Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/03/2021

Điểm báo ngày 01/03/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Vấn đề về bắt tạm giam một số cán bộ tại Cục thuế tỉnh Bình Dương

Báo Nhân dân (27/2) có tin “Bắt nguyên Cục trưởng Thuế tỉnh Bình Dương”; tuoitre.vn (27/2) có bài “Nguyên cục trưởng, nguyên cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Dương bị bắt”; Người lao động (27/2) có bài “Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương”; Lao động (28/2) có bài “Vụ án 43ha ở Bình Dương: Đã khởi tố 10 bị can, tiếp tục mở rộng điều tra”; vietnamnet.vn (27/2) có bài “Nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương cùng 2 thuộc cấp bị bắt”; vov.vn (27/2) có tin “Bắt tạm giam nguyên Cục trưởng, nguyên Cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Dương” và rất nhiều báo khác cho biết:

Nguồn tin từ Bộ Công an tối (27/2/2021) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đang điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương MTV (Tổng Công ty 3/2, thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý). Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 23/2/2021, C03 đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ba bị can, gồm: Lê Văn Trang (nguyên Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương); Võ Thanh Bình (nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thái Thanh (Phó trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác, Cục thuế tỉnh Bình Dương). Cả 3 bị can đều bị khởi tố, bắt giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219, Bộ luật hình sự 2015. Các bị can được cho là có liên quan việc tính tiền thuế, tiền sử dụng đất làm thất thoát gần 127 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng “đất vàng” 43ha do Tổng Cty Bình Dương thực hiện.

Về nội dung này Văn phòng Bộ đã có trao đổi với Tổng cục Thuế để nắm bắt thông tin và được biết: Ngày 01/3/2021, Cục Thuế tỉnh Bình Dương có Báo cáo số 3497/BC-CT báo cáo nhanh tình hình công chức bị khởi tố.

Theo báo cáo, ngày 27/2/2021, Ban Lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương đã làm việc với Cán bộ điều tra - cơ quan CSĐT Bộ Công an về khám xét nơi làm việc của Nguyễn Thái Thanh, Phó Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác do bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”

Tại buổi làm việc, cơ quan CSĐT thông tin cho Cục Thuế về việc đã tạm giữ Nguyễn Thái Thanh, Lê Văn Trang - Nguyên Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương, Võ Thanh Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty SX - XNK Bình Dương.

Tổng cục Thuế, Cục Thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng theo quy định và sẽ báo cáo các cấp lãnh đạo khi có thông tin mới.

II. Vấn đề về thuế, phí

2. Báo Quân đội nhân dân (27/2) có bài “Kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về hoàn thuế giá trị gia tăng” cho biết: Tổng cục Thuế vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời một số công ty (linh kiện, máy tính điện tử) có hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước.

Gần đây nhất, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã xác định Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức và Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao (linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy-hải sản...) để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT có rủi ro cao.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho rằng cơ quan thuế luôn chú trọng công tác quản lý hoàn thuế GTGT, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ để giải quyết hoàn thuế đúng quy định, góp phần ngăn chặn gian lận về hoàn thuế. Hầu hết các DN xuất khẩu hiện vẫn thực hiện tốt về các quy định hoàn thuế.

3. Thời sự 19h trên VTV ngày 28/2 phát sóng phóng sự “Tự giác nộp thuế để tránh bị xử phạt” cho biết: Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế ý thức tự khai nộp thuế của các cá nhân đã được nâng cao, nhất là các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Trả lời phỏng vấn của VTV, ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Chi cục đã phối hợp với các cơ quan trung gian như ngân hàng, các tổ chức thương mại, các trang web để thu thập kênh thông tin dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân kinh doanh. Từ đó phối hợp với UBND các phường các cơ quan quản lý của Hà Nội để đôn đốc, hỗ trợ và hướng dẫn cá nhân kinh doanh kê khai và thực hiện nghĩa vụ về thuế”.

Còn ông Viên Viết Hùng – Phó cục trưởng Cục Thuế Tp.Hà Nội cho biết: “Cục Thuế Hà Nội đã từng bước đi theo hoạt động thương mại điện tử và rất kiên trì trong công việc tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế”.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: “Để tránh những trường hợp vi phạm của người nộp thuế, người nộp thuế phải nâng cao hiểu biết của mình về chính sách pháp luật về thuế. Nếu có những vướng mắc về chính sách pháp luật về thuế, người nộp thuế nên liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định pháp luật”.

