Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 14/01/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 14/01/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Tiền phong (14/1) có bài “Chứng khoán, nguy cơ bong bóng” cho biết: Đầu năm 2021, dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục ồ ạt đổ vào khiến thị trường chứng khoán liên tiếp tăng với thanh khoản lên tới 14.000-15.000 tỷ đồng/phiên. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường tăng giá đến từ việc nhà đầu tư F0 thu lời và tuyên truyền người thân, bạn bè tham gia.

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, tháng 12/2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 63.629, cao nhất kể từ trước đến nay. Cả nước hiện có gần 2,73 triệu tài khoản chứng khoán. Tiền sinh lợi khiến nhà đầu tư F0 say mê đổ tiền vào chứng khoán. Trên các mạng xã hội nở rộ các lớp học đầu tư chứng khoán. Hệ thống môi giới chứng khoán liên tiếp chào mời, lôi kéo người chơi với hứa hẹn lợi nhuận tốt hơn gửi tiết kiệm. Tuần đầu tiên của năm 2021, có tình trạng nhà đầu tư F0, trong đó có nhiều sinh viên, người cao tuổi, hưu trí, xếp hàng mở tài khoản.

TS Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln (Anh) cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong thời gian tiếp theo trong hệ thống ngân hàng. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cảnh báo, lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác như chứng khoán tương đối nhanh. Tuy nhiên, cần thận trọng với xu hướng này…

- Cũng liên qua đến vấn đề này, Báo Người lao động (14/1) có bài “VN-Index nỗ lực vượt đỉnh lịch sử” cho biết: Chỉ số chứng khoán tăng liên tục 7 phiên, có thời điểm vượt đỉnh lịch sử, dòng tiền đổ vào thị trường tăng đột biến. Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường tỏ ra hưng phấn. Trong khi đó, những nhà đầu tư có kinh nghiệm lại đặt câu hỏi liệu rằng thị trường đã tốt thực sự, nền kinh tế đã ổn định và xứng tầm với việc gia tăng mạnh mẽ của TTCK hay chưa.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, có nhiều lý do khiến TTCK vượt định lịch sử, thu hút nhiều nhà đầu tư. Điều dễ nhận thấy nhất chính là tiền vào thị trường quá nhiều và nhà đầu tư quá hưng phấn với số lượng tài khoản mới đăng ký cao kỷ lục.

Mặt trái của việc TTCK tăng mạnh chính là tài khoản của nhà đầu tư mở mới quá nhiều. Họ đang trong tâm trạng của người chưa từng bị thua lỗ nên mua bất chấp, không tính toán khả năng chịu rủi ro. Một chuyên gia tài chính khác cảnh báo hiện tượng các DN có tâm lý việc đầu tư kinh doanh rất khó có lợi nhuận nên đã rút tiền đổ vào chứng khoán thay vì chuẩn bị vốn để sản xuất.

Về vấn đề này, tại điểm báo ngày 13/1, Văn phòng Bộ đã đề nghị UBCKNN có báo cáo Lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất.

2

Báo điện tử Tuổi trẻ (13/1) đưa tin “Cả triệu tấn đá vôi 'tắc' ở cửa khẩu Quảng Ninh” cho biết: Doanh nghiệp khai báo hải quan là đá xây dựng nhưng khi xuất khẩu, trên tờ khai C/O lại ghi là đá vôi. Kết quả giám định, phía hải quan khẳng định đá vôi dùng để sản xuất ximăng. Do đó, 1 triệu tấn đá vôi đang bị giữ ở cửa khẩu Quảng Ninh.

Để được xuất khẩu lô đá vôi này, ông Hoàng Tú Hoàn - chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan Quảng Ninh - cho biết theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp phải có giấy tờ chứng minh đá được khai thác từ các mỏ do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép.

Tuy nhiên, ông T.V.M., đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đá đang bị "ách" tại khu vực Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cho biết yêu cầu trên của cơ quan hải quan khác nào "đánh đố" doanh nghiệp. Việc điều chỉnh đột ngột đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi phải bỏ chi phí việc thuê tàu, hàng thì chưa biết bao giờ mới xuất được.

