Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 04/03/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 04/03/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Tiền phong (4/3) có bài “HOSE đề xuất nâng lô cổ phiếu liên 1.000/giao dịch: Cửa hẹp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ”; VnExpress (3/3) có bài “Nâng lô giao dịch lên 1.000: Chứng khoán thành sân chơi của nhà giàu”; Lao động (3/3) có tin “Chứng khoán: Lợi và bất lợi khi nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu”; Zing.vn (3/3) có tin “Giao dịch lô 1.000 cổ phiếu: Chứng khoán thành sân chơi 'xa xỉ'” cho biết: Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) vừa đề xuất sẽ nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu/lần giao dịch. Thông tin lập tức chấn động giới đầu tư bởi điều này đồng nghĩa, mỗi lần hạ lệnh, nhà đầu tư sẽ phải xuống tiền tối thiểu từ chục đến vài trăm triệu đồng với số vốn cổ phiểu bluechip. Với lo ngại mất cơ hội tham gia thị trường, cộng đồng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ phản đối. Trên các diễn đàn chứng khoán, NĐT sôi nổi bàn luận về động thái mới của HoSE. Một số ý kiến cho rằng, nếu nâng lô, cuộc chơi chỉ thuộc về “tay to”. Khi đó NĐT nhỏ lẻ phải quay sang những cổ phiếu giá thấp. Dòng tiền mới đột ngột đổ về gây khả năng tăng nóng, ảo, rủi ro lớn cho NĐT.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu/giao dịch là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HoSE. Các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Singapore… đều đã trải qua lộ trình này.

Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Trần Xuân Nam – Chủ tịch Công ty Tư vấn Saonam cho rằng quan điểm của HoSE đang đi ngược với định hướng kiến tạo thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Ông Nam lý giải, hầu hết người Việt đều tiết kiệm và chỉ giải ngân cho những việc quan trọng. Thói quen này dần thay đổi nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư non trẻ, số tiền ít nhưng nhờ "tích tiểu thành đại" nên khoảng một năm nay chứng khoán đã hút rất nhiều tiền nhàn rỗi và chuyển thành vốn cho doanh nghiệp niêm yết. Cơ quan điều hành thị trường vì thế không thể xem thường sự đóng góp của nhóm nhà đầu tư này.

Không phủ nhận lợi ích của việc nâng lô lên 1.000 giúp giảm căng thẳng cho sàn TP HCM, nhưng ông Lê Vũ Kim Tinh – Giám đốc chi nhánh Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng hành động này sẽ biến thị trường chứng khoán thành sân chơi dành riêng cho người giàu. Ông Tinh cho biết thêm nếu phương án này được triển khai, công ty chứng khoán cũng là bên chịu thiệt vì hụt nguồn thu phí giao dịch.

Trả lời trên Zing.vn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải khẳng định không ủng hộ đề xuất này. Trước đó, VAFI cũng từng lên tiếng phản đối khi HoSE áp dụng nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu mỗi lệnh từ đầu tháng 1. Theo ông Hải, số lượng nhà đầu tư cá nhân mới với số vốn 300-500 triệu đồng hiện nay trên thị trường rất nhiều. Việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu sẽ khiến cơ hội lựa chọn danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ ít đi. Nhiều cổ phiếu của nhà đầu tư hiện tại cũng có nguy cơ trở thành lô lẻ, khó giao dịch.

Qua trao đổi với UBCKNN, Văn phòng Bộ được biết UBCKNN đã có 2 tờ trình số 09/TTr-UBCKNN ngày 22/1/2021 và tờ trình số 20/TTr-UBCKNN ngày 22/2/2021 về báo cáo đánh giá thực trạng, nguyên nhân, giải pháp tình trạng giao dịch tại Hose.

Trình Bộ giao UBCKNN chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá kỹ tác động của giải pháp đối với thị trường, đảm bảo quy định hiện hành và có các giải pháp tuyên truyền cụ thể.

II. Vấn đề về chứng khoán

2. Báo Tuổi trẻ (4/3) có tin “Chuyển cổ phiếu sang giao dịch “nhờ” trên HNX để giảm tải cho HOSE”; Báo đầu tư (3/3) có tin “Cứu "nghẽn lệnh" ở HoSE, Ủy ban Chứng khoán ra cơ chế đặc biệt” thông tin: Ngày 3/3, UBCKNN đã có công văn yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Điều này dựa vào sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ Tài chính về việc tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE.

Theo đó, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo nghị quyết của hội đồng quản trị hoặc của đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE. Ủy ban có hướng dẫn cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HOSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HOSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong rổ VN30.

- Liên quan đến vấn đề này, Báo Tiền phong (4/3) có bài “DN chuyển sàn có hồi hương?” cho biết: Năm 2020, DN niêm yết trên HNX và Upcom ồ ạt làm hồ sơ chuyển sang niêm yết trên HoSE với kỳ vọng cổ phiếu đưa vào “chợ” mua bán chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, trước thực trạng “tắc đường”, nghẽn lệnh, năm 2021, cơ quan chức năng lại kiến nghị chuyển số cổ phiếu từ HoSE sang niêm yết HNX. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư băn khoăn, việc chuyển sàn liệu có trở thành “ngược đường”?

