Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/02/2021

Điểm báo ngày 01/02/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Vấn đề về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Bản tin Thời sự 19h00-VTV1 (30/1) phát phóng sự “Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp” cho biết: Trong năm 2020 vừa qua đã có khoảng 130 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí và lệ phí các loại được Bộ Tài chính thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng của dịch Covid 19. Đây như liều thuốc bổ giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh vượt qua khó khăn, đảm bảo thực hiện mục tiêu, vừa phòng dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội. Trước sự hiệu quả của chủ trương này cũng như diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 những ngày gần đây, Bộ Tài chính một lần nữa lên phương án gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh để trình Chính phủ xem xét sớm ban hành.

Theo Bộ Tài chính, trong năm qua ngành thuế đã tiếp nhận gần 185 nghìn giấy đề nghị gia hạn tiền nộp thuế của các tổ chức cá nhân với riêng tiền thuế các loại và tiền thuê đất đã gia hạn là trên 87,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 14 DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp trên 20 nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt…Nguồn vốn này đã hỗ trợ nhiều DN, hộ kinh doanh cân đối được tài chính để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, trước những diễn biến mới đây của dịch Covit 19, Bộ Tài chính một lần nữa lại tính đến phương án tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết: “Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát lại các chính sách về tài khóa trong đó có các chính sách về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp để phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh việc đảm bảo cân đối thu – chi NSNN, thì nhiệm vụ của tài chính là để đầu tư phát triển và tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển và tạo dư địa của chính sách tài khóa cũng như nuôi dưỡng nguồn thu trong thời gian tới”.

Không chỉ tiếp tục gia hạn, Bộ Tài chính còn tính đến phương án mở rộng đối tượng được giãn, hoãn nộp thuế trong năm nay. Những tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực như xuất bản, điện ảnh, phát thanh truyền hình, lập trình máy vi tính hay dịch vụ tư vấn… đang được đánh giá mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh để xem xét bổ sung vào danh sách được gia hạn nộp thuế.

Hiện các cơ quan thông tấn báo chí và dư luận xã hội đều rất quan tâm đến thông tin về các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Đề nghị Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội.

            II. Vấn đề về thuế

2. Báo Thanh niên (1/2) có tin “Thuế thu từ Google, Facebook… tăng hơn 24 lần trong 4 năm”; Đại đoàn kết (1/2) có bài “Thu hơn 1000 tỷ đồng từ Google, YouTube, Facebook”Pháp luật Việt Nam (1/2) có bài “Thu thuế “khủng” từ hoạt động thương mại điện tử” cho biết: Ngành Thuế thu về 1.143 tỷ đồng tiền thuế từ các cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo Google, Facebook, Youtube năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương tăng cường nhiều giải pháp quản lý thu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mới đây, để hỗ trợ cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng vừa có một số hướng dẫn về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân kỳ tính thuế năm 2020. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh sẽ thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/NQ-UBTVQH ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập cá nhân.

3. Báo Tiền phong (1/2) có tin “Đẩy mạnh thu thuế qua mạng” cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 và những ca mắc mới tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội, cơ quan Thuế và Hải quan tại những địa bàn này đã đề ra những giải pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, thu ngân sách nhà nước. Các cục thuế Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử.

4. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (28/1) có bài “Làm sao để biết thuế có điều tiết hợp lý?” cho biết: Một trong những vai trò quan trọng của thuế là đảm bảo công bằng xã hội, thông qua việc điều tiết chênh lệch thu nhập giữa nhóm cao và nhóm thấp. Nhưng nếu chỉ nhìn vào thuế thu nhập cá nhân mà không nhìn hệ thống thuế một cách tổng thể thì khó mà biết được sự điều tiết của thuế là có hợp lý hay không.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí luôn là phần thu chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách của các Chính phủ. Trong số này, có ba loại thuế quan trọng là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp tỷ trọng của thuế TNCN trong tổng thu từ thuế thấp (như Việt Nam dự toán cho năm 2021 là 10%) thì gánh nặng thường sẽ được chuyển sang thuế giá trị gia tăng, mà loại thuế này thì người thu nhập thấp nếu tiêu dùng cũng phải đóng. Vấn đề tiếp theo ở đây là những hàng hóa, dịch vụ nào phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất là bao nhiêu.

Có những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cơ bản mà phải chịu thuế suất giá trị gia tăng, thay vì 0% và được bù đắp bởi thuế giá trị gia tăng từ những hàng hóa, dịch vụ thường chỉ dành cho người có thu nhập cao, thì rõ ràng nhóm người thu nhập thấp không hề được “chia sẻ” chút nào. Rất nhiều người trong nhóm có thu nhập thấp, không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân không biết rằng mình vẫn phải đóng thuế qua tiêu dùng hàng ngày, trực tiếp như thuế giá trị gia tăng và gián tiếp là các loại thuế đã được tính vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ.

