Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/4/2021

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 05/4/2021

  1. Vấn đề nổi bật

1. Báo Nhân dân, Chinhphu.vn, Kinh tế và đô thị, Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Người lao động, Sài gòn giải phóng (3, 4/4)… và nhiều báo khác đưa tin về “Bộ Chính trị phân công đồng chí Đinh Tiến Dũng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội” cho biết: Sáng 3-4, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo Quyết định số 35-QĐNS/TƯ ngày 31-3-2021 của Bộ Chính trị do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình công bố, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính được phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Đinh Tiến Dũng. Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tin tưởng và tín nhiệm giao cho trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội.

  1. Vấn đề về thuế

2. Báo Tuổi trẻ (5/4) có bài “Ngăn “dịch” sốt đất lan rộng” cho biết: Sốt đất ảo đang nổi lên ở nhiều tỉnh thành gây ra nhiều hệ lụy nhưng nhiều nơi chính quyền gần như chưa có hành động gì để “hạ sốt”. Trong khi nếu muốn, chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Trao đổi với Tuổi trẻ, TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng thuế bất động sản quá lạc hậu. Nhiều nước đánh thuế lũy tiến với các trường hợp mua và bán nhanh. Mua nhà đất bán lại ngay có khi phải đóng 50-70% giá trị chênh lệch. Hai là sắc thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm, tức là đánh thuế những người không đầu tư mà tự nhiên được hưởng lợi. Các cách trên VN chưa làm tốt. Hệ thống thuế đã lạc hậu và cũ kỹ, không xử lý được lướt sóng bất động sản.

Nhiều lần Bộ Tài chính có đề xuất đổi mới hệ thống thuế có liên quan đến bất động sản, gọi là thuế tài sản nhưng chưa được hưởng ứng. TS Đặng Hùng Võ cho rằng cải cách hệ thống thuế bất động sản là phải làm, càng sớm càng tốt. Thuế bất động sản là nguồn thu khá hợp lý để vừa phát triển thị trường, vừa tạo công bằng trong thụ hưởng về nhà ở, đất ở cũng như quyền sản xuất, kinh doanh để đầu tư phát triển.

3. Báo Pháp luật Việt Nam (5/4) có tin “Kê khai, nộp lệ phí trước bạ với phương tiện nhập khẩu: Không cần tờ khai nguồn gốc xe” cho biết: Ngày 1/4/2021, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 935/TCT-CS hướng dẫn các Cục Thuế trên cả nước giải đáp vướng mắc chính sách thu lệ phí trước bạ (LPTB).

Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị nhận được phản ánh của Tổng cục Hải quan tại Công văn 8209/TCHQ-GSQL ngày 31/12/2020 về việc bãi bỏ Tờ khai nguồn gốc phương tiện nhập khẩu (NK). Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau: Căn cứ quy định pháp luật về LPTB và quản lý thuế hiện hành không có quy định khi kê khai nộp LPTB, người nộp thuế phải xuất trình Tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe máy NK. Căn cứ Công văn 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện NK.

Theo đó, cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với các lô hàng phương tiện NK có tờ khai Hải quan đăng ký từ ngày 1/12/2020. Do đó, khi NNT kê khai, nộp LPTB đối với phương tiện NK thì cơ quan thuế không yêu cầu NNT xuất trình Tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe gắn máy NK theo quy định.

  1. Vấn đề về hải quan

4. Báo Thanh niên (3/4) có bài “Mối nguy cá tầm nhập từ Trung Quốc” cho biết: Nhiều loại cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam không chỉ nằm ngoài danh mục cho phép nhập mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, phát triển của các loài sinh vật khác tại Việt Nam. Không chỉ có cá tầm nhập lậu theo phản ánh của các nhà kinh doanh, cá tầm nhập theo đường chính ngạch vào Việt Nam vẫn đang có vấn đề lớn. Ngày 30/3, Tổng cục Hải quan đã có thông tin báo chí cảnh báo tình trạng nhập khẩu cá tầm theo đường chính ngạch, có giấy phép được nhập nhưng kết quả kiểm tra thì khai cá tầm chủng loại này nhưng nhập chủng loại khác, toàn loại không thuộc danh mục được cho phép nhập bởi Tổng cục Thuỷ sản, không được cấp giấy chứng nhận bở cơ quan quản lý CITES VN.

