Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/01/2021

Điểm báo ngày 26/01/2021

I. Vấn đề về chứng khoán

1. Bản tin tài chính kinh doanh 7h sáng 26/1 – Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự “Triển vọng thị trường chứng khoán phái sinh năm 2021” cho biết: Năm 2020 chứng kiến những nhịp tăng sốc, hạ mạnh của VN-Index. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư phái sinh. Theo một số chuyên gia đầu tư, thị trường phái sinh là kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2021. Tuy có những bước phát triển nhất định, quy mô thị trường phái sinh vẫn còn nhỏ bé mà nguyên nhân theo các thành viên thị trường là tính minh bạch chưa cao. Với cách tính toán chưa hợp lý và không theo thông lệ quốc tế, việc chỉ số biến động mạnh trong các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN-30 đã trở thành chuyện nhiều nhà đầu tư cá nhân buộc phải chấp nhận khi tham gia đầu tư phái sinh. Sự thiếu minh bạch đã được phản ánh nhiều năm nay vẫn đang xảy ra nhưng cơ quan quản lý chưa có động thái gì cụ thể.

2. Báo Tuổi trẻ (26/1) có bài “Giá cổ phiếu tăng vọt bất chấp doanh nghiệp làm ăn sa sút” đưa tin: Lẽ thường, giá cổ phiếu phản ánh sức khoẻ kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện sàn chứng khoán tồn tại nghịch lý là nhiều cổ phiếu có giá tăng vọt dù kết quả làm ăn sa sút như cổ phiếu của công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán GAB); cổ phiếu của công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG); cổ phiếu của công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS (KLF).

Theo một số chuyên gia, có nhiều lý do khiến giá cổ phiếu tăng, có thể do cả tâm lý kỳ vọng và tâm lý thị trường. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi tham gia.

3. Báo Tiền phong (26/1) có bài “Trên sàn chứng khoán: Nhiều doanh nghiệp lãi khủng?” cho biết: Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2020 thành công ngoài mong đợi. Hai chỉ số chính là VN-Index và VN30 đã phục hồi ngoạn mục 67,5% và 75,3% từ mức đáy và lấy lại được tăng trưởng dương 14,9% và 21,8% cho cả năm 2020. Thị trường chứng khoán thời gian qua tăng trưởng nóng hay không? Cơ quan quản lý nghĩ sao và có giải pháp gì?

Theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, ưu tiên cao nhất của cơ quan quản lý là giữ cho được tính minh bạch của thị trường. Một số chuyên gia có cảnh báo thị trường nóng, chúng tôi không bình luận về nóng như thế nào. Nhưng rõ ràng kỳ vọng của nhà đầu tư là có cơ sở. Kinh tế phục hồi. Không phải chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam mà là xu hướng chung của thế giới, khi mặt bằng lãi suất tín dụng giảm sâu. Một số nước trong khu vực, P/E của họ cao hơn Việt Nam. Nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh, do đó, nhà đầu tư cần xem xét 1 cách cẩn trọng về vĩ mô, cũng như thực tế doanh nghiệp trước khi quyết định.

4. Báo Tuổi trẻ (26/1) có bài “Chứng khoán, ôm tiền về rồi….quay lại” cho biết: Chứng khoán tăng trưởng mạnh giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn khiến nhiều ý kiến lo ngại khả năng “bong bóng”. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital phân tích: năm 2020, thế giới bị tác động nặng nề bởi Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán, họ chọn phương án ôm tiền về nhà. Đây là cách quản trị rủi ro, không chỉ ở Việt Nam mà đây là tình hình chung của nhiều nước.  Thị trường chứng khoán Việt tăng trưởng khá tốt thời gian gần đây do có sự góp công rất lớn của nhiều nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Có thể giải thích việc gia nhập của các thành viên mới này đến từ hai nguyên nhân chính là cấu trúc và chu kỳ. Thực ra, không phải chỉ ở Việt Nam mới có hàng loạt nhà đầu tư mới ra nhập thị trường chứng khoán mà đây là xu hướng toàn cầu. Khái niệm F0 xuất hiện ở tất cả các nước. Việt Nam đi chung xu hướng với thế giới nhưng mức thuyết phục ở Việt Nam cao hơn, vì năm 2020 tình hình chung của kinh tế Việt Nam thuyết phục hơn nhiều nước.

