Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 19/02/2021

Điểm báo ngày 19/02/2021

I. Vấn đề về thuế

1. Lao động (19/2) có bài “Tăng hỗ trợ, giảm thuế phí cho người dân và doanh nghiệp” cho biết: Đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bắt đầu từ năm 2020, nhiều loại thuế, phí đã được Bộ Tài chính miễn giảm cho người dân và doanh nghiệp từ 50-100%. Cùng với đó là nhiều chính sách khác tiếp tục được bộ này nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ thực hiện.

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 và để ứng phó với dịch bệnh, góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ. Hơn thế nữa với chủ trương của Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Tài chính đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và DN. Trong năm 2020, đã có 02 Nghị định được trình Chính phủ ban hành về lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ, ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí.

Theo báo cáo “Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động SXKD của DN Việt Nam” do Tổng cục Thống kê thực hiện, có tới 85,7% số DN tại Việt Nam bị tác động bởi dịch COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc khôi phục các hoạt động kinh tế đã và đang tiếp tục là lực đẩy mạnh cho sự phát triển, duy trì mức tăng trưởng dương trong thời gian qua, góp phần triển khai đạt kết quả thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi và phát triển nền kinh tế. Bộ đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.

Trước mắt sẽ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trên cơ sở Tờ trình số 615/TTr-CP của Chính phủ, để hỗ trợ ngành hàng không, ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ DN khoảng 900 tỉ đồng. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1.1.2021 đến ngày 30.6.2021 với số tiền phí, lệ phí ước giảm khoảng 1.000 tỉ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ hướng dẫn cho phép được tính vào chi phí được trừ của DN, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN, ước tính số tiền thuế DN được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỉ đồng.

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng, để hỗ trợ người dân, DN và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, cần hướng tới một số trọng tâm vào các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Chính phủ hỗ trợ cộng đồng DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

2. Báo Tiền phong (19/2) có tin “Đề xuất sớm gia hạn thuế, tiền thuê đất cho DN”; Pháp luật Việt Nam (19/2) có bài “Hoãn, giãn nộp tiền thuế, tiền thuê đất: Đề xuất gia hạn tiếp khoảng 115.000 tỷ đồng”; Lao động (19/2) có tin “Tăng hỗ trợ, giảm thuế phí cho người dân và doanh nghiệp”; VnEconomy.vn (18/2) có tin “Đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian nộp 115.000 tỷ đồng thuế, tiền thuê đất”; Danviet.vn (19/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp 115.000 tỷ đồng thuế, tiền thuê đất”; Thời báo Kinh tế Sài Gòn online (18/2) có tin “Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất gia hạn nộp 115.000 tỉ đồng thuế, tiền thuê đất”; Vietnambiz (18/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp 115.000 tỷ đồng thuế, tiền thuê đất”; Dangcongsan.vn (18/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất” cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, trong đó nghiêm trọng nhất là ngành du lịch, vận tải, mới đây, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Cụ thể, đối với từng sắc thuế, Bộ Tài chính đều trình phương án riêng và dự kiến số thu sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian gia hạn. Đối với thuế giá trị gia tăng, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn 3 tháng, thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn khoảng 40.500 tỷ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn. Dự kiến số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

- Cũng liên quan đến nội dung này, Bản tin Tài chính kinh doanh 21h30 - VTV1 (18/2) phát phóng sự “Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiền thuê đất” cho biết: Trước dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngay đầu năm 2021, Bộ Tài chính vừa có đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là thông tin được các doanh nghiệp hết sức quan tâm vào thời điểm này bởi thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất của Chính phủ được thực hiện trong năm 2020 đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có tăng trưởng.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nều đề xuất lùi thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp được Chính phủ thông qua, quy định mới sẽ được áp dụng ngay, kịp thời giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp. Ước tính đến nay có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch, trong đó nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chịu tác động lớn.

Theo phân tích của các chuyên gia, giãn, hoãn nộp thuế là biện pháp Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thêm dòng vốn hoạt động trong thời gian khó khăn, đồng thời vẫn có thể đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách theo dự toán Quốc hội đã thông qua. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp kỳ vọng, đề xuất tiếp tục lùi thời gian nộp thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính sẽ sớm được thông qua ngay trong những ngày đầu năm này để doanh nghiệp sớm có tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

3. Báo Đầu tư (19/2) có bài “Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Kéo dài đến cuối tháng 4/2021” cho biết: Tổng cục Thuế vừa có hướng dẫn quyết toán thuế TNCN cho kỳ tính thuế năm 2020. “Để cắt giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế và giảm áp lực xử lý hồ sơ quyết toán cho cơ quan thuế, trường hợp cá nhân có số thuế phải nộp thêm từ 50.000 đồng trở xuống sau khi quyết toán đều được miễn thuế. Cá nhân được miễn thuế không phải nộp thêm thuế cũng như không phải thực hiện việc quyết toán với cơ quan thuế, mà thực hiện quyết toán TNCN theo hình thức tự quyết toán hoặc ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập”, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế ( Tổng cục Thuế) cho biết.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định mới, kể từ năm 2021, tổ chức chịu trách nhiệm khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; nhận thưởng bằng chứng khoán; được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn…, thay vì để cá nhân tự phải khai thuế và nộp thuế như trước đây. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2019 có trên 6,89 triệu người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công với số tiền 79.219 tỷ đồng. Thực hiện mức giảm trừ gia cảnh mới (11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng/tháng), thì phần lớn trong tổng số hơn 3,057 triệu người hiện nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế TNCN năm 2020. Những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu NSNN xuống còn 68.921 tỷ đồng, bình quân số thu NSNN thu từ thuế TNCN giảm khoảng 13%.

