghị của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã nêu ra trong báo cáo vừa qua.

Bên cạnh việc tăng chi NSNN, điều quan trọng là cần phải đổi mới cơ chế, nguyên tắc và tiêu chí phân bổ NSNN theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH. Trước hết là với các ngành như sư phạm, y dược, khoa học cơ bản, kỹ thuật, nông lâm nghiệp và một số ngành đặc thù khác, đặc biệt ở các trình độ sau ĐH; cùng với mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên. Đó chính là những giải pháp hiệu quả và khả thi trong tình hình hiện nay.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00