III. Vấn đề về thuế

3. Báo điện tử Dân trí (3/3) có tin “Google, YouTube, Facebook, Netflix sẽ được nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam”; Tuổi trẻ (4/3) có bài “Nộp thay thuế cho Google, Facebook, Amazon: Ngân hàng lo quá tải và rủi ro”  cho biết: Do không có cơ sở kinh doanh cố định nên Google, Facebook, YouTube, Netflix được phép nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Đây là đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra trong việc quản lý thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ để lấy ý kiến dư luận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay cơ quan thuế mong muốn và khuyến khích các trang thương mại điện tử ở nước ngoài trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam khi phát sinh các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. Nếu không trực tiếp nộp thuế, Google, Amazon, Facebook... có thể ủy quyền cho các đại lý thuế, tổ chức đại diện ở Việt Nam làm thay. "Buộc NH phải khấu trừ và nộp thay tiền thuế là biện pháp bất đắc dĩ, cuối cùng rồi".

Theo ông Lê Hoàng Tùng - kế toán trưởng Vietcombank, NH này sẵn sàng thực hiện trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế của các đơn vị ở nước ngoài khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua hàng ở trong nước. Thực tế, theo thông lệ quốc tế, nhiều NH ở nước ngoài cũng làm việc này. Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn nếu chỉ dựa vào tên, địa chỉ website thì NH không đủ cơ sở định danh đó là tổ chức nào ở nước ngoài và tài khoản ra sao để khấu trừ và nộp thuế thay. Với lệnh thanh toán tại quầy, NH chỉ biết tài khoản chuyển tiền thôi. "Ngoài ra việc xác định tài khoản của Google, Amazon... là khó vì các 'ông lớn' này không mở ở NH tại Việt Nam".

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM lo ngại khách hàng sẽ phản ứng và NH sẽ phải tốn công giải thích lý do có việc thu thêm thuế này. Ngoài ra NH sẽ thêm việc vì phải bố trí thêm nhân sự làm việc này, chưa kể có thể chịu rủi ro nếu tính không chính xác vì quy định về thuế suất với từng hàng hóa, dịch vụ sẽ khác nhau trong khi lượng giao dịch rất lớn.

Theo ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ chính sách, NH sẽ phải quy đổi theo tỉ giá rồi kê khai và nộp thuế theo tiền Việt Nam. Bộ Tài chính cũng sẽ hướng dẫn chi tiết theo hướng đơn giản để NH triển khai. Theo đó, chỉ có một mức thuế chung và được xác định tỉ lệ trên trị giá món tiền thanh toán chứ không quy định riêng cho từng mặt hàng như giày, máy tính xách tay, thuốc... là bao nhiêu.

4. Vietnamplus (3/3) có tin “Tổng cục Thuế rà soát thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất”; Vietnamnet (3/3) có tin “Cán bộ thuế liên tục bị khởi tố, Tổng cục Thuế ra văn bản khẩn”; Nhà báo & Công luận (4/3) có tin “Sau loạt cán bộ bị khởi tố, Tổng cục Thuế bất ngờ yêu cầu các Cục thuế chấn chỉnh” cho biết: Ngày 3/3, Tổng cục Thuế ban hành các công văn gửi các Cục Thuế liên quan đến rà soát hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất của cơ quan thuế.

Thời gian qua đã có một số vụ việc phát sinh tại một số Cục Thuế địa phương, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với công chức thuộc cơ quan Thuế do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra hồ sơ khi xác định nghĩa vụ tài chính, ký duyệt các thông báo nộp tiền sử dụng đất trái quy định đối với các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất sai quy định khi được nhà nước giao đất...

Nhằm kịp thời khắc phục, ngăn chặn và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung theo quy định.

5. Báo Đại đoàn kết (4/3) có tin “Thu ngân sách đạt 246 nghìn tỷ đồng”; Công an nhân dân (4/3) có tin “Thu thuế giảm vì dịch bệnh”; Hànộimới (4/3) có tin “Thu ngân sách do ngành Thuế quản lý đạt 22,1% dự toán” cho biết: tính đến hết 2 tháng đầu năm, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 246.449 tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 4.897 tỷ đồng, bằng 21,1% so với dự toán, bằng 46,7% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 241.553 tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 200.392 tỷ đồng, bằng 22,7% so với dự toán. So với dự toán, có 8/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 20%), 7/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng.

Số thu ngân sách trung ương lũy kế 2 tháng đầu năm năm 2021 ước đạt 109.000 tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 137.449 tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán, bằng 103,2% so với cùng kỳ.

