Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 09/4/2021

Liên hệ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 09/4/2021

  1. Vấn đề nổi bật

1. Ngày 8/4, Quốc hội bỏ phiếu tán thành phê chuẩn ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải về sự kiện này và chia sẻ của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về nhiệm vụ và trọng trách mới được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhấn mạnh việc tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước. Cụ thể: Thời báo Tài chính Việt Nam (8/4); Baochinhphu.vn (8/4); Vietnamnet (8/4) có bài “Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tập trung phát triển bền vững nguồn lực tài chính quốc gia”; Vov.vn (8/4) có tin “Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Cải cách hành chính gỡ nút thắt kinh tế”; Pháp luật TPHCM (8/4) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội mới”; Tiền phong (9/4) có tin “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Bản thân tôi phải hết sức cố gắng”.

Các báo cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là vinh dự lớn, nhiệm vụ quan trọng nhưng đòi hỏi trách nhiệm cao và nặng nề. Vì vậy, bản thân Bộ trưởng phải hế sức cố gắng để hoàn thành trọng trách được giao. Nhiệm kỳ này là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Do đó trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính – NSNN, phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia…

Các báo điện tử Zing.vn (8/4); VnMedia (8/4); VTC.vn (8/4); Tin tức – TTXVN (8/4); Vietnamplus – TTXVN (8/4); Kinh tế & Đô thị (8/4); Báo Giao thông (8/4) và nhiều báo khác đưa tin về tiểu sử, tóm tắt quá trình công tác của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

  1. Vấn đề về thuế, phí

2. Báo Người lao động (8/4) có bài “Cần đánh thuế cao những người có nhiều nhà đất”, báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (8/4) có bài “Trị sốt đất: Sốt ở đâu, đánh thuế cao ở đó”, các báo cho biết: Sáng 8/4, báo Người lao động tổ chức tọa đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất”. Tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đã nêu ra giải pháp để triệt những cơn sốt đất. Theo ông Châu, ở góc độ quản lý nhà nước kinh nghiệm từ một số nước cho thấy khi xử lý vấn đề này cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. Hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất, chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án bất động sản không đưa vào sử dụng. Trong khi ở Trung Quốc, họ làm những công cụ này rất tốt, như khi có "bong bóng" thì ngay lập tức chính quyền địa phương áp thuế suất cao.

3. Báo Tuổi trẻ (9/4) có bài “Hộ kinh doanh lớn phải khai thuế như doanh nghiệp: Nắm doanh thu sẽ ngăn được tiêu cực” cho biết: Việc buộc các hộ kinh doanh lớn phải kê khai thuế như doanh nghiệp như dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế, theo nhiều chuyên gia là giải pháp đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là kết nối máy tính tiền của hộ kinh doanh đối với cơ quan thuế, công khai doanh thu của hộ kinh doanh, có chính sách khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn…

4. Báo Đầu tư (9/4) có bài “Trông đợi chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất” phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Ông Bảo mong muốn Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP nhằm giúp kinh tế hợp tác xã vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện cả nước có khoảng 26.000 hợp tác xã, trong đó 14% được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và 10% miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng là con số không nhỏ, nên cần tiếp tục thực hiện chính sách này ít nhất cũng phải hết năm 2021. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã có liên kết chặt chẽ với nhau, bởi thế, khi được hỗ trợ, hợp tác xã vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ góp phần cùng khu vực doanh nghiệp phát triển.

5. Báo Kinh tế và đô thị (9/4) có bài “"Thuốc” tốt thu thuế thương mại điện tử” cho biết: Thời gian gần đây, cơ quan thuế đã tiến hành “truy vết” với kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) để tiến hành thu thuế hoạt động này. Cơ quan thuế cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà mạng cung cấp để có cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập phát sinh. Trên cơ sở đó, vận động các cá nhân đó tự động kê khai và nộp thuế. Theo đó, nhiều cá nhân buôn bán qua mạng đã thực hiện khai và đóng số tiền thuế khá lớn cho ngân sách Nhà nước.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, việc “truy vết” và quản lý dòng tiền là cách mà cơ quan thuế đang triển khai hiệu quả để thu thuế hoạt động kinh doanh qua TMĐT. Tại Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ làm việc với sàn thương mại điện tử, ngân hàng... để quản lý thuế chặt chẽ hơn đối với những đối tượng kinh doanh TMĐT qua các sàn thương mại để đạt hiệu quả hơn. Phía Tổng cục Thuế cũng cho hay, sẽ thay đổi cách quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Cụ thể, sẽ làm việc với các đầu mối từ tổ chức liên quan và dòng tiền chi trả. Thông tin từ sàn TMĐT sẽ là nguồn tin cậy để cơ quan thuế điều chỉnh doanh thu của người nộp thuế, từ đó thu thuế đúng và đủ hơn.

