Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/02/2021

Tin chuyên ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 26/02/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Đầu tư chứng khoán (26/2) có bài ““Tút” Facebook gây tranh cãi của lãnh đạo HOSE đáp trả ý kiến của ai?” cho biết: Sự kiện nổi bật nhất trên thị trường chứng khoán ngày 24/2/2020 không liên quan đến giao dịch, điểm số tăng giảm, hay thanh khoản của thị trường mà lại là một “status” đăng trên mạng xã hội Facebook của lãnh đạo cao nhất tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ông Lê Hải Trà. Ảnh chụp Status trên Facebook của ông Trà có nội dung “Anh bảo này, lúc chúng mày rùng mình có gọi anh không?”, cùng các bình luận và trả lời bình luận lan truyền trên khắp các diễn đàn, hội nhóm nhà đầu tư chứng khoán ở các mạng, phần mềm chát trực tuyến như zalo, viber...

Tất cả các ý kiến đều nhận định câu trạng thái này của ông Trà là dành cho những người đang bức xúc vì tình trạng giao dịch không thông suốt trên sàn TP.HCM được miêu tả bằng các từ chỉ hiện tượng như nghẽn lệnh, đơ bảng điện, hay hình ảnh “rút phích”...

Theo báo Đầu tư chứng khoán, kể từ khi sự cố nghẽn lệnh xảy ra, HOSE chưa tổ chức một cuộc họp báo nào, không có một thông cáo báo chí chính thức nào hay chưa có một lời xin lỗi nào dành cho nhà đầu tư. Trong khi lỗi hệ thống vẫn thể hiện trên bảng điện gây bức xúc cho nhà đầu tư thì status của người đứng đầu HOSE như đổ thêm dầu vào lửa.

Với status gây rúng động cộng đồng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán của người đứng đầu, HOSE có thể đang đứng trước một cuộc khủng hoảng truyền thông bên cạnh khủng hoảng về lỗi hệ thống liên tiếp xảy ra.

1. Đề nghị UBCKNN có giải pháp chấm dứt tình trạng nghẽn và đứt mạng, tránh gây bức xúc cho NĐT.

Trong trường hợp bất khả kháng, cần có đối sách truyền thông phù hợp. Tránh trường hợp có những phát ngôn dễ gây hiểu lầm trên báo chí và mạng xã hội.

II. Vấn đề về thuế

2. Tiền phong (26/2) có tin “Livestream bán hàng lậu: “Đại náo” mạng xã hội” cho biết: Chưa bao giờ buôn bán hàng lậu công khai bằng hình thức livestream trên mạng xã hội lại nở rộ như thời gian gần đây.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh tại VN và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định. Cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này. Cần có cơ sở pháp lý để hoạt động này diễn ra trật tự, được pháp luật bảo vệ. Bộ Tài chính cần thông tư hướng dẫn và trên cơ sở đó, các cơ quan thuế phải thu thuế theo quy định pháp luật.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, phương thức mua sắm của người tiêu dùng cũng như người bán hàng đã thay đổi nhiều sau dịch Covid-19. Đối với hoạt động thanh toán qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế có thể thực hiện phối hợp cùng ngân hàng thực hiện truy thu thuế đối với các giao dịch thương mại, nhưng với thanh toán bằng tiền mặt thì không dễ. Cục Thuế TPHCM đã có đề xuất phối hợp với Tổng cục Thuế phương thức quản lý chống thất thu thuế trong các hoạt động TMĐT. Việc phối hợp xây dựng phương thức chống thất thu thuế sẽ được sớm triển khai trong thời gian tới, trong đó có nghiên cứu đến chương trình kiểm soát hoạt động bán hàng, đặt hàng trên mặt…

3. Zing.vn (26/2) có bài “Tổng cục Thuế nói gì về 2 DN chiếm đoạt hàng trăm tỷ tiền hoàn thuế?”, Lao động (26/2) có bài “Chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng: Ngăn chặn và bịt ngay các kẽ hở”, các báo cho biết: Tổng cục Thuế cho biết vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời một số công ty có hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) của Nhà nước. Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM đã xác định Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thu Duc House) và Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Nhận định đây là vụ án lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều doanh nghiệp. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế Tây Ninh, Long An, Đồng Nai tiến hành thu hồi tiền hoàn thuế, đồng thời kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng cho các công ty xuất khẩu hoàn thuế nói trên.

Tại Thu Duc House, sau khi phát hiện công ty này thực hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu trốn thuế, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành các quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế VAT.

Tuy nhiên ngày 26/1, Cục Thuế TP.HCM đã nhận được Quyết định số 30/2021/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm đình chỉ thi hành Quyết định của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM.

Về vấn đề này, cơ quan thuế khẳng định các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế VAT nói trên đều đúng pháp luật và cần được thực hiện ngay để đảm bảo lợi ích hợp pháp của ngân sách Nhà nước.

