Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/03/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 05/03/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Một số báo tiếp tục có bài về đề xuất nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu/lần giao dịch của Sở GDCK TP HCM, như: Thanh niên (5/3) có bài “Nhà đầu tư nhỏ bị loại khỏi thị trường chứng khoán?”; Lao động (5/3) có bài “Chứng khoán: Nâng lô giao dịch gây khó cho nhà đầu tư nhỏ lẻ ra sao?” dẫn ý kiến của một số nhà đầu tư cho rằng không chỉ nguy cơ khiến nhiều NĐT mất cơ hội tham gia TTCK mà việc nâng lô giao dịch tối thiểu tại HOSE sẽ khiến số tiền bị kẹt nằm “chết” trong tài khoản tăng cao. Một số chuyên gia còn rằng, tình trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên và việc HOSE không nhìn nhận là sai lầm và thiếu sót của mình, thiệt hại lớn cho thị trường và đề xuất đưa ra giải pháp tình thế này ảnh hưởng đến nhà đầu tư; đi trái xu thế chung của thế giới khi các sở giao dịch lớn không ngừng giảm lô giao dịch xuống là điều khó chấp nhận.

Trình Bộ giao UBCKNN có thông tin cho báo chí là chưa xem xét giải pháp này.

II. Vấn đề về thuế

2. Vtc.vn (4/3) có tin “Thủ tướng đồng ý gia hạn 115.000 tỷ đồng thuế và tiền thuê đất” cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong đó, sau khi nghiên cứu đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nhanh chóng xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự rút gọn và trình Chính phủ trước ngày 20/3.

3. Báo Người lao động (5/3) có bài “Quản lý thuế TMĐT: Thiết lập cơ chế đăng ký thuế qua cổng thông tin”; Tiền Phong (5/3) có bài “Thương mại điện tử nở rộ: thu thuế tăng vọt”; Lao Động (05/3) có bài “Chặn đường né thuế của các đại gia công nghệ” cho biết: Facebook, Google, Netflix... mặc dù không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng sẽ phải đăng ký thuế, khai thuế trực tuyến và nộp các nghĩa vụ thuế tại cơ quan quản lý thuế của Việt Nam.

Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan. Trong đó, nội dung đáng chú ý là quản lý thuế đối với các "ông lớn" Google, Facebook, Netflix đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Theo dự thảo thông tư, trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế. Những đơn vị này kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài.

4. Báo Nhân dân (5/3) có bài “Khẩn trương mở rộng cơ sở tính thuế” thuộc loạt bài “Nỗ lực bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước” cho biết: Hoàn cảnh mới đặt nền kinh tế đất nước vào tình trạng hoạt động trong điều kiện bình thường mới: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh. Không thể đứng ngoài, ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng cần có các giải pháp quan trọng để thích ứng. Ngoài các giải pháp vĩ mô, ngành thuế cần khẩn trương áp dụng các giải pháp chuyên biệt, trong đó có mở rộng cơ sở tính thuế. Theo đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu thuế đã được ban hành, ngoài một số nguồn thu mới được đưa vào quản lý, còn có việc triệt để truy vết nguồn thu nhiều nợ đọng như thuế thu nhập cá nhân, thuế TMĐT.

Việc mở rộng cơ sở thuế sẽ không đồng nghĩa với việc gia tăng thuế suất trên mỗi cá nhân, mà là mở rộng phạm vi đánh thuế, theo hướng thu hút ngày càng nhiều đối tượng vào diện chịu thuế, hoặc nâng giá trị tính thuế nhằm nâng số thu từ thuế trong phạm vi cả nước. Trong đó, có một số lĩnh vực được đặc biệt chú trọng là kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số; lĩnh vực hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán mà có mức thuế thấp, không phù hợp với doanh thu thực tế.

5. Báo Tuổi trẻ (5/3) có tin “Thu hồi hơn 11,5 tỷ đồng hoàn thuế của một doanh nghiệp”; Nhân dân (4/3) có tin “Phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT ở Đồng Nai”; Công an nhân dân (4/3) có tin “Mở công ty "ma" chiếm đoạt gần 12 tỷ tiền thuế” cho biết: Ngày 4/3, Cục Thuế Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi 11,5 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT đối với Công ty TNHH quốc tế Hoàng Nam Anh (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) do bà Nguyễn Thị Ngọc Thương làm giám đốc.

Lý do là DN này không cung cấp được hợp đồng xuất khẩu ký với nước ngoài theo quy định; không lập chứng từ kế toán; hóa đơn mua vào có nguồn gốc từ các công ty không tồn tại ở địa chỉ đăng ký thuế. Ngoài ra, Cục Thuế Đồng Nai còn buộc Công ty TNHH quốc tế Hoàng Nam Anh nộp hơn 925 triệu đồng tiền chậm nộp thu hoàn thuế GTGT.