II. Vấn đề về FTA

4. Công an nhân dân (19/2) có bài “FTA sẽ giúp hoạt động XNK Việt Nam tăng mạnh” cho biết: Đến nay, trong số 16 Hiệp định FTA Việt Nam tham gia, 13 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Với phạm vi cam kết rộng và toàn diện, các FTA mở ra nhiều cơ hội giúp VN có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới – đặc biệt thông qua việc rộng cửa các cam kết về thuế XNK.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, để nghiêm túc tuân thủ cam kết thuế quan trong các FTA, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA áp dụng cho từng giai đoạn. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản XK chủ lực của VN được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm.

III. Vấn đề về bảo hiểm

5. Báo Sài gòn giải phóng (19/2) có bài “Bảo hiểm giá rẻ đầy đường” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/3 tới), trong đó, quy định thời hạn bảo hiểm với xe máy tối thiểu 1 năm, tối đa 3 năm. Tuy nhiên, thực tế việc mua bảo hiểm đối với xe máy được nhiều người đánh giá như là hình thức đối phó. Theo phản ánh, khoảng 1 tháng trở lại đây, dọc nhiều tuyến đường tại TP.HCM mọc lên những điểm rao bán bảo hiểm xe máy với giá rẻ, như: Quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức), 3 tháng 2 (quận 10), quốc lộ 1A… Một đoạn chưa tới 200 mét trên đường 3 tháng 2 (quận 10) đã có hàng chục điểm bán bảo hiểm xe máy di động, với giá chỉ 10.000 đồng/năm. “Nếu mua 1 năm thì giá sẽ là 66.000 đồng/xe, còn 2 năm thì 120.000 đồng”, một thanh niên bán bảo hiểm ở khu này cho biết. Khi thắc mắc tại sao rao 10.000 đồng/năm mà giá bán thực lại cao gấp nhiều lần, anh chàng cười trừ: “Thực chất, giá 10.000 đồng là loại bảo hiểm tự nguyện cho người ngồi trên xe, được bán kèm theo bảo hiểm xe máy bắt buộc giá 66.000 đồng”.

Theo luật sư Nghiêm Xuân Lý (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định 03 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là rất cần thiết, thay thế các quy định cũ chưa hợp lý. Tuy nhiên, ngoài nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, các DN bảo hiểm cần cải tiến thủ tục và quy trình bồi thường để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Mặt khác, người tham gia bảo hiểm cũng chú ý đến quyền lợi của mình để bớt đi gánh nặng nếu có xảy ra tai nạn.

6. Báo Pháp Luật TP.HCM (19/2) có bài “Bảo hiểm không bồi thường tài xế say, Bộ Tài chính nói gì?” cho biết: Chính phủ ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 1-3. Một trong những điểm mới của nghị định là doanh nghiệp được từ chối bồi thường bảo hiểm thiệt hại đối với tài sản nếu tài xế có nồng độ cồn trong hơi thở/máu hoặc sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm. Ngay sau khi quy định trên được ban hành, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc nếu từ chối bảo hiểm khi tài xế có nồng độ cồn hoặc chất kích thích thì quyền lợi của nạn nhân - tức là bên thứ ba sẽ được bảo đảm ra sao.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có trả lời với Pháp Luật TP.HCM. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dẫn Nghị quyết 12/2019 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2020. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, nhu cầu thực tiễn.

Nghị định 03/2021 quy định tám trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, bao gồm trường hợp thiệt hại đối với tài sản do tài xế điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định pháp luật. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, việc bổ sung điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm này nhằm bảo đảm đồng bộ với quy định pháp luật có liên quan. Đây là giải pháp cần thiết nhằm góp phần hạn chế các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do tài xế say rượu, ngáo đá gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Quy định mới cũng phù hợp với Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

III. Vấn đề về đầu tư công

7. Báo Pháp luật Việt Nam (19/2) có bài “Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm” cho biết: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

IV. Vấn đề về quản lý nợ công

8. Chiều 18.2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ thảo luận dự thảo Báo cáo Quốc hội về tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Nhiều báo đài đã đưa tin về cuộc họp này như: Bản tin Thời sự 19h ngày 18/2, báo Quân đội nhân dân (19/2) có bài “Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và quản lý nợ công”, báo Chinhphu.vn Lao động điện tử (19/2) có bài “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Làm rõ trách nhiệm trong sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ”, BNews (18/2) có bài “Thường trực Chính phủ thảo luận các dự thảo đề án về quản lý nợ công”, báo Công Thương (18/2) có bài “Hiệu quả quản lý nhà nước về nợ công được nâng cao”… Các báo, đài cho biết: Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành liên quan chuẩn bị, nghiên cứu kỹ, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Về đánh giá tình hình nợ công, Thủ tướng nêu rõ, trong dự thảo Báo cáo cần đánh giá đúng thực trạng, nêu bật xu hướng nợ công giảm so đầu nhiệm kỳ; Về xây dựng kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần cần phân tích, đánh giá kỹ bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, trong đó nhu cầu vốn đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới do tác động của đại dịch COVID-19 là rất lớn, đặc biệt là đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Cách tiếp cận chính sách tài khoá, nợ công phải bảo đảm tính chủ động, tích cực, vừa thúc đẩy phát triển đất nước, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan cần tập trung nghiên cứu, có định hướng chính sách cụ thể, bảo đảm lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Trong đó, vấn đề đặt ra là phải tính toán kỹ mức trần nợ công, bảo đảm phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00