Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 29/4/2021

Điểm báo ngày 29/4/2021

I. Vấn đề nổi bật

1. Chiều ngày 28/4, Văn phòng phát đi TTBC về việc “Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đối với ngành Tài chính”, nhiều báo đã đưa tin về sự kiện này như: Vietnamplus (28/4) có bài “Bộ Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, báo Công Thương (28/4) có bài “Ngành Tài chính ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin”, báo Bnews (28/4) có bài “Ngành Tài chính xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2030”, báo Hà Nội mới (28/4) có bài “Ngành Tài chính xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2030”, báo Đảng cộng sản (28/4) có bài “Bộ Tài chính: 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến”…và nhiều báo khác cho biết: Tại buổi làm việc ngày 28-4 giữa Bộ Tài chính với Tập đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước mắt, ngành tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành, như trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định và đánh giá chính sách của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng cho biết ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước… và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành.

Phấn đấu đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo...

Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Tập đoàn FPT trình bày số đề xuất về chuyển đổi số trong ngành, như cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghiệp vụ đăng ký thuế,  tăng thu, chống gian lận, quản lý rủi ro, giám sát giao dịch chứng khoán, phòng chống tội phạm tài chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính…

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

2. Báo Lao động (29/4) có bài “Hết cửa gian lận xăng dầu khi có hoá đơn điện tử giám sát?” cho biết: Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là tình trạng bơm thiếu xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cuối năm 2016, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành thuế nghiên cứu, tham mưu giải pháp quản lý hiệu quả với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh phối hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai dán tem các cây xăng trên địa bàn tỉnh….

Tuy nhiên, để có giải pháp quản lý mặt hàng xăng dầu căn cơ, lâu dài, dựa trên nền tảng công nghệ, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hoá đơn, chứng từ trong đó quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải lập hoá đơn theo từng lần bán hàng và chuyển dữ liệu hoá đơn điện tử với các khách hàng theo từng ngày về cơ quan thuế. Song, Nghị định này và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, việc triển khai hoá đơn điện tử và chuyển dữ liệu hoá đơn điện tử về cơ quan thuế áp dụng từ ngày 1/7/2022 mà chưa thể triển khai từ thời điểm này, trong khi hoạt động kinh doanh xăng dầu còn tiềm ẩn những rủi ro, gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng, thất thu NSNN. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; trong đó, bô rúng quy định việc thực hiện hoá đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian chưa triển khai đồng bộ việc áp dụng hoá đơn điện tử với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, việc dán tem niêm phong với đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong năm 2021 là cần thiết. Tính đến cuối năm 2017, cơ quan chức năng đã triển khai dán tem niêm phong tại gần 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, với khoảng hơn 57.000 cột bơm xăng dầu trên cả nước. Giải pháp này đã mang đến những kết quả tích cực. Sản lượng tiêu thụ của các trụ bơm xăng dầu được dán tem tăng khoảng 10% so với khi chưa niêm phong, số thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu tăng khoảng 8%.

3. Báo Hà Nội mới (29/4) có bài “Lưu ý về quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020” cho biết: Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời hạn cuối quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020. Cục Thuế TP Hà Nội khuyến cáo người nộp thuế chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và quyết toán thuế đúng thời hạn quy định để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính. Bài viết tập trung vào một số điểm mới nổi bật trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 về mức giảm trừ gia cảnh; thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế; trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân; phương thức nộp hồ sơ quyết toán thuế….

III. Vấn đề về quản lý giá

4. Báo Thanh niên (29/4) có bài “Giá hàng hóa tăng vọt, nguy cơ lạm phát lên cao” cho biết: Từ sắt thép, thức ăn chăn nuôi đến giá nhà đất đều nhảy vọt trong 4 tháng đầu năm nay khiến áp lực lên lạm phát ngày càng tăng.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đến nhiều tài sản đều lần lượt tăng giá. Một số chuyên gia cho rằng, nguy cơ lạm phát cao là có nhưng diễn ra ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Nhưng khả năng lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ cao hơn năm vừa qua do nhu cầu dịch vụ, du lịch và nhiều sản phẩm tăng giá mạnh từ đầu tháng 4 trở đi cũng như chi phí giáo dục năm nay cũng sẽ tăng.

Cũng nhận định áp lực lên lạm phát đang gia tăng theo giá hàng hóa, nhưng TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, đánh giá nguy cơ này của Việt Nam chưa quá lớn do Việt Nam vừa chịu tác động từ thị trường thế giới như giá năng lượng, xăng dầu nhưng cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm tiêu dùng. Do đó chi phí đẩy không quá lớn. Trong khi đó, chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt, kinh tế hồi phục khá nên sức ép gây nên lạm phát cao chưa nhiều. Đồng thời, dư địa về chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam vẫn còn lớn để Chính phủ có thể kiểm soát. Nhưng TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: Dù nguy cơ về lạm phát chưa quá cao đối với Việt Nam nhưng cũng không thể chủ quan. Quan trọng nhất là các chính sách kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp phải được hướng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không để chảy vào bất động sản. Đầu cơ tài sản sẽ làm tăng rủi ro và phí tổn cho nền kinh tế khi chi phí cho khu vực sản xuất bị đội lên.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00