Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/01/2021

Điểm báo ngày 27/01/2021

I. Vấn đề về quản lý nợ

1. Ngày 26/1, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) phối hợp với ADB và IMF tổ chức Hội thảo về nợ quản lý nước ngoài quốc gia, nhiều báo, đài đưa tin về Hội nghị, như: Bản tin Tài chính kinh doanh lúc 21h43 trên VTV1 (26/1), phát lại lúc 6h sáng (27/1) có tin “Việt Nam kiểm soát tốt nợ nước ngoài”, Chinhphu.vn (26/1) có bài "Việt Nam kiểm soát tốt nợ nước ngoài", Tin tức (26/1) có bài “Quy trình quản lý nợ công được kiểm soát chặt chẽ”, Bnew (26/1) có bài “Việt Nam có mức nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát”, Ban ảnh – TTXVN (26/1) có tin “Hội thảo về nợ quản lý nước ngoài quốc gia”, Dangcongsan.vn (26/1) có bài “An ninh tài chính quốc gia được bảo đảm” cho biết: Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Theo thông tin từ đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đổi mới trong quản lý nợ, đặc biệt là quản lý nợ nước ngoài.

Việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo vay nợ nhiều trở thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài bền vững, trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị gánh nặng về nợ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn hoàn thiện khuôn khổ chính sách đáp ứng bối cảnh mới cũng như cho quản lý nợ trong giai đoạn trung và dài hạn.

Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Nợ nước ngoài của khu vực nợ công (bao gồm nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ.

Theo khuyến nghị của IMF, như nhiều quốc gia có mức độ tiếp cận thị trường vốn quốc tế tương tự Việt Nam thì mức trần cứng đã không còn phù hợp và chỉ dành cho nước có thu nhập thấp, vì vậy đòi hỏi các công cụ quản lý rủi ro mềm hơn.

Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình, cần có một lộ trình dài hơi, một khung chính sách thận trọng đối với việc tự do hóa dòng vốn vay nước ngoài, chứ không thể thực hiện ngay lập tức.

II. Vấn đề về quản lý giá

2. VTV.vn (26/1), Nhân dân (26/1), Chinhphu.vn (26/1), Nông nghiệp Việt Nam (26/1), Thể thao & văn hóa (26/1), Sài gòn giải phóng (26/1), Pháp luật Việt Nam (26/1), Dangcongsan.vn (26/1)… và nhiều báo khác đưa tin “Giá xăng dầu trong nước 26/1: Điều chỉnh tăng” cho biết: Theo điều chỉnh xăng dầu hôm nay 26/1/2021, giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng. Đây là lần thứ 5 liên tiếp xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng.

Theo đó, xăng E5RON92 tăng 361 đồng/lít, không cao hơn 16.309 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 1.350 đồng/lít thì sẽ tăng 1.711 đồng/lít và giá bán là 17.659 đồng/lít). Xăng RON95-III tăng 340 đồng/lít, không cao hơn 17.270 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 400 đồng/lít thì sẽ tăng 740 đồng/lít và giá bán là 17.670 đồng/lít).

Dầu diesel 0.05S tăng 395 đồng/lít, không cao hơn 13.042 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 300 đồng/lít thì sẽ tăng 695 đồng/lít và giá bán là 13.342 đồng/lít). Dầu hỏa tăng 350 đồng/lít, không cao hơn 11.908 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 400 đồng/lít thì sẽ tăng 750 đồng/lít và giá bán là 12.308 đồng/lít). Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 350 đồng/kg, không cao hơn 12.622 đồng/kg (nếu không chi Quỹ BOG 250 đồng/kg thì giá sẽ tăng 600 đồng/kg và giá bán là 12.872 đồng/kg).

Liên Bộ ngừng trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu; chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức: E5RON92 ở mức 1.350 đồng/lít (kỳ trước là 1.100 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu hỏa chi ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít); dầu mazut ở mức 250 đồng/kg (kỳ trước là 181 đồng/kg). Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp, với tổng mức tăng khoảng 2.400 đồng/lít.