4. Đại đoàn kết (28/2) có bài “Vùng trũng thuế tại các DN lớn” cho biết: Giới chuyên gia cũng như nhiều nhà quản lý từng nhấn mạnh, ngành Thuế tập trung quản lý thu thuế đối với khu vực DN lớn, vì đây còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế.

Hệ thống chính sách pháp luật về thuế đã được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Và dù các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát quá trình kê khai, nộp thuế của các đối tượng nộp thuế nhưng tình trạng trốn thuế trên thực tế vẫn diễn ra phức tạp và tinh vi.

Chẳng hạn như khối DN FDI, DN có giao dịch liên kết thường xuyên báo lỗ để hạn chế nộp thuế. Báo cáo thống kế của Bộ Tài chính còn cho biết có đến 55% DN FDI báo lỗ trong năm 2019. TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã phải lên tiếng cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều DN lỗ như vậy. Mặc dù liên tục cải tiến, sửa đổi bổ sung nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các luật về thuế vẫn còn kẽ hở mà NNT vẫn có thể nhắm vào đó để thực hiện các hành vi gian lận thuế. Trong đó phổ biến nhất hiện nay là mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa giao dịch, thành lập DN “ma” để bán hóa đơn sau đó bỏ trốn.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để chống thất thu NSNN, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương pháp rủi ro. Việc thanh tra, kiểm tra tập trung đối với DN có giao dịch liên kết, DN chuyển gia, DN liên tục báo lỗ.

5. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (25/2) có bài “Gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn?” thông tin: Bài viết nêu ý kiến của ông Trần Hùng Sơn, trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM. Thông qua các phân tích của mình, ông Sơn cho biết, tỷ lệ doanh thu thuế/GDP của Việt Nam tương đối ổn định ở mức 18% trong khoảng thời gian từ 2015-2019. Tuy nhiên, so với các quốc gia có cùng mức tương quan GDP bình quân đầu người và các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp (LMC) thì Việt Nam hiện đang có tỷ lệ doanh thu thuế/GDP cao hơn. Ngoài ra, so với mức GDP/người bình quân chung của thế giới (WLD) thì tỷ lệ doanh thu thuế/GDP của Việt Nam cũng cao hơn đáng kể. Điều này cho thấy, dường như nghĩa vụ thuế so với tương quan thu nhập tại Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trên thế giới bao gồm cả các nước thu nhập cao (trừ Ý và Anh).

Đối với khía cạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế, chẳng hạn như số lần nộp thuế của doanh nghiệp, cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có số lần nộp thuế thấp nhất (cùng với Singapore và Trung Quốc), với số lần nộp thuế giảm từ 43 (năm 2015) xuống còn 6 lần (năm 2019). Đạt được kết quả này là do việc thực hiện cải cách thuế của Việt Nam trong thời gian qua, có thể nói đây chính là khía cạnh tích cực của việc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam.

Tóm lại, các nhận định trên cho thấy tỷ lệ doanh thu thuế so với mức thu nhập bình quân đầu người tương quan của Việt Nam và tỷ lệ các khoản chi trả thuế và đóng góp cho người lao động của doanh nghiệp đang ở mức cao so với các quốc gia trên thế giới. Ngược lại, Việt Nam đang thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế tốt hơn so với các quốc gia khác (thể hiện qua số lần nộp thuế). Do đó, việc nhìn nhận, để có các điều chỉnh các sắc thuế sao cho phù hợp trong giai đoạn tới là cần thiết khi mà Việt Nam sẽ bắt đầu đưa ra những cải cách thuế mới trong giai đoạn tới.

III. Vấn đề về chứng khoán

6. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (25/2) có bài “Đằng sau chuyện nghẽn lệnh chứng khoán” thông tin: Sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) bị nghẽn lệnh đang trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” do nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư vượt quá công suất thiết kế xử lý lệnh trong một ngày của toàn bộ hệ thống. Việc thay hệ thống là cấp thiết nhưng để hiểu rõ sự đầu tư thay đổi một hệ thống mới sẽ tác động ra sao đến thị trường, cần phải nhìn thẳng vào bản chất câu chuyện của hệ thống hiện tại.

