Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/4/2021

Điểm báo ngày 12/4/2021

I. Vấn đề nổi bật

Stt

Nội dung

Kiến nghị, đề xuất

1

Báo Kinh tế Sài Gòn (8/4) có bài “Nộp thuế: trong khi chờ thông tư hướng dẫn…” cho biết: Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 (Luật Quản lý thuế) đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nhưng mãi đến ngày 25/2/2021, tức gần tám tháng sau, Bộ Tài chính mới có dự thảo Thông tư hướng dẫn để thay thế Thông tư 156/2013/TT-BTC đã hết hiệu lực, theo quy định tại khoản 4 điều 154 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Luật BHVBQPPL).

Việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế đang khiến doanh nghiệp lẫn các cơ quan thuế địa phương rất lúng túng, nhất là trong giai đoạn quyết toán thuế năm tài chính 2020.

Để “chữa cháy”, ngày 26/2/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1938/BTC-TCT về việc “thực hiện Thông tư 156 và các thông tư khác”. Trong đó, Tổng cục Thuế cho rằng, Thông tư 156 và các thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 156 không phải là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế nên không thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều 154 Luật BHVBQPPL. Do vậy, chúng vẫn còn hiệu lực cho dù Luật Quản lý thuế năm 2006 đã hết hiệu lực. Nội dung hướng dẫn như vậy là hoàn toàn sai vì theo Điều 4, Luật BHVBQPPL quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì thông tư của bộ trưởng là văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, Thông tư 156 đã hết hiệu lực.

Báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, đáng lẽ trong thời gian chờ thông tư mới được ban hành, sẽ ổn hơn và dễ chấp nhận hơn nếu Tổng cục Thuế hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các cơ quan thuế địa phương rằng Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế vẫn tiếp tục được áp dụng Thông tư 156 và các thông tư sửa đổi bổ sung thông tư này nếu những quy phạm ấy còn phù hợp hoặc không trái với luật. Đằng này, Tổng cục Thuế lại hướng dẫn sai dẫn đến doanh nghiệp thực hiện sai thì ai chịu?

Để tránh lúng túng và thiệt hại cho doanh nghiệp, rất cần có những hướng dẫn tạm thời giúp doanh nghiệp đỡ hoang mang và có căn cứ pháp lý để bám víu mà không sợ vận dụng không đúng. Ngoài ra, trong giai đoạn “giao thời”, cơ quan thuế cũng không nên xử lý những vi phạm mà cơn cớ của vi phạm là do cơ quan thuế chậm ban hành thông tư hướng dẫn.

Về vấn đề báo Kinh tế Sài Gòn nêu, Văn phòng trình Bộ giao Tổng cục Thuế báo cáo rõ nội dung vụ việc tới Lãnh đạo Bộ trước ngày 15/4/2021.

2

Chương trình Vấn đề hôm nay lúc 22h00 - VTV1 phát sóng một buổi talkshow về “Cơ chế tài chính cho trung tâm nghiên cứu khoa học” cho biết những khó khăn về cơ chế tài chính, đặc biệt là phần thu thuế tiền sử dụng đất dành cho nghiên cứu khoa học đối với Trung tâm hội thảo khoa học quốc tế ICISE của giáo sư Trần Thanh Vân tại Phú Yên, Bình Định. Theo ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (ĐBHQ Hải Phòng), mô hình Trung tâm nghiên cứu khoa học của giáo sư Trần Thanh Vân là mô hình độc nhất, qua đó đã thu hút được những nhà khoa học hàng đầu thế giới đến với Việt Nam, thu hút được chất xám để phát triển đất nước đặc biệt là khoa học công nghệ cao của thế giới đúng với các chiến lược và định hướng của Đảng, Nhà nước. 

