Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 22/02/2021

Điểm báo ngày 22/02/2021

I. Vấn đề về thuế

1. Thanh niên (22/2) có bài “Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó vì Covid-19”, Lao Động (22/2) có bài “Chính sách miễn giảm thuế - “cần câu” để doanh nghiệp, cá nhân vực dậy” cho biết: Bộ Tài chính mới đây đã tiếp tục đề xuất Chính phủ gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí năm 2021 cho doanh nghiệp.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là rất kịp thời, rất tốt cho DN, ít nhất trong thời điểm DN báo cáo thuế một phần năm trước và quý 1 đầu năm nay. Bên cạnh đó, việc gia tăng các hoạt động giãn cách trong sản xuất, sinh hoạt, tăng khử khuẩn môi trường làm việc... cũng đẩy chi phí của DN tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính. Muốn cho DN “sống” lại ngay trong và sau dịch, phải tiếp tục giãn thuế, phí để DN có nguồn tiền mặt chi phí cho các khoản khác ngay từ đầu năm. Ông nói: “Việc giãn thuế, phí trong bối cảnh này là yếu tố cực kỳ tích cực, khi DN hoạt động tương đối ổn định, cơ quan thuế sẽ thu sau. Mặc dù ngân sách nhà nước đang khó khăn, nhưng việc chậm thu dăm ba tháng vẫn trong khả năng của chúng ta. Quan trọng là phải rà soát cắt giảm mạnh mẽ các chi tiêu không cần thiết, tự khắc ngân sách sẽ bớt gánh nặng bội chi, cho dù nguồn thu tạm ít trong thời gian. Cải cách, cắt giảm chi tiêu mới là quan trọng”.

Theo ông Chu Tiến Dũng, việc giãn thuế, phí là giải pháp ngắn hạn, động lực cho DN tăng tốc vẫn cải cách thể chế, cải thiện môi trường tư pháp kinh doanh.

 2. Báo Pháp luật Việt Nam (22/2) có tin “Ngành Thuế đẩy mạnh cấp tài khoản giao dịch điện tử cho cá nhân”; Quân đội nhân dân (20/2) có tin “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế” cho biết: Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 337/TCT-DNNCN đẩy mạnh tổ chức triển khai cấp tài khoản giao dịch điện tử (TKGDĐT) trong lĩnh vực thuế đối với cá nhân. Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày triển khai đến hết 28/12/2020, mặc dù các Cục Thuế đã thực hiện triển khai điện tử, nhưng chỉ có một số Cục Thuế đạt hiệu quả cao trong thực hiện cấp TKGDĐT và dịch vụ thuế điện tử. Tại dữ liệu trên hệ thống ETAX và TMS cho thấy, số lượng cá nhân đăng ký TKGDĐT chiếm tỷ lệ rất thấp so với số lượng NNT là cá nhân mà cơ quan thuế đang quản lý. Cụ thể, có 205.459 số tài khoản đăng ký giao dịch điện tử, chiếm rất ít so với tổng số NNT là cá nhân có mã số thuế đang hoạt động hiện nay.

3. Báo Người lao động (20/2) có bài “Tổng cục Thuế giữ nguyên quyết định phạt Coca-Cola Việt Nam 821 tỷ đồng tiền thuế” cho biết Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam). Theo đó, cơ quan thuế không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp (DN) này.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối Coca-Cola, tổng tiền phạt hơn 821 tỉ đồng. Sau quyết định này, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ đồng dù bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế. Cùng với đó, Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế về một số nội dung liên quan đến kết luận của cơ quan thuế.

Tổng cục Thuế đã gửi kết luận giải quyết khiếu nại đến Coca-Cola Việt Nam. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định này Coca-Cola Việt Nam có quyền khiếu nại đến Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra tòa.

4. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (19/2) chuyên mục Nhận định có bài “Nhiều thách thức phải vượt qua” trích ý kiến của TS Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử, tính bất định hiện nay là khủng hoảng kinh tế nhưng lại quyết định bởi y tế. Các chính sách tài khóa, tiền tệ đưa ra nếu diễn biến y tế khác đi là phải thay đổi.

