Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/01/2021

Điểm báo ngày 28/01/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Vấn đề nổi bật

Ngày 27/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều báo, đài đưa tin về nội dung này, như: Thời sự 19h00-VTV1 (27/1) có tin “Đổi mới sáng tạo và phát triển”; Tiền phong (28/1) có bài “Cơ đồ đất nước hôm nay: Nền tảng để vượt thách thức”; Tuổi trẻ (28/1) có tin “30/63 địa phương thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng”; Baochinhphu.vn (27/1) có bài “Củng cố tiềm lực tài chính quốc gia”; Tin tức – TTXVN (27/1) có bài “Xây dựng, hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, bền vững”; Đại đoàn kết (28/1) có bài “Tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp phát triển của đất nước”; Lao động (27/1) có bài “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại”; Zing.vn (27/1) có tin “Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hứa giữ vững an ninh tài chính quốc gia”; VTC.vn (27/1) có tin “Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách”; Đại biểu nhân dân (27/1) có tin “Củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia”; Thời báo Ngân hàng (27/1) có tin “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN”; và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian qua. Từ những con số do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra có thể thấy, nhịp đập của những con số về đầu tư, nợ công giảm… phản ánh rõ lòng tin của nhân dân vào “cơ đồ” đất nước sau 35 năm đổi mới. Đây là điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chủ động và bền vững, làm nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.

NSNN trong giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu với cơ cấu thu chi ngân sách còn nhiều điểm chưa hợp lý, đặc biệt nợ công đã lên tới 63,7% GDP - sát với mức Quốc hội cho phép là 65%. Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về cơ cấu lại ngân sách, quản lý nợ công. Đặc biệt là triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhóm giải pháp theo tinh thần của nghị quyết, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo ra sức ép thúc đẩy tiến trình sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức của các cơ quan hành chính, cải cách hành chính và đẩy mạnh tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Kết quả: Thứ nhất, thu NSNN đã tăng lên, tỷ trọng động viên vào NSNN đạt bình quân trên 25% GDP giai đoạn 2016 - 2020, vì vậy đã tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế quan trọng. Thứ hai, cơ cấu thu ngân sách đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa. Thứ ba, nhờ tăng thu, tiếp kiệm chi, cơ cấu chi NSNN đã chuyển hướng tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển; qua đó góp phần thu hút thêm đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tổng đầu tư xã hội 5 năm 2016 - 2020 đạt 33,4% GDP; trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng nhanh từ mức 38,9% năm 2016 lên khoảng 45% năm 2020, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 174 tỷ USD).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhờ những giải pháp kịp thời trên đã bảo đảm chi an sinh xã hội, đồng thời vẫn giảm được bội chi ngân sách từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011 - 2015 xuống mức bình quân 3,6% GDP giai đoạn 2016 - 2020, dẫn đến nhu cầu vay nợ cũng giảm hơn so với  thời kỳ trước.

Bộ Tài chính cho biết, cùng với các giải pháp quản lý nợ chủ động, kiểm soát chặt chẽ từ khâu huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, nợ công đã giảm mạnh. Vào thời điểm hiện tại, nợ công/GDP ở mức 55,8% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,6% GDP, đã tạo dư địa cho chính sách tài khóa, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Thứ tư, nhờ có cơ cấu lại ngân sách, tăng thu, quản lý chi chặt chẽ, huy động vốn với kỳ hạn dài (bình quân năm 2020 là 13,9% năm), lãi suất thấp (bình quân năm 2020 là 2,86%/năm), vì vậy chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Cơ cấu lại ngân sách chuyển hướng tích cực đã tạo điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chủ động và bền vững”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Đồng thời ông đánh giá, với kết quả cơ cấu lại NSNN, nợ công chúng ta đã có bước đi chủ động và tích cực, tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Đinh Tiến dũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn tới phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Pháp luật Việt Nam (28/1) có tin “Giữ nguyên bộ máy 3 chi cục thuế trên địa bàn Tp Thủ Đức”, thesaigontimes.vn (27/1) có tin “Giữ nguyên hoạt động và bộ máy cơ quan thuế tại thành phố Thủ Đức”, Báo Công an nhân dân (28/1) có tin “Vẫn giữ nguyên 3 chi cục thuế sau khi thành lập Tp Thủ Đức” cho biết: Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, theo Công văn 787/BTC-TCCB của Bộ Tài chính về việc quản lý công tác thuế trên địa bàn Tp Thủ Đức (Tp.HCM) trước mắt, vẫn giữ nguyên hoạt động và tổ chức bộ máy của 3 Chi cục Thuế quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên địa bàn thành phố Thủ Đức thuộc Cục Thuế TPHCM.

Tổng cục Thuế cho biết, việc giữ nguyên hoạt động và bộ máy của chi cục thuế này để không ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM, đồng thời đảm bảo công tác điều hành, chỉ đạo thông suốt trong hệ thống quản lý thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Theo đó, chi cục Thuế quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế trên địa bàn các phường thuộc quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ tới khi có văn bản quy định khác về tổ chức bộ máy cơ quan thuế của thành phố Thủ Đức.

