Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/4/2021

Điểm báo ngày 08/4/2021

  1. Vấn đề nổi bật

1. Báo Dân Trí (7/4) có bài “Bến Tre: Cục trưởng Cục Thuế cho phép miễn tiền thuê đất sai 11,7 tỷ đồng” cho biết: Kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất và quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2015-2018) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thể hiện rõ nét trong việc tổ chức thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh tùy tiện, trái quy hoạch tương đối phổ biến. Qua thanh tra 20 dự án trên tổng số 134 dự án triển khai trong thời kỳ thanh tra đã phát hiện 14 dự án có sai phạm trong lĩnh vực tài chính đất đai.

Trong đó, UBND tỉnh Bến Tre cho phép thu hồi đất không đúng quy định, dẫn đến cơ quan thuế cho phép khấu trừ chi phí đền bù, hỗ trợ và tái định cư khi xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đúng quy định của pháp luật, cần phải thu hồi về cho ngân sách nhà nước số tiền gần 3,6 tỷ đồng; quy định sai vị trí đất thuộc khu vực đô thị trên bảng giá đất,…

UBND tỉnh Bến Tre giao, cho thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho Công ty Cổ phần Giáo dục Thành Thành Công để thực hiện Dự án Trường Mầm non và Tiểu học Quốc tế Abi tại thành phố Bến Tre; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng chợ Thành Đô để thực hiện dự án đầu tư chợ Ba Vát, huyện Mỏ Cày Bắc.

Việc này vi phạm Điều 68 Luật Đất đai 2013, dẫn đến tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê đất được hưởng lợi từ việc được miễn tiền thuê đất, cần phải thu hồi số tiền về cho ngân sách nhà nước số tiền trên 7,8 tỷ đồng.

"Cục trưởng Cục Thuế Bến Tre cho phép miễn tiền thuê đất sai quy định với số tiền trên 11,7 tỷ đồng"- Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Về vấn đề báo Dân Trí nêu, Văn phòng trình Bộ giao Tổng cục Thuế báo cáo rõ nội dung vụ việc tới Lãnh đạo Bộ trước ngày 13/4/2021.

  1. Vấn đề về thuế, phí

2. Báo Tuổi trẻ (8/4) có bài “Trả món nợ “thuế phải trị được đầu cơ bất động sản” cho biết: Ông Nguyễn Ngọc Tú (ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) cho rằng, ngoài góp vào ngân sách, chính sách thuế phải đạt được mục tiêu là điều tiết, định hướng tiêu dùng và chống đầu cơ nhưng với cách thu như hiện nay, thuế chuyển nhượng BĐS chưa đạt được mục tiêu này.

Theo ông Tú, bản chất của thuế chuyển nhượng BĐS là thuế trực thu và phải thu trên “chênh lệch địa tô”, tức lợi nhuận mà NĐT thu được. Tuy nhiên, hiện nay cách thu của cơ quan thuế là “khoán thuế”, cứ thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế. Cách thu này dễ cho cơ quan thuế nhưng lại làm méo mó chính sách.

3. Báo Tuổi trẻ (8/4) có bài “Hộ kinh doanh lớn phải khai thuế như DN” cho biết: Trao đổi với Tuổi trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa (Tổng cục Thuế) cho biết tới đây các hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ như một DN siêu nhỏ, nhưng ở mức đơn giản hơn. Các hộ phải thực hiện sổ sách kế toán và kê khai định kỳ với cơ quan thuế về các chi phí liên quan đến hàng hóa dịch vụ đó. Bà Lan cũng thông tin hộ kinh doanh lớn sẽ không được xuất hóa đơn GTGT do họ tự phát hành mà chỉ được xuất hóa đơn bán hàng và hóa đơn GTGT do cơ quan thuế in. Về tính thuế đối với hộ lớn, bà Lan cho hay vẫn tính thuế trên doanh thu chứ không phải doanh thu trừ chi phí.

4. Báo Đại đoàn kết (8/4) đưa tin “Tổng cục Thuế xử lý công chức vi phạm pháp luật”, báo Lao động (7/4) có bài “Tổng cục Thuế lên tiếng vụ cán bộ thuế ở Quảng Trị bị khởi tố vì đánh bạc”, báo Thanh Niên (7/4) đưa tin “Cơ quan thuế xử lý ngay cán bộ thuế đánh bài”, báo VietNamNet (7/4) có bài “Cán bộ thuế đánh bạc với doanh nghiệp, Tổng cục Thuế chỉ đạo khẩn”… và nhiều báo khác cho biết: Ngày 5/4, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng trên địa bàn huyện Đakrông để điều tra về tội “Đánh bạc”.

Trong số 5 đối tượng bị khởi tố, có 2 người là chủ doanh nghiệp và 3 cán bộ gồm: Ông Dương Vinh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đakrông; ông Hồ Công Kha, cán bộ Thanh tra huyện và ông Phan Tư Dĩnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Đakrông.

Ngay sau đó, ngày 6/4, Tổng cục Thuế ban hành công văn yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế Quảng Trị tiếp tục khẩn trương phối hợp, làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị để nắm bắt kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức vi phạm. Tổng cục Thuế chỉ đạo Chi cục Thuế huyện Đakrông khẩn trương ổn định tình hình, rà soát công việc bố trí công chức thay thế nhiệm vụ của ông Phan Tư Dĩnh trong thời gian bị định chỉ công tác theo quy định.

5. Báo Hà Nội mới (8/4) có tin “Thuốc lá, rượu nhập khẩu và sản xuất trong nước sẽ phải dán tem điện tử” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá. Theo thông tư này, tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5.