III. Vấn đề về thuế

3. Báo Tuổi trẻ (27/1) có bài “Một bạn trẻ chủ động nộp thuế 23,5 tỷ đồng”; Báo Lao động (27/1) có bài “Viết app game kiếm hàng tỷ đồng mỗi tháng: Không hiếm nhưng cũng không quá nhiều”; báo Thanh niên (27/1) có bài “Dư địa ngân sách” cho biết: Thông tin từ Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) về việc một cô gái 28 tuổi có doanh thu 330 tỷ đồng năm 2020 (nộp thuế 23,4 tỷ đồng) và nam thanh niên 30 tuổi thu nhập 260 tỷ đồng năm 2020 (nộp thuế 18,1 tỷ đồng) từ app game đang gây ra không ít ngạc nhiên trong dư luận.

Có ý kiến cho rằng, với các đối tượng có lập studio với pháp nhân doanh nghiệp tại Việt Nam phải kê khai thuế thì có thể được công khai, lộ diện thu nhập khủng. Tuy nhiên, có những cá nhân, nhóm làm nhiều sản phẩm, tạo ra hệ sinh thái để quảng bá cho sản phẩm do chính mình làm ra, nguồn thu có thể không nhỏ nhưng rất kín tiếng, hoạ chăng chỉ trong giới mới rõ.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, doanh thu game tại Việt Nam ước đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, cộng với ước khoảng trên dưới 300 triệu USD doanh số từ thị trường game lậu.

Trước đó, tại Đà Nẵng, một người trẻ tuổi khác đã chủ động khai nộp thuế lên đến 23,5 tỷ đồng. Chia sẻ với báo Tuổi trẻ (27/1) về lý do chủ động khai nộp thuế, anh này cho biết: Ngày từ năm 2015, khi nhận được khoản tiền đầu tiên 10.000 USD, anh đã tìm hiểu về việc đóng thuế. Tuy nhiên, suốt mấy năm từ 2015-2019, dù năm lần bảy lượt đi hết Chi cục Thuế quận rồi Cục Thuế Đà Nẵng hỏi tìm cách nộp thuế mà không ai hiểu mình đang nói gì, không hiểu nên thu thuế thế nào do lĩnh vực hoạt động của anh mới quá, chưa có hướng dẫn. Mãi sau này ở TP HCM có vụ truy thu thuế 4,1 tỷ đồng của một thanh niên có thu nhập từ viết phần mềm cho Google thì Đà Nẵng mới gọi lên để thu thuế. “Chúng tôi sẵn sàng đóng thuế và mong nhà nước có cơ chế kiểm soát, tối ưu hoá việc thu thuế. Tôi mong muốn tiền thuế mình đóng được sử dụng để đầu tư cho giáo dục, hạ tầng, công nghệ, hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ người yếu thế…”- anh Cường nói.

Báo Thanh niên thì cho rằng, doanh thu từ các hoạt động trên mạng ngày càng tăng. Theo Tổng cục Thuế, số thu từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân trong 2 năm gần đây mỗi năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng và con số này vẫn đang tăng theo cấp số nhân. Điều đó cho thấy nguồn lực khổng lồ từ rất nhiều hệ thống kinh doanh trên mạng mà cơ chế, chính sách pháp luật phải luôn đi trước và cập nhật kịp thời để tạo ra hành lang cho thị trường phát triển. Và chính sách thuế cần được thiết kế phù hợp, thuận tiện, có lý, có tình, công bằng, minh bạch để ngày càng có nhiều người tự nguyện và tự hào nộp thuế, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

4. Báo Đầu tư (27/1) có bài “Tạo hành lang cho kinh tế chia sẻ” cho biết: Ngày 26/1, Tổ công tác liên ngành về thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã họp lần đầu tiên, nhằm triển khai Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg.

Để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý kinh tế chia sẻ, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với các chủ thể tham gia thị trường kinh tế chia sẻ…

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế), Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2014/QH14, trong đó, chú trọng nội dung quản lý về kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Ông Huy cho biết, trong Luật Quản lý thuế có quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan thuế nhằm chia sẻ, kết nối thông tin để quản lý hoạt động kinh tế chia sẻ…

IV. Vấn đề về hải quan

5. Báo Dân trí (27/1) có bài “Ô tô nhập khẩu chứa bản đồ "đường lưỡi bò": Buộc tái xuất”; Báo Tiền phong (27/1) có bài “Ôtô nhập khẩu chứa bản đồ 'đường lưỡi bò': Buộc tái xuất” cho biết: Sau các vướng mắc về xử lý một số trường hợp ô tô nhập khẩu chứa bản đồ “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mới đây, Cục Hải quan TP Hải Phòng đề nghị chính quyền tái xuất một chiếc ô tô Trung Quốc có vi phạm.