Cho đến nay các chuyên viên Hàn Quốc sang hỗ trợ HOSE chạy thử nghiệm hệ thống mới, dự kiến vận hành chính thức vào quí 3-2021, vẫn đang thực hiện các biện pháp cách ly ngăn chặn dịch Covid-19. Chờ đợi hệ thống mới đi vào hoạt động là việc chẳng đặng đừng. Quan trọng hơn, không ít nhà đầu tư e ngại giao dịch không phản ánh đúng cung cầu thực của thị trường vì lệnh mua bán không được xử lý hết hàng ngày.

HOSE đang xem xét các giải pháp tạm thời như nâng lô, nâng bước giá giao dịch cổ phiếu. Một giải pháp nữa được nhiều chủ thể trên thị trường đề xuất là nâng chuẩn niêm yết trên HOSE. Cụ thể bao gồm nâng vốn điều lệ tối thiểu, nâng hiệu quả hoạt động... để thanh lọc bớt cổ phiếu kém chất lượng. Hiện trên HOSE có khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao, khớp hàng chục triệu đơn vị/ngày, song chất lượng kém xét về các tiêu chí tài chính cơ bản.

IV. Vấn đề về giá

7. Nhân dân (01/3) có bài “Quản lý, điều hành giá trong điều kiện mới” cho biết: Năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tăng 3,23%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%), lạm phát tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, theo dự báo, thị trường, giá cả ở Việt Nam thời gian tới có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Để đáp ứng yêu cầu quản lý giá trong điều kiện mới, năm 2021, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%. Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2021, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhưng không điều chỉnh tăng giá trong năm 2020; biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới; tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu; tình hình rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm... Ở chiều ngược lại, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19, đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn cho nên nhìn chung mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động lớn.

Để đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện mới, năm 2021, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Theo Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao có tính mùa vụ để hạn chế tăng giá ngay từ đầu năm. Tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản và điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

8. Nhân dân, Quân đội nhân dân (28/2), Công an nhân dân (27/2) có tin “Siết điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá. Trong đó, nghị định bổ sung yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Những người này phải là thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định; có ít nhất ba năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá, hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.

Doanh nghiệp thẩm định giá đang bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thì không được ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá... Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp và được ghi trong hợp đồng. Khi phát sinh tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp và khách hàng, việc giải quyết có thể thương lượng, hòa giải, bằng trọng tài thương mại hoặc khởi kiện ra tòa.

V. Vấn đề về đầu tư công

9. Báo Tuổi Trẻ (01/3) đưa tin “Gần 73.185 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ” cho biết: Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, dù đến nay đã quá gần 2 tháng nhưng có tới 73.185 tỉ đồng vốn đầu tư công đã được Thủ tướng giao mà chưa được một số bộ, ngành, địa phương phân bổ. Tổng số vốn đã được các bộ, ngành, địa phương phân bổ là 388.115 tỉ đồng, đạt khoảng 84% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 461.300 tỉ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại quyết định số 2185 ngày 21-12-2020, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố phải phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án trước ngày 31-12-2020. Phương án phân bổ vốn chi tiết phải được gửi cho Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10-1. Tuy nhiên, tính đến ngày 25-2, có 21 bộ và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao.

10. Hà Nội mới (1/3) có bài “Nâng hiệu quả sử dụng nợ công cho biết : Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thảo luận về dự thảo báo cáo Quốc hội về tình hình vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2016-2020) và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021-2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, theo người đứng đầu Chính phủ, đó là phải kiểm tra, giám sát bảo đảm khả năng trả nợ, đồng thời rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, đơn vị, cá nhân trong sử dụng vốn vay và bố trí trả nợ. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách quản lý nợ công cần tiếp tục hoàn thiện, với công cụ quản lý nợ chủ động, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế. Quán triệt nguyên tắc vay và sử dụng trong khả năng của nền kinh tế, phục vụ phát triển, với nguồn vốn vay đa dạng…

