Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 07/4/2021

Điểm báo ngày 07/4/2021

  1. Vấn đề về thuế, phí

1. Báo Tiền Phong (7/4) có bài “Cao tốc do nhà nước đầu tư: Thu sao để tránh phí chồng phí?” cho biết: Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm các đoạn TPHCM- Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế); Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, nhu cầu vốn cho đầu tư đường cao tốc rất lớn, trong 10 năm tới cần gần 600 nghìn tỷ đồng. Suất đầu tư cao tốc cao, khoảng 130 tỷ đồng/km với cao tốc 4 làn xe, và 190 tỷ đồng/km với đường 6 làn xe. Chi phí bảo trì cũng rất tốn kém, với khoảng 830 triệu đồng/km/năm. Riêng tiền bảo trì, hằng năm ngân sách chỉ đáp ứng được 35-40% nhu cầu tối thiểu. Trong khi đó, lợi ích kinh tế do cao tốc mang lại rất lớn, bình quân, xe đi trên cao tốc tiết kiệm 2.518 đồng/km/xe (dưới 12 chỗ ngồi) so với đi đường bộ thông thường.

“Nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km khi đi trên cao tốc”, Bộ Tài chính tính toán. Do đó, có thể thu phí cao tốc đầu tư công với mức phí từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe (mức phí cụ thể tính theo vốn đầu tư từng dự án và thời gian thu phí). Hiện tại, các tuyến cao tốc đầu tư công đang khai thác dài 196km, nếu thu phí với mức 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, hằng năm ngân sách thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Do các phương tiện ô tô đang nộp phí bảo trì đường bộ hằng năm vào mỗi lần đăng kiểm xe nên Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thu phí theo Luật Giá, để tránh “phí chồng phí”.

Liên quan đề xuất thu phí của Bộ Tài chính, nhiều người dân cũng đang thắc mắc, hiện tại doanh nghiệp và người dân lưu hành xe đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu. Liệu việc thu phí này có đảm bảo hài hòa lợi ích?

            Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện nay phí bảo trì đường bộ thu để bảo trì toàn bộ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã… hằng ngày, phương tiện vẫn sử dụng. Với cao tốc, ai sử dụng mới trả phí cho từng đoạn đi thực tế, sẽ không phải trả phí nếu đi các tuyến quốc lộ khác, nên không phải “phí chồng phí”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đường cao tốc đầu tư lớn nên thu phí cũng có phần hợp lý, dù đầu tư công từ tiền thuế của dân, nhưng có người đi người không, nên ai đi người đó trả phí. Tuy nhiên, do đã có phí bảo trì đường bộ, vậy cao tốc có phải quốc lộ hay không, nếu xem là quốc lộ sẽ dẫn tới “phí chồng phí”.

            PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bày tỏ sự không đồng thuận khi thu thêm phí với cao tốc đầu tư công. Do ngân sách cũng là tiền thuế của người dân đóng góp, giờ thu thêm phí sẽ tác động tới tích lũy của người dân, doanh nghiệp, làm tăng chi phí lưu thông hàng hóa. Trong khi chi phí logistics của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực. Nhà nước đầu tư cao tốc để tăng lưu thông, giảm chi phí vận tải, nay lại thu phí là đi ngược quan điểm đầu tư cao tốc. Chưa kể, tất cả ô tô dù cá nhân hay kinh doanh đều phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm, do đó, thu tiếp sẽ dẫn tới “phí chồng phí”.

2. Báo Tuổi trẻ (7/4) có bài “Truy vết để thu thuế bán hàng online” cho biết: Tại dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ làm việc với sàn TMĐT, ngân hàng…để quản lý thuế đối với đối tượng kinh doanh TMĐT qua các sàn thương mại để đạt hiệu quả hơn.

Theo đại diện của Tổng cục Thuế, trong dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay nếu nắm dòng tiền cho cá nhân và hộ kinh doanh.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho rằng việc tiếp cận với các đầu mối khác để có thông tin thu thuế TMĐT là hoàn toàn phù hợp, nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh TMĐT và kinh doanh truyền thống.

Ngoài các sàn TMĐT, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các giao dịch kinh doanh TMĐT nhằm chống thất thu thuế, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với NHTM để nắm được dòng tiền. Theo quy định, các cá nhân, tổ chức phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của mình. Nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế tìm ra dựa trên các “dấu vết” thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên TMĐT.

  1. Vấn đề về hải quan

3. Báo Pháp luật Việt Nam (7/4) có bài “Quý I/2021: Hải quan thu ngân sách gần 90 ngàn tỷ đồng” cho biết: Những tháng đầu năm 2021, bức tranh kinh tế được dự báo có triển vọng lớn hơn năm 2020, tình hình hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, số thu NSNN của ngành hải quan quý I/2021 tăng so với cùng kỳ. Số liệu sơ bộ cho thấy, quý I/2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã đạt 153,56 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 78,18 tỷ USD, tăng 23,3%, tổng trị giá nhập khẩu là 75,47 tỷ USD, tăng 26,6%. Số thu NSNN của ngành Hải quan quý I/2021 đạt 88.458 tỷ đồng, bằng 28,1% dự toán được giao, bằng 26,7% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 9.595 tỷ đồng, tăng tương đương 12,17% so với cùng kỳ năm trước.

