Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 25/02/2021

Điểm báo ngày 25/02/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Kinh tế & Đô thị (25/2) có bài “Chợ” chứng khoán tê liệt gây thiệt hại cho nhà đầu tư: Ai chịu trách nhiệm?” cho biết: Chưa khi nào thị trường chứng khoán lại liên tục xảy ra nghẽn lệnh cục bộ thường xuyên như thời gian gần đây. Hiện tượng nghẽn lệnh diễn ra từ trước và sau Tết Nguyên đán, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 - 17.000 tỷ đồng. Hệ thống “bất ổn” dẫn đến nhà đầu tư đang chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép và bắt buộc phải “sống chung với lỗi” một cách đầy bức xúc. Thuật ngữ “lại rút phích điện” trở thành đề tài nóng trên khắp các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội.

Giải thích cho tình trạng “rút phích điện” này, ông Lê Hải Trà - Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho rằng, đường truyền và hệ thống vẫn hoạt động ổn định nhưng khối lượng giao dịch tăng đột biến nên khó tránh tình trạng tắc nghẽn. Ông dẫn chứng số lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường tăng 3 - 12 lần, một số công ty còn sử dụng thuật toán và robot để giao dịch "khiến lệnh tăng mạnh nên HOSE không thể kiểm soát".

“Chúng tôi quá oải rồi”- đó là tâm sự của nhiều nhà đầu tư trước tình trạng nghẽn lệnh liên tục xảy ra trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Báo Kinh tế & Đô thị dẫn lời chị Lã Dịu- một nhà đầu tư F0 cho biết: “Chúng tôi cần một giải pháp rõ ràng, không phải là những lời biện minh thiếu trách nhiệm của Bộ Tài chính, của Ủy ban Chứng khoán, của HOSE”.

Cũng theo báo Kinh tế & Đô thị, trên nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư cũng nhấn mạnh việc họ cần có nơi, có người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do nghẽn lệnh; cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, HOSE và người đứng đầu các cơ quan vận hành TTCK này. “Người dân tham gia đầu tư chứng khoán hiện đang đóng góp rất nhiều loại thuế cho ngân sách, từ mức thuế 5% khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thêm thuế 0,1% khi thực hiện giao dịch bán chịu trên giá trị chứng khoán. Việc nghẽn lệnh đã diễn ra thường xuyên như giọt nước tràn ly khiến tôi và bạn bè tôi, những nhà đầu tư lâu năm đến những nhà đầu tư mới tham gia thị trường mất niềm tin vào sự minh bạch, công bằng của TTCK”- bà Nguyễn Bích Ngọc nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đề nghị Ủy ban Chứng khoán báo cáo Lãnh đạo bộ trước ngày 1/3/2021.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Tuổi Trẻ (24/2) có bài “Cán bộ thuế ở Cần Thơ bị phát hiện vi phạm từ đơn tố cáo”, báo VietNamNet (24/2) có bài “Cán bộ thuế bị khởi tố, Tổng cục Thuế lập tức lên tiếng”, báo Dân trí (24/2) có bài “Cán bộ Thuế Cần Thơ chiếm đoạt tài sản bị khởi tố, Tổng cục Thuế nói gì?”, Bnews (24/2) có bài “Cục Thuế Cần Thơ phối hợp xử lý cán bộ thuế có biểu hiện vi phạm pháp luật”… các báo cho biết: Ngày 24/2, Tổng cục Thuế cho biết, qua công tác Kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục Thuế TP. Cần Thơ đã chủ động xác minh, kiểm tra sự việc có liên quan đến Nguyễn Xuân Huy. Qua quá trình kiểm tra, Cục Thuế đã chủ động phối hợp với Công an TP. Cần Thơ để điều tra làm rõ những vi phạm của cá nhân ông Nguyễn Xuân Huy.

Theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ, tối 23/02/2021, cơ quan này đã tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Xuân Huy (sinh năm 1980), nguyên Đội phó Đội kiểm tra thuế 1 thuộc Chi cục thuế quận Ninh Kiều về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, thi hành lệnh khám xét chỗ ở của Huy tại căn nhà số 157, đường Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Hiện Cục Thuế TP. Cần Thơ vẫn đang tiếp tục phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ điều tra làm rõ những hành vi vi phạm của ông Nguyễn Xuân Huy và sẽ thông tin khi có kết quả điều tra.