Theo Tổng cục Thuế, cục trưởng Cục Thuế TPHCM có trách nhiệm phân công một chi cục thuế làm đầu mối để tổng hợp chung tình hình quản lý thuế của ba chi cục thuế. Đồng thời, cử lãnh đạo cục thuế phụ trách, điều hành, phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố Thủ Đức để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý thuế trên địa bàn

3. Báo Người lao động (28/1) có bài “Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục báo lỗ” cho biết: Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI cho thấy 55% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước đã báo lỗ trong năm 2019. Đáng chú ý, doanh thu của những DN này được ghi nhận khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Tài chính, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn còn diễn ra ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng, gây thất thoát, thiệt hại cho NSNN.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục báo lỗ nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng kinh doanh là điều không bình thường. Theo TS.Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng cần làm rõ để chặn việc chuyển giá, trốn thuế. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát, chống chuyển giá và làm rõ một vài DN lớn thường xuyên báo lỗ, từ đó xác định lỗ thật hay giả. Bên cạnh đó, cần xem xét lại các ưu đãi cho DN FDI phù hợp hơn, tránh tình trạng các DN lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế.

Tại Hội nghị triển khai công tác ngành thuế năm 2021 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng đã chỉ đạo ngành thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Tổng cục Thuế cũng đã xác định việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn tới.

III. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Người lao động (28/1) có tin “Chứng khoán giảm mạnh, VN-Index rời ngưỡng 1.100 điểm”; Bnews (28/1) có tin “Chứng khoán thế giới phiên 27/1 đồng loạt giảm mạnh” và nhiều báo khác đưa tin: Đóng cửa phiên 27/1, VN-Index giảm 38,95 điểm (-3,43%) tụt khỏi mốc 1.100 điểm khi xuống còn 1.097,17 điểm; toàn sàn có 51 mã tăng, 413 mã giảm và 34 mã đứng giá. HNX-Index cũng giảm 7,03 điểm (-3,09%) xuống 220,79 điểm; toàn sàn có 48 mã tăng, 167 mã giảm, 36 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,96 điểm (-2,56%) xuống 74,46 điểm.

Theo các chuyên gia, sau khi giữ nhịp được 1-2 phiên khi bị giảm mạnh (19/1) tuần trước, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan. Đặc biệt, thông tin các công ty chứng khoán cho vay margin nhiều từ vốn ngân hàng cũng khiến thị trường lo lắng, ảnh hưởng tâm lý chung của các nhà đầu tư.

Một số báo cũng đưa tin: Chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống trong phiên 27/1, trong bối cảnh có những lo ngại về việc định giá cổ phiếu đang cao quá mức và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra đánh giá thận trọng cho triển vọng nền kinh tế này.

IV. Vấn đề về hải quan

5. Báo Thanh niên (28/1) có tin “Tổng cục Hải quan hối thúc bán đấu giá phế liệu tồn” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có công văn chỉ đạo một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, TP.HCM, Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu về xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển. Tổng cục Hải quan vừa có công văn chỉ đạo một số cục hải quan tỉnh thành gồm: Hải Phòng, TP.HCM, Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu về xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển.

Cụ thể, đối với phế liệu tồn đọng thuộc danh mục theo Quyết định 73/2014 ngày 19.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cục hải quan các tỉnh, thành khẩn trương thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân và thuê tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại điểm 2 Công văn số 5918 ngày 9.9.2020 của Tổng cục Hải quan. Hoàn thành việc ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và báo cáo việc ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá về Tổng cục Hải quan trong ngày 29.1. Với phế liệu không thuộc danh mục theo Quyết định 73, phế liệu thuộc danh mục nhưng không đạt chuẩn, các đơn vị căn cứ luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn xác định hành vi đưa hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào VN của hãng tàu để xử lý theo trình tự pháp luật.

V. Vấn đề về giá

6. Các báo: Người lao động (28/1) có tin “Kiểm soát lạm phát cơ bản dưới 2,5%”, Báo Hà Nội mới (28/1) có tin “Điều hành giá, kiểm soát lạm phát thận trọng, linh hoạt và chủ động”, baochinhphu.vn (27/1) có bài “Thủ tướng chỉ đạo công tác điều hành giá năm 2021”, kinhtedothi.vn (27/1) có bài “Thủ tướng yêu cầu: Kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động” cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 dưới 2,5% để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo nguyên tắc thị trường, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán.

VI. Vấn đề về bảo hiểm

7. Báo Hà Nội mới (28/1) có tin “Kéo dài thời gian hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021”, báo Pháp luật Việt Nam (28/1) có tin “Tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp”, baochinhphu.vn (27/1) có tin “Kéo dài thời gian hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021” cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2021 (quy định cũ 31/12/2020).

Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

VII. Vấn đề về kinh tế vĩ mô

8. Báo Tiền phong (28/1) có bài “Tăng trưởng kinh tế 2021-2025 phải vượt nhiều khó khăn” cho biết: Theo Dự báo của Bộ KHĐT, giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thực sự bứt phá bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và những điều chỉnh trong trung hạn 2021-2025, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế quốc gia thuộc Bộ KHĐT đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Tại kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kịch bản này diễn ra với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh té của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế, thương mại tăng trưởng chậm. Với kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 2021-2025 có thể đạt gần 6,8%/năm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00