Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 22/4/2021

Điểm báo ngày 22/4/2021

I. Vấn đề về thuế

1. Chinhphu.vn, Thời báo ngân hàng, vnexpress, Tuần tin tức (20, 21/4) đưa tin về việc “Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất”, Bản tin thời sự - VTV1 lúc 19h31 (20/4) có tin “Đưa ưu đãi, tiền thuê đất sớm đi vào cuộc sống”, Bản tin kinh doanh - VTV1 buổi sáng ngày 22/4 có tin “Bộ Tài chính nói gì về gói gia hạn thuế, tiền thuê đất”, VOV (22/4) có tin “Sớm gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021” và một số báo khác cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Do là gia hạn thời gian nộp thuế nên số thu ngân sách của năm 2021 không giảm do người nộp thuế phải thực hiện nộp vào ngân sách vào cuối năm 2021. Đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trước đó, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đến 5/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại nghị định này, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020. Số thuế phát sinh nộp ngân sách chậm nhất là từ 20/9/2020 đến 20/12/2020.

Qua đánh giá cho thấy, những chính sách nêu trên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho biết: "Ngành thuế cũng sẽ đảm bảo về hạ tầng thông tin và bố trí đầy đủ cán bộ hỗ trợ người nộp thuế. Tự động hóa từ các khâu cập nhật thông tin đề nghị của người nộp thuế đến phân loại thống kê xác định nghĩa vụ thuế. Sau khi hết thời hạn gia hạn sẽ thực hiện việc đôn đốc để người nộp thuế nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách Nhà nước".

Ngày 20/4, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo 63 Cục Thuế trên toàn quốc khẩn trương lập danh sách các doanh nghiệp được thụ hưởng và thông báo để các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục gia hạn nộp thuế để được hưởng ưu đãi giãn, hoãn thuế, phí trong thời gian sớm nhất.

Tại Bản tin kinh doanh ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV về quá trình ban hành Nghị định 52 về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về hỗ trợ giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất cùng các chính sách về tài chính, tiền tệ khác, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Từ đó, nền kinh tế của chúng ta đã có bước tăng trưởng khá, đặc biệt với ngành tài chính, thu thuế nội địa vẫn đảm bảo. Bước sang năm 2021, tình hình đại dịch trên thế giới và một số nước trong khu vực còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng giải pháp về tài chính, tiền tệ trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

2. Báo Đại đoàn kết (21/4) có bài “Tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế” cho biết: Ngày 20/4, Viện Nghiên cứu và chính sách (VERP) công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2021. Theo dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6-6,3%. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, việc tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019. Việc thực hiện các thủ tục về thuế tuy có dễ dàng hơn nhưng vẫn có 22% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (23% DN gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%);… Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% năm 2019, phản ánh tình trạng quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

3. Báo Thanh tra (20/4) có bài “Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm giờ nộp thuế” cho biết: Mặc dù được đánh giá là đã có nhiều cải cách, mang lại sự thuận lợi cho người nộp thuế, tuy nhiên Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế để giảm thêm thời gian làm thủ tục thuế. Hiện nay, ngành Thuế cũng đang hoàn thiện chiến lược cải cách hệ thống thuế theo hướng điện tử hóa công tác quản lý thuế.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để thực hiện chiến lược này thành công, Tổng cục Thuế sẽ triển khai thành 2 giai đoạn (giai đoạn từ 2021 - 2025 và giai đoạn từ 2026 - 2030). Việc chia thành 2 giai đoạn nhằm đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu, tạo tiền đề để ngành Thuế triển khai thắng lợi toàn bộ Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030.

“Ngành Thuế sẽ tăng cường công tác cải cách hành chính, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu. Đồng thời, ngành Thuế xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.

II. Vấn đề về hải quan

4. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (19/4) có bài “Doanh nghiệp vẫn “khổ” vì thủ tục xuất nhập khẩu” cho biết: Theo báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tháng 3/2021 của Ban IV, một số phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ từ cuối năm 2020 tới nay, dù Thủ tướng Chính phủ đã giao các các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận, xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo lại Thủ tướng trong tháng 3/2021, tuy nhiên, quá trình xử lý này dường như còn chậm, hoặc các biện pháp, giải pháp, hồi đáp do các Bộ, địa phương đưa ra chưa tháo gỡ được bất cập, vướng mắc cốt lõi của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi nhiều phản ánh về các vấn đề đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật trong số đó vẫn là các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Cụ thể, trong triển khai hệ thống thuế (xuất, nhập khẩu) điện tử và quy trình xét duyệt hoàn thuế xuất, nhập khẩu, theo Công văn số 7373/TCHQ-TXNK ngày 19/11/2020 của Cục Thuế xuất nhập khẩu về việc triển khai Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (gọi tắt là hệ thống MGH), Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc việc xử lý miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa trên Hệ thống MGH kể từ ngày 23/11/2020.