Trong thông tin đến báo chí, cơ quan hải quan cũng đã dẫn nhận định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 để đưa cảnh báo với sản phẩm nhập khẩu sống này. Trong phần kiến nghị Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan yêu cầu được bộ này hỗ trợ chuyên môn, phối hợp với cơ quan hải quan lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu ngay tại cửa khẩu, không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Xác định cụ thể chủng loại cá tầm nhập khẩu có đúng với giấy phép CITES hay không….

  1. Vấn đề về quản lý giá

5. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (2/4) có bài “Mặt bằng giá mới?” cho biết: Lạm phát có những dấu hiệu căng thẳng khiến xu hướng “đầu cơ tài sản” đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Vì vậy, cần tính tới một kịch bản mặt bằng giá mới và các giải pháp để hạn chế thiệt hại do chi phí đầu vào tăng cao. Theo quan điểm của PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, tài khóa vẫn cần tập trung vào những gì cần thiết, ưu tiên hàng đầu vẫn là chi trả an sinh, sau đó là đầu tư công, nhưng phải trọng điểm, tập trung vốn cho những dự án trọng điểm đã có kế hoạch. Trước điều kiện giá mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá trong năm 2021, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa quan trọng thiết yếu.

6. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (2/4) có bài “Xăng giả lộng hành từ “kẽ hở” chính sách” cho biết: Theo các chuyên gia, việc trao “đặc quyền” cho thương nhân phân phối dẫn đến tình trạng xăng giả lộng hành và đây cũng chính là “kẽ hở” từ chính sách quản lý trong thời gian qua khiến vấn nạn sản xuất, nhập lậu xăng dầu giả quy mô lớn diễn ra ngày một nhức nhối. Vì vậy, trong góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công an đề xuất bỏ bớt đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, nhằm tránh việc trao “đặc quyền” dẫn đến tình trạng khó kiểm soát. Do vậy, nếu yêu cầu tất cả cửa hàng đấu nối trực tiếp với cơ quan thuế, kiểm soát qua việc niêm phong cột bơm, yêu cầu có hóa đơn đầu ra sẽ xác định lượng xăng dầu bán ra trong ngày là bao nhiêu… sẽ là phương pháp chặt nhất để xăng dầu lại không có đất sống.

  1. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Tiền phong (3/4) có bài “VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm: Bắt mạch dòng tiền” cho biết: Sau vài lần vượt ngưỡng 1.200 điểm rồi tụt dốc, từ phiên giao dịch ngày 1/4, chỉ số VN-Index đã trụ vững trên mốc mới, kéo tiền của các nhà đầu tư nội ngoại ồ ạt đổ vào chứng khoán. Các chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế năm 2021 đang có nhiều điểm sáng, hoạt động doanh nghiệp phục hồi, trong khi thị trường vàng trầm lắng, cơn sốt bất động sản bị siết lại… là những yếu tố thuận lợi cho thị trường chứng khoán hút tiền.

  1. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Báo Đầu tư chứng khoán (5/4) có bài “Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn” cho biết: Thị trường TPDN được dự báo còn nhiều dư địa phát triển và sẽ ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, an toàn, bền vững. Từ năm 2021, các Nghị định liên quan đến thị trường trái phiếu tiếp tục tạo khung pháp lý thống nhất về TPDN chính thức có hiệu lực, tập trung phát triển thị trường TPDN theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia… Đặc biệt, phân biệt giữa trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch, được đánh giá là bước chuẩn hóa thị trường tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Những quy định mới đưa ra yêu cầu khắt khe hơn cho thị trường TPDN, hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư…

