Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 03/03/2021

Điểm báo ngày 03/03/2021

I. Vấn đề tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021

1. Baochinhphu.vn (2/3) có bài “Giải đáp nhiều vấn đề nóng tại họp báo Chính phủ tháng 2” cho biết: Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 diễn ra chiều 2/3, nhiều vấn đề nóng, thời sự đã được báo chí nêu ra và được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan giải đáp, trong đó có đại diện của Bộ Tài chính.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Bộ Tài chính có nghiên cứu đến kiến nghị của DN được miễn giảm thuế, phí thay vì giãn, hoãn thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết: năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, để thực hiện mục tiêu kép, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài khóa, trong đó có các chính sách về thuế, phí như gia hạn, miễn, giảm các loại thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội, UBTVQH ban hành 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của UBTVQH. Đồng thời, theo thẩm quyền, Bộ Tài chính đã sửa đổi 31 thông tư về thuế, phí, lệ phí  theo hướng gia hạn, miễn giảm các mức thu của nhiều khoản thuế, phí, lệ phí có hiệu lực đến hết năm 2020.

Cuối năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất gia hạn và điều chỉnh giảm mức thu của 29 loại thuế, phí, lệ phí với mức giảm từ 50% đến 100% đến hết ngày 30/6/2021, đồng thời cũng đã trình UBTVQH tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ cũng trình Chính phủ cho phép tính vào chi phí khấu trừ của doanh nghiệp đối với các chi phí ủng hộ, hỗ trợ theo hoạt động phòng chống dịch COVID-19 để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành trong thời gian vừa qua để tiếp tục có những đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Pháp luật TPHCM (3/3) có tin “Bị cưỡng chế hơn 450 tỉ: Thuduc House nói gì?”; Báo Giao thông (3/3) có tin “Thuduc House phủ nhận câu kết với 70 công ty gian lận hơn 400 tỷ tiền thuế” cho biết: Trong thông cáo báo chí gửi cơ quan báo đài tối ngày 2/3, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) khẳng định công ty không có bất kỳ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nào liên quan đến Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam (công ty con của SATRA), cũng như không có bất kỳ sự cấu kết hay móc nối với 70 công ty được đề cập trong báo cáo (báo cáo số 8194/2020 của Tổng Cục Hải quan về kết quả đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá GTGT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam).

Về việc xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử trong các năm 2018 - 2019, Thuduc House cho biết mua hàng trong nước và xuất khẩu sang các đối tác nước ngoài. Hàng trong nước được Thuduc House mua từ Công ty CP Thuduc House Wood Trading (công ty con của Thuduc House) và công ty này chỉ thực hiện việc mua hàng với Công ty TNHH An Lành Phát.

Đến thời điểm hiện tại, Thuduc House, Công ty CP Thuduc House Wood Trading, Công ty TNHH An Lành Phát vẫn đang hoạt động bình thường, hợp pháp, có con dấu, pháp nhân, có địa chỉ trụ sở rõ ràng, thực hiện việc kê khai và nộp thuế GTGT đầy đủ.

Liên quan đến nội dung được đề cập trong Báo cáo của Tổng cục Hải quan về xác nhận của Hải quan Hồng Kông và Hải quan Campuchia: “ba lô hàng xuất khẩu của Thuduc House xuất cho đối tác không được nhập khẩu Hồng Kông” và "hai công ty chưa được đăng ký tại Tổng Cục Thuế Campuchia, không có dữ liệu xuất nhập khẩu của các công ty này trong năm 2018, 2019”. Thuduc House lý giải trên tờ khai hải quan chỉ thể hiện khách hàng ký hợp đồng và địa điểm nhận hàng cuối cùng, không thể hiện tên người nhận hàng (Consignee) nhưng trên hợp đồng và bill (hóa đơn) thể hiện đầy đủ tên và địa chỉ của người nhận hàng.

3. Vietnamplus – TTXVN (2/3) có tin “Tạm đình chỉ công tác cán bộ Cục Thuế Bình Dương đang bị khởi tố” cho biết: Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo Cục Thuế Bình Dương đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Thái Thanh, Phó trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác thuộc Cục Thuế Bình Dương bị bắt để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, đề nghị Cục Thuế có báo cáo với Ủy ban Nhân dân, Tỉnh ủy, Tòa án, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an tỉnh Bình Dương và các cơ quan có liên quan nội dung vụ việc và thực hiện nắm bắt các thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến việc khởi tố đối với ông Nguyễn Thái Thanh và đối với vụ việc tại Cục Thuế Bình Dương.

