Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/4/2021

Điểm báo ngày 15/4/2021

I. Vấn đề nổi bật

1. Báo Tuổi trẻ (15/4) có bài “Lương 5, 6 triệu/tháng, cầu thủ đội tuyển nữ U14, U16 VN: Bất ngờ khi phải đóng thuế thu nhập cá nhân”; Tiền phong (15/4) có bài “Thu nhập 5 triệu đồng/tháng, cầu thủ vẫn phải đóng thuế” cho biết: Các cầu thủ đội tuyển bóng đã nữ trẻ U14, U16 VN đang tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN dù chỉ được nhận mức lương khoảng 5,6 triệu đồng/người/tháng bất ngờ nhận được thông báo bị trừ tiền lương để nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2019. Đáng nói là tổng thu nhập của các cô gái này chưa đủ 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) để phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thế nhưng họ vẫn bị trừ 10% thu nhập để đóng thuế.

Ngày 25/3/2021, ông Nguyễn Anh Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Nhổn đã có văn bản trả lời VFF về việc thu tiền thuế TNCN với các cầu thủ đội tuyển U14, U16 nữ quốc gia. Công văn cho biết: “Theo công văn số 851 ngày 16/10/2020 của Kiểm toán Nhà nước về việc kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN, qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Bộ VH-TT&DL, Trung tâm Nhổn phải truy thu thuế TNCN của VĐV các đội tuyển với số tiền 242,9 triệu đồng. Trong đó đội tuyển bóng đá nữ trẻ phải nộp 109,3 triệu đồng”.

Ông Trần Văn Tiện (Kế toán trưởng Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trường hợp các VĐV đội tuyển U14, U16 nữ VN bị trừ thuế TNCN năm 2019 là do các cháu chưa đủ 16 tuổi để làm chứng minh nhân dân. Do chưa có số chứng minh nhân dân nên các cháu không được làm sổ BHXH và cũng không có mã số thuế cá nhân. Theo Luật Thuế TNCN, người dưới 18 tuổi nếu không có mã số thuế cá nhân, khi có thu nhập thì phải đóng thuế TNCN 10% theo dạng lao động tự do. Đây là quy định của luật thuế áp dụng cho người không có mã số thuế cá nhân hoặc có mã số thuế cá nhân mà không kê khai thì bị truy thu 10% thuế tại nguồn. Các VĐV cũng không được hoàn thuế TNCN cho dù tổng thu nhập trong năm của các cháu chưa đến mức phải nộp thuế”.

Còn theo Trung tâm Nhổn, bất cập trong việc thu thuế TNCN không chỉ xảy ra với đội bóng đá nữ trẻ mà nhiều môn thể thao có VĐV dưới 16 tuổi cũng đang chịu thiệt thòi về quy định này. Dù mức thu nhập của VĐV chưa đến mức phải đóng thuế TNCN nhưng vẫn phải đóng và không được hoàn loại chỉ vì các VĐV còn quá nhỏ.

Trao đổi với Tuổi trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết theo Luật Thuế TNCN, tiền thuế TNCN không phụ thuộc vào việc cá nhân có mã số thuế hay không có mã số thuế. Quan trọng là giữa đơn vị chi trả thu nhập và người lao động có ký kết hợp đồng lao động hay không. Nếu giữa hai bên ký hợp đồng lao động thì tiền thuế sẽ tính theo biểu lũy tiến từng phần.

Trường hợp các cá nhân chưa đủ tuổi ký hợp đồng lao động thì cần có người giám hộ như cha mẹ đứng ra ký hợp đồng thay. Với quy định của năm 2019, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và sẽ được hoàn lại nếu thu nhập chưa đến mức nộp thuế. Còn trường hợp không ký hợp đồng lao động thì trước khi chi trả thu nhập cho người nộp thuế, đơn vị sử dụng lao động sẽ khấu trừ 10% thu nhập.

Về vấn đề báo nêu, Văn phòng trình Bộ giao Tổng cục Thuế sớm có thông tin phản hồi chính thức , tránh việc hiểu lầm từ Người nộp thuế và bạn đọc đối với cơ quan thuế  trong chính sách thu thuế TNCN

II. Vấn đề về thuế, phí

2. Báo Tuần Tin tức (15/4) có tin “Đề xuất thêm đối tượng được gia hạn thuế vì dịch Covid-19” cho biết: Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực xuất bản, điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc, phát thanh truyền hình, lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính, hoạt động dịch vụ thông tin được gia hạn thuế…

3. Báo Hànộimới (15/4) có tin “Từ 17-5, giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi” cho biết: Kể từ ngày 17/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại biểu thu phí trong chăn nuôi kèm theo Thông tư số 24/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa mới ban hành. Kể từ ngày 1/1/2022 trở đi, áp dụng mức thu phí tại Biểu mức thu phí này.