  1. Vấn đề về quản lý giám sát bảo hiểm

9. Báo Đầu tư chứng khoán (5/4) có bài “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện trôi vào quên lãng” cho biết: Từng được kỳ vọng là giải pháp tài chính lâu dài, bền vững, góp phần đưa VN bắt kịp xu thế chung trên thế giới về hệ thống an sinh xã hội, vậy nhưng dường như bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang bị quên lãng…

Khách hàng không quan tâm, DNBH cũng không mấy mặn mà, nên tỉ trọng doanh thu bảo hiểm hưu trí giảm sút là tất yếu. Liên hệ với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thì được cung cấp số liệu trong vài năm gần đây, nhưng cũng không đầy đủ. Kết thúc năm 2020, tỉ trọng doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đạt 0,8%/tổng doanh thu, giảm so với mức 0,98% của 9 tháng đầu năm 2020 và 2,7% của 6 tháng đầu năm 2020.

Chia sẻ nguyên nhân thất bại của bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết có 3 lý do chính. Thứ nhất sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện có quyền lợi kém linh hoạt khi khách hàng phải đúng tuổi về hưu mới được nhận tiền, phải tuân thủ một số nguyên tắc như bảo hiểm xã hội…Thứ 2, thuế DN được khấu trừ khi mua sản phẩm này cho người lao động thấp, nên không hấp dẫn DN tham gia; thứ ba, khách hàng vẫn phải đóng thuế TNCN (10%) khi rút tiền bảo hiểm hưu trí.

Để bảo hiểm hưu trí tự nguyện trở nên hấp dẫn hơn, có tính cạnh tranh cao hơn, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính cần xem xét đối chiếu với GDP bình quân đầu người của VN để quy định miễn thuế phù hợp hơn. Đồng thời các cơ quan quản lý, DN cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí tự nguyện.

  1. Vấn đề khác

10. Báo Đại đoàn kết (5/4) có bài “Đường sắt cần vốn khủng” cho biết: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý vào dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư vốn cho ngành đường sắt giai đoạn 2021-2030 là hơn 665 nghìn tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với số vốn thực hiện giai đoạn 2011-2020. Trong khi đó, hệ thống đường sắt hiện có vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Để có bước đột phá cho ngành đường sắt, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc đầu tư của ngành đường sắt cần phải rà soát lại. Vừa qua, Chính phủ đầu tư rất nhiều cho hai thành phố về tuyến đường sắt nội đô với số vốn lớn, để đảm bảo giải tỏa ách tắc giao thông cũng như đổi mới hình ảnh của thành phố. Ngành đường sắt cũng phải tiếp cận như vậy. Tất cả những đầu tư này là đầu tư công, ngân sách phải cấp hoặc vay vốn về để cho DN làm. Khi hạ tầng đến một chừng mực nhất định, việc xã hội hóa để làm những tuyến tàu mang tính thương mại về lợi nhuận thì mới phát triển được.

“Phải tách bạch để Nhà nước rõ trách nhiệm hơn và phân bổ nguồn lực lớn hơn, có chính sách đầy đủ hơn. Ngược lại để cho DN thấy ở đâu họ có động lực phát triển. Nếu tất cả giao cho DN như hiện nay thì DN luôn loay hoay, luôn khó khăn. Đây là một trong những vấn đề chúng tôi cho rằng phải có đột phá trong giai đoạn 2021-2025. Từ phân định rõ thì mới có thể xây dựng bộ cơ chế riêng cho ngành đường sắt từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030”, ông Tiến nói.

11. Báo Thanh niên (3/4) có bài “Hàng hiệu nhái xuất hiện khắp nơi” cho biết: Túi LV, Chanel, giày Hermes, Gucci,… “dỏm” đang tràn ngập từ chợ truyền thống đến cửa hàng online, mạng xã hội và nhiều người tiêu dùng cũng công khai mua về sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh và công khai các hoạt động gian dối khi phát hiện, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của cả quốc gia. Đồng thời, các nhà phân phối hàng chính hãng nên thường xuyên truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị sử dụng cũng như có thể phân biệt được hàng nhái để tránh những trường hợp bị nhầm lẫn.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00