6. Báo Hà Nội mới (8/4) có tin “Qua thanh tra, kiểm tra thuế kiến nghị xử lý hơn 6.581 tỷ đồng”, báo Công an nhân dân (8/4) có tin “Thanh tra, kiểm tra thuế tại 18 doanh nghiệp chuyển giá” cho biết: Trong Quý I/2021, toàn ngành Thuế đã thực hiện 5.931 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 622,5 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu hơn 24,3 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 617,8 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 184,2 tỷ đồng.

7. Báo Công an nhân dân (8/4) có tin “Đổi sang thẻ căn cước phải khai báo với cơ quan thuế” cho biết: Khi cá nhân thay đổi thông tin đổi chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân thì phải thông báo với cơ quan thuế qua 2 cách: Một là trực tiếp, hai là gửi bản photo các giấy tờ có liên quan đến thay đổi thông tin cho cơ quan chi trả thu nhập.

  1. Vấn đề về DNNN

8. Ngày 7/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung”. Nhiều báo, đài đã đưa tin về sự kiện này như: Bản tin Tài chính kinh doanh tối 7/4 phát trên VTV1 đưa tin “Sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”, Bnews.vn (7/4) có bài “Hoàn thiện chính sách quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”, baotintuc.vn (7/4) có bài “Cần 'bình đẳng hóa' quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước”, tinnhanhchungkhoan.vn (8/4) có bài “Nhà nước quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp hay "quản tất tần tật"?”, vov.vn (7/4) có bài “Hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường”, thoibaonganhang.vn (7/4) có bài “Cần đổi mới phương thức quản lý DNNN theo nguyên tắc thị trường”, báo Tuổi trẻ (8/4) có tin “DNNN thua lỗ, lãnh đạo không được nhận lương”… Các báo, đài cho biết: Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Luật cần phải làm rõ vai trò của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, sau khi đầu tư, các cơ quan đại diện chủ sở hữu là chủ sở hữu phần vốn góp, cổ phần tại doanh nghiệp và có quyền, nghĩa vụ tương tự các nhà đầu tư, các cổ đông của doanh nghiệp. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp do ban điều hành thực hiện; tách chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước với quản lý điều hành doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, phải đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước ở đó có sự quản lý, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, xác định nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tránh can thiệp hành chính, nhân sự.

  1. Vấn đề về chứng khoán

9. Báo Thanh niên (8/4) có bài “Liệu có “bong bóng” chứng khoán?” cho biết: Không chỉ bất động sản, giá hàng loạt cổ phiếu cũng đang “lên đồng” với mức tăng vài chục đến cả trăm lần trong những tháng qua, dù DN chỉ làm ăn thường thường…

Thanh khoản tăng mạnh, lượng tài khoản giao dịch mới trên TTCK liên tục tăng trong những tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư phấn khởi. Thị trường dường như đang trở lại thời kỳ 2006-2007 khi nhà nhà, người người đều nhắc đến việc mua cổ phiếu gì, bán cổ phiếu nào. Điều đó đẩy VN-Index lập đỉnh lịch sử vào tháng 3/2007 ở 1.170,67 điểm. Nhưng cơn hoảng loạn bắt đầu xảy ra khi chuỗi ngày lao dốc của hàng loạt cổ phiếu kéo dài gần 2 năm. Đến tháng 2/2009 VN-Index chỉ còn khoảng 240 điểm, bốc hơi gần 80% so với đỉnh và nhiều nhà đầu tư đã bị cháy tài khoản, mất hết tiền… Kịch bản này khá giống với thị trường bất động sản giai đoạn 2006-2008 cũng tăng vọt khắp nơi. Đến cuối năm 2008, thị trường đã sụt giảm thê thảm và đóng băng kéo dài đến hơn 5 năm sau.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu phân tích hiện các chỉ số kinh tế chưa có căn cơ đủ để tạo ra những cơn sốt đất ở một số địa phương. Có yếu tố kỳ vọng phát triển hạ tầng cục bộ, đón đầu kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19… nhưng chủ yếu do kỹ thuật làm giá. Còn TTCK đang thu hút vốn nguồn vốn mới, chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân là do một phần lãi suất tiền gửi ở mức thấp, không đủ dòng vốn lớn tham gia vào bất động sản.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, hiện nay với độ lớn của nền kinh tế, số lượng DN niêm yết trên sàn chứng khoán và có sự kiểm soát chặt từ phía ngân hàng trung ương, nhiều DN cũng tham gia đầu tư nên VN-Index chỉ trên mức 1.200 điểm cũng chưa thể tạo ra bong bóng.

Giám đốc một quỹ đầu tư chứng khoán tại TPHCM cũng cho rằng về nguyên tắc đầu tư thì dòng tiền sẽ chạy qua lại giữa chứng khoán và bất động sản. Nhìn chung TTCK hiện nay vẫn phụ thuộc vào dòng tiền trên thị trường rất nhiều nhưng vẫn chưa thể gọi là bong bóng. Chỉ cần lãi suất tăng lên sẽ hạn chế sự dịch chuyển dòng tiền vào thị trường này.  

  1. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Thanh niên (8/4) có bài “Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng” cho biết: Từ thức ăn chăn nuôi, thịt, cá, một số mặt hàng tiêu dùng cho đến vật liệu xây dựng đều tăng giá mạnh từ đầu quý 2 đến nay. PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá thép trong nước từ đầu quý 2 tăng mạnh do giá thép nguyên liệu thế giới tăng cao. Ông nói VN nhập nhiều phôi thép để luyện nên khi giá thế giới tăng cao, trong nước bắt buộc phải tăng. Trong tuần đầu tháng 4, giá thép thế giới tiếp tục tăng lên mức cao.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00