Bài báo dẫn lại 1 số điểm nhấn quan trọng trong 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020), đó là các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong trần giới hạn được Quốc hội phê chuẩn. Từ mức “đỉnh” 63,7% GDP trong năm 2016, dư nợ công giảm còn khoảng 55% GDP trong năm 2019, tạo ra dư địa chính sách tài khóa để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2020. Đáng chú ý, tốc độ tăng nợ công giảm từ bình quân 18,1%/năm trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên 61,9% tổng dư nợ Chính phủ trong năm 2019, với lãi suất giảm dần, kỳ hạn trả nợ tăng dần đã góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ…

VI. Vấn đề về DNNN

11. Người lao động (1/3) có bài “Cần xử lý người đứng đầu đơn vị chậm cổ phần hóa” cho biết: Tiến độ CPH DNNN tiếp tục trễ hẹn về đích. Đến nay còn 91 DN chưa CPH theo danh mục phê duyệt của Thủ tướng. Nguyên nhân khiến việc CPH không đạt tiến độ thì Bộ Tài chính đã nhiều lần đề cập. ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên UBTCNS của QH cho rằng: Để xảy ra chậm cổ phần hóa, người đứng đầu DNNN, cơ quan chủ quản không thể vô can, cần quy trách nhiệm và xử lý nghiêm. Cần có sự xem xét tổng thể để xử lý dứt điểm, phân loại DN đẩy nhanh tiến độ, không thể giữ mãi tình trạng “vô can” dù chậm tiến độ như hiện nay, phải quy được trách nhiệm.

Cũng theo ông Cường, CPH là quá trình chuyển tài sản từ công sang tư, muốn công sang tư không bị thất thoát thì phải thực hiện cơ chế thị trường. Muốn có cơ chế thị trường thì phải công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, được cung cấp thông tin đầy đủ. Nếu làm đủ như vậy, để cho tất cả lực lượng trên thị trường tham gia vào, cạnh tranh với nhau, có đầy đủ thông tin để tìm hiểu về DN thì sẽ không còn chuyện tài sản bị thất thoát, không còn tình trạng vướng thủ tục. Do đó cần coi trạng hơn yếu tố sử dụng các công cụ thị trường vào CPH trong thời gian tới.

VII. Vấn đề về tài chính ngân hàng

12. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (25/2) có bài “Vé số - ngân sách và an sinh xã hội” cho biết: Kinh doanh xổ số là hoạt động thuộc độc quyền nhà nước được quản lý bởi Bộ Tài chính. Trong năm 2020, hoạt động bán vé số phải tạm ngừng trong suốt tháng 4 do dịch Covid-19.Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng có một phần cho những người bán vé số lưu động, lấy từ nguồn tài chính hợp pháp và hạch toán vào chi phí các công ty xổ số kiến thiết. Tổng số tiền các công ty xổ số khu vực miền Nam đã chi là trên 100 tỷ đồng để hỗ trợ những người bán vé số lưu động. Tuy nhiên việc các công ty xổ số hạch toán chi phí chi hỗ trợ người bán vé số lưu động như trên chỉ phát sinh khi có sự kiện, trong khi người bán vé số lưu động hoạt động thường xuyên và liên tục gắn liền với hoạt động các công ty xổ số kiến thiết.

Thiết nghĩ, cần bổ sung vào chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số điều khoản cụ thể cho phép các công ty xổ số kiến thiết hoặc (i) hạch toán vào chi phí theo tỷ lệ phần trăm nào đó, ví dụ không quá 5% doanh thu hoặc (ii) trích lập tối đa 5% lợi nhuận còn lại sau khi bù lỗ năm trước nếu có, và nộp thuế cho Nhà nước để tạo lập một quỹ xã hội để hỗ trợ có điều kiện công cụ phương tiện, trợ cấp khó khăn… cho người bán vé số lưu động, vốn là lực lượng chính tạo nên doanh thu của công ty xổ số.

VIII. Vấn đề khác

13. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (25/2) có tin “Năm 2020 chi gần 3.800 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Mức chi quỹ bình ổn xăng dầu năm 2020 của các doanh nghiệp là hơn 3.784,2 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính. Bộ cho biết, quỹ này đã sử dụng hơn 1.614 tỷ đồng để thực hiện bình ổn giá trong quý 4-2020, tương đương mức chi bình quân gần 18 tỷ đồng mỗi ngày trong quý. Mức chi này cao hơn gần 111 tỷ đồng so với quý 3-2020.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00