Với trường hợp tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân cao (hầu hết các nước phát triển đều có tỷ lệ này trên 30%), vấn đề còn nằm ở chỗ thu nhập chịu thuế và các bậc thuế.

Việc ban hành hay điều chỉnh các chính sách thuế không bao giờ là đơn giản, vì nghiêng về nhóm này thì sẽ thiệt cho nhóm khác. Để thuế thực sự là một công cụ điều tiết thu nhập thì các chính phủ cần cân bằng tổng thể ba loại thuế quan trọng, hướng đến thuế giá trị gia tăng và thuế TNCN mà phần gánh chịu của nhóm thu nhập cao sẽ nhiều hơn. Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài sản của những người giàu cũng là một tấm đệm trong việc giảm thuế cho người có thu nhập thấp, nhưng cũng cần cân nhắc những hiệu ứng phụ khi thuế thu nhập doanh nghiệp cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và người giàu sẽ chọn khai thuế ở một đất nước khác.

III. Vấn đề về hải quan

5. Báo Thanh niên (1/2) có bài “Xuất siêu tỉ USD ngay tháng đầu năm” cho biết: Sau khi lập kỷ lục xuất siêu hơn 19 tỉ USD trong năm xảy ra đại dịch Covid-19, tháng đầu năm 2021, cả nước tiếp tục xuất siêu ước hơn 1,3 tỉ USD. Số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, hết tháng 1.2021, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu đạt 27,7 tỉ USD (tăng hơn 50% so cùng kỳ năm ngoái) và nhập khẩu đạt 26,4 tỉ USD (tăng 41% so cùng kỳ năm ngoái). Như vậy, thặng dư thương mại trong tháng đầu năm đạt hơn 1,3 tỉ USD, trong khi so cùng kỳ năm ngoái, cả nước nhập siêu 276 triệu USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét, đứng về phương diện thương mại thì rõ ràng xuất siêu là quá tốt cho một nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Thứ hai, xuất khẩu tăng, lượng ngoại tệ vào Việt Nam lớn hơn khiến sức ép giảm giá đồng Việt Nam cũng giảm đi. Như vậy, công tác điều hành tiền tệ cũng “dễ” hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái vì một năm đại dịch.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bổ sung, trong khi một số nền kinh tế trên thế giới đang chững lại lo đối phó với đại dịch, Việt Nam tuy đã xuất hiện tái dịch trong tuần qua, song nhìn chung hoạt động thương mại quốc tế đã có dấu hiệu phục hồi tốt, theo đà tăng trưởng của năm cũ, trong tháng đầu năm, chúng ta tiếp tục tăng trưởng dương.

6. Báo Đại đoàn kết (30/1) có bài “Hàng hóa Việt Nam và “visa toàn cầu”” cho biết: Xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã mở rộng dần theo thời gian cả về quy mô và chất lượng. Kể cả trong năm 2020 đầy khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng. Giới chuyên gia cho rằng, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có thể nói hàng hóa Việt Nam đã có “tấm visa toàn cầu”.

Thiết thực giúp các doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hải quan, duy trì thực hiện tốt việc khai báo, thông quan qua mạng, nâng cao số hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, cơ quan Hải quan áp dụng kiểm tra hàng hóa (soi chiếu container) xuyên suốt 24/7 theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, các chi cục hải quan thường xuyên bố trí công chức trực ngoài giờ hành chính để giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

IV. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Người lao động (30/1) có bài “Chứng khoán Việt Nam ngược chiều thế giới” cho biết: Trái với diễn biến trên thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 29/1 phục hồi mạnh sau 3 ngày lao dốc liên tục. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 32,67 điểm (+3,19%) lên 1.056,61 điểm; HNX-Index tăng 5,54% lên 214,3 điểm và UPCoM Index tăng 4,28% lên 72,08 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 21.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng tới hơn 1.100 tỷ đồng giúp nhà đầu tư trong nước lấy lại niềm tin sau chuỗi ngày lo lắng. Một số chuyên gia chứng khoán nhận định lý do để thị trường chứng khoán hồi phục là do tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại sau những thông tin về các ca nhiễm Covid-19 mới.

