Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/02/2021

Điểm báo ngày 05/02/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo điện tử Thanh niên (4/2) có tin “Khởi tố Phó chi cục Thuế TP.Phan Thiết, Bình Thuận”; VOV.vn (4/2) có tin “Khởi tố Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế TP. Phan Thiết”; Sài Gòn giải phóng (5/2) có tin “Khởi tố Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Phan Thiết”; Tuổi trẻ (4/5) có tin “Tiếp tục khởi tố một số bị can trong vụ sai phạm đất đai Phan Thiết” và nhiều báo khác cho biết:

Chiều ngày 4/2, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận (PC03) đã thực hiện tống đạt hàng loạt các Quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại) đối với các cán bộ trong vụ án vi phạm quản lý đất đai tại TP.Phan Thiết.

05 bị can bị khởi tố gồm: Bạch Dân Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Phan Thiết; Đỗ Lễ, nhân viên Chi cục Thuế TP.Phan Thiết; và 03 người nữa đều là nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết.

Các bị can trên bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các sai phạm đất đai tại địa bàn TP.Phan Thiết mà Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết đã bị truy tố và xét xử. Tất cả các bị can đều được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại TP.Phan Thiết (giai đoạn 3), Cơ quan CSĐT xác định Bạch Dân Vinh đã có hành vi thiếu kiểm tra, kiểm soát trong việc thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 3,4 tỉ đồng; bị can Đỗ Lễ đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 310 triệu đồng...

Ngay sau khi nắm bắt thông tin báo nêu, Văn phòng đã trao đổi với Tổng cục Thuế, được biết: Tại thời điểm khởi tố (TB số 109/CSKT-D4 ngày 3/2/2021), Ông Bạch Dân Vinh đã nghỉ hưu. Thông báo số 109/CSKT-D4  ngày 3/2/2021 của  cơ quan Công An Bình Thuận cũng đã nêu là Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Phan Thiết.

Hiện Tổng cục Thuế đang phối hợp với Cục Thuế Bình Thuận để theo dõi sự việc và sẽ báo cáo khi có thông tin mới.

II. Vấn đề về dự trữ nhà nước

2. Sáng ngày 4/2, Văn phòng Bộ phối hợp với Tổng cục Dự trữ nhà nước phát đi thông tin báo chí về việc xuất cấp gạo hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021. Trong ngày 4-5/2, nhiều cơ quan báo, đài đưa tin về nội dung này, như: Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (4/2); Tin tức – TTXVN (4/2); Hànộimới (4/2); VTV News (4/4); Đại đoàn kết (4/2); Công an nhân dân (5/2); Bnews - TTXVN (4/2); Vietnamplus - TTXVN (4/2); Thế giới & Việt Nam (4/2); VTV.vn (4/2); và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) xuất hỗ trợ 11.580,915 tấn gạo từ nguồn DTQG cho 16 tỉnh để hỗ trợ người dân nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo ông Phạm Vũ Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, ngay sau khi nhận được các quyết định của Thủ tướng, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực xuất gạo hỗ trợ ngay cho các địa phương. Đồng thời, Tổng cục DTNN đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo hỗ trợ cho nhân dân; chỉ đạo các sở, ban ngành của địa phương phối hợp chặt chẽ với các Cục DTNN khu vực để kịp thời có kế hoạch xuất kho, vận chuyển, giao nhận gạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Việc xuất cấp gạo DTQG để hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa thiết thực, mang đậm chất nhân văn, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ đối với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, bão lũ, mất mùa… đặc biệt là giúp người nghèo, những hộ dân còn khó khăn được đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc trong không khí đầm ấm, hạnh phúc.

III. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

3. Báo Tuổi Trẻ (05/2) có bài “Coca-Cola khuyến mãi khủng nhưng ‘quên’ đăng ký”; Dân trí (04/2) có bài “Tổng cục Thuế bác khiếu nại của Coca-Cola, quyết truy thu 821 tỷ đồng”; VTC News (04/2) có bài “Coca Cola VN 'phản ứng' việc nộp phạt thuế 821 tỷ đồng: Tổng Cục thuế nói gì?” cho biết: cho biết: Cuối tháng 12/2019, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỉ đồng. Lý do, theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định.

Coca-Cola Việt Nam sau đó cho biết đã nộp 471 tỉ đồng dù "không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế".

Sau khi nộp thuế, ngày 9/1/2020, Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế với 10 nội dung, chủ yếu liên quan đến việc cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai như sản phẩm, vật phẩm khuyến mại…

Hơn 1 năm kể từ khi Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại, Tổng cục Thuế vừa ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với công ty này. Trong đó hé lộ con số khủng về chi phí khuyến mãi, từ đó lý giải vì sao Coca-Cola Việt Nam liên tục thua lỗ trong suốt nhiều năm.

Tại quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Coca-Cola Việt Nam, Tổng cục Thuế cho biết ngày 17-12-2020 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tiến hành đối thoại với đại diện Coca-Cola Việt Nam. Việc đối thoại được tiến hành theo từng nội dung khiếu nại. Tuy nhiên hai bên chỉ trao đổi, đối thoại được hai nội dung do Coca-Cola Việt Nam không đồng ý ký xác nhận các ý kiến đã trao đổi được ghi nhận tại từng nội dung đối thoại.

Khi kết thúc đối thoại Coca-Cola Việt Nam vẫn không đồng ý ký biên bản đối thoại để xác nhận nội dung đã trao đổi. Sau đó Tổng cục Thuế nhận được công văn của Coca-Cola Việt Nam đề nghị Tổng cục Thuế ban hành ngay quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất.

Tổng cục Thuế kết luận nội dung đơn khiếu nại lần 1 ngày 9/1/2020 của Coca-Cola Việt Nam là không đúng và từ đó không công nhận nội dung đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định phạt và truy thu số tiền 821 tỉ đồng đã ban hành ở quyết định trước đó.