Ngày 25/1, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Bình An, Cục phó Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết, đã chuyển hướng dẫn, đề nghị xử lý tái xuất đối với ô tô nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Cty TNHH Công nghệ Điện mặt trời Segatech Việt Nam (Segatech Việt Nam). Theo bà An, việc xử lý sẽ do UBND TP Hải Phòng ra quyết định, căn cứ trên các văn bản pháp lý còn hiệu lực.

Trước đó, ngày 30/10/2020, Segatech Việt Nam nhập khẩu (NK) lô hàng gồm 1 ô tô điện 5 chỗ ngồi, hiệu JAC, sản xuất năm 2019, xuất xứ Trung Quốc. Giá bán trên thị trường của chiếc xe này khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 16/11, Cục Đăng kiểm Việt Nam có công văn thông báo, qua kiểm tra phát hiện hệ thống dẫn đường (Navigator) của chiếc xe trên phát hiện có bản đồ “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Do đó, cục tạm dừng thủ tục đăng kiểm NK cho chiếc xe này….

6. Báo Pháp luật Việt Nam (27/1) có bài “Năm 2021: Hải quan quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại” cho biết: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 215/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, nhấn mạnh Thủ trưởng đơn vị hải quan phụ trách địa bàn, cán bộ công chức thừa hành để xảy ra tình hình buôn lậu, gian lận, trốn thuế, vận chuyển trái phép qua biên giới trên địa bàn quản lý và bị các lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

7. Báo Tiền phong (27/1) và một số báo khác có bài “Kiểm tra 11 mẫu cá tầm tại Hà Nội, TPHCM: Tám mẫu có nguồn gốc nhập lậu” đưa tin: Ngày 26/1 Bộ NN&PTNT cho biết, có tới 8/11 mẫu cá tầm tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và TPHCM có hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, hiện có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Trong văn bản gửi các bộ ngành, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính, Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai liên quan đến việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm. Trong đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

V. Vấn đề về DNNN

8. Thời báo Ngân hàng (27/1) có tin “Tiếp tục thoái vốn nhà nước tại DN theo Quyết định 908”, báo Công thương (27/1) có tin “Tiếp tục thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, baochinhphu.vn (25/1) có tin “Tiếp tục thoái vốn nhà nước tại DN theo Quyết định 908/QĐ-TTg” cho biết: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2021 – 2025.

Theo Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020: DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 DN. Ngoài ra, có 4 DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020. Quyết định số 908/QĐ-TTg cũng nêu rõ, có 18 DN thuộc Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể…

9. Báo Công thương (27/1) có tin “55% DN FDI báo lỗ: Cần điều tra làm rõ hành vi chuyển giá, trốn thuế” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN FDI, năm 2019, quy mô sản xuất, kinh doanh của DN FDI đạt 7.181.000 tỷ đồng, tăng hơn 720.000 tỷ đồng so với năm 2018. Tuy nhiên, số DN FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số DN, trong đó, nhiều DN có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm.

Đánh giá về con số 55% DN FDI báo lỗ trong năm 2019, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là con số đáng báo động và khó chấp nhận. Cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều DN lỗ như vậy.

VI. Vấn đề về bảo hiểm

10. Báo Thanh tra (26/1) có tin “DN bảo hiểm thích ứng thách thức từ môi trường lãi suất thấp” cho biết: Môi trường lãi suất thấp có thể sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận chung của các Cty bảo hiểm, vì phần lớn danh mục đầu tư của các Cty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ. Trước những khó khăn này, giới phân tích cho rằng DN bảo hiểm sẽ phân bổ đầu tư nhiều hơn vào những tài sản rủi ro có khả năng sinh lời cao để bù đắp phần lợi nhuận sụt giảm.

Về mặt chính sách, Bộ Tài chính đã có những thay đổi chính sách nhằm gỡ khó cho DN. Gần đây nhất Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 89/2020/TT-BTC nhằm sửa đổi bổ sung 4 thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm mà quan trọng nhất là nội dung sửa đổi về trích lập dự phòng toán học, giúp các DN bảo hiểm nhân thọ giảm gánh nặng chi phí dự phòng trong điều kiện lãi suất đầu tư và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh và có thể tiếp tục duy trì trong năm 2021.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00