"Từ trước đến nay, chúng tôi xuất khẩu đá theo thông tư 05 năm 2019 của Bộ Xây dựng, không quy định hàm lượng CaCO3, chỉ phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu xuất đá để làm đường thì khai mã có mức thuế 15%, nếu khai là đá vôi thì phải nộp 17%" - ông M. phân trần.

Theo Tổng cục Hải quan, theo báo cáo của Cục Hải quan Quảng Ninh, những lô hàng này này được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Trong khi theo quy định Luật khoáng sản, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh đá vôi để sản xuất ximăng phải được khai thác từ các mỏ do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép. Còn các mỏ do UBND tỉnh cấp phép thì chỉ làm vật liệu xây dựng thông thường.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Ninh cho biết: Hiện các mỏ khai thác đá do UBND tỉnh Quảng Ninh cấp đều đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, không nằm trong vùng quy hoạch mỏ đá vôi cấp cho nhà máy sản xuất ximăng.

Về nội dung này, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Lãnh đạo Bộ và có phản hồi với báo chí.

Văn phòng Bộ đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục theo dõi và chủ động có phản hồi thông tin.

II. Vấn đề về thuế

3. Báo Thanh niên (14/1) có bài “Kiếm tiền tỉ, các YouTuber đóng thuế bao nhiêu?” và bài  “Cá nhân trốn thuế phạt gấp đôi so với trước” cho biết: Các hoạt động kiếm thu nhập trên các nền tảng công nghệ như YouTube, Google Play... đang ngày càng gia tăng, những cá nhân kiếm bạc tỉ, thậm chí vài chục tỉ không thiếu nhưng số thuế nộp vẫn thấp.

Ngoài những kênh YouTube được xem là nổi bật dẫn đầu trong năm 2020 nêu trên, nhiều cá nhân, nghệ sĩ tại Việt Nam cũng là những gương mặt “hot” trên YouTube nhiều năm qua với số lượng người theo dõi rất đông. Điều này cũng giúp thu nhập của họ cao chót vót. Không chỉ các kênh YouTube, nhiều tài khoản YouTube cá nhân (YouTuber) cũng kiếm bộn tiền.

Thông tin từ Tổng cục Thuế, dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức đã nhận được số tiền từ Google, Facebook, YouTube là 1.462 tỉ đồng.

Cục Thuế Hà Nội trong 3 năm (2017 - 2019) đã xác định 1.100 cá nhân nhận thu nhập 4.800 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh phần mềm, xây dựng cung cấp các trò chơi trên mạng, trong đó có người nhận được thu nhập lên đến 140 tỉ đồng... Trong vài năm trở lại đây, TP.HCM liên tục phát hiện các trường hợp cá nhân nhận thu nhập “khủng” mà quên kê khai thuế.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết: Cục Thuế TP.HCM và Hà Nội thời gian qua triển khai mạnh thu và truy thuế TNCN đối với những nguồn thu nhập đến từ YouTube ngày càng tăng qua các năm. Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Nghị định 126 hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Quản lý thuế có thêm quy định mới về trách nhiệm của công ty đối tác trong nước của Google, Facebook... có mặt tại Việt Nam thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thay thuế cho cá nhân trong nước.

Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020 nên kỳ khai thuế tháng vào ngày 20/1. Do đó, đến thời điểm này, cơ quan thuế cũng chưa nắm được các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook... có bao nhiêu đối tác tại Việt Nam. Các cá nhân ký hợp đồng với những công ty đối tác Việt Nam, Nghị định 126 quy định cá nhân không tự kê khai thuế mà tổ chức sẽ kê khai và nộp thay. Riêng trường hợp các cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook... thì cá nhân tự khai thuế. Nghị định 126 quy định trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin, do đó cơ quan thuế có thể thu thập thêm thông tin dữ liệu.

- Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam (14/1) có bài “Quản lý thuế đối với kinh tế số gặp vướng mắc gì?” cho biết: Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 do VCCI công bố đề cập đến 7 vấn đề pháp lý đối với lĩnh vực kinh tế số. Liên quan đến lĩnh vực thuế có 2 vấn đề lớn được đặt ra: Thứ nhất, thu thuế GTGT và thu nhập DN của các cá nhân, tổ chức bán hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng; Thứ hai, thu thuế nhà thầu đối với các dịch vụ được cung cấp xuyên biên giới.

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sau Nghị định 126, Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ kê khai, thu thuế đối với các DN nền tảng và thực hiện tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Lâu nay, các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử tự kê khai, tự nộp thuế. Căn cứ theo dữ liệu đầu ra của các DN, ngành thuế đã thu nộp vào NS số tiền hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng (Năm 2018, số thu thuế TMĐT từ các DN kê khai và nộp khoảng 800 tỷ đồng, năm 2019 trên 1.000 tỷ…). Dẫu vậy, đại diện TCT cho rằng, số thu này chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.

III. Vấn đề về hải quan

4. Vietnamnet (13/1) có bài “Xuất khẩu dăm gỗ: Doanh nghiệp xin giảm thuế xuống 0%, Bộ Tài chính không đồng ý” cho biết: Bộ Tài chính không đồng ý giảm thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống 0% như đề xuất của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam. Trong văn bản gửi Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng: Trước đây, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính cũng đã nhận được kiến nghị của các công ty dăm gỗ về bãi bỏ thuế xuất khẩu 2% với dăm gỗ vì lo ngại thị trường gỗ dăm bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

Sau đó, Bộ Tài chính đã họp với các bộ ngành và ý kiến các bộ chưa đồng tình việc điều chỉnh thuế như kiến nghị kể trên. Do đó Bộ Tài chính giữ nguyên thuế xuất khẩu 2%.

5. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trong 2 ngày 13-14/1, nhiều báo đưa tin về nội dung này như: Baochinhphu.vn; Công an nhân dân; Thời báo Ngân hàng; Nhân dân; Thanh tra; Kinh tế & Đô thị; Công luận; Thanh niên; Đầu tư; Hànộimới  và nhiều báo khác. Các báo cho biết: Đề án nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đề án cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

IV. Vấn đề về đầu tư công

6. Báo Người lao động (14/1) có bài “Nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân 2: ‘Chúng tôi rất nản!’” tiếp tục đưa tin về nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân 2. Bài báo cho biết: Theo Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế, phải đóng cửa hầm, tạm dừng hoạt động là vì trong quá trình triển khai, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tập đoàn Đèo Cả đã liên tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ. Hơn 2 năm qua, không biết bao nhiêu văn bản qua lại giữa doanh nghiệp (DN) dự án, các bộ, ngành, Chính phủ nhưng những vướng mắc tài chính của nhà đầu tư vẫn chưa được giải quyết.

Năm 2017, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư hầm Cổ Mã, trong phần vốn nhà nước hỗ trợ 5.048 tỉ đồng thì còn thiếu 1.180 tỉ đồng chưa giải ngân. Đến nay, số vốn này vẫn chưa được bố trí, hoàn trả lại cho các nhà đầu tư/DN dự án. Thứ hai, trong 6 trạm thu phí được nhà nước cam kết cho DN ký hợp đồng thu phí để hoàn vốn dự án, đến nay cao tốc La Sơn - Túy Loan chưa thực hiện được do dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nên DN không được quyền thu phí. Việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỉ đồng.

Tập đoàn Đèo Cả đề nghị phần vốn ngân sách nhà nước cam kết đóng góp, hỗ trợ còn 1.180 tỉ đồng cần được giải ngân kịp thời cho DN từ nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, xác định thời gian giải ngân cụ thể để làm cơ sở điều chỉnh phương án tài chính. Kiến nghị tiếp tục thực hiện việc thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận tại Văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12-1-2016 của Thủ tướng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00