Cũng vì là mô hình mới và độc nhất ở Việt Nam nên khó cơ chế tài chính nào cụ thể. Dù khi hình thành đã được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng đến nay mô hình này mới được miễn thuế tiền sử dụng đất đến hết năm 2020, trong khi đó từ năm 2021 trở về sau chưa biết cơ chế nào sẽ dành cho trung tâm. Theo ĐBQH Nghiêm Vũ Khải, nếu nói các bộ ngành (Bộ Tài chính, Bộ KHCN) đã tạo điều kiện và hỗ trợ hết mình cho hoạt động của trung tâm là chưa chính xác, vì để xảy ra việc không rõ ràng trong cơ chế tài chính của trung tâm thì trách nhiệm thuộc về ai, của cơ quan quản lý nhà nước nào? Nếu cơ chế chính sách chưa thỏa mãn, đồng bộ cần báo cáo lên cấp có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm, tránh làm mất niềm tin và sự hoang mang của các nhà khoa học đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Chiều 9/4/2021, phóng viên Minh Loan gửi mail câu hỏi đề nghị đại diện Bộ Tài chính tham dự chương trình talk nêu trên. Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Bộ đã có công văn gửi Cục Quản lý công sản đề nghị có ý kiến về nội dung đề nghị của VTV.  Tuy nhiên, Cục QLCS đã có Tờ trình Lãnh đạo Bộ và đã được LĐB phê chuẩn về việc không tham gia talk của Đài Truyền hình Việt Nam. (Tờ trình đính kèm).

II. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính

3. Tiếp theo những bài báo viết về Tân Bộ trưởng Tài chính được đăng tải trên các báo trong ngày 8/4, ngày 12/4  Báo Kinh tế & Đô thị có bài “Bốn ưu tiên trong nhiệm kỳ mới của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc” ghi lại những chia sẻ về trọng trách mới được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Bộ trưởng cho biết, đây là vinh dự lớn, nhiệm vụ quan trọng nhưng đòi hỏi trách nhiệm cao và nặng nề. Về những ưu tiên trong nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng nhấn mạnh các mục tiêu cụ thể: Trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính – NSNN phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhằm tăng nguồn thu ngân sách. Tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính - NSNN; Thúc đẩy phát triển DN, căng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm bộ chi ngân sách, giảm nợ công…

Bài báo cũng điểm lại một số dấu ấn của ông trên cương vị là Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An…

III. Vấn đề về NSNN

4. Ngày 9/4, Văn phòng Bộ phát đi Thông tin báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 3/2021 và quý I/2021 của Bộ Tài chính, nhiều báo đã đưa tin theo các nội dung trong Thông tin báo chí như: Thời báo Ngân hàng (12/4) có tin “Quý I, ngân sách bội thu 61,8 nghìn tỷ đồng”; VnEconomy (9/4) có tin “Ngân sách chi 37.322 tỷ đồng trả nợ của Chính phủ trong tháng 3”; Báo điện tử Đảng cộng sản (9/4) có tin “Thu ngân sách nhà nước quý I đạt hơn 30% dự toán năm”; Baochinhphu.vn (9/4) có tin “Quý I: 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán”

Các báo cho biết: Tổng thu NSNN tháng 3 ước đạt gần 111,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 403,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối NSNN tháng 3 ước đạt 124,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi quý I đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bảo đảm các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN vui đón Tết cổ truyền.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp bố trí nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp Tết Nguyên đán. Sử dụng dự phòng Trung ương 1.065 tỷ đồng để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao là 461,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,64% dự toán Quốc hội quyết định; cùng với các nguồn lực khác (tăng thu, kết dư ngân sách...), các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng gần 47 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

IV. Vấn đề về thuế, phí

5. Báo Người lao động (12/4) có bài “Chặn thất thoát thuế hộ kinh doanh lớn” cho biết: Dự thảo thông tư mới của Bộ Tài chính cho phép ngành thuế xem xét không áp dụng thuế khoán đối với hộ kinh doanh có doanh thu lớn. Việc này nhằm bảo đảm công bằng trong nộp thuế, tránh thất thu thuế.

