Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 31/05/2023

Điểm báo ngày 31/05/2023

I. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

1. VnExpress (31/5) có bài “Bộ trưởng Tài chính: 'Bảo hiểm tăng nhanh về lượng nhưng chưa tương xứng về chất'” cho biết: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, ngành bảo hiểm đã phát triển hơn 25 năm tại Việt Nam và ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 20% một năm. Đây là lĩnh vực có vai trò "bà đỡ", góp phần phát triển ổn định cho các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đồng thời là giải pháp bảo vệ tài chính cho người dân.

Về tổng thể, Bộ trưởng cho rằng chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp đã đầu tư cho khâu đào tạo đại lý, công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Tuy vậy, không thể phủ nhận một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. "Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao bán được sản phẩm. Có nghĩa họ đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp", Bộ trưởng đánh giá.

Một số doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về mà lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý. Điều này dẫn tới việc một số đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm.

Theo Bộ trưởng, đây là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc dư luận phản ánh thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm và thị trường cần thay đổi một cách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để cải thiện chất lượng đại lý. Bộ Tài chính sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Báo Thanh niên (31/5) có bài “Thuế bỏ sót “người giàu”? cho biết: Trong khi người làm công ăn lương phải đóng thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từ 5 - 35% thì các cá nhân như YouTuber, TikToker, bán hàng qua mạng… đóng với thuế suất thấp hơn.

Bài báo dẫn chứng, theo thống kê của trang Social Blade đến ngày 30/5, YouTuber Thơ Nguyễn là kênh có 10 triệu người theo dõi. Ước tính của trang này cho thấy mỗi tháng, Thơ Nguyễn có thể thu nhập được từ 20.000 - 319.000 USD, tương đương thu nhập mỗi năm từ 239.600 USD - 3,8 triệu USD. Quy đổi, kênh Thơ Nguyễn có thu nhập từ hơn 5,5 tỉ đồng - 88,5 tỉ đồng. Theo quy định hiện nay, các YouTuber phải đóng thuế 7% trên doanh thu (bao gồm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2% và thuế giá trị gia tăng 5%). Như vậy, số thuế Thơ Nguyễn phải đóng khoảng từ 380 triệu - 6 tỉ đồng cho một năm.

Thế nhưng, theo thông tin từ Cục Thuế Bình Dương, chủ tài khoản Thơ Nguyễn là bà Nguyễn Thị Hồng Thơ, ngụ tại Bình Dương, năm 2020 nộp thuế 360 triệu đồng và đầu năm 2021 nộp 213,5 triệu đồng. Như vậy có thể thấy YouTuber chỉ khai đóng thuế ở mức thu nhập thấp nhất là chưa đến 4 tỉ đồng/năm.

Không chỉ các YouTuber, TikToker hay cá nhân kinh doanh, bán hàng trên các trang mạng xã hội, thu nhập của giới ca sĩ từ lâu cũng trở thành chủ đề quan tâm của công chúng. Theo một cán bộ thuế, giới văn nghệ sĩ hoạt động không theo tên gọi mà bằng nghệ danh, thường có những công ty quản lý nên ký hợp đồng dưới danh nghĩa công ty. Do đó, thu nhập hay số thuế mà văn nghệ sĩ nộp khó thống kê. Nhiều ca sĩ hoạt động vài năm đã nghe sắm nhà hàng chục tỉ, đi xe cả tỉ đồng; nhưng số tiền thuế mà họ nộp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu thì thật sự không có con số nào.

3. Báo Sài Gòn Giải phóng (31/5) có bài “Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu” cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, có 88 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp cũng như hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Nhà nước nên xem xét giảm, giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, sau khi đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn này để đầu tư trở lại cho sản xuất hoặc cầm cự vượt qua khó khăn, khi mà nguồn vốn tín dụng lãi suất vẫn cao và khó tiếp cận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng. Một số doanh nghiệp phải giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước đều thu hẹp. Tình hình chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự để giữ đơn hàng và trông chờ vào những hướng đi mới. Do đó, Nhà nước không chỉ giảm thuế giá trị gia tăng, mà cần nghiên cứu giảm thêm các thuế khác, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

4. Thời báo Ngân hàng (31/5) có bài “Giảm thuế VAT ngân hàng: Khách hàng hưởng lợi” cho biết: Hiện nay các giao dịch như rút tiền mặt, thanh toán, ngân hàng số… qua ngân hàng, người dùng thẻ, cũng như giao dịch tại quầy đều phải chịu thuế GTGT 10% nên việc giảm thuế GTGT là một các làm kích cầu người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc giảm thuế GTGT cần được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

III. Vấn đề về quản lý thuế

5. Zingnews (31/5) có tin “Thuduc House đề nghị Cục Thuế TP.HCM ngưng cưỡng chế thuế” cho biết: Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House (TDH) cho biết, ngày 24/5 vừa qua, công ty nhận được công văn của Cục Thuế TP.HCM về việc cung cấp thông tin về danh mục các tài sản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản do chưa nộp số tiền chậm nộp này cho Cục Thuế TP.HCM.

Ông Đàm Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Thuduc House cho rằng, động thái chuẩn bị thực hiện thêm các biện pháp cưỡng chế đối với Thuduc House của Cục Thuế TP.HCM trong giai đoạn vụ án chuẩn bị xét xử là hoàn toàn không cần thiết và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

Do đó, công ty đã có công văn phản hồi vào ngày 26/5 gửi Cục Thuế TP.HCM đề nghị khẩn cấp ngưng thực hiện các biện pháp cưỡng chế về thuế đang và sẽ áp dụng đối với công ty cho đến khi vụ án trên được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền.