  1. Vấn đề về hải quan

6. Báo Tuổi trẻ (9/4) có tin “Hải quan TP HCM phải xử lý hơn 1.041 tỷ đồng nợ thuế quá hạn” cho biết: Cục Hải quan TP HCM phải thu hồi và xử lý thuế quá hạn trên 1.041 tỷ đồng, theo quyết định giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn của Tổng cục Hải quan. Đây là các khoản nợ tính đến thời điểm 31/12/2020, gồm tiền chậm nộp thuế, tiền phạt vi phạm hành chính… của các tờ khai đã thông quan, giải phóng hàng. Ngoài ra, cơ quan hải quan các địa phương được yêu cầu triển khai ngay các giải pháp thu hồi nợ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, không để phát sinh nợ thuế mới trong năm 2021. Đại diện Cục Hải quan TP HCM cho biết, việc hoàn thành mục tiêu được giao trên là rất khó, do phần lớn các khoản nợ đều lâu năm, nợ khó đòi, doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động.

  1. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Thanh niên (9/4) có bài “Ngân hàng, công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn” cho biết: Theo kế hoạch tăng vốn mà các ngân hàng, công ty chứng khoán đặt ra, hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ được bơm vào thị trường trong năm nay. Các công ty chứng khoán ồ ạt lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn trước sức nóng của thị trường chứng khoán. Mục đích huy động vốn điều lệ của các công ty chứng khoán nhằm mở rộng năng lực cho vay ký quỹ của khách hàng, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho cac hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của công ty.

TS Nguyễn Đức Độ, Viện trưởng Viện kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, các ngân hàng, công ty chứng khoán khi đưa ra phương án tăng vốn là họ có cái nhìn lạc quan về sự phát triển kinh tế trong thời gian tới và đáp ứng mục đích tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Nhiều người cho rằng, phát hành cổ phiếu nhiều sẽ pha loãng giá là chưa chính xác, vì giá trị vốn hoá của công ty vẫn thế khi phát hành thêm cổ phiếu.  

8. Báo VnEconomy (8/4) đưa tin “Giảm tải hệ thống, HOSE tạm dừng nhận giao dịch cổ phiếu mới” cho biết: Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa công bố công văn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về giải pháp giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE. Cụ thể: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo và hướng dẫn HOSE, HNX và Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện các bước như sau: Doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết trong giai đoạn này có thể lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cho HNX hoặc HOSE. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký niêm yết cổ phiếu mới hoặc chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE, HOSE thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Sau khi được HOSE thẩm định và cấp Quyết định niêm yết, cổ phiếu được tạm thời giao dịch trên HNX. Khi hiện tượng nghẽn lệnh được xử lý, doanh nghiệp được chuyển giao dịch sang HOSE mà không xem xét lại hồ sơ.

 Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin... đối với các doanh nghiệp có cổ phiếu được HOSE chấp thuận niêm yết và chuyển sang giao dịch tại HNX áp dụng chung như đối với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. HOSE và HNX phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm báo tính liên tục trong công tác giám sát.

  1. Vấn đề về quản lý nợ và tài chính đối ngoại

9. Báo Sài Gòn giải phóng (8/4) đưa tin “TPHCM kiến nghị vay 300 triệu USD xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu” cho biết: Ngày 8-4, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (dự án CRUS2) dự kiến sử dụng vốn vay ADB, UBND TPHCM đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét, lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án CRUS2 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để thành phố sớm triển khai các thủ tục tiếp theo tiếp nhận nguồn vốn vay, thực hiện đầu tư dự án. Đây là dự án không có sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, do nguồn vốn ngân sách đang gặp khó khăn nên dự án chỉ có thể kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ODA.

  1. Vấn đề khác

10. Báo Pháp luật Việt Nam (9/4) có tin “Đề xuất thêm điều kiện kinh doanh xăng dầu” cho biết: Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để DN được phép kinh doanh xăng dầu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Quy định này giúp cơ quan thuế có cơ sở xây dựng nền tảng dữ liệu đầy đủ, liên tục cả về hoạt động bán lẻ tại các cây xăng và hoạt động bán buôn. Từ đó, giúp cơ quan thuế có thể đối chiếu với số liệu kê khai thuế của DN kinh doanh xăng dầu để phục vụ hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra, phân tích rủi ro và kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn; hạn chế hoạt động mua bán xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00