Theo Bộ Tài chính, điểm mới của dự thảo thông tư mới là việc xác định doanh thu tính thuế của hộ khoán có điểm mới so với quy định hiện hành. Đó là trường hợp hộ khoán có thay đổi doanh thu thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thực tế nếu doanh thu thay đổi từ 20% trở lên.

Một số chuyên gia về thuế cho rằng, dự thảo thông tư sẽ cho phép ngành thuế xem xét không áp dụng thuế khoán đối với hộ cá nhân kinh doanh quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là biện pháp hành chính nhằm giải quyết tình thế, có thể phát sinh tiêu cực hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân hộ kinh doanh một khi có sự áp đặc chủ quan từ cơ quan thuế.

6. Báo Công thương (12/4) có bài “Quản lý thuế với cá nhân kinh doanh qua mạng: Siết chặt để tránh thất thu ngân sách” cho biết: Kinh doanh online nhất là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội đang phát triển rầm rộ, mang lại doanh thu “khủng” cho nhiều cá nhân. Trên thực tế, không ít cá nhân có các khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, gây thất thu cho NSNN.

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ làm việc với sàn thương mại điện tử, ngân hàng…để quản lý thuế đối với đối tượng kinh doanh online. Việc không thu được thuế của các cá nhân tổ chức kinh doanh online không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo môi trường cạnh tranh không công bằng cho các loại hình kinh doanh khác. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các giao dịch kinh doanh TMĐT nhằm chống thất thu thuế, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với NHTM để nắm được dòng tiền.

7. Báo Hànộimới (10/4) có bài “Nỗ lực hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách” cho biết: Dịch Covid diễn biến phức tạp tại một số địa phương kéo theo tình hình sản xuất, kinh doanh suy giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, tổng thu NSNN trong quý I/2021 do cơ quan thuế quản lý vẫn ước đạt 347.346 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán. Kết quả này là tiền đề quan trọng để ngành Thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2021.

8. Bản tin Tài chính kinh doanh 21h45 - VTV1 (9/4) phát phóng sự “Chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp phân bón “tha thiết” xin sửa Luật thuế 71” cho biết: Theo đại diện Bộ Công Thương việc sửa đổi Luật thuế 71 là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi giúp Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu phân bón nước ngoài.

Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một điều của các luật về thuế đã đưa mặt hàng phân bón vào danh mục các mặt hàng không phải chịu thuế giá trị gia tăng, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp phân bón trong nước giảm chi phí. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, lại xảy ra một thực tế ngược, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam đang mong mỏi từng ngày để được chịu thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp xin được đưa sản phẩm vào diện chịu thuế - đây là một điều khá lạ nhưng là nguyện vọng tha thiết của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Nguyên nhân là do Luật số 71 sửa đổi quy định các mặt hàng phân bón không chịu thuế thuế giá trị gia tăng nên đồng nghĩa với việc tất cả các chi phí đầu vào của ngành này không được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Trong khi đó, phân bón sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài phải chịu thuế xuất khẩu 5%. Theo các doanh nghiệp, các chính sách trên đồng thời đã như 2 gọng kìm o ép sản xuất trong nước vì một mặt khuyến khích hàng nhập khẩu, một mặt kìm hãm xuất khẩu hàng ra thị trường nước ngoài đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Vừa qua, trong kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIV, Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang áp dụng thuế giá trị gia tăng là 5% và dự kiến trong kỳ họp vào cuối năm 2021 Quốc hội sẽ thảo luận về nội dung trên.

V. Vấn đề về hải quan

9. Báo Tiền phong (10/4) có bài “Hàng nghìn công-ten-nơ rác ngoại nằm cảng: Cưỡng chế xử lý từ 12/4” thông tin: Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, sau khi thực hiện các thủ tục giám định, có 432 công-ten-nơ đủ điều kiện nhập khẩu, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác lập sở hữu nhà nước để bán đấu giá. 1.382 công-ten-nơ khác của hơn 30 hãng tàu vận chuyển nhập khẩu đang nằm ở cảng Cát Lái từ năm 2017 đến nay không đủ điều kiện nhập khẩu, vì chứa hàng cấm nhập (rác thải) vẫn chưa xử lý được.

