Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/4/2021

Điểm báo ngày 13/4/2021

I. Vấn đề về chứng khoán

1. Báo Lao động (13/4) có bài “Chứng khoán: Khi hàng ngàn tỉ đồng thanh khoản bị “nhốt” được “giải thoát””; Tuổi trẻ (12/4) có bài “Hơn 1,12 tỉ USD giao dịch chứng khoán, tin khả năng xử lý lên 1,1 triệu lệnh là thất thiệt”; Zing.vn (12/4) có tin “Dòng tiền ồ ạt vào thị trường, chứng khoán lập đỉnh lịch sử mới”; Hànộimới (12/4) có bài “Thanh khoản thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục” cho biết: Phiên giao dịch chứng khoán ngày 12/4 đã để lại nhiều dấu mốc. Đầu tiên, VN-Index tiến lên một đỉnh mới ở mức 1.252,45 điểm sau khi tăng hơn 20 điểm. Tiếp đến, sàn HoSE đạt thanh khoản theo phương thức khớp lệnh ở mức kỉ lục, gần 20.000 tỉ đồng.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 12/4 diễn ra một cách hoàn toàn “khác lạ” đến bất ngờ. Đó là, tình trạng nghẽn lệnh đã không xảy ra cho đến khi thanh khoản tiến về mức xấp xỉ 21.000 tỉ đồng.

Như vậy, một phép tính đơn giản cho thấy, khi còn nghẽn lệnh, thanh khoản tối đa qua phương thức khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt tối đa khoảng 14.000 tỉ đồng, cộng với khoản giá trị giao dịch thỏa thuận thì có những phiên thanh khoản chung lên tới mức từ hơn 16.000 tỉ đồng đến hơn 18.000 tỉ đồng, như phiên ngày 9/4 vừa qua. Và cũng từ một phép tính đơn giản cho thấy, khi tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết để nó xảy ra chậm hơn như phiên ngày 12/4 vừa qua, thanh khoản qua phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE tăng lên mức xấp xỉ 20.000 tỉ đồng.

Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE lâu nay đã “nhốt” hàng ngàn tỉ đồng khi khối lượng lệnh giao dịch bị khống chế kéo theo thanh khoản bị bóp lại. Hay có thể nói theo cách ngược lại, khi tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết hoặc giải quyết được một phần, hàng ngàn tỉ đồng thanh khoản từng bị “nhốt” đã được “giải thoát”.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Thanh Niên (13/4) có bài “Theo chân giám đốc công ty ‘ma’ đi… trình báo công ty ‘ma’” cho biết: Nhận đơn cầu cứu của anh L.M.H (tạm trú Q.12, TP.HCM) bỗng phát hiện mình làm giám đốc công ty 'ma' (Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng vận tải Bảo Ấn), PV Thanh Niên trực tiếp theo chân 'giám đốc' này, để ghi nhận cách tiếp nhận, xử lý công ty 'ma' của các cơ quan chức năng liên quan.

Anh H. cho biết đầu tháng 3 vừa qua, anh tra mã số thuế thu nhập cá nhân để làm hồ sơ thuế (anh H. là giáo viên), thì phát hiện có người sử dụng giấy CMND của anh đăng ký thành lập công ty. Ngày 5.3, anh H. làm đơn trình báo gửi Sở KH-ĐT TP.HCM; đồng thời mong muốn sở này sẽ hướng dẫn thủ tục, giải pháp để xử lý việc này. Sau đó Sở có văn bản trả lời đơn của anh H., trong đó trích dẫn lại các nghị định, điều luật khẳng định Sở cấp phép đúng quy định.

Vì Sở KH-ĐT TP.HCM trả lời phải liên hệ “các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định”, Anh L.M.H đến Chi cục Thuế Q.Thủ Đức (nơi thu thuế) đề nghị giải quyết việc anh bỗng dưng thành giám đốc công ty “ma”. “Tôi muốn khóa mã số thuế vì công ty này mạo danh tôi, và muốn biết công ty có nợ thuế không?”, anh H. trao đổi với cán bộ Chi cục Thuế Q.Thủ Đức, vị cán bộ này trả lời: “Người ta đã nộp hồ sơ giải thể, tạm khóa công ty này rồi. Còn vụ giả mạo thông tin cá nhân của anh để thành lập công ty, bên Sở KH-ĐT TP.HCM tiếp nhận, cấp giấy phép, bên thuế không làm khâu này. Về khai báo thuế, công ty này vẫn khai báo thuế đầy đủ”.