Tới nay, hầu hết các Cục, Chi cục Hải quan đều đã áp dụng quy trình điện tử nêu trên. Tuy nhiên, vẫn còn một số Cục, Chi cục Hải quan như doanh nghiệp phản ánh là chưa áp dụng MGH, lại ở các khu vực có hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra với tần suất lớn, nên doanh nghiệp vẫn còn mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ giấy trong khâu thực thi. Từ đó, Ban IV cho rằng, Tổng cục Hải quan cần rà soát, đôn đốc tất cả các Cục, Chi cục Hải quan trên toàn quốc triển khai đồng bộ MGH để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp do kĩ thuật của phía các Cục, Chi cục Hải quan chưa đáp ứng hoàn toàn, thì có thể cân nhắc áp dụng song song cả hình thức bản giấy cũng như hệ thống điện tử, kèm theo đó là quá trình hướng dẫn, tập huấn chi tiết để cả lực lượng hải quan và doanh nghiệp dần chuyển tiếp được sang phương thức mới một cách hiệu quả.

5. Báo Tiền Phong (22/4) đưa tin “Giấu than lậu bên trong lô dăm gỗ xuất sang Lào” cho biết:  Chiều 21/4, ông Lê Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) thông tin về việc cơ quan này vừa phát hiện, bắt giữ xe chở than lậu được nguỵ trang dưới mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu sang Lào.

Cụ thể, qua công tác trinh sát, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã quyết định dừng lô hàng qua khu vực giám sát để khám phương tiện hàng hóa đối với xe ôtô biển số 74C-088.59 kéo rơ móc 74R-003.15 chở mặt hàng dăm gỗ tràm. Lô hàng trên chiếc xe được Chi nhánh Công ty TNHH Tổng hợp Phi Long, có địa chỉ 21A Lê Duẩn, Phường 2, thị xã Quảng Trị mở tờ khai xuất khẩu ngày 5/4/2021 (mở tờ khai 1 lần nhưng đi nhiều chuyến xe) và được bốc lên xe tại kho hàng ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Kết quả kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện dưới lớp dăm gỗ là hơn 24 tấn nghi than đá. Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời trưng cầu giám định hàng hóa vi phạm để có căn cứ xử lý.

III. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Sài Gòn giải phóng (22/4) có bài “Thị trường chứng khoán hút vốn ngoại từ quỹ mới” đưa tin: Thống kê từ các công ty chứng khoán, năm 2020, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 39.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 3 tháng đầu năm 2021, đà bán tiếp tục tăng khi khối ngoại bán ròng trên 18.500 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn trên thị trường.

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn rất triển vọng do sắp đón nhiều dòng vốn ngoại. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ công bố rút Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ cũng sẽ là động lực thu hút được nguồn vốn ngoại trở lại. Tuy nhiên, việc hệ thống giao dịch trên sàn HoSE quá tải vẫn là rủi ro hiện hữu. Nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE sớm giải quyết vấn đề này, giao dịch của khối ngoại sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

IV. Vấn đề về giá

7. Báo Công an nhân dân (22/4) có tin “Cải tiến công tác phát hành để giảm giá sách giáo khoa mới” cho biết: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại diện một số nhà xuất bản (NXB) về công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK), đồ dùng dạy học cho năm học mới.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã phê duyệt các bộ SGK lớp 2 và lớp 6 mới. Theo quy định của Luật Giáo dục, UBND các tỉnh, thành phố được quyền lựa chọn các bộ SGK nhưng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các NXB công khai các bản mẫu trên mạng và kêu gọi toàn bộ giáo viên xem xét, cho ý kiến về các bộ SGK.

