Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 22/01/2021

Điểm báo ngày 22/01/2021

      I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Tiền phong (22/1) có bài “Chứng khoán đỏ sàn rồi hồi phục nhanh: Điều gì đang chờ đợi?” cho biết: Sau 2 phiên lao dốc, ngày 21/1, thị trường chứng khoán bật tăng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, chỉ số VN-Index đạt mức 1.164 điểm, tăng 29,5 điểm so với phiên giao dịch trước đó. Trên sàn tràn ngập sắc xanh với 425 mã tăng giá, 41 mã đứng giá và chỉ còn 42 mã giảm. Thanh khoản thị trường đạt 15.700 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp, đến cuối năm 2020, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán chưa giải ngân là khoảng 60.000 tỷ đồng. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Báo cáo nghiên cứu về đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố chỉ ra một số nguyên nhân tăng của thị trường chứng khoán. Đầu tiên là dòng tiền rẻ. Việc hạ lãi suất, các gói kích thích giai đoạn 2008-2009 đã tạo thành lực đẩy mạnh cho đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian qua. Với thị trường chứng khoán Việt Nam, con số gần 400.000 tài khoản F0 mới trong năm 2020, tăng 75% so với năm 2019 phần nào lý giải cho sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán. Xu hướng này có thể tiềm ẩn rủi ro bởi dòng tiền từ các nhà đầu tư trên thị trường có thể là từ các gói hỗ trợ vốn được kỳ vọng sẽ đi vào lĩnh vực sản xuất, đầu tư tài sản cố định và tiêu dùng hơn là chứng khoán. Cũng theo cảnh báo của nhóm nghiên cứu này, thị trường chứng khoán tăng mạnh trong khi kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phá sản. Hiện nay, nhiều cổ phiếu đã được định giá quá cao so với tiềm năng tăng trưởng của nền tảng cơ bản.

Về nội dung báo nêu, đề nghị UBCKNN tiếp tục theo dõi, báo cáo Lãnh đạo Bộ kịp thời các tình huống phát sinh.

II. Ký kết Hiệp định khung giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Phần Lan

2. Thời báo Ngân hàng (22/1) đưa tin “Ký kết Hiệp định khung giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Phần Lan” cho biết: Chiều ngày 21/1/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà và Ngài Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đã ký kết Hiệp định khung giữa Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam về các dự án được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình đầu tư công của phần Lan.

Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan sẽ mở lại cơ hội cho các dự án của Việt Nam tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Phần Lan thông qua Chương trình Đầu tư công của Phần Lan, thay thế cho Chương trình tín dụng ưu đãi cho Việt Nam mà Chính phủ Phần Lan đã dừng lại từ năm 2014. Các lĩnh vực ưu tiên tài trợ trong khuôn khổ Chương trình đầu tư công của Phần Lan tập trung vào các dự án góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chống chịu với biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo, đồng thời giúp Việt Nam tiếp tục tiếp cận với công nghệ và tri thức tiên tiến của Phần Lan.

Tại Lễ ký Hiệp định, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ Phần Lan về tài trợ thực hiện dự án của Việt Nam thông qua Chương trình đầu tư công của Phần Lan. Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính và các cơ quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Phần Lan để xác định các dự án phù hợp triển khai trong khuông khổ Chương trình đầu tư công của Phần Lan nhằm hướng tới sự thành công của Dự án, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

             III. Vấn đề về thuế

3. Báo Công an nhân dân (22/1) có tin “Thu 28,5 nghìn tỷ đồng nợ thuế” cho biết: Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2020, toàn ngành thu hồi được gần 28.500 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ gần 19.400 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế 9.100 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý là 89.796 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu là 7%; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu là 4%. Đáng chú ý, có 42/63 địa phương có tổng số tiền nợ thuế giảm so với cùng kỳ năm 2019.

4. Báo Đầu tư (22/1) có bài “Đủ chế tài quản lý thuế với thương mại điện tử” cho biết: Thông tin Cục Thuế Hà Nội thu được 123 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử trong năm 2020, cao gấp khoảng 5 lần năm 2019 cho thấy, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT không quá khó, vấn đề là phải có cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ.

Kỳ vọng tình hình sẽ thay đổi từ năm nay, khi công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT được luật hóa tại Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế năm 2019 được thực thi. Các quy định mới vừa có hiệu lực đã cụ thể hóa trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng cho cơ quan quản lý thuế. Đặc biệt, từ năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thiết lập cơ chế quản lý, giám sát giao dịch thanh toán, xuyên biên giới trong TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam...

III. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Công lý (22/1) có tin “Thị trường chứng khoán sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch mới sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu” đưa tin: thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới vào cuối năm 2021. Các thành viên thị trường sẽ tiến hành kiểm tra thử nghiệm hệ thống giao dịch mới với các công ty chứng khoán. Năm 2020, sàn giao dịch chứng khoán HOSE đã gặp phải những sự cố về nghẽn mạch. Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết có một số nguyên nhân nhưng vấn đề chính là do năng lực thiết kế của hệ thống hiện tại có giới hạn về số lượng lệnh giao dịch. Do đó, khi hoạt động giao dịch trên thị trường tăng đột biến, hệ thống đã không đáp ứng kịp nhu cầu. UBCKNN yêu cầu HOSE và các đơn vị trong ngành đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động, thay thế hệ thống cũ để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch như thời gian qua…

Trong khi đó, báo Tuổi trẻ (22/1) có bài “Nghẽn lệnh chứng khoán, không ổn rồi!” cho biết: Ước tính năm 2020 đã có thêm 393.000 tài khoản mới mở để giao dịch chứng khoán, cao nhất trong 20 năm qua. Nhưng từ đây lại phát sinh chuyện nghẽn lệnh trên sàn HOSE khiến không ít tính toán mua/bán của nhà đầu tư bị treo gây bức xúc cho nhà đầu tư. Sự việc diễn ra cả tháng, gần đây UBCKNN mới thừa nhận “năng lực hệ thống giao dịch của HOSE giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán”. Và phải đến cuối năm hệ thống công nghệ thông tin mới tại sàn HOSE mới vận hành. Thiệt hại này phải có nơi chịu trách nhiệm. Cần nhắc lại khi mới lập thị trường, cơ quan quản lý quy định mỗi lô giao dịch chỉ 10 chứng khoán để mọi người dù ít tiền cũng tham gia được. Mới đây, để hạn chế quá tải, nơi này đã tăng lên 100 chứng khoán/lô, dù vậy, nhà đầu tư vẫn thấy lệnh mua/bán nhập vào hệ thống chưa thật trơn tru.

Điều đáng nói, trong lúc chợ chứng khoán không xử lý thông suốt lệnh giao dịch, nhà đầu tư lại nhận thông báo về thuế thu nhập cá nhân với số cổ tức được trả bằng cổ phiếu, áp dụng ngược lại từ 5/12/2020. Nhiều chuyên gia nói thu thuế kiểu  này là thuế chồng thuế khi người có cổ phiếu phải chịu 5% thuế lúc nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lúc bán lại chịu thêm 0,1% trên giá trị chứng khoán bán. Thêm thuế nhưng quyền lợi chính đáng lại bị giảm. Lẽ ra Bộ Tài chính phải làm tốt hơn công tác kiến tạo thị trường, UBCKNN phải đi trước trong tổ chức chợ chứng khoán trong đó có hạ tầng công nghệ, có vậy mới tận dụng được cơ hội, đưa chứng khoán thành kênh đầu tư của nhiều người dân.

6. Thời báo ngân hàng (22/1) có bài “VN – Index có thể lập đỉnh mới” cho biết: Trong năm 2021, có nhiều lực cản để VN-Index khó có thể tiếp tục thăng hoa như thời gian qua như: Dịch bệnh Covid – 19, dư địa để tiếp tục chính sách tiền tệ thả lỏng và lãi suất thấp không còn nhiều nữa, vì chính sách này quá mức có thể tạo ra áp lực về nợ xấu ngân hàng, lạm phát và để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế lâu dài; Dòng tiền từ các công ty chứng khoán qua margin và dòng tiền từ nhà đầu tư cũng đã đến giới hạn, không thể tăng mãi được nữa. Tóm lại, khi VN-Index tiếp cận đỉnh cũ 1.200 điểm, thị trường sẽ co giật, rung lắc nhiều lần nữa. Ở thời điểm này không có nhiều cơ hội để các NĐT giá trị lựa chọn xuống tiền đầu tư; các nhà đầu tư lướt sóng cũng nên giảm bớt danh mục và thu gọn tiền vay margin.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

7. Báo Đầu tư (22/1) với chuyên đề “Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện”, bài 3: Đừng để doanh nghiệp lớn và ngân hàng “độc chiếm vốn” thông tin: Sau nhiều lần cảnh báo nhưng không hạ được sức nóng của thị trường, nửa cuối năm 2020, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP (Nghị định 81) sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020. Tiếp đó, cuối năm 2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, việc thay đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không phải nhằm “siết” hay “nới” thị trường này. Mục đích cuối cùng của cơ quan quản lý là tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, song cũng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Thế nhưng, quan sát thị trường cho thấy, dòng chảy trái phiếu doanh nghiệp đang dồn vào ngành ngân hàng và các doanh nghiệp lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu chỉ có lợi cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ sẽ ngày càng lún sâu vào phận “làm thuê”. Chưa kể, các nghị định trên cũng chưa giải quyết được những “điểm mờ” lớn nhất của thị trường trái phiếu hiện nay (nghi vấn đảo nợ, trốn thuế, những thương vụ dàn xếp phát hành và mua bán trái phiếu doanh nghiệp…).

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trái phiếu doanh nghiệp không phải là lãi suất tiết kiệm, người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi suất cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp, đương nhiên lãi suất cao thì rủi ro cao. Cơ hội và lãi suất, rủi ro và lợi nhuận luôn là nguyên tắc song hành. Thay vì hạn chế doanh nghiệp phát hành, cơ quan quản lý cần có cơ chế chặt chẽ hơn về minh bạch thông tin và mở ra cơ hội cho mọi nhà đầu tư.

V. Vấn đề về kinh tế vĩ mô

8. Báo Pháp luật Việt Nam (22/1) có bài “Giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8%/năm” cho biết: Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2021 dự báo GDP nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại. Kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%; Kịch bản khả quan: tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00