Sau đó, anh H. tiếp tục đến các cơ quan: Công an TP.Thủ Đức, Công an P.Hiệp Bình Chánh, Sở KH-ĐT TP.HCM để tiếp tục gửi đơn trình báo nhưng vụ việc chưa được giải quyết. Trong quá trình ghi nhận thực tế tại các cơ quan chức năng, PV nhận thấy nhiều cán bộ liên quan đều nhìn nhận lỗ hổng trong khâu cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Việc “mở cửa” đăng ký kinh doanh vô tình tạo điều kiện cho nhiều đối tượng xấu lập công ty “ma” gây hệ lụy đến nhiều cá nhân.

III. Vấn đề về hải quan

3. Báo Công an nhân dân (13/4) có bài “Chặn cá tầm không thuần chủng “bơi” vào Việt Nam” cho biết: Thực hiện yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, ngày 18/2/2021, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành về việc thực hiện thủ tục nhập khẩu cá tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan. Qua thời gian theo dõi và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại một số Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan khẳng định: Thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với giấy phép do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp; không đúng với khai báo hải quan.

Hiện Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Đồng thời tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm quy định.

4. Báo Thanh Niên (13/4) đưa tin “Cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế gần 22 tỉ đồng” cho biết: Theo Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Gòn khu vực IV vừa có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM). Lý do doanh nghiệp đã không thực hiện nộp tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Quyết định cưỡng thuế này nhằm thi hành Thông báo 19 của đơn vị này đã gửi cho doanh nghiệp ngày 25.3 về số tiền nợ thuế và các khoản thu khác. Tổng số tiền thuế doanh nghiệp này đang nợ cơ quan hải quan là 21,7 tỉ đồng, phát sinh từ nhiều năm trước đến nay.

5. Báo Công an nhân dân (13/4) có tin “Kết nối thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản lên Cơ chế một cửa quốc gia” cho biết: Thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa chính thức kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan địa phương phân quyền sử dụng chức năng tra cứu giấy phép trên hệ thống Thông quan điện tử tập trung (E-Customs) đối với thủ tục Kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu cho cán bộ công chức hải quan.

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Chiều 12/4, Liên Bộ Công thương - Tài chính phát đo thông tin báo chí điều chỉnh giảm tất cả các mặt hàng xăng dầu kể từ 16h30 cùng ngày. Nhiều báo đã đưa tin về nội dung này như: VTV.vn; Tuổi trẻ; Nhân dân; VnEconomy; Hànộimới; Vietnamnet; VnExpress; Baochinhphu.vn; Bnews-TTXVN; Kinh tế và Đô thị

Các báo cho biết: Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2020 với mức tăng liên tục tới khoảng 4000 đồng với các mặt hàng xăng. Để có mức giá như trên, nhà điều hành cho biết tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá và chi quỹ ở mức cao với tất cả các loại xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 chỉ giảm 45 đồng/lít, về mức 17.806 đồng/lit; xăng RON95-III giảm 76 đồng/lít, về mức 18.970 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 102 đồng/lít, về mức 14.141 đồng/lít; dầu hoả giảm 177 đồng/lít, về mức 12.827 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 70 đồng/kg, về mức 13.687 đồng/kg.

V. Vấn đề về quản lý nợ

7. Báo điện tử Tiền phong (12/4) có bài “Nợ của Doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh chiếm 12% nợ công” cho biết: Từ năm 2015 tới nay, Bộ Tài chính đã giảm cấp bảo lãnh Chính phủ với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hiện nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 12% nợ công.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo Chính phủ về Dự thảo Đề án cơ cấu DNNN giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có đánh giá về nội dung cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay của DNNN. Theo đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra khi cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2015 là tăng cường quản lý, giám sát việc vay nợ và sử dụng vốn vay của DNNN, nhất là vay nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

VI. Vấn đề về DNNN

8. VnEconomy.vn (12/4) có bài “Khung cứng, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vẫn trả lương cao” cho biết: Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho rằng, đã đến lúc nhìn nhận lại khái niệm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Người này chỉ ngồi ở vị trí của một người giám sát, không nên điều hành mọi việc như ban điều hành doanh nghiệp, không can thiệp vào quyết định đầu tư, chi trả lương thưởng của doanh nghiệp…

Về cơ chế tiền lương thì phải theo thị trường, người quản lý nhà nước phải theo thang bảng lương quốc gia. Hiện chúng ta đang áp dụng cơ chế lương theo hoạt động của doanh nghiệp và quy chế của doanh nghiệp… Khung cứng bám sát theo khung khu vực nhà nước đưa ra, quy định trần tối thiểu và trần tối đa theo kết quả kinh doanh. Thực tế là những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vẫn được trần lương tối thiểu trong khi về nguyên tắc nếu đã thua lỗ thì 1 đồng cũng không được lấy.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết phải trả lại thị trường cơ chế tiền lương, doanh nghiệp cần xây dựng theo thang bảng lương của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một đặc thù riêng, mức trần lương đưa ra căn cứ hoạt động doanh nghiệp và gắn với tỷ lệ lợi nhuận trong kinh doanh.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00