7. Báo Thanh niên (30/1) có bài “Giá chứng khoán tăng trở lại” cho biết: Kết thúc phiên giao dịch 29/1, nhiều cổ phiếu đã tăng vọt trở lại, trong đó có nhiều mã trần. Chốt phiên, VN-Index tăng 32,67 điểm, tương ứng tăng 3,19% lên 1.056,61 điểm. Hiện khoảng 990-1.030 điểm vẫn được xem là vùng hỗ trợ đáng tin cậy của VN-Index. Còn trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng hơn 5,5%, tương ứng tăng 11,17 điểm lên 214,21 điểm.

8. Báo Nhân dân hằng tháng (số tháng 1/2021) có bài “Thị trường chứng khoán Việt Nam mở ra nhiều triển vọng mới” cho biết: Sau khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi nhanh, mạnh, thuộc Top 10 thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới. Tính cả năm, VN-Index đã tăng khoảng 13%, dòng tiền đổ vào thị trường tăng từ mức năm, sáu tỷ đồng trước đó lên 15-17 nghìn tỷ đồng mỗi phiên gần đây. Năm 2021, chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ triển vọng kinh tế tốt. Bên cạnh đó, việc hiệu ứng tiền rẻ tiếp tục kéo dài do đại dịch chưa chấm dứt, ngân hàng trung ương các nước vẫn bơm tiền vào thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư trong khoảng thời gian từ 2020-2024….

9. Báo Sài Gòn giải phóng (30/1) đưa tin “VN-Index phục hồi gần 33 điểm”, báo Người lao động (29/1) đưa tin “Giới đầu tư lại tranh nhau mua cổ phiếu, VN-Index phục hồi gần 33 điểm”, báo VnExpress (29/1) đưa tin “VN-Index tăng gần 33 điểm”... và nhiều báo đưa tin: Sau 3 phiên lao dốc liên tục, đặc biệt là phiên giảm mạnh nhất lịch sử vào ngày 28-1, đến ngày 29-1, các sàn chứng khoán Việt Nam đồng loạt tăng điểm mạnh mẽ. Sắc xanh lan tỏa toàn thị trường, có lúc VN-Index tăng gần 80 điểm. Cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành khác như bất động sản, xây dựng, dầu khí, hàng không, khu công nghiệp, thép, công nghệ, viễn thông… hết sức sôi động. Tuy nhiên, gần cuối buổi sáng, đà tăng chậm lại do hoạt động cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư. Kết quả, VN-Index thu hẹp mức tăng còn 31,64 điểm (+3,09%) lên 1.055,58 điểm; HNX-Index tăng 2,44% lên 208 điểm và UPCom-Index tăng 3,39% lên 71,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức rất cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 17.000 tỉ đồng…

V. Vấn đề về DNNN

10. Báo Công an nhân dân (01/2) có bài “Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp lại chậm” cho biết: Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) - Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 7 DN. “Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên trong số 178 DN đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), như vậy, tiến độ CPH các DN còn chậm”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định.

Từ phía cơ quan trực tiếp thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã tìm nhiều giải pháp để “thúc” tiến độ CPH, thoái vốn. Mới đây, cơ quan này tiếp tục đề xuất 6 nhóm giải pháp được đánh giá là khá quyết tâm và “mạnh tay”, với mong muốn đẩy mạnh CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tới. Cụ thể, trong nhóm giải pháp thứ nhất, bên cạnh đề xuất phải hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường công khai, minh bạch thông tin của các DNNN. Ở nhóm giải pháp thứ 2, Bộ Tài chính yêu cầu, phải xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 – 2020. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN…

11. Báo Đầu tư (01/2) có bài “Tái cơ cấu DNNN: Để doanh nghiệp không phải hỏi “có được làm hay không?” cho biết: Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, nên tập trung nhiều hơn cho việc phân tích, tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế nhà nước trong giai đoạn tới để khu vực này – như quan điểm tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng – giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Thảo luận tại Hội trường trong phiên góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng, Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã nhắc lại quan điểm về vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, kèm theo đó là khuyến nghị về tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM kỳ vọng vào những thay đổi thực sự về cơ chế, chính sách và nhất là tư duy về doanh nghiệp nhà nước. “hãy nhìn doanh nghiệp nhà nước là một động lực quan trọng của nền kinh tế để những thay đổi kích hoạt nguồn lực này theo đúng nguyên tắc thị trường, ông Cung nói.

12. Báo Thanh niên (30/1) có bài “Siết” phát hành trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Sau nhiều lần cảnh báo, khuyến nghị nhà đầu tư rủi ro khi tham gia vào TPDN trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quy định liên quan đến TPDN gồm Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của luật Chứng khoán, trong đó có quy định về phát hành TPDN ra công chúng và Nghị định số 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các quy định được đề cập trong nghị định trên tạo khung pháp lý, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn TPDN và có những điều kiện phát hành “gắt” hơn trước.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00