4. Báo Nhân dân (7/4) có tin “Tái xuất gần 240 công – ten – nơ phế liệu tồn đọng” cho biết: Ngày 6/4, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Cục Hải quan TP HCM) cho biết đơn vị vừa làm xong thủ tục tái xuất 95 công ten nơ phế liệu của hãng tàu này. Số phế liệu nêu trên do hãng tàu vận chuyển về cảng Cát Lái trong năm 2018, nhưng các chủ hàng bỏ, không đến làm thủ tục nhận hàng. Kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan và giám định cho thấy, có 340 công ten nơ phế liệu nhập khẩu theo quy định, buộc phải tái xuất. Sau hai lần tái xuất được gần 200 công ten nơ, số phế liệu còn lại hơn 140 công ten nơ, hãng tàu Cosco sẽ tiếp tục tái xuất trong thời gian tới. Ngoài Cosco, cơ quan hải quan cũng đã hoàn thành việc tái xuất 41 công ten nơ phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng của hãng tàu TS Line. Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có gần 240 công ten nơ phế liệu tại cảng Cát Lái được tái xuất.

  1. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Pháp luật Việt Nam (7/4) có tin “Giảm tải hệ thống giao dịch chứng khoán của HOSE” cho biết: 220,4 triệu cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDIRECT tương ứng giá trị niêm yết 2.204 tỷ đồng đã chính thức được giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX. Đây là doanh nghiệp thứ 5 tự nguyện đăng ký chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX theo hướng dẫn của UBKCNN tại công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3/3/2021 về việc hướng dẫn chuyển giao cổ phiếu với mục đích giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE.  

  1. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Lao động (7/4) có bài “Lo ngại giá hàng hóa tăng theo giá xăng dầu” cho biết: Giá xăng dầu liên tục có xu hướng tăng trong các kỳ điều hành gần đây gây lo ngại về tình trạng các loại hàng hóa “té nước theo mưa”. Tuy nhiên theo nhận định của Bộ Tài chính, việc giá xăng dầu tăng sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán. Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, các kịch bản điều hành giá cụ thể cho thời gian trọng điểm quý II cũng như cho cả năm 2021.

7. Báo Người lao động (7/4) có tin “Trần hay sàn, để thị trường quyết định!”; báo Thanh niên (7/4) có bài “Áp sàn giá vé máy bay: Hàng không tăng thu, khách hàng chịu thiệt” cho biết: Liên quan đến đề xuất của Vietnam Airlines về tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay, nhiều ý kiến của các DN cho rằng nên để khách hàng và thị trường quyết định.

Lãnh đạo một tập đoàn hoạt động trong cả lĩnh vực hàng không và du lịch phân tích đã là cơ chế thị trường thì cần vận hành theo nguyên tắc thị trường, thậm chí là thị trường tự do. Những DN tham gia trên thị trường này, lời hay lỗ là do cách họ hoạt động, vận hành. Việc đặt vấn đề giá sàn trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh; điều chỉnh mức giá trần để phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào… là chưa hợp lý.

Một số DN trong lĩnh vực du lịch cũng cho rằng kinh tế thị trường cần cạnh tranh, nhà nước chỉ quản lý dựa trên lợi ích chung của xã hội, không vì một DN, một ngành riêng nào. Do đó, đề xuất áp giá sàn vé máy bay để tránh cạnh tranh không lành mạnh, có lợi ích cho một số hãng nhưng lại thiệt hại cho hành khách, cho nền kinh tế là không hợp lý.

Trả lời trên báo Thanh niên, PGS – TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng có thể nghiên cứu thay đổi giá trần vé máy bay. Cũng như giá xăng, giá điện, trần giá vé máy bay cũng cần điều chỉnh linh hoạt dưa theo chi phí đầu vào. Thời gia qua, tuy giá nhiên liệu không tăng nhưng các hãng hàng không phải tốn rất nhiều chi phí do giảm bay, điêu đứng vì dịch bệnh. “Nếu giải trình chi phí của DN hợp lý, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh giá trần và giám sát tác động tới thị trường. Không nên áp giá sàn vì chắc chắn người tiêu dùng không có lựa chọn, còn giá trần thì khác. Hãng nào lợi dụng tăng giá quá cao thì người dùng vẫn có cơ hội lựa chọn hãng khác hoặc chuyển hẳn sang phương thức di chuyển khác”, ông Long đánh giá.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00