Hiện tại, Cục Hải quan TPHCM tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh việc tái xuất các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng cấm nhập vào Việt Nam để giải tỏa mặt bằng và để trả vỏ công-ten-nơ cho đơn vị khác khai thác. Theo kế hoạch, việc tái xuất các công-ten-nơ rác sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2021.

Cơ quan Hải quan đã lập biên bản vi phạm và gửi thư mời các hãng tàu ngày 12/4 đến nhận quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tái xuất trong vòng 30 ngày. Nếu quá thời gian 30 ngày mà các hãng tàu này không chịu tái xuất hàng phế liệu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì Cục Hải quan TPHCM sẽ lập biên bản, thống kê các mặt hàng, hãng tàu để báo cáo và đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ GT-VT áp dụng các biện pháp chế tài mạnh hơn. “Nếu các hãng tàu nhất quyết không tái xuất hoặc tiêu hủy, chúng tôi sẽ kiến nghị đình chỉ hoạt động của hãng tàu đó trên lãnh thổ Việt Nam”, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết.

VI. Vấn đề về tài chính ngân hàng

10. Báo Kinh tế Sài Gòn (8/4) có bài “Rốt cuộc, tiền mã hóa có phải là tiền?” cho biết: Bitcoin, litecoin, ethereum và những thứ tương tự được nhiều người coi là một loại tiền, với cái đuôi là “mã hóa” hoặc thậm chí là “ảo”. Vậy tại sao chúng lại được coi là tiền? Bài báo phân tích vấn đề này trên cơ sở vai trò của tiền mã hóa/ảo trong thực tế hiện nay.

Bài báo cũng cung cấp thêm thông tin “Bộ Tài chính nghiên cứu cách quản lý tiền ảo, tài sản ảo”: Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. UBCKNN đơn vị được giao chủ trì Tổ nghiên cứu, cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng về kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.

VII. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

11. Báo Quân đội nhân dân (12/4) có bài “Làm gì để ngư dân quay về với biển?” cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm lao động biển, người dân không còn mặn mà với việc ra khơi đánh bắt hải sản là do thu nhập thấp. Dù vậy khi tìm hiểu sâu xa ngọn ngành thì cũng phải nhìn thẳng rằng, nguyên nhân sụt giảm lao động một phần cũng do các chủ trương, chính sách kích cầu của Nhà nước chưa phát huy tối đa giá trị, chưa mang tính “dài hơi”. Điều này đã tác động lớn đến tâm lý của số đông ngư dân. Qua nắm bắt tình hình thực tiễn tại các địa phương, các chính sách từ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP liên quan đến những chính sách phát triển thủy sản đã bộc lộ những khó khăn, bất cập.

Đơn cử như tại Nghệ An, chất lượng đội tàu 67 chưa cao, nhiều tàu khó có khả năng trả nợ. Số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 xảy ra sự cố dẫn đến tổn thất toàn bộ tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu là do cháy và chìm trên biển. Riêng tại địa bàn Nghệ An trong năm 2019 xảy ra tới 9 vụ tai nạn cháy chìm mà trong đó có tới 5 tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ước tổn thất của 9 chiếc tàu này lên tới 63 tỷ đồng. Việc liên tiếp các tàu đóng mới theo Nghị định 67, là những con tàu mới nhất, lớn nhất, có trang thiết bị tốt nhất lại liên tục bị cháy chìm khiến 4 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đưa nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá vào danh sách các nghiệp vụ có rủi ro lớn.

Thêm nữa, thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tàu gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm kéo dài ảnh hưởng lớn đến kinh tế của chủ tàu, thời gian khắc phục và hoạt động của tàu cá và ngư dân.