4. Báo Người lao động (5/2) có tin “Đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất”; Công an nhân dân (4/2) có tin “Đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất” cho biết: Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Đối với thuế TNDN, đề xuất gia hạn 3 tháng đối với thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2021 của DN, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn. Ước tính số thuế TNDN được gia hạn khoảng 40.500 tỉ đồng.

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.400 tỉ đồng.

5. Báo Lao động (5/2) có tin “Tiếp tục miễn giảm thuế, phí” cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải páp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế thời gian tới.

6. Báo Pháp luật Việt Nam (5/2) có tin “Kiến nghị miễn, giảm thuế để phục hồi du lịch” cho biết: Hiệp hội Du lịch TP.HCM vừa gửi kiến nghị với các ngành chức năng đề xuất chủ trương, chính sách linh hoạt, thiết thực hơn nữa để doanh nghiệp du lịch cầm cự vượt qua đại dịch Covid-19.

Trong bản kiến nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề đạt nguyện vọng của các doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM như: miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021; miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%...

IV. Vấn đề về hải quan

7. Báo Thanh niên (5/2) có tin “Cận tết, hàng lậu về đường hàng không tăng mạnh” cho biết: Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới những ngày cận tết giảm mạnh, trong khi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến hàng không lại tăng mạnh; tập trung chủ yếu các loại hàng cấm, hàng nhỏ gọn, hàng hóa có giá trị cao, hàng dễ cất giấu. Trong tháng 1, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 803 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 519 tỷ đồng, nộp ngân sách từ công tác chống buôn lậu gian lận thương mại đạt 12,503 tỷ đồng.

V. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Sài gòn giải phóng (5/2) có bài “Tự bảo vệ trước biến động thị trường” cho biết: Thị trường chứng khoán tuần này đã hồi phục trở lại với những phiên tăng điểm và khối lượng giao dịch khá ấn tượng. “Cú sốc” từ phiên giảm điểm lịch sử ngày 28-1 (VN Index bốc hơi 6,67%), với tình trạng “trắng bên mua” dường như đã được “bỏ lại đằng sau”. Thế nhưng, bài học từ phiên giảm điểm lịch sử đó sẽ không cũ khi đặt trong bối cảnh có hàng trăm ngàn nhà đầu tư vừa “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường chứng khoán.

VI. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

9. Báo Công lý (5/2) có bài “Đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm” cho biết: Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019). Các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bảo hiểm mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (Luật số 61/2010/QH12) và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Luật số 42/2019/QH14).

VII. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Đầu tư (5/2) có tin “Ngừng trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khi số dư đạt 7.000 tỷ đồng”; VTV.vn (3/2) có tin “Sẽ thay đổi cách tính, trích lập Quỹ bình ổn với giá xăng dầu” cho biết: Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Thông tư về quy định quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó đề cập đến việc căn cứ vào biến động thực tế và giá đầu vào để làm cơ sở tăng hoặc giảm quỹ.

Cụ thể, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dự kiến là 300 đồng/lít, kg xăng dầu (tùy theo chủng loại). Đây là số tiền của người tiêu dùng đóng góp mỗi khi mua xăng dầu và được tính vào giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế và các yếu tố đầu vào biến động làm giá cơ sở tăng hay giảm thì mức trích quỹ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Nếu các yếu tố đầu vào, yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước làm giá của cơ sở tính tại kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở liền kề trước đó, mức trích Quỹ sẽ thấp hơn 300 đồng/lít, kg. Trường hợp, giá xăng dầu tăng, tác động bất lợi đến vĩ mô, đời sống người dân, mức trích Quỹ cũng giảm hơn so với mức 300 đồng/lít, kg để hạn chế sử dụng các công cụ quản lý vào giá thị trường.

Theo Bộ Tài chính, nếu muốn tăng hỗ trợ giá 300 đồng/lít, kg thì phải thỏa mãn là giá cơ sở thấp hơn so với giá cơ sở kỳ điều hành liền kề hoặc căn cứ vào số dư của Quỹ, tình hình giá thực tế tại thời điểm điều hành.

Việc chi Quỹ sẽ được quyết định khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm nguy cơ tăng giá bán lẻ xăng dầu trong tương lai. Đồng thời, việc tăng giá bán này có khả năng ảnh hưởng đến vĩ mô, đời sống người dân.

Bộ Tài chính lưu ý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở kỳ điều hành tăng khoảng 7% so với mức giá cơ sở liền kề mà chỉ trích quỹ này khi việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

VIII. Vấn đề khác

11. Báo điện tử Tiền phong (4/2) có tin “Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục thống kê bỏ nhiều hoạt động tính vào kinh tế ngầm”; Vietnamnet (4/2) có bài “Hé lộ danh sách 'kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp' gây tranh cãi”; Thời báo Kinh tế Sài Gòn (4/2) có tin “Kiến nghị đưa nhiều hoạt động ra ngoài danh mục kinh tế ngầm” cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Tổng cục Thống kê về việc rà soát danh mục hoạt động và xây dựng chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo đó, Bộ Tài chính có nhiều ý kiến cụ thể đối với danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát. Về danh mục thuộc hoạt động kinh tế ngầm, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động ra khỏi danh mục do Tổng cục Thống kê xây dựng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ khỏi danh mục này hành vi “trục lợi bảo hiểm”. Liên quan đến ngành chứng khoán, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ chỉ tiêu “mua, bán cổ phiếu khi pháp luật chưa cho phép” do chưa có chế tài. Bộ Tài chính cũng đề nghị lược bỏ nhiều nội dung về hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước khỏi danh mục này…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00