3. Báo Tuổi Trẻ (25/2) có bài “Khai giá xuất khẩu 50 lần để được hoàn thuế”, báo VietNamNet (24/2) có bài “Doanh nghiệp khai hàng xuất khẩu chênh giá 50 lần để chiếm dụng thuế VAT”, báo An ninh thủ đô (24/2) có bài “Doanh nghiệp "ma" và màn "ảo thuật" nâng khống giá trị xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế”, báo ZingNews (24/2) có bài “Chiêu chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của doanh nghiệp ‘ma’”… cùng nhiều báo cho biết: Tổng cục Thuế mới đây đã có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản… có liên quan đến việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT).

Tổng cục Thuế cho biết cơ quan Hải quan qua đấu tranh với các hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam đã xác định một số công ty có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Trong đó, phần lớn các công ty liên quan đến vụ án là doanh nghiệp không có thật, một số doanh nghiệp do đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội.

Hiện tại, cơ quan Hải quan và Bộ Công an đã họp và thống nhất với Viện kiểm sát khởi tố vụ án về các tội buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Từ các vụ việc vi phạm kể trên, cơ quan quản lý thuế chỉ ra một số hành vi đặc trưng tội phạm sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Cụ thể, hành vi điển hình là một số doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau nhưng khi nhập khẩu thì một số doanh nghiệp khai báo giá trị rất thấp, đến khi xuất khẩu thì một số doanh nghiệp khác lại khai báo giá trị rất cao, chênh lệch lên tới hơn 50 lần giá trị.

Theo cơ quan quản lý thuế, việc này tiềm ẩn rủi ro về mua hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

4. Báo Dân Việt (24/2) có bài “Coca Cola "né" thuế: Doanh nghiệp FDI chỉ lỗ, có cần cho nền kinh tế Việt Nam?” cho biết: Việc truy thu thuế đối với Coca Cola Việt Nam được dư luận quan tâm từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi Tổng cục Thuế có quyết định chính thức. Dù hoạt động tại Việt Nam từ lâu, nhưng Coca Cola thường xuyên báo lỗ trong một giai đoạn dài nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng doanh nghiệp đầu tư mà cứ thua lỗ như thế sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín môi trường đầu tư Việt Nam. "Nếu doanh nghiệp FDI đầu tư vào mà liên tiếp thua lỗ thì thiệt thòi cho họ, vừa thiệt hại cho ngân sách nhà nước, vừa mang tiếng cho chúng ta. Thế nên, chúng ta nên mời họ về nước hoặc đi chỗ khác để nhường đất, nhường chế độ ưu đãi cho công ty khác" ông Thịnh nhấn mạnh.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, về nguyên tắc doanh nghiệp đang cần những doanh nghiệp FDI đầu tư vào, tuy nhiên đơn vị nào chỉ có lỗ mà không có lãi, không đóng góp được nhiều cho ngân sách nhà nước thì chúng ta không hoan nghiênh.

Trong trường hợp của Coca Cola, Tổng cục thuế cũng đã có kết quả điều tra cùng với xử phạt đi kèm. Đây là những hành động rất có tiến bộ và hoan nghênh của ngành Thuế Việt Nam. Dù cho bên Coca Cola đang khiếu nại và không hài lòng với quyết định của ngành Thuế.

"Coca Cola là trùm chuyển giá, một trong những biểu tượng chuyển giá ở Việt Nam", ông Phong nói. Để hạn chế tình trạng này, Việt Nam cần xác định lại hệ thống luật pháp để tránh kẽ hở, lạm dụng ưu đãi. Đồng thời tăng hệ thống thông tin, hệ thống so sánh đối chiếu kiểm chứng để buộc các doanh nghiệp không được hai số liệu. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực công nghệ cũng như trách nhiệm và phần thưởng của những người tham gia để chống được chuyển giá.

5. Báo Thanh niên (25/2) có bài “Chần chừ đóng nợ, tiền sử dụng đất sẽ tăng”; Công an nhân dân (25/2) có tin “Nộp tiền thuế đất sau ngày 28-2 sẽ phải chịu giá cao hơn” cho biết: Nghị định 79/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 16 Nghị định 45/2014 vừa được ban hành về việc thu tiền sử dụng đất, quy định từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Bài báo cho rằng quy định mới hợp lý khi tính đúng, tính đủ, tạo sự công bằng giữa các hộ dân. Đã đến lúc chính sách tiền sử dụng đất phải thay đổi tiệm cận theo thị trường vì khi đó mới tạo được sự công bằng và giúp NSNN thu được tiền sử dụng đất đầy đủ hơn.

6. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (24/2) có bài “Hỗ trợ song hành chống thất thu thuế” cho biết: Ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, ngành Thuế đã chủ động đánh giá tác động của dịch đến hoạt động của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tình hình thu NSNN. Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và người nộp thuế, các chính sách hỗ trợ DN và người nộp thuế đã được triển khai như: gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, giãn thuế và thực hiện hỗ trợ đúng các nhóm đối tượng theo quy định của chính phủ. Ngành thuế cũng tăng cường công tác thẩm định đối tượng hộ kinh doanh được hưởng chính sách hỗ trợ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, không để lợi dụng để trục lợi chính sách…

7. Báo Thanh niên (25/2) có tin “Từ 1.3, doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn, giảm thuế” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế TNDN đối với DN khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3.

III. Vấn đề về hải quan

8. Báo Tiền phong (25/2) có tin “Hải quan: Khơi thông XNK, thúc thu ngân sách” cho biết: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở khắp nơi trên thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến kinh tế VN ảnh hưởng theo, tác động lớn đến thu NSNN. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã đưa ra các giải pháp nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu NSNN năm 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng TCHQ: Năm 2021, TCHQ được QH giao dự toán thu NSNN 315.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN là 331.000 tỉ đồng. Dự toán này được xây dựng trên cơ sở GDP tăng trưởng 6%. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn do các FTAs tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu. Nhiều chính sách miễn giảm, hoàn thuế đang được áp dụng gây ảnh hưởng đến số thu ngân sách của ngành Hải quan. Chính vì vậy, ông Cẩn cho biết: TCHQ đã sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch hành động nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN. Tất cả các đơn vị trong ngành phải triển khai đồng bộ các giải pháp, xoay quanh hai nhóm nhiệm vụ chính gồm tạo thuận lợi thương mại và chống thất thu ngân sách qua công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, chống buôn lậu.

9. Báo Nhân dân (25/2) có tin “Ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới” cho biết: Trong thời gian trong và sau Tết Nguyên đán 2021, tình trạng buôn lậu hàng hóa gia tăng do lợi nhuận rất cao, không phải nộp các loại thuế theo quy định… Ngoài ra, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn tăng cao, nhất là thị trường bán hàng trực tuyến. Để phòng chống tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới, các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường…các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, hiệu quả.

10 Thanhnien.vn (24/2) có tin “Hải quan TP.HCM đã thông quan lô vắc xin Covid-19 đầu tiên về Việt Nam” cho biết: Chiều 24/2, 117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca đã được hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục thông quan đưa về kho lạnh của doanh nghiệp để bảo quản.

11. Báo Hà Nội mới (25/2) có tin “Triển khai mô hình mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” thông tin: Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021-2023.

Mục tiêu là phấn đấu từ năm 2022 triển khai hiệu quả mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; chuẩn bị các giải pháp cho giai đoạn 2024-2026 để thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan…

IV. Vấn đề về chứng khoán

12. Báo Sài Gòn giải phóng (25/2) có tin “VN-Index giảm gần 16 điểm” cho biết: Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 24/2 chứng kiến lực bán mạnh khiến thị trường giảm điểm sâu, có thời điểm mất đến 24 điểm. Trong đó, khối ngoại bán đến 675 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cùng với đó, tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục diễn ra trên HoSE vào lúc khoảng 14 giờ khi giá tị giao dịch vượt 14.000 tỷ đồng, khiến nhà đầu tư bức xúc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,63 điểm (1,33%) xuống 1.162,3 điểm.

V. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

13. Báo Người lao động (25/2) có bài “Cổ phần hóa: Xử lý dứt điểm những tồn tại” cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ CPH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP bổ sung nhiều điểm mới, qua đó tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, khó khăn trong thực tiễn thời gian qua, đặc biệt về vấn đề sắp xếp, xử lý đất đai.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng điểm quan trọng là nghị định đã tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH. Theo đó, DN khi thực hiện chuyển đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi công bố giá trị DN. Nghị định đã quy định cụ thể về trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH, do đó các DN không thể lấy lý do là vướng mắc về sắp xếp, xử lý đất đai để trì hoãn quá trình CPH.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, cách làm, sự quyết tâm của người đứng đầu khi triển khai CPH. Vấn đề này cũng đã được Bộ Tài chính chỉ rõ khi đề nghị người đứng đầu các bộ ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác CPH, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ.

14. Báo Hà Nội mới (25/2) có tin “Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình chuyển DNNN thành công ty cổ phần” cho biết: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các nội dung được giao tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30-11-2020 theo đúng chỉ đạo tại điểm 1 văn bản số 60/VPCP-KTTH ngày 5-1-2021 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các nội dung được giao tương ứng tại khoản 15, Điều 2, Nghị định 140 (hướng dẫn việc xác định giá trị thương hiệu, bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn) và tại khoản 15, Điều 1, Nghị định 140 (hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa).

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00