Từ đầu năm đến nay, Thuduc House đã ba lần nhận được các quyết định cưỡng chế thuế của Cục Thuế TP.HCM bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản công ty. Tổng số tiền đã bị cưỡng chế gần 273 tỷ đồng.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

6. Báo Đại đoàn kết (31/5) có bài “Thị trường trái phiếu cần một nền móng vững chắc” cho biết: Thị trường TPDN vẫn trầm lắng, các đợt phát hành trái phiếu mới hầu như không có trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu cũ rất lớn. Là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN cần được tạo nền móng vững chắc.

Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa. Nếu giữ được điều này, sẽ là điểm tựa để thị trường tốt dần lên, tiếp tục phát triển.

Về các quy định liên quan đến thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để gỡ vướng cho thị trường, giúp DN phát hành có điều kiện, công cụ pháp lý, thời gian để giải quyết khó khăn trước mắt chứ không giật cục. Nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, DN phát hành chịu trách nhiệm đến cùng đối với các cam kết của mình với nhà đầu tư. Thông điệp của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

V. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Công Lý (31/5) có tin “Khẩn trương xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới mới” cho biết: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có công văn gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, yêu cầu có giải pháp khẩn trương xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo đúng quy định pháp luật. Trước đó, Vụ Tài chính (Bộ GTVT) đã họp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Đăng kiểm Việt Nam trao đổi về đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải. Để có cơ sở đề xuất, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải hiện hành.

VI. Vấn đề về đầu tư công

8. Báo Nhân dân (31/5) có tin “Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội”; VTV.vn (31/5) có tin “Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng”; Hà Nội mới (31/5) có tin “Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội” cho biết: Ngày 30/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội”.

Theo đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2027; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành: 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó: Vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng).

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.

9. Báo Tiền phong (31/5) có bài “Do đâu một triệu tỷ đồng “đắp chiếu” ở ngân quỹ?” cho biết: Liên quan tới số tiền 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang gửi tại ngân hàng thương mại, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Quản lý Ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), cho biết nguyên nhân lớn nhất khiến ngân quỹ nhà nước tồn đọng do quy định chuyển nguồn vốn. Từ khi có quy định về chuyển nguồn vốn (năm 2018), số tiền chuyển nguồn tồn đọng qua các năm lớn dần. “Tại báo cáo quyết toán ngân sách trong 3 năm gần đây, con số chuyển nguồn của ngân sách địa phương qua các năm ngày càng tăng.

Theo Luật Ngân sách, các nguồn hiện nay, gồm: chuyển nguồn vốn đầu tư công từ năm trước sang năm sau; chuyển nguồn vốn cải cách tiền lương; chuyển nguồn từ tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm và nguồn kinh phí khác, như khoản chi thường xuyên đã ký hồ sơ trước ngày 31/12 hàng năm được chuyển sang năm sau”. Một triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang tồn đọng đều có nhiệm vụ chi theo từng khoản mục. Tuy nhiên, bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đủ quy trình thủ tục, chưa giải ngân nên tiền đọng ngân quỹ.

Một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023, vốn ngân sách trung ương là hơn 360 nghìn tỷ đồng. Với kiến nghị sửa Luật Đầu tư công, vị lãnh đạo này cho biết, bản thân Bộ KH&ĐT và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhiều lần đề nghị, chuyên gia, bộ ngành kiến nghị sửa luật cần nêu cụ thể, sửa điều khoản nào, sửa ra sao? Luật Đầu tư công vừa ban hành năm 2019, theo nhận định của Bộ KH&ĐT, chưa có vướng mắc nghiêm trọng đến mức phải sửa đổi luật. Giải ngân vốn đầu tư công liên quan dự án đang thực hiện, đã bố trí vốn nên mấu chốt khâu thi công, mua sắm. Giải ngân được vốn đầu tư công sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

VII. Vấn đề về quản lý công sản

10. Báo Tiền phong (31/5) có bài “Đồ Sơn (Hải phòng): Loạt công trình bỏ hoang trên đất vàng” cho biết: Hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn được xây dựng trên đất thuộc quyền quản lý của các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước tại khu du lịch Đồ Sơn đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo thống kê của UBND quận Đồ Sơn, hiện khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Trong số đó, chủ yếu là các cơ sở lưu trú thuộc quản lý của 11 cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành sử dụng đất vào mục đích làm nhà nghiệp dưỡng nghiệp vụ, có kết hợp khai thác kinh doanh, dịch vụ có sở hạ tầng, tổng diện tích là 134.524m2. 15 đơn vị, an ninh quốc phòng sử dụng đất làm nhà điều dưỡng, phục vụ cán bộ ngành và liên kết đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ trong khu du lịch Đồ Sơn với diện tích 489.067m2. Tất cả các khu đất của các đơn vị, bộ ngành trên đều được đánh giá là đất vàng, nằm án ngữ ở các vị trí đắc địa tại khu I, II, III ngay sát bờ biển.

Theo UBND quận Đồ Sơn, hiện các bộ ngành Trung ương vẫn đang sử dụng đất kết hợp với kinh doanh dịch vụ, hoặc cho các hộ gia đình, cá nhân để kinh doanh. Tuy nhiên, do việc đầu tư các công trình đã từ rất lâu, từ thời bao cấp đến nay, lại không được tu sửa thường xuyên nên đã xuống cấp, một số khu đất còn bị bỏ hoang, không được đầu tư, sử dụng từ ngày được giao đất đến nay, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị khu du lịch, không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch.

Do đó, để du lịch Đồ Sơn lấy lại vị trí của mình, UBND quận Đồ Sơn đã nhiều lần đề xuất TP. Hải Phòng, Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao các tài sản về thành phố quản lý và có hướng đầu tư, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng phụ vụ du lịch.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00