Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 24/02/2021

Điểm báo ngày 24/02/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Tiền Phong (24/2) đưa tin “Cần Thơ: Khởi tố nguyên Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế”, báo Người lao động (24/2) đưa tin “Khởi tố 1 cán bộ thuộc chi cục thuế”, báo Lao động điện tử (23/2) đưa tin “Cần Thơ: Khởi tố nguyên Phó đội trưởng kiểm tra thuế quận Ninh Kiều”, VnExpress VietNamNet (23/2) đưa tin “Nguyên Phó Đội trưởng Đội kiểm tra thuế ở Cần Thơ bị khởi tố”… cùng nhiều báo khác cho biết: Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ cho biết, mới tiến hành tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, thi hành Lệnh khám xét chỗ ở nhà số 157 Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đối với Nguyễn Xuân Huy, sinh năm 1980, nguyên là Phó Đội trưởng Đội kiểm tra thuế 1 thuộc Chi cục thuế quận Ninh Kiều về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, được quy định tại Điều 355, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cơ quan điều tra cũng khám xét chỗ ở của Huy trên đường Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều. Qua khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Cần Thơ, đã thu được nhiều tài liệu quan trọng có liên quan đến vụ án.

Qua công tác Kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục Thuế TP.Cần Thơ đã chủ động xác minh, kiểm tra sự việc có liên quan đến Nguyễn Xuân Huy. Qua quá trình kiểm tra, Cục Thuế đã chủ động phối hợp với Công an TP.Cần Thơ để điều tra làm rõ những vi phạm của cá nhân Cao Xuân Huy.

Văn phòng Bộ đã trao đổi đề nghị Tổng cục Thuế có tin bài để nêu rõ vụ việc là Bộ Tài chính đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Đại đoàn kết (24/2) có tin “Chính sách thuế và sức khỏe doanh nghiệp” cho biết: Mới đây, theo đề xuất Bộ Tài chính sẽ gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia thì cần kế thừa và thực hiện quy định giảm 30% thuế TNDN. Như vậy, DN có thể chống chọi qua giai đoạn dịch bệnh để hồi phục sau này. Càng có nhiều chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội hồi phục.

Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh là việc chấp nhận cắt giảm thuế sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn thu để bổ sung vào ngân sách nhà nước. Giải quyết được bài toán mâu thuẫn đó không phải là chuyện dễ dàng nên Bộ Tài chính sẽ phải rất nỗ lực để có thể đảm bảo cân đối được ngân sách cho cả hai mục tiêu lớn như vậy.

3. Báo Hànộimới (24/2) có tin “Lưu ý về nợ tiền sử dụng đất người dân cần làm trước ngày 1-3-2021” cho biết: Theo Cục Thuế Hà Nội, ngày 26/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1-3-2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến hết ngày 28/12/2021. Trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28/2/2021 sẽ bị tính tiền sử dụng đất phải nộp theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận.

III. Vấn đề về hải quan

4. Báo Người lao động (24/2) có tin “Ô tô Trung Quốc “ồ ạt” nhập khẩu về Việt Nam, thanhnien.vn (24/2) có tin “Lượng ô tô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan” cho biết: Trong tháng đầu năm 2021, lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam vẫn chiếm đa số với 4.341 xe tương đương 84,55 triệu USD. Tuy nhiên, ở vị trí thứ 2 đã chứng kiến sự xáo trộn khi lượng ô tô xuất xứ từ Trung Quốc đã vượt lượng xe nhập từ Indonesia. Cụ thể, các DN kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu 1.463 ô tô các loại từ Trung Quốc, trong số này đa số là các mẫu xe du lịch, xe tải… Trong khi đó, ô tô nhập từ Indonesia đạt 1.437 xe với phần lớn là các dòng ô tô du lịch thuộc phân khúc xe cỡ nhỏ hạng A, MPV phổ thông 5+2 chỗ ngồi.