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác rà soát, xác định nghĩa vụ tài chính về đất, tránh để xảy ra những sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành.

4. Báo Tuổi Trẻ (02/3) đưa tin “Siết quy định thuế với thương mại điện tử” cho biết: Tại dự thảo thông tư vừa được Bộ Tài chính đưa lên lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 2/3 về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, doanh nghiệp không hiện diện ở Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam có trách nhiệm đăng ký, khai và nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam.

Nếu nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký thuế, hoặc có đăng ký nhưng không khai, nộp thuế tại Việt Nam, Bộ Tài chính nhấn mạnh người mua hàng là tổ chức phải kê khai, khấu trừ và nộp thay. Với cá nhân, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay.

Riêng trường hợp cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài mà thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác, ngày 10 hằng tháng ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán phải gửi thông tin về số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài về Tổng cục Thuế.

III. Vấn đề về hải quan

5. Báo Tiền phong (3/3) có bài “Xuất khẩu giả, nhà nước thất thu” cho biết: Theo một lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lập các công ty con mua hàng hóa trong nước với giá thấp, rồi nâng giá cao gấp hàng trăm lần, làm giả hồ sơ xuất khẩu. Từ đó, DN làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Ngành Thuế từng cảnh báo, yêu cầu rà soát các DN có rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tới cả trăm tỷ đồng. Điển hình, gần đây nhất là vụ việc của hai DN phía Nam gồm Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Cty CP thương mại Sàn Gòn Tây Nam. Số tiền hoàn thuế 2 DN này lên tới hơn 300 tỷ đồng.

6. Báo Thanh niên (2/3) có tin “Hàng nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng Tết Nguyên đán”; VnEconomy.vn (2/3) có tin “Tháng Tết, hải quan xử lý hàng hóa vi phạm gần 260 tỷ đồng” cho biết: Tính từ ngày 16/1-15/2/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 967 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 258,67 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt 8,585 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 2 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 6 vụ.

IV. Vấn đề về chứng khoán

7. Bản tin Tài chính kinh doanh – VTV1 phát lúc 21h00 tối 2/3 và 7h00 sáng 3/3 phát phóng sự “Tắc đường trong giao dịch chứng khoán tại HSX” cho biết: Câu chuyện nóng nhất trên thị trường chứng khoán những ngày này không phải là tăng hay giảm mà là câu chuyện nghẽn lệnh. Thanh khoản giao dịch chứng khoán trên sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM (HSX) được cho là sẽ xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh khi đặt khoảng 14.000 tỷ đồng. Thế nhưng có lúc giá trị giao dịch chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng đã nghẽn. Liệu có giải pháp nào để giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư?

Phóng sự ghi hình phản ánh ý kiến của nhiều nhà đầu tư bày tỏ bức xúc khi không mua được cổ phiếu họ theo dõi do sự nghẽn lệnh. Bán sàn không được, đặt mua với giá trần thậm chí cũng không xong dù bảng vẫn dư hàng. Giải pháp để sống chung với lỗi hệ thống của nhiều thành viên thị trường lúc này là đẩy hết việc mua bán lên trước 14h hằng ngày. Bởi thời gian giao dịch thông suốt thực tế trong phiên chiều có khi chưa được 1 tiếng đồng hồ.

Theo các nhà đầu tư, việc này ảnh hưởng đến giá trị giao dịch, đánh giá không thiện cảm từ các nhà đầu tư thực tế cũng như các nhà đầu tư đang muốn tham gia thị trường. Họ lo ngại về rủi ro hệ thống mà lẽ ra mặc định hệ thống là phải ổn định, an toàn. Ước tính thiệt hại do tắc đường tại TP HCM là 1,3 tỷ USD/năm. Mọi sự so sánh là khập khiễng, tắc đường đặt cạnh nghẽn lệnh chứng khoán cũng vậy, tuy nhiên, nói ra để thấy thiệt hại của việc tắc đường chưa bao giờ là nhỏ, không xử lý triệt để thì hệ quả đang ngày một lớn.

