Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 23/4/2021

Điểm báo ngày 23/4/2021

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Tuổi trẻ (23/4) có tin “Đề xuất áp thuế tài sản để chống “sốt” nhà, đất” đưa tin: Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư lướt sóng, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ và sốt nóng. Theo đó, cần áp mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh cũng phải chịu mức thuế suất luỹ tiến tuỳ theo số lượng nhà, đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng. HOREA cũng ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về việc xem xét ban hành thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất để tạo nguồn thu ổn định.

2. Báo Công an nhân dân (23/4) có tin “Cục Thuế TP HCM kiến nghị xử lý 4.219 tỷ đồng vi phạm về thuế” cho biết: Số liệu thống kê cho biết trong quý I/2021, Cục Thuế TP HCM đã thực hiện 3.650 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 11.838 hồ sơ kê khai thuế, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 3.494 doanh nghiệp, thanh tra trực tiếp tại 156 doanh nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế TP HCM đã kiến nghị xử lý số tiền vi phạm về thuế lên đến 4.219 tỷ đồng.

II. Vấn đề về hải quan

3. Báo Nhân dân (23/4) có bài “Hiệu quả từ cải cách thủ tục hành chính ở Hải quan Quảng Ninh” cho biết: Những năm qua, Cục Hải quan Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, chủ động đổi mới toàn diện các mặt công tác nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đặc biệt, Cục Hải quan Quảng Ninh đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về hải quan và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp; mở rộng hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN bảo đảm đúng lộ trình, an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

III. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

4. Báo Đầu tư (23/4) có bài “Không thể cứ đòi bảo toàn vốn ở các dự án thua lỗ” thông tin: Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)  cho biết, trong tháng 4/2021, các nguyên tắc xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sẽ được trình Chính phủ, làm cơ sở để doanh nghiệp yên tâm thực hiện, không đùn đẩy trách nhiệm. Đây là một phần nội dung quan trọng của Dự thảo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ Tài chính hoàn tất, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2021.

Các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, trì trệ ở đây không chỉ là 12 dự án vẫn hay được nhắc đến, mà gồm các dự án của doanh nghiệp nhà nước đã và sẽ thực hiện, nếu rơi vào tình trạng này sẽ có nguyên tắc xử lý, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, để lưu cữu kéo dài. Nguyên tắc được đề xuất là xử lý đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng người, đúng việc, tuân thủ nguyên tắc thị trường và không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý.

IV. Vấn đề khác

5. Báo Đầu tư (23/4) có bài “Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh chững lại” cho biết: Giới kinh doanh đang nhìn thấy dấu hiệu chững lại trong tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng nói là sự chững lại này không chỉ ở những lĩnh vực vốn khó cải thiện, mà ở cả những chỉ số đang có tốc độ bứt phá nhanh. Thủ tục hành chính thuế, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thủ tục về đầu tư – xây dựng có sự cải thiện liên tục nhờ sự vào cuộc của các cấp thực thi. Song những cải thiện này đang chậm hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, thậm chí không theo kịp nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến gia tăng mạnh trong năm 2020.

Các doanh nghiệp đang thấy những quy định, văn bản với nội dung “dễ cho cơ quan quản lý, khó cho doanh nghiệp”; đang thấy tính minh bạch trong chính sách thuế giảm đi, các khoản chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng tăng lên; tiếp cận vốn tín dụng trong năm 2020 gặp khó dù Chính phủ có khá nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

6. Báo Tiền Phong (23/4) đưa tin “Tắc vốn cho bảo trì đường sắt: Bộ GTVT nói gì?” cho biết: Sáng 22/4, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) có những chia sẻ liên quan vướng mắc trong việc giao hơn 2.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho bảo trì đường sắt năm 2021. Theo ông Minh, những thông tin Tổng Công ty Đường sắt (VNR) đưa ra vừa qua gây hiểu sai về bản chất sự việc nên cần thông tin lại cho rõ. Bộ GTVT luôn nỗ lực, nhưng thực tế còn nhiều vướng mắc liên quan quy định pháp luật vượt thẩm quyền của bộ. Từ năm 2019 về trước, VNR thuộc Bộ GTVT nên bộ giao vốn cho tổng công ty không gặp vướng mắc. Tuy nhiên, khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, việc giao vốn bảo trì năm 2020 bắt đầu phát sinh vướng mắc do liên quan Luật Ngân sách Nhà nước, khi bộ chỉ được giao vốn cho đơn vị trực thuộc. Đó cũng là lý do năm trước, Quốc hội và Chính phủ phải có nghị quyết chấp thuận Bộ GTVT giao vốn bảo trì cho VNR và yêu cầu từ năm 2021 thưc hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo đúng Luật Ngân sách, năm nay, Bộ GTVT đã giao dự toán cho Cục Đường sắt, nếu bộ giao VNR như các năm trước sẽ là trái luật.

Báo Tiền Phong cũng cho biết, chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về xây dựng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (dự thảo đề án). Theo ông Đông, dự thảo đề án đã được Bộ GTVT hoàn thành và trình Chính phủ năm 2019 và 2020, trên cơ sở các quy định pháp luật và góp ý của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa Bộ GTVT, Tài chính và Tư pháp về dự thảo đề án liên quan tới thời hạn giao hạ tầng đường sắt cho VNR và giao vốn bảo trì hằng năm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00