IV. Vấn đề về chứng khoán

5. Thời báo Ngân hàng (24/2) có tin “Dự thảo hướng dẫn về chứng khoán phái sinh” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

V. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

6. Báo Người lao động (24/2) có bài “Cổ phần hóa: Bao giờ thôi ì ạch?” thông tin: Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) - Bộ Tài chính cho biết lũy kế giai đoạn 2016-2020 có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN 443.503 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước chiếm 207.116 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 37 DN thuộc kế hoạch CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tổng số 128 DN được phê duyệt). Như vậy, kết thúc năm 2020, còn 91 DN chưa hoàn thành CPH.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, thừa nhận tiến độ CPH, thoái vốn đang chậm hơn so với kế hoạch được Chính phủ đề ra. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN cũng chưa được quan tâm nghiêm túc. Theo ông Tiến, số lượng DN CPH tuy tích cực song chủ yếu các DN đã CPH lại không nằm trong kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác quyết toán CPH chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số DN, dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác CPH, thoái vốn bị chậm là do nhiều DN lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương. Vướng mắc về đất đai đã làm cản trở tiến trình CPH, một phần do các DN chỉ đến khi CPH mới sắp xếp, xử lý đất đai.  

VI. Vấn đề quản lý công sản

7. Báo Đầu tư (24/2) có bài “Ba “ông lớn” ngành nông nghiệp vung vãi đất công”: Bài 2: Góp vốn bằng đất “vàng” thoái vốn bất chấp pháp luật” cho biết: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) được xem là 3 “ông lớn” thuộc Bộ NNPTNT. Được giao quản lý hàng trăm ngàn héc – ta đất nông, lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng theo công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ, 3 đơn vị này đã buông lỏng quản lý, để đất bị lấn chiếm, sử dụng trái phép; bán, cho thuê đất công sai luật đến mức phải chuyển cơ quan công an điều tra. Không chỉ để hàng chục ngàn héc – ta đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm, theo Thanh tra Chính phủ, VRG, Vinafor và Vinatea (giai đoạn trước khi cổ phần hóa) còn dùng nhiều cơ sở nhà đất ở vị trí “vàng” được giao quản lý để góp vốn liên doanh, liên kết; thoái vốn không qua đấu giá, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải đề nghị bộ công an vào cuộc.

Mang đất công đi góp vốn, thoái vốn không đấu giá. Đây được xác định là sai phạm lớn nhất tại Vinatea trong giai đoạn trước khi cổ phần hóa. Theo Thanh tra Chính phủ, trước khi CPH, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Vinatea (cũ) đem 12 khu đất có vị trí “vàng” ở nhiều tỉnh, thành phố lớn để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định, thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định pháp luật.

Còn với VRG, liên quan việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo QĐ số 09/2007QG-TTg, ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, theo Thanh tra Chính phủ, tính đến thời điểm thanh tra, VRG đã xử lý, sắp xếp đối với 43 cơ sở nhà, đất, với tổng diện tích đất là 15,39ha, diện tích nhà là 42.198 m2, nhưng số lượng trên chỉ chiếm 5,7% cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại theo quyết định của Thủ tướng.

Đối với Vinafor, tổng công ty này chỉ mới trình cơ quan chức năng phê duyệt, xử lý sắp xếp 7 cơ sở nhà đất với tổng diện tích hơn 5,1ha; còn 76 cơ sở khác có tổng diện tích hơn 50 ha thì vẫn chưa được sắp xếp xử lý theo quy định về sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Đáng chú ý, kết quả kiểm tra tại thửa đất số 67 – Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng Hà Nội) cho thấy, theo biên bản làm việc giữa Vinafor và Cty CP Thương mại Lâm sản Hà Nội, 12 gian nhà tầng 1 có diện tích hơn 343 m2 thuộc quyền quản lý và sử dụng của Vinafor. Bộ Tài chính và Bộ NNPTNT cũng có các văn bản xác nhận khu đất có vị trí đắc địa này nằm trong danh mục tài sản cố định đã được tính vào giá trị doanh nghiệp để CPH.

VII. Vấn đề khác

8. thanhnien.vn (23/2) đưa tin “Sẽ sửa đổi quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức” cho biết: Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 101/2017 ngày 1.9.2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư 36/2018/TT-BTC ngày 3.3.2018 của Bộ Tài chính về quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức để phù hợp tình hình thực tiễn.

Trước đó, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã kiến nghị về quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác, nhưng không cho phép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên tỉnh Phú Yên gặp khó khăn.

Theo ông Thế, để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm đảm bảo theo quy định thì Bộ Tài chính xem xét, cho phép ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện công tác này. Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên còn kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành chương trình bồi dưỡng theo hạng chức danh để tỉnh Phú Yên sớm triển khai thực hiện.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00