6. Báo Nhân dân (4/3) có bài “Tái định hình khuôn khổ” thuộc loạt bài “Nỗ lực bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước” cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp về thuế, phí phù hợp để nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đầu năm 2021, sau khi các chỉ tiêu dự toán pháp lệnh được ban hành nhưng dịch bệnh bùng phát bất ngờ, các cơ quan tài chính nói chung, cơ quan thuế nói riêng lại tiếp tục hành trình thu ngân sách trong tình thế có thể còn nhiều bất ổn ở phía trước.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, số lượng cần thu vào ngân sách năm 2021 còn rất lớn, nếu dịch bệnh vừa kéo dài vừa bất ngờ bùng phát, sẽ tạo nhiều nguy cơ bất ổn cho công tác thu. Chính vì vậy, không chỉ bám theo các giải pháp đã đề ra từ đầu năm, mà ngành thuế còn phải chủ động bám sát tình hình, nâng cao công tác dự báo, không để lọt nguồn thu nhưng cũng để xảy ra tình trạng gạn thu, xói mòn nguồn thu bền vững. Điều này thật sự trở thành thử thách bản lĩnh cơ quan thuế các cấp.

7. Báo Thanh niên (4/3) có tin “Nợ đọng phải xóa” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, từ tháng 1 - 9/2020, ngành thuế đã triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thuế theo quy định và nhận được sự phối hợp của các cấp, các ngành đã thu được 20.292 tỉ đồng, đạt 60% chỉ tiêu được giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối tháng 9.2020, tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý chiếm khoảng 8,5% tổng số thu nội địa.

Trong đó, số nợ thuế không còn khả năng thu hồi chiếm 44% tổng số tiền thuế nợ, tương ứng 46.477 tỉ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Số nợ thuế tăng do người nộp thuế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến chậm nộp tiền thuế. Ngoài ra, một số đơn vị chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp khiến nợ thuế ngày càng tăng thêm.

8. Báo Thanh niên (4/3) có bài “Cưỡng chế, thuế vẫn lọt” cho biết: Cục Thuế TP.HCM trong những ngày vừa qua đã ban hành 22 quyết định cưỡng chế thuế đối với Công ty CP nhà Thủ Đức (Thuduc House) với tổng số tiền lên đến 451 tỉ đồng. Trong đó, 365 tỉ đồng là tiền liên quan tiền hoàn thuế GTGT, 75 tỉ đồng là tiền chậm nộp và phần còn lại nợ thuế khác. Nhiều DN khác cũng đã bị “bêu tên” liên tục khi nợ thuế nhiều năm qua cho thấy các biện pháp cưỡng chế thuế của cơ quan quản lý thuế không thành công khá nhiều.

Trong năm 2020, cơ quan thuế TP.HCM đã ban hành 88.172 quyết định cưỡng chế số tiền nợ thuế 62.328 tỉ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ về số lượng và giảm 5,7% về số thuế nợ. Tổng số thuế đã xử lý thu hồi được là 10.657 tỉ đồng, chỉ chiếm 17% tổng số nợ thuế cưỡng chế. Tính đến năm 2020, lũy kế số nợ thuế tại TP.HCM là 23.027 tỉ đồng, giảm 5,6% so với năm 2019 nhưng số nợ thuế khó thu khá cao với 10.594 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 46,02% tổng tiền thuế...

Tổng cục Thuế từng nhận định từ khi mức phạt chậm nộp thuế được giảm từ 0,05% xuống 0,03%/ngày vào giữa năm 2016, số lượng các DN cố tình nợ thuế dưới 90 ngày tăng lên đáng kể. Thực tế nếu tính theo tháng thì số tiền phạt chậm nộp mỗi tháng chỉ ở mức 0,9%, khoảng 10,8%/năm, trong khi đó lãi vay ngân hàng dao động từ 7 - 9%/năm nhưng phải có tài sản thế chấp. Thế nên nhiều DN cố tình để lại tiền thuế thay vì phải đi vay vốn.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM), nhận định những DN cố tình chây ì không nộp thuế có thể ban đầu tính toán để vốn lưu động, nhưng sau đó tình hình tài chính không tốt, hết tiền nên kéo dài số nợ. Các cơ quan thuế phải làm quyết liệt hơn. Chẳng hạn có thể áp dụng thủ tục tuyên bố DN phá sản để tòa án phong tỏa tài sản. Sau đó thực hiện quy trình kê biên và đấu giá tài sản nhằm thu hồi nợ thuế.

IV. Vấn đề về hải quan

9. Báo Pháp luật Việt Nam (4/3) có tin “Hà Nội: Cảng cạn Long Biên được làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu” cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cảng biển được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên để làm thủ tục hải quan là hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ hàng hóa là: tàu bay, du thuyền; xăng các loại; tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định; phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định…

10. Báo Tuổi trẻ (4/3) có tin “Hải quan sẽ là đầu mối kiểm tra chuyên ngành” cho biết: Theo dự thảo nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được lấy ý kiến, cơ quan hải quan sẽ được giao thêm trách nhiệm trong công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu. Đây là những nhóm hàng thuộc danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau thông quan.

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM, cho biết tại buổi lấy ý kiến dự thảo trên vào ngày 3/3 được tổ chức ở TP.HCM, hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá quy định mới là bước tiến lớn trong công tác kiểm tra chuyên ngành, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00