Phóng sự cũng đưa ra và phân tích một số giải pháp của thành viên thị trường về hiện tượng nghẽn lệnh: Giảm biên độ không được, tăng lô giao dịch không xong, chuyển một phần giao dịch tại bảng mới thì mất thời gian và chi phí, chuyển niêm yết thì ít nhiều vẫn có sự so sánh. nhất là các nhà đầu tư, các quỹ nước ngoài khi họ còn cơ cấu danh mục ETF. Không lẽ nhà đầu tư cứ phải sống chung với tắc đường giao dịch? Với giới hạn tại HSX là 900.000 lệnh/ngày, tại HNX lên đến 20-30 triệu lệnh/ngày, một lãnh đạo của một thành viên thị trường có ý kiến, bây giờ chỉ cần chuyển tất cả cổ phiếu của HNX sang giao dịch tại sàn HSX và ngược lại, giữ nguyên các quy định giao dịch của các sàn. Tuy nhiên, với các cơ quan quản lý, điều này là không đơn giản, vì còn có vai trò quản lý thành viên, với việc vận hành, thu phí thành viên và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, đó cũng là một gợi ý bởi dù HSX hay HNX thu phí thì vẫn nộp về NSNN. Và dù chúng ta đều biết đến cuối năm nay, hệ thống giao dịch KRX tích hợp cả HSX, HNX và VSD sẽ được vận hành, nhưng còn 9 tháng nữa mới đến cuối năm, và việc đảm bảo giao dịch liên tục, thông suốt là nhiệm vụ của HSX và cũng là quyền lợi mà các nhà đầu tư đáng được nhận, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn có cơ hội nâng hạng trong thời gian tới.

V. Vấn đề về NSNN

8. Báo Tiền Phong (3/3) đưa tin “TPHCM: Thu ngân sách vượt gấp đôi dự toán” cho biết: Ngày 2/3, báo cáo tại phiên họp trực tuyến thường kỳ của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, tăng 25%; kim ngạch nhập khẩu đạt 10,9 tỷ USD, tăng 53,1%. Về thu chi ngân sách, bình quân mỗi ngày, Trung ương giao TPHCM phải thu 1.500 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm, TPHCM thu được 74.500 tỷ đồng, đạt 20,5% mức dự toán. Bình quân, TPHCM thu được 2.900 tỷ đồng/ngày.

VI. Vấn đề về quản lý giá

9. Thời báo ngân hàng (3/3) có bài “Giá xăng tăng cao,doanh nghiệp vận tải “đuối sức” cho biết: Tính đến ngày 2/3, dù đã thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, song giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng hiện nay trên thị trường vẫn đang treo ở mức tương đối cao.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trước đó đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và một số bộ, ngành nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp ngành vận tải như Bộ Tài chính giảm thuế, miễn tiền phạt chậm nộp, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuế.

Ông Quyền cho biết đang kiến nghị Bộ GTVT xem xét áp dụng giảm phí bảo trì đường bộ, giảm phí BOT. Nhất là, Bộ Công thương nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, điện, nước…

VII. Vấn đề khác

10. Ngày 2-3/3, các báo, đài tiếp tục đăng tải các nội dung trong thông tin báo chí được Văn phòng Bộ đã phát đi chiều ngày 1/3 về một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính trong tháng 2/2021, như: Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (2/3) có tin “Đề xuất giãn hoãn nộp 115 nghìn tỷ đồng tiền nộp thuế”; Báo điện tử Đảng cộng sản (3/3) có tin “Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giãn, hoãn nộp thuế”; Pháp luật Việt Nam (3/3) có bài “Đề xuất gia hạn nộp thuế với đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19”; Công an nhân dân (3/3) có tin “Bộ Tài chính nói gì về việc thị trường chứng khoán liên tục nghẽn lệnh?” và tin “Tiền ảo không phải là một loại chứng khoán”; Báo Pháp luật Việt Nam (3/3) có tin "Bộ Tài chính cảnh báo chiêu lừa "tiền ảo"; Thanh niên (2/3) có tin “Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro khi tham gia tiền ảo bất hợp pháp”; Người lao động (2/3) có tin “Bộ Tài chính cảnh báo về các sàn giao dịch tiền ảo trái phép”; VnEconomy (2/3) có tin “Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro khi giao dịch tiền ảo”; Lao động (2/3) có tin “Bộ Tài chính cảnh báo sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tiền ảo trái phép”; Tiền phong (2/3) có tin “Bộ Tài chính cảnh báo: Tiền ảo không phải là một loại chứng khoán”; Tin tức – TTXVN (2/3) có tin “Hải quan nói gì việc lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch lọt vào thị trường”.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00