VIII. Vấn đề về DNNN

12. Báo Tiền phong (12/4) có bài “Tái cơ cấu DNNN 5 năm tới: Sẽ thoái vốn qua sàn chứng khoán” cho biết: Bộ Tài chính vừa có tờ trình Thủ tướng Dự thảo Đề án cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cơ cấu, đổi mới hệ thống DNNN trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hướng chủ yếu là CPH, thoái vốn.

Trong các giải pháp tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình chuyển đổi một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ mô hình công ty một thành viên sang công ty cổ phần 100% vốn nhà nước. Trong đó, cơ quan, đơn vị nhà nước nắm 100% cổ phần, có thể là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước nắm giữ toàn bộ cổ phần, hoặc nắm cổ phần chi phối. Sau đó, công ty cổ phần nhà nước nắm 100% vốn sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để thực hiện thoái vốn hoặc huy động vốn qua sàn.

Theo GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cho rằng, nhiều người chỉ muốn bán cổ phần nhà nước dưới 50%, để nhà nước vẫn nắm chi phối, gọi là DN cổ phần nhưng bản chất vẫn là nhà nước nắm giữ. Nếu CPH như vậy không nên làm vì bản chất hoạt động DN vẫn không thay đổi, nhưng lại ôm thêm nguồn lực xã hội đầu tư vào làm tăng nguy cơ lãng phí. Ông Lược đề xuất, thời gian tới, Nhà nước lập danh sách DNNN phải CPH với tỷ lệ bán vốn bắt buộc trên 50%, không CPH thấp hơn. Có như vậy, khối DN tư nhân trong nước mới có dư địa phát triển, khi DNNN đang nắm giữ quá nhiều nguồn lực độc quyền, còn DN FDI hưởng nhiều ưu đãi. Kể cả có chuyển thành công ty cổ phần để niêm yết trên thị trường chứng khoán, khi thoái vốn DNNN cũng phải thoái trên 50%.

13. Báo Tiền phong (12/4) có tin “Xử lý 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương: Không để “chết lâm sàng” kéo dài” cho biết: Theo Tờ trình Thủ tướng Dự thảo Đề án cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Theo đó, tới nay, tất cả 12 dự án đã được tiến hành thanh tra; kiểm toán 7/12 dự án; điều tra và khởi tố 4/12 dự án. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được xử lý, đặc biệt liên quan đến xử lý hợp đồng EPC, quyết toán toàn bộ dự án, tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay, thoái vốn,…

Sau 2 năm tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tới nay chỉ 1 dự án đủ điều kiện đưa khỏi danh sách. Bộ Tài chính đề xuất, giai đoạn tới cần đánh giá hiệu quả giữa phương án cổ phần hoá, thoái vốn với phá sản, hoặc bán toàn bộ doanh nghiệp để lựa chọn phương án phù hợp.

14. Báo Thời báo ngân hàng (12/4) có bài “Phân định rõ vốn nhà nước và vai trò chủ sở hữu” cho biết: Việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đang được bàn thảo nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được chủ động kinh doanh theo thị trường, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, được đánh giá hiệu quả công bằng và minh bạch hơn.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, phải làm rõ vốn nằm ở doanh nghiệp là do doanh nghiệp làm chủ sở hữu quản lý, sử dụng, định đoạt hay là nhà nước vẫn là chủ sở hữu. “Làm rõ vấn đề này thì mới minh bạch được vấn đề quản lý, quản trị của doanh nghiệp hiện nay”, ông Tiến khẳng định.

TS. Phan Đằng Chương, Phó Tổng Giám đốc Lãnh đạo dịch vụ tư vấn Công ty TNHH Ernst Young Việt Nam cũng cho rằng, cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp, vốn nhà nước để tại doanh nghiệp. Hơn nữa Luật sửa đổi chỉ nên tập trung vào quản lý “vốn” nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, không nên tập trung vào giải quyết các vấn đề về quản trị và vận hành của doanh nghiệp vì những điều này đã được quy định trong khuôn khổ các luật khác như Luật doanh nghiệp, các khung luật hướng dẫn về quản trị doanh nghiệp.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00