Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 03/02/2021

Điểm báo ngày 03/02/2021

I. Vấn đề về hải quan

1. Báo Thanh niên (3/2) có tin “Cấp thủ tục xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc qua cơ chế một cửa” cho biết: Từ 4/2/2021, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản sẽ triển khai bổ sung cấp mẫu chứng thư thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương làm thủ tục không được yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản giấy đối với giấy phép đã được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, các cục hải quan địa phương phân quyền sử dụng chức năng trên hệ thống xử lý điện tử hải quan cho cán bộ công chức hải quan.

Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu công chức hải quan tại các chi cục truy cập E-Customs để tra cứu, khai thác chứng thư cho lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc và không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản giấy đối với giấy phép đã được cấp nói trên.

2. Báo Thanh niên (3/2) có tin “Hải quan Tp.HCM xử lý tiêu hủy hơn 3 tấn lá chứa thành phần ma túy” phản ánh: Theo thông tin từ Cục Hải quan TPHCM, Hội đồng xử lý tiêu hủy vật chứng lá Khát của đơn vị đang xử lý lô hàng tiêu hủy vật chứng lá Khat. Số tang vật này gồm 3152,12 kg và 1 kiện bao nylon.

Cục Hải quan TPHCM cho biết, toàn bộ lượng lá Khát trên do đơn vị này phát hiện, bắt giữ trong nhiều năm trước. Chủ yếu lá Khat được phát hiện cất giấu trong các kiện hàng phi mậu dịch gửi qua đường hàng không. Trong đó, có vụ bắt giữ trên 1,6 tấn lá khát từ 129 bưu kiện nhập khẩu qua Bưu điện TPHCM của 2 tổ chức và hơn chục cá nhân trong tháng 6/2016.

3. Báo Pháp luật Việt Nam (3/2) có bài “Tổng cục Hải quan: Triển khai loạt nhiệm vụ tại Nghị quyết 01 của Chính phủ” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ và Quyết định 01/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Kế hoạch này được ban hành kèm theo Quyết định 185/QĐ-TCHQ. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã phân công cụ thể cho các đơn vị để triển khai 21 nhiệm vụ do Bộ Tài chính chủ trì và 5 nhiệm vụ do Bộ Tài chính phối hợp. Trong đó, một số nhiệm vụ quan trọng như: Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước 15,5%; tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5%; tăng thu so với dự toán ngân sách nhà nước 3%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 5%.

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

4. Báo Hà Nội mới (3/2) có tin “Tháng 1-2021, thu ngân sách Ngành Thuế quản lý đạt 134.000 tỷ đồng” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách tháng 1-2021 do ngành Thuế thực hiện ước đạt 134.000 tỷ đồng, bằng 12% so với dự toán, bằng 81,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán; thu nội địa đạt 131.550 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù tiến độ thu ngân sách nhà nước tháng 1-2021 đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thu ngân sách nhà nước phụ thuộc lớn vào mức tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực như hàng không, du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng diễn ra tại nhiều địa phương đã tác động không thuận đến tình hình kinh tế.

Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 1 ước tính đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 2,5% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.000 tỷ đồng, bằng 0,6%...

III. Vấn đề về quản lý tài sản công

5. Đầu tư (3/2) có bài “Mở rộng khái niệm tài sản công” cho biết: Cần phải đánh giá đúng và đầy đủ toàn bộ tài sản quốc gia, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi tài sản công hay tài sản nhà nước.

Thực tế cho thấy, việc quản lý tài sản nhà nước hiện được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và rất nhiều luật chuyên ngành khác; tuy nhiên còn nhiều thất thoát lãng phí… điểm qua một số công trình được xây dựng bằng tiền thuế của dân trên địa bàn Hà Nội đang được cho thuê mở nhà hàng, sử dụng không đúng công năng, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, một khối lượng tài sản nhà nước đang sử dụng kém hiệu quả, còn nhiều thất thoát, lãng phí, chiếm dụng, trục lợi.

Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  Nguyễn Minh Sơn, trong thời gian tới Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, hạn chế, luôn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo PGS.TS Thanh, cần phải đánh giá đúng và đầy đủ toàn bộ tài sản quốc gia, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi tài sản công hay tài sản nhà nước. Ngoài các loại tài sản đã được liệt kê trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì tài sản phi vật thể mang giá trị tinh thần, văn hóa, tâm linh của dân tộc… cũng là tài sản quốc gia.

IV. Vấn đề về NSNN

6. Báo Công lý (3/2) có tin “Vốn ngân sách nhà nước trong tháng 1 tăng 24,5%” cho biết: Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 1/2021 ước tính đạt 23.233 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch năm và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước do tháng 1/2020 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cùng kỳ năm 2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN, đạt 3,6% kế hoạch và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

V. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Công lý (3/2) có bài “Cảnh giác với sàn chứng khoán nước ngoài giả” cho biết: Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi. Dù cơ quan chức năng đã liên tục phát đi cảnh báo nhưng nhiều người dân vì ham giàu nhanh mà sa bẫy những kẻ phạm tội. Mới đây, công an TP Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về một chiêu thức mới của các đối tượng lừa đảo.

Trong đó, một trong các thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn người dân truy cập vào App Store và CH Play để tải về các phần mềm của các sàn chứng khoán trên điện thoại do chính công ty chứng khoán phát hành để đầu tư. Thế nhưng do lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân về đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư hoàn toàn tin tưởng và chuyển tiền cho đối tượng thực hiện đầu tư thay cho mình trong khi bản thân không hề biết gì về đầu tư chứng khoán.

Lợi dụng sơ hở này, đối tượng lừa đảo có thể bằng cách này hoặc cách khác lừa đảo tiền của nhà đầu tư một cách dễ dàng. Nhiều trường hợp nhà đầu tư và đối tượng hướng dẫn đầu tư hoàn toàn không biết nhau cũng như chưa gặp mặt ngoài đời thường nên rất dễ để các đối tượng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư và tẩu tán.

Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán kể cả trong và ngoài nước. Không tham gia đầu tư khi bản thân không có chút kiến thức nào về đầu tư chứng khoán cũng như chưa có bất cứ thông tin gì về công ty mà mình sẽ đầu tư chứng khoán vào công ty này, điều này sẽ dẫn tới rủi ro thiệt hại tài cihnhs lớn cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tuyệt đối không nghe các đối tượng thông qua mạng xã hội và các ứng dụng chat dụ dỗ tham gia đầu tư các sàn chứng khoán nước ngoài, chuyển tiền cho đối tượng đầu tư chứng khoán giúp mình dù chưa biết đối tượng là ai.

VI. Vấn đề về DNNN

8. Báo Pháp luật Việt Nam (3/2) có bài “Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa: Cần xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ” cho biết: Kết thúc năm 2020, vẫn còn 91 doanh nghiệp (DN) chưa được cổ phần hóa (CPH) theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong rất nhiều giải pháp mà Bộ Tài chính đề xuất thì hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả là giải pháp có vẻ “mới” hơn cả.

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng đề nghị xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; Xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể… Cục này cũng đề xuất phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, thoái vốn các DNNN. Cụ thể: Rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án CPH, thoái vốn với phương án phá sản, bán toàn bộ DN, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả cao.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00