Vấn đề cần đặt trọng tâm giải quyết trong năm 2021 và 5 năm tới, theo PGS TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính là cải cách thuế. Theo ông Cường, chính sách hỗ trợ thuế cần hướng tới đối tượng cụ thể. Hơn nữa, chúng ta hai lần đề xuất thu thuế tài sản nhưng chưa được thông qua. Vì thế, trong trung hạn cần lấy cải cách chính sách thuế là trọng tâm, vì trong ngắn hạn thu ngân sách không hụt giảm nhiều nhưng về dài hạn cần phải tính toán.

II. Vấn đề về hải quan

5. Báo Thanh niên (20/2) có tin “Hải quan “siết” nhập khẩu cá tầm nhằm quản lý về nguồn gốc, xuất xứ…” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo đến hải quan các địa phương trong việc “siết” quản lý cá tầm nhập khẩu theo công văn của Bộ NN-PTNT trước đó về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm. Bộ này đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, cá tầm bị cấm nhập khẩu trong các trường hợp nhập khẩu không nhằm mục đích phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm; cá tầm Đại Tây Dương (Acipenser brevirostrum), cá tầm Ban Tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I Công ước CITES.

6. Bản tin thời sự 19h ngày 20/2 – Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự “Gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu của Hải Dương” cho biết: Căng mình chống dịch những ngày qua, các doanh nghiệp ở Hải Dương gặp khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Phòng, cho phép các xe vận tải của Hải Dương ra vào thành phố, hoạt động XNK của các DN đã được khơi thông trở lại. Cùng với đó, để vừa chống dịch hiệu quả, vừa tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, các giải pháp cụ thể đã được đưa ra.

Phóng sự cho biết, 2 tháng nay, 100% cán bộ công chức của Chi cục Hải quan Hải Dương đã làm việc và sinh hoạt tại cơ quan để vừa cách ly chống dịch, vừa sẵn sàng giải quyết mọi thủ tục cho doanh nghiệp, tránh cho hoạt động xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Để tạo thuận lợi và đảm bảo phòng dịch, Chi cục Hải quan Hải Dương đã thành lập nhóm zalo xuất nhập khẩu của tỉnh Hải Dương có 400 thành viên tương tác hàng ngày để cập nhật chế độ, chính sách hải quan, giải quyết các trường hợp vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan. Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư gia công, Cục Hải quan Hải Phòng cũng cho biết đã chủ động phối kết hợp với doanh nghiệp nâng cao các biện pháp thực hiện thủ tục hải quan điện tử như thông quan điện tử, dịch vụ công trực tuyến,… hỗ trợ xử lý vương mắc của doanh nghiệp qua zalo, email.

7. Báo Tiền phong online (21/2) có bài “Lãnh đạo 3 doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế” cho biết: Nợ thuế quá hạn, bị cưỡng chế thuế và dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu song 3 doanh nghiệp ở Tây Ninh vẫn chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Do đó, Cục Hải quan Tây Ninh đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với lãnh đạo 3 doanh nghiệp này, gồm: người đại diện pháp luật (người Trung Quốc) của Công ty TNHH sản xuất bật lửa Cherry Year Việt Nam (Khu chế xuất và Khu công nghiệp Linh Trung 3, Trảng Bàng) (nợ thuế từ năm 2013 với số thuế trên 3,9 tỷ đồng); bà N.T.P, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM DV Hồ Đức Minh (nợ thuế gần 113 triệu đồng từ năm 2012); bà T.T.H.T, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM DV Hải Việt (nợ thuế 45 triệu đồng từ năm 2012)

III. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Lao động (20/2) có bài “Năm 2021 chứng khoán sẽ tiếp tục thăng hoa?” cho biết: Thành công kỳ diệu của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 thời gian qua không chỉ giữ cho xã hội bình yên và kinh tế tăng trưởng mà còn góp phần nâng cao hình ảnh cũng như vị thế của Việt Nam trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhà đầu tư ngoại quốc. Đây sẽ là điểm cộng rất lớn cho tương lai nền kinh tế và tương lai TTCK trong các năm tới. Sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư mới F0 là phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế.