“Trường hợp Tòa án TP.HCM không hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi tiền thuế cho ngân sách Nhà nước thì trách nhiệm thuộc về Tòa án nhân dân TP.HCM”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Cũng thông qua 2 vụ việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT nói trên, Tổng cục Thuế đã chỉ ra một số hành vi các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế như hành vi nhập khẩu hàng hóa (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau nhưng khai báo giá trị rất thấp, đến khi xuất khẩu lại khai báo giá trị rất cao. Các đối tượng cũng sử dụng hành vi khai báo các lô hàng xuất khẩu có giá trị rất cao trong khi trọng lượng mỗi lô hàng chỉ vài kg đến vài chục kg. Cơ quan quản lý thuế cho rằng việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế đã gửi yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao về hoàn thuế VAT (linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản...). Trường hợp xác định công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế phải thu thập hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm pháp luật đến cơ quan Công an và kiến nghị khởi tố. Nếu vụ việc quá phức tạp cần báo cáo UBND tỉnh, thành phố để phối hợp với các cơ quan có liên quan trong tỉnh, thành phố để kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Đây là các thông tin được Tổng cục Thuế chủ động cung cấp ra cho các cơ quan thông tấn báo chí vào ngày 25/2/2021 (Đính kèm TTBC của Tổng cục Thuế). Nhờ sự chủ động đó mà các cơ quan thông  tấn báo chí đã có tin bài theo đúng chủ trương của Tổng cục Thuế.

3. Báo Tiền Phong (26/2) có bài “Lo mất thêm tiền, người dân Thủ đô đổ xô đi xóa nợ tiền sử dụng đất” cho biết: Những ngày gần đây người dân trên địa bàn Thủ đô đổ xô đến các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của Hà Nội để xóa nợ tiền sử dụng đất "né" quy định từ ngày 1/3/2021, những trường hợp trả nợ tiền sử dụng đất phải nộp số tiền cao hơn theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

Theo Cục Thuế Hà Nội, nguyên nhân chính là bởi theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, đến hết ngày 28/2/2021, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật).

Từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ (mức cao hơn).

4. Tuổi Trẻ (26/2) có tin “Thuế sẽ cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp” cho biết: Tông cục Thuế vừa ban hành kế hoạch cải cách hành chính của toàn ngành, trong đó dự kiến tiếp tục sắp xếp lại bộ máy theo hướng thu gọn, tinh giản đầu mối, giảm bớt khâu trung gian trong năm nay và sẽ giảm biên chế từ 10% trở lên so với năm 2015.

Ngành thuế cũng cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2021, ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thuế.

Tổng cục Thuế sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, tăng cường kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

III. Vấn đề về quản lý công sản

5. Đầu tư (26/2) có bài “Ba “ông lớn” ngành nông nghiệp vung vãi đất công: Bài 3: Bộ, ngành, địa phương nào phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm?” cho biết: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) được xem là 3 “ông lớn” thuộc Bộ NNPTNT. Được giao quản lý hàng trăm ngàn héc – ta đất nông, lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng theo công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ, 3 đơn vị này đã buông lỏng quản lý, để đất bị lấn chiếm, sử dụng trái phép; bán, cho thuê đất công sai luật đến mức phải chuyển cơ quan điều tra. Không chỉ đề nghị chuyển điều tra việc Vinatea đem 12 lô đất đi góp vốn liên doanh, liên kết; đề nghị Vinafor cung cấp hồ sơ để cơ quan chức năng điều tra xử lý với lô đất “vàng” ở Hà Nội, Thanh tra chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương kiểm điểm, xử lý sai phạm đối với cá nhân, tổ chức liên quan. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát, xử lý, truy thu nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất mà các đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

6. BNews (26/2) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ra sao trước loạt quy định mới?” cho biết: Bước sang năm 2021, cùng với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp áp dụng hàng loạt điểm mới trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng) và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Các chuyên gia cho rằng, các quy định mới này đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về phát trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Tuy vậy, thị trường vẫn cần thời gian để “hấp thụ”, thích nghi các quy định mới nên việc điều chỉnh giảm trong ngắn hạn là khó tránh khỏi.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chậm lại trong thời gian gần đây là bước chuyển của thị trường trước các quy định mới.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cũng cho biết, với hàng loạt các quy định mới, khung pháp lý mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được hoàn thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu. Do đó, trong thời gian tới thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển đồng bộ hơn và có sự dịch chuyển từ phát hành trái phiếu riêng lẻ sang phát hành ra công chúng ở các doanh nghiệp.

V. Vấn đề về quản lí giá

7. Thanh niên (26/2), Pháp luật Việt Nam (26/2), Tiền Phong (26/2), Nông nghiệp Việt Nam (25/2), Thể thao văn hóa (25/2), Giao thông (25/2), VOV (25/2), báo Quốc tế (25/2), Tuổi trẻ (25/2), Sức khỏe và đời sống (25/2), vietnamplus (25/2), Bnews (25/2), Quân đội nhân dân (25/2), Thời báo ngân hàng (25/2) đồng loạt đưa tin về “Giá xăng dầu hôm nay 25/2: Trong nước tăng nóng” cho biết: Chiều 25/2, liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, giá xăng dầu trong nước tăng nóng trở lại. Cụ thể, giá xăng dầu hôm nay đối với mặt hàng RON 95 được điều chỉnh tăng 814 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 722 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 17.031 đồng/lít và xăng RON 95 là 18.084 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng tương đối mạnh. Sau khi tăng, giá bán mặt hàng dầu diesel là 13.843 đồng/lít; dầu hỏa là 12.610 đồng/lít và dầu mazut là 13.127 đồng/kg. Như vậy, giá xăng trong nước hôm nay 25/2 tăng mạnh. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước có lần tăng trở lại sau khi được giữ nguyên trước Tết. Kể từ ngày 11/11/2020, tính ra giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 3.146 đồng/lít, xăng RON 95 tổng cộng 3.383 đồng/lít.

Trước Tết Nguyên đán (ngày 10/2), nhằm ổn định thị trường, Liên Bộ Công thương-Tài chính đã không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tăng mức chi của Quỹ với các loại xăng dầu lên từ 603 -1.729 đồng/lít/kg.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00