4. Báo Công Thương (15/4) có tin “Dự án đầu tư lĩnh vực điện vướng mắc về điều kiện hoàn thuế” cho biết: Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực điện lực, do các quy định pháp luật chuyên ngành “vênh” với chính sách pháp luật thuế. Để tháo gỡ vướng mắc, kho khăn cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, xác định doanh nghiệp đã đáp ứng được điều kiện thực hiện dự án đầu tư trong ngành điện, cơ quan chức năng có thẩm quyền tạm cấp “giấy phép hoạt động điện lực” có thời hạn đến khi dự án đi vào vận hành thương mại và tiến hành hậu kiểm để doanh nghiệp được hoàn thuế VAT theo quy định.

III. Vấn đề về quản lý nợ

5. VnEconomy.vn (15/4) có bài “Nợ quốc gia - Chỉ vay trong khả năng trả” cho biết: Tại cuộc họp của Ban soạn thảo Đề án án Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lưu ý, trong Quý II năm 2021 này Đề án phải được trình Thủ tướng Chính để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Nghị quyết về Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính, trong thời gian qua Tổ Biên tập xây dựng Đề án đã tổ chức các đoàn khảo sát tại các bộ ngành, địa phương sử dụng vốn nước ngoài quy mô lớn để thu thập, trao đổi đánh giá về tình hình thực hiện vay trả nợ giai đoạn 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch vay trả nợ 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Vào tháng 11/2020 Bộ Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo đầu tiên của Đề án Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Sau đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành rà soát lại dự thảo Đề án… Về cơ bản kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021 – 2025 vẫn giữ nguyên các mục tiêu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước đây.

Cụ thể, dựa trên mức dự kiến tăng trưởng kinh tế, thu chi, bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 thì chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và còn có nguy cơ vượt ngưỡng 25% vào những năm 2021, 2024 và 2025. Tuy nhiên, xét tổng thể giai đoạn 2021 – 2025 thì mức bình quân chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn 25%. Năm 2021 chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ là 27,4%, năm 2022 là 20,1%, năm 2023 là 19,3%, năm 2024 là 25,7% và năm 2025 là 31,2%.

Như vậy, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025 so với thu ngân sách nhà nước vẫn được duy trì trong giới hạn mà Quốc hội cho phép là khoảng 18,6% và mức trần không quá 25%.

Tuy nhiên, đến lần này Đề án có đưa ra phương án trình Quốc hội xem xét, phê duyệt điều chỉnh nâng trần chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức 25% thu ngân sách nhà nước, điều chỉnh phạm vi tính nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

IV. Vấn đề về tài chính ngân hàng

6. Báo Tiền phong (15/4) có bài “Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu: Lãi suất cao, rủi ro lớn?” thông tin: Trong 2 năm qua, lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản, từ mức trên 8,5%/năm lên 10,5%/năm. Có lẽ đây chính là yếu tố giúp doanh nghiệp bất động sản gom được lượng tiền lớn và chiếm đầu bảng về hút tiền qua trái phiếu.

Nhóm nghiên cứu tại VnDirect đánh giá, sự giảm nhiệt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng đầu năm chủ yếu do các thay đổi trong quy định phát hành theo hướng siết chặt hơn. Cụ thể, theo Nghị định 155/2020, chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Do vậy, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021. Tuy nhiên điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng đã được siết chặt trong quy định mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt với đối tượng nhà đầu tư cá nhân.

V. Vấn đề khác

7. Báo Người lao động (15/4) có bài “Bế tắc trong xử lý vụ đất công thành đất tư” cho biết: Đến nay, tỉnh Kon Tum vẫn chưa tìm ra hướng khắc phục những sai phạm trong việc cho cá nhân thuê hàng chục ngàn mét vuông đất tại 2 công viên ở huyện Đắk Hà làm nơi kinh doanh.

Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, Bộ Tài chính nói rõ chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn trình tự thủ tục quản lý, xử lý và thẩm quyền xử lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng xã hội để cho thuê quyền khai thác đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng là công viên. Hiện nay, Sở Tài chính đã đề xuất UBND tỉnh giao UBND huyện rà soát cụ thể tình hình đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các khu công viên trên; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh làm văn bản tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan để được hướng dẫn, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

8. Báo điện tử Dangcongsan.vn (14/4) có bài “Ngành Tài chính quyết tâm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” cho biết: Chia sẻ với phóng viên báo chí trên cương vị mới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh những mục tiêu ưu tiên của ngành Tài chính trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhiệm kỳ 2021 - 2025 là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Do đó, trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính - NSNN, phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, trong khó khăn, thách thức, cũng mở ra nhiều cơ hội mới đối với ngành tài chính trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là năm đầu của thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm và 10 năm tới. Ngành tài chính trên cơ sở phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đưa ra những chính sách, cơ chế phù hợp cho thời gian tới. Đặc biệt, phải tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00