III. Vấn đề về hải quan

6. Báo Nhân dân (4/3) có tin “Khởi tố vụ nhập khẩu lô hàng găng tay đã qua sử dụng của Công ty TNHH Ngọc Diệp”; Lao động (5/3) có tin “Phát hiện lô hàng găng tay nhập đã qua sử dụng của Công ty Ngọc Diệp”; Công an nhân dân (4/3) có tin “Khởi tố vụ nhập khẩu gần 6 tấn găng tay đã qua sử dụng” cho biết: Ngày 4/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "buôn bán hàng cấm” đối với lô hàng găng tay đã qua sử dụng của Công ty TNHH Ngọc Diệp. Quyết định khởi tố đã được gửi đến Viện Kiểm sát huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn để xử lý theo quy định của pháp luật.

7. Báo Thanh niên (4/3) có tin “Gần 45.000 doanh nghiệp thực hiện thủ tục trên hệ thống một cửa quốc gia” cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến 15/2, có 212 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với 3,63 triệu hồ sơ của khoảng 44.800 doanh nghiệp tham gia.

8. Báo Đầu tư (4/3) có tin “Tổng cục Hải quan hướng dẫn áp thuế chống bán phá giá tạm thời với đường từ Thái Lan” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản hướng dẫn áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Đây là lần đầu phát sinh việc áp dụng đồng thời 2 loại thuế nhập khẩu bổ sung. Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời để thực hiện trong 120 ngày (kể từ ngày 16/02/2021).

IV. Vấn đề về dự trữ nhà nước

9. Báo Pháp luật Việt Nam (5/3) có bài “Chấm điểm uy tín nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia” cho biết: Theo ông Phạm Vũ Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, để hoàn thành kế hoạch mua nhập hàng dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2021 đối với lương thực là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các cục DTNN khu vực triển khai quyết liệt, lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực kinh nghiệm để cung cấp gạo DTQG.

Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và đặc biệt là tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và thực tế tình hình đấu thầu mua gạo DTQG trong các năm qua tại hồ sơ mời thầu mua gạo, năm 2021 các cục DTNN khu vực đã quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu.

V. Vấn đề về tài chính doanh nghiệp

10. Báo điện tử Tiền phong (5/3) có tin “Bộ Tài chính ‘thúc’ Hà Nội, TP.HCM khẩn trương cổ phần hóa, thoái vốn” cho biết: Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa báo cáo về tình hình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tháng 2/2021. Theo đó, trong tháng 2/2021 có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thoái vốn tại 1 DN là Cty CP Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn thoái của các DN là 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng tại Cty CP chợ Lạng Sơn với giá trị 8 tỷ đồng, thu về 23,6 tỷ đồng.

Về thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty, có 8 DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với tổng giá trị vốn thoái là 233,5 tỷ đồng, thu về 2.080,7 tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, số thu từ CPH, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN là 86 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2021, số thu từ CPH, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần khẩn trương triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

VI. Vấn đề về tài chính ngân hàng

11. Báo Tiền phong (5/3); Vietnamnet (5/3) có bài “Đề xuất xây thêm một casino hơn 2,24 tỷ USD tại Khánh Hòa” cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo chủ trương xây dựng casino khoảng 50.000 tỷ đồng (2,24 tỷ USD) tại đảo Hòn Tre, tỉnh Khánh Hòa. Theo đề xuất của nhà đầu tư, casino Hòn Tre là tổ hợp bảy dự án đang triển khai trên đảo Hòn Tre được mở rộng và bổ sung hoạt động kinh doanh casino. Nếu đề xuất xây dựng casino tại đảo Hòn Tre được chấp thuận, Khánh Hòa sẽ có hai dự án Casino tỷ USD.

Trước đó Casino tại Cam Ranh đã được chấp thuận đầu tư ở khu vực Bãi Dài, TP. Cam Ranh với quy mô vốn trên 46.000 tỷ đồng. Dự án này đang được xây dựng và chưa đi vào hoạt động. Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp đối với cả hai dự án casino có quy mô lớn trên địa bàn.

Về đề xuất xây dựng casino, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên cần thẩm định, đánh giá của các bộ, ban ngành. Cũng góp ý về đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc bổ sung địa điểm kinh doanh casino tại TP. Nha Trang cần được xem xét hết sức thận trọng, trên cơ sở đánh giá toàn điện hoạt động của các dự án đã được cấp phép và phải có sự chấp thuận của Bộ Chính trị.

VII. Vấn đề khác

12. Báo Tiền phong và nhiều báo khác (5/3) có tin “Bắt cựu Chánh thanh tra Sở Tài chính TPHCM” cho biết: Viện KSND TPHCM đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Lê Thị Thanh Tuyền (Cựu Chánh Thanh tra Sở Tài chính TPHCM) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cơ quan điều tra xác định bà Lê Thị Thanh Tuyền đã có sai phạm từ thời giữ chức Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Củ Chi. Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, trước khi bà Lê Thị Thanh Tuyền bị khởi tố, bắt tạm giam, Sở đã điều chuyển bà Tuyền về Văn phòng sở làm chuyên viên, không giữ chức vụ Chánh Thanh tra từ ngày 25/2.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00