Về giá của SGK mới, đại diện Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã báo cáo, phân tích về từng nguyên nhân làm tăng giá SGK, bao gồm chi phí biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành, tiếp thị, tập huấn. Đại diện Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT cũng cho biết các NXB cũng đã có sự trao đổi với Bộ Tài chính để có những bộ SGK tốt về mặt nội dung, hình thức thuận lợi hơn cho việc học của học sinh.

Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, đại diện một số bộ, ngành cũng thống nhất ứng dụng triệt để CNTT để cải tiến công tác phát hành. Nhờ đó, các NXB hoàn toàn có thể nắm được yêu cầu về SGK chính xác đến từng học sinh, đổi mới căn bản công tác phát hành. Nếu làm tốt việc này, hoàn toàn có thể tránh được tình trạng SGK giả và giảm dần tỉ lệ 23,5% chi phí phát hành sách trong cơ cấu giá SGK hiện nay.

V. Vấn đề về ngân sách nhà nước

8. Báo Đại đoàn kết (22/4) có bài “Miếng bánh 2.800 tỉ đồng khó chia ; báo Tuổi Trẻ (21/4) có bài “Giao vốn bảo trì đường sắt: Nhùng nhằng, thiếu trách nhiệm!”, các báo cho biết: Chỉ vì quan điểm khác nhau giữa các bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) mà vụ việc bị "đá qua đá lại". Từ đó, gần hết tháng 4 nhưng các doanh nghiệp ngành đường sắt vẫn chưa được giao vốn cho hoạt động bảo trì hạ tầng.

Cuối năm 2018, TCT ĐSVN được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Viện dẫn lý do vì doanh nghiệp không thuộc sự quản lý của mình nên Bộ GTVT cho rằng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, không giao vốn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp cho TCT ĐSVN như những năm trước đó. Từ đó, năm 2020 vốn không được giao sớm khiến doanh nghiệp thông báo nguy cơ phải dừng chạy tàu do không có tiền bảo trì. Cả Bộ GTVT và tổng công ty đều có các văn bản báo cáo lên Thủ tướng.

Vụ việc chỉ được tháo gỡ khi thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết số 41 (ngày 9-4) giao Bộ GTVT dự toán ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Năm nay chuyện lặp lại, Bộ GTVT không chịu giao vốn cho TCT ĐSVN nữa mà giao cho Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ. Cục Đường sắt Việt Nam "mời" 20 doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường sắt lên để giao vốn nhưng các doanh nghiệp từ chối nhận. Các doanh nghiệp này đều là công ty "con" của TCT ĐSVN.

Trước đó, ngày 15-12-2020, để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 10506, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Tài chính có ý kiến về pháp lý, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12-2020.

Đến ngày 22-1-2021, sau khi tổ chức cuộc họp với các bên liên quan, Bộ Tư pháp có văn bản số 193 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó thể hiện quan điểm khác nhau giữa các bộ. Cụ thể, viện dẫn Luật ngân sách nhà nước, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho rằng quy định Bộ GTVT phân bổ dự toán, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là phù hợp.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng phương án này không phù hợp với quy định của Luật đường sắt năm 2017 và nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Bộ Tư pháp kết luận "Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho TCT ĐSVN tổ chức thực hiện" là không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Tuy vậy, quan điểm trên của Bộ Tư pháp - đơn vị được Phó thủ tướng giao chủ trì phân xử - không được chấp thuận. Ngày 4-2, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục ban hành công văn số 908 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp".

Ngày 12-4, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản số 3149, do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký, gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TCT ĐSVN khẩn trương triển khai ký hợp đồng đặt hàng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Cục Đường sắt Việt Nam để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông đường sắt và chế độ cho người lao động.

Ngay trong ngày 12-4, TCT ĐSVN lại có công văn số 803 "kiến nghị khẩn" gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề cập rằng suốt từ năm 1955 đến nay là đơn vị 100% vốn nhà nước duy nhất được giao quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Tài sản đa số đã được xây dựng từ 50 - 140 năm qua, ít được đầu tư nâng cấp, phát triển nên chỉ có thể duy trì trạng thái kỹ thuật tối thiểu đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, những điều này vẫn không đủ “kéo” 2.800 tỉ đồng về cho TCT ĐSVN. Trong khi đường sắt ngày càng thêm khó khăn, có thể ví như người lâm trọng bệnh cần sớm được “truyền máu” để hồi phục.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00