Quỹ Pyn Elite từng dự đoán VN-index lên tới 1.800 điểm và càng ngày dự đoán này càng trở nên khả thi hơn. Nhiều nhà đầu tư lâu năm có kinh nghiệm đánh giá rằng năm 2021 sẽ là năm bùng nổ mạnh mẽ TTCK. Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ nhà đầu tư mới F0 đang ồ ạt đổ tiền vào. Họ không chỉ có thu nhập cao hơn thế hệ cha anh mà còn có kiến thức và tư duy hiện đại hơn. Các F0 là nguồn lực lớn có thể tạo nên điều kỳ diệu của năm 2021. Điều cần nhớ đối với bất kỳ Fn hay F0 nào là cần luôn tỉnh táo và kiên nhẫn học hỏi, chứng khoán là lĩnh vực học cả đời vẫn không hết.

9. Báo Đầu tư chứng khoán (22/2) có bài “Cấp tập sửa đổi điều lệ doanh nghiệp” cho biết: Từ đầu năm 2021, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới về quản trị doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Các văn bản hướng dẫn đã kịp thời được ban hành như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 116/2020/TT-BTC hướng dẫn nghị định 155/2020 về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng. Luật sư Hồ Hữu Hoành cho biết, với khung pháp lý mới thì thời gian tới đây, công ty đại chúng phải sửa đổi điều lệ để phù hợp với thực tiễn pháp luật. Điều lệ mẫu mang tính tham chiếu và là mẫu chung cho các công ty đại chúng tuân thủ.

10. Báo Thanh niên (20/2) có tin “Chứng khoán diễn biến trái chiều trước ngày thần tài” cho biết: Sau hai phiên giao dịch đầu năm mới tăng mạnh, hôm 19/2, thị trường chứng khoán VN đóng cửa phiên cuối tuần trái chiều trên hai sàn. Cuối phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,88 điểm xuống 1.173,5 điểm nhưng HNX-Index vẫn tăng 0,22 điểm lên 231,18 điểm. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên trong năm mới Tân Sửu của VN-Index. Thị trường mở cửa giao dịch đã bị giảm xuống dưới tham chiếu khi nhiều cổ phiếu bị nhà đầu tư chốt lời, nhất là nhóm cổ phiểu có vốn hóa lớn.

IV. Vấn đề về bảo hiểm

11. Báo Đầu tư chứng khoán (22/2) có bài “Những tranh chấp bồi thường bảo hiểm kéo dài” cho biết: Tỷ lệ chi trả bồi thường luôn tỷ lệ nghịch với lợi nhuận, nên việc nhà bảo hiểm tìm cách giảm tỷ lệ này ở mức thấp nhất là dễ hiểu, nhưng nếu vì thế để xảy ra tranh chấp thì không nên. Chẳng hạn, bảo hiểm AAA vướng vào 2 vụ tranh chấp, khách hàng đều gửi đơn thư khiếu nại tới cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, cụ thể là Công ty TNHH Bắc Hà liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho xe ô tô; CTCP tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường cũng đề nghị tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giải quyết bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự của Bảo hiểm AAA đối với chủ xe ô tô. Về nội dung này, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã có trả lời các phản ánh, đồng thời có văn bản yêu cầu bảo hiểm AAA rà soát lại và đảm bảo việc giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật cũng như hợp đồng bảo hiểm, báo cáo và có văn bản trả lời bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

V. Vấn đề về quản lý giá

12. Chiều ngày 19/2, Văn phòng Bộ phát đi Thông tin báo chí về số dư Quỹ BOG đến hết Quý IV/2020. Các báo đã đưa tin về sự kiện này như: Chinhphu.vn, báo Hà Nội mới, báo Quân đội nhân dân, báo Người lao động, báo Vov.vn… và nhiều báo khác. Các báo cho biết:  Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31-12-2019 là 2.779,815 tỷ đồng; số dư đến hết quý I-2020 (hết ngày 31-3-2020) là 4.958,420 tỷ đồng; hết quý II-2020 (hết ngày 30-6-2020) là 9.981,693 tỷ đồng.

