Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 04/02/2021

Điểm báo ngày 04/02/2021

I. Vấn đề về hải quan

1. Báo Hà Nội mới (4/2) có tin “Tháng 1-2021, ngành Hải quan thu ngân sách 30.398 tỷ đồng” cho biết: Số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng 2-2021 là 30.398 tỷ đồng, đạt 9,7% dự toán, đạt 9,2% chỉ tiêu phấn đấu.

 2. Nhiều báo dẫn lại thông tin nổi bật tại thông tin báo chí về tình hình công tác tháng 1/2021 của Tổng cục Hải quan, như: Bnews - TTXVN (3/2) có bài “Tổng cục Hải quan: Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi”; Quân đội nhân dân điện tử (3/2) có bài “Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 54,1 tỷ USD”; Đại đoàn kết (4/2) có bài “Kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả”; Pháp luật Việt Nam (4/2) có tin "Buôn lậu tuyến hàng không tăng mạnh";… Các báo cho biết: Theo Tổng cục Hải quan, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới những ngày cận Tết có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020 song tính chất các vụ việc lại rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi hơn, số lượng hàng hoá vi phạm bị giữ nhiều hơn. Tính từ 16/12/2020-15/1/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 803 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 518,839 tỷ đồng. Số thu NSNN đạt 12,503 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 2 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 5 vụ….

3. Báo Sài gòn Giải phóng (4/2) có tin “Được chậm nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu không quá 2 năm” thông tin: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Thông tư quy định trường hợp người khai hải quan về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan, nhưng chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo EVFTA thì được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 2 năm, kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn còn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

4. Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (3/2) đưa tin “3 giám đốc câu kết qua mặt hải quan buôn lậu hàng Trung Quốc” cho biết: Ngày 3-2, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Tạ Phong (Giám đốc Công ty Gia Thịnh) 12 năm tù, Phạm Đăng Khoa (Giám đốc Công ty AZA) năm năm sáu tháng tù và Nguyễn Thị Thu Thủy (Giám đốc Công ty BTQ) ba năm án treo cùng về tội buôn lậu.

            Hồ sơ thể hiện Công ty Gia Thịnh được thành lập vào năm 2009 hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, mua bản đồ điện gia dụng, đèn, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện.

Ngày 3-8-2017, Công ty Gia Thịnh mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 - TP HCM. Hàng hóa nhập khẩu khai báo là 13 danh mục đèn led có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với tổng số lượng là 22.075 cái, thuế nhập khẩu là 0%, trị giá lô hàng là 203 triệu đồng hàng mới 100%.

Nghi ngờ doanh nghiệp kê khai không đúng thực tế hàng nhập khẩu nên hải quan đã kiểm tra thực tế lô hàng. Kết quả xác định hàng hóa nhập khẩu không đúng số lượng khai báo; không đúng mã số hàng hóa. Tổng số hàng hóa vi phạm là 19.415 đèn led các loại, tổng trị giá gần 2,7 tỉ đồng.

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

5. Báo Quân đội nhân dân (4/2) có tin “Thu ngân sách nhà nước ước đạt 134.000 tỷ đồng” cho biết: Kết quả thu NSNN trong tháng 1/2021 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 134.000 tỷ đồng, đạt 12% so với dự toán, bằng 81,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán; thu nội địa đạt 131.550 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2020.

6. Báo Quân đội nhân dân (4/2) có tin “Thay đổi về mốc thời gian thu tiền sử dụng đất” cho biết: Cục Thuế TP Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đến hết ngày 28/2/2021. Từ ngày 1/3/2021 mà chưa thanh toán sẽ phải thanh toán theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

III. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Tiền phong (4/2) có tin “Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2021 tăng 0,06%” cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2021 tăng 0,06%. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Chỉ có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá, gồm nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Lạm phát cơ bản tháng 1/2021 tăng 0,27% so với tháng 12/2020 và tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2020.

IV. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Người lao động (4/2) có bài “Tiền vẫn chảy vào chứng khoán” cho biết: Sau thời gian tăng nóng, thị trường chứng khoán đã có những phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử từ hồi tuần trước. Từ đầu tuần đến nay, VN-Index còn cách mốc 1.200 điểm khá xa, nhiều cổ phiếu cũng chưa lấy lại được mức giá ở thời điểm trước khi thị trường điều chỉnh. Không ít người lo sợ đã bán tháo cổ phiếu để dịch chuyển dòng tiền về các kênh khác ít rủi ro hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, chứng khoán giảm là sự điều chỉnh cần thiết sau những đợt tăng rất mạnh để giảm sức nóng, cũng như giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: năm 2020 tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,91% nhưng dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán. Năm nay, nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục lên mức 6-7%, xu hướng nhà đầu tư chọn chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra. Một yếu tố giúp chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn là cách tiếp cận từ thị trường cổ phiếu với các nhà đầu tư không còn phức tạp như trước. Tính thanh khoản của thị trường rất cao, việc mua bán dễ dàng hơn, độ cập nhật thông tin, minh bạch thị trường cải thiện hơn trước rất nhiều.

9. Báo Pháp luật Việt Nam (4/2) có bài “Vi phạm về chứng khoán: Xác định số lợi bất hợp pháp như thế nào?” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 117/2020/TT-BTC quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông tư quy định trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi vi phạm. Cụ thể, trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo từng lần. Còn trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm đối với nhiều mã chứng khoán thì số lợi bất hợp pháp được tính theo từng mã chứng khoán.

VI. Vấn đề khác

10. Báo Người Lao động (4/2) có bài “Gói hỗ trợ lần 2: Giảm thủ tục, tăng hiệu quả” cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ lần 2 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có một số giải pháp như kích cầu đầu tư, miễn giảm một số khoản thuế, phí mà quy định pháp luật cho phép…

Với gói hỗ trợ lần 2 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng cần nới điều kiện, đơn giản hóa thủ tục để các đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận. Các chuyên gia góp ý là nên tận dụng các giải pháp về công nghệ, các nền tảng số để sớm đưa chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng bên cạnh các gói tín dụng, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất như đã triển khai trong thời gian vừa qua.

11. Báo Tiền Phong (3/1) có bài “​Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục thống kê bỏ nhiều hoạt động tính vào kinh tế ngầm” cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Tổng cục Thống kê về việc rà soát danh mục hoạt động và xây dựng chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thống kê lược bỏ khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm hành vi “trục lợi bảo hiểm” bởi trong các quy định về kinh doanh bảo hiểm không có hoạt động này. Đối với hoạt động “gian lận thương mại trong lĩnh vực bảo hiểm kinh doanh”, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nội dung này ra khỏi danh mục thuộc trách nhiệm tổng hợp của Bộ Tài chính do đây là hoạt động nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hình sự (bị truy tố hình sự) và ngoài thẩm quyền xử lý, theo dõi của Bộ Tài chính.

Đối với hoạt động tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ khỏi danh mục việc “tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không đúng với phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật”; và “chuyển nhượng trái phiếu được phát hành riêng lẻ trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, trừ trường hợp được pháp luật quy định”.

Liên quan đến ngành chứng khoán, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ chỉ tiêu “mua, bán cổ phiếu khi pháp luật chưa cho phép” do chưa có chế tài. Bộ Tài chính cũng đề nghị lược bỏ nhiều nội dung về hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước khỏi danh mục này. Đó là “các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước không được ghi chép, báo cáo; chi ngân sách sai quy định như chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai định mức; truy thu từ chi không đúng dự toán”…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00