“Đặt vấn đề bong bóng chứng khoán thời điểm này tại Việt Nam theo tôi vẫn khá vội. Bởi mặt bằng giá trị doanh nghiệp của Việt Nam so với các nước khác chưa cao, khả năng các công ty niêm yết phục hồi lợi nhuận trong năm nay là có, khả năng triển khai chia cổ tức cũng có. “- ông Dominic nói. Theo ông Dominic, muốn xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững thì nên chú trọng vai trò của các nhà đầu tư tổ chức. Muốn thế phải tạo ra các định chế, ở mức độ chính sách, pháp lý cho phép họ được thành lập, tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, thậm chí phải có những ưu đãi đầu tư vì dài hạn, vì lợi ích của họ.

II. Vấn đề về hải quan

5. Bản tin Thời sự 19h ngày 25/1 – Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự “Tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu dịp giáp Tết” cho biết: Thông thường vào dịp tết, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới gia tăng lớn khiến việc kiểm soát dịch bệnh cũng khó khăn hơn ngày thường. Vừa tạo thuận lợi cho thương mại biên giới, ngành hải quan cũng đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động qua cửa khẩu góp phần phòng chống dịch và thông thương hàng hóa nhanh chóng. Lực lượng hải quan trên các tuyến biên giới đang duy trì 100% quân số nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu nhưng cũng kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Phóng sự dẫn ý kiến của ông Nguyễn Hữu Vương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh về công tác tăng cường chống buôn lậu nhưng không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết Nguyên Đán 2021….

III. Vấn đề về thuế

5. Báo Dân trí (26/1) có tin “Cô gái 9X Hà Nội thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm online”; Tiền phong (26/1) có tin “Hai cá nhân viết phần mềm nộp thuế hơn 40 tỷ đồng” và một số báo khác cho biết: Theo thông tin của Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy, một cô gái sinh năm 1992 tại Hà Nội có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỷ đồng. Cô gái này vừa tự nguyện đến kê khai, nộp các nghĩa vụ thuế hơn 23 tỷ đồng. Ngoài cô gái trẻ này, một người nam giới 30 tuổi cũng tại Quận Cầu Giấy hiện cũng có thu nhập 260 tỷ đồng/năm nhờ viết và đăng tải các phần mềm lên mạng, người này hiện nộp thuế hơn 18 tỷ đồng.

Năm 2020, Cục Thuế Quận Cầu giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng, bên cạnh đó hàng trăm cá nhân khác đã tự động kê khai nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế và vẫn trong diện quản lý.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH19 đã trang bị thêm cho cơ quan thuế nhiều công cụ quản lý thuế cần thiết, từ đó khai thác nguồn thu từ không gian số hiện đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh sau đợt Covid-19.

IV. Vấn đề về dự trữ

6. Báo Tiền phong (26/1) có bài “Chấm điểm” doanh nghiệp đấu thầu cấp gạo dự trữ quốc gia” cho biết: Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng lại từ chối ký hợp đồng để xuất khẩu với giá cao hơn, Tổng cục phó Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Vũ Anh cho biết, đơn vị đã xây dựng một kịch bản đánh giá uy tín các nhà thầu. Theo đó, từ năm 2021, những nhà thầu vi phạm, từ chối thương thảo hợp đồng sau khi đã trúng thầu sẽ bị trừ điểm uy tín trong hồ sơ thầu, từ đó sẽ khó dự thầu hơn.

Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã kiến nghị Bộ KH&ĐT rà soát, nghiên cứu để bổ sung nâng chế tài xử phạt, nâng mức đảm bảo dự thầu trong quá trình xây dựng, sửa đổi luật đấu thầu tới đây.

V. Vấn đề khác

7. Báo Tiền phong (26/1) có tin “Bộ Tài chính cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo” cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đảm bảo đón Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo Chỉ thị số 44 của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản nêu rõ không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng NSNN, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00