Đến hết quý III-2020 (hết ngày 30-9-2020), số dư Quỹ BOG là 10.049,261 tỷ đồng. Tổng số trích Quỹ BOG trong quý IV-2020 ở mức 793,928 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý IV-2020 là 1.614,266 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý IV-2020 là 5,691 tỷ đồng. Như vậy, số dư Quỹ BOG đến hết quý IV-2020 (hết ngày 31-12-2020) là 9.234,614 tỷ đồng, trong khi số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31-12-2019 là hơn 6.000 tỷ đồng.

VI. Vấn đề về quản lý nợ công

13. Báo Tuổi Trẻ (22/2) đưa tin “Đề xuất tổng trả nợ Chính phủ vượt 25% tổng thu ngân sách” cho biết: Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết dự kiến sẽ trình Quốc hội điều chỉnh trần trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 lên trên mức 25% tổng thu ngân sách của giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân là từ năm 2021, VN tính lại GDP nên tỉ lệ nợ công, trong đó có trần trả nợ của Chính phủ thay đổi. Thêm nữa, lịch trả nợ của những khoản vay giai đoạn trước, nhất là những năm 2015-2017 đã đến kỳ trả nợ. Theo tính toán, chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và có nguy cơ vượt 25% tổng thu ngân sách vào những năm 2021, 2024 và 2025.

VII. Vấn đề khác

14. Báo Tiền phong (22/2) có bài “Vụ Khánh Hòa cho thuê “đất vàng” SVĐ Cam Ranh giá bèo: Thu hồi tiền ưu đãi nếu vi phạm cam kết” cho biết: Liên quan vụ cho doanh nghiệp thuê khu “đất vàng” sân vận động Cam Ranh với giá bèo bọt, Sở Tài chính Khánh Hòa vừa đề xuất UBND tỉnh này chỉ đạo các ban ngành liên quan của tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, giấy phép đầu tư và chính sách ưu đãi đối với dự án xã hội hóa. Nếu doanh nghiệp thuê sân vận động (SVĐ) Cam Ranh không thực hiện đúng cam kết, Sở này đề nghị thu hồi tiền ưu đãi thuê tài sản trên đất của SVĐ này.

Bài báo cho biết, sau khi  Tiền Phong ngày 30/11/2020 đăng tải bài “Khánh Hòa cho thuê khu ‘đất vàng’ SVĐ Cam Ranh với giá bèo bọt”, Sở Tài chính Khánh Hòa có báo cáo UBND tỉnh này về một số nội dung có liên quan. Theo Sở Tài chính Khánh Hòa, việc cho thuê SVĐ Cam Ranh được thực hiện theo chủ trương “xã hội hoá” nên việc xác định giá cho thuê SVĐ này được thực hiện theo Thông tư số 156 ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính.

Đây là trường hợp đầu tiên trên địa bàn TP Cam Ranh thực hiện cho thuê SVĐ theo hình thức “xã hội hóa”, trên thị trường không có tài sản so sánh để tham khảo nên việc xác định giá cho thuê cơ sở hạ tầng tối đa căn cứ mức giá cho thuê trên thị trường không thể thực hiện được (?)

Vì vậy, mức giá cho thuê cơ sở hạ tầng đối với cơ sở nhà đất này được xác định theo mức giá cho thuê tối thiểu tại công văn số 4513 ngày 28/6/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa hơn 85,5 triệu đồng/năm. Đến ngày 24/8/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có công văn số 6450  cho Cty TNHH Thanh Niên Cam Ranh được giảm 50% mức giá cho thuê SVĐ Cam Ranh chỉ còn khoảng 42,7 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, báo cáo của UBND TP Cam Ranh cho biết Cty TNHH Thanh Niên Cam Ranh chưa cải tạo nhiều hạng mục cam kết tại SVĐ Cam Ranh, đầu tư “qua loa” và thu tiền sân bãi đối với một số giải thi đấu bóng đá mà các ban ngành thành phố này tổ chức…

Vì thế, Sở Tài chính Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo Sở KH - ĐT tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án; chỉ đạo Sở VH-TT&DL tỉnh kiểm tra điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi đối với dự án xã hội hóa.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00