Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/5/2021

Điểm báo ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 05/5/2021

I. Vấn đề nổi bật

1. Chiều 4/5, Bộ Tài chính phát thông tin báo chí về một số vấn đề báo chí, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong tháng 4/2021. Nhiều báo đã có tin, bài viết liên quan đến các nội dung đề cập tại thông tin báo chí này. Trong đó, đáng chú ý là các bài viết liên quan đến lĩnh vực thuế, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý giá.

Về lĩnh vực bảo hiểm, Zingnews có bài “Bộ Tài chính nói gì về việc ngân hàng ép khách vay vốn mua bảo hiểm?”; Bnews – TTXVN có bài “Bộ Tài chính yêu cầu xử lý các trường hợp ​ép buộc khách hàng mua bảo hiểm” và một số báo khác đưa tin: Liên quan đến tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm. Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng…

Về lĩnh vực chứng khoán, báo Hà Nội mới có bài “Giải quyết triệt để nghẽn lệnh chứng khoán với phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin”; Tài chính doanh nghiệp có bài “Huy động vốn trái phép, các Công ty chứng khoán MB, VNDirect bị “tuýt còi””; Chinhphu.vn có bài “Xử lý các công ty chứng khoán biến tướng huy động vốn”; VTV.vn có bài “Bộ Tài chính nói gì về việc công ty chứng khoán "biến tướng" huy động vốn?” cho biết: Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán VNDirect báo cáo, giải trình về việc huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước, dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi… Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu MBS dừng thực hiện dịch vụ. Đối với VNDirect, Bộ Tài chính sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.

Liên quan đến xử lý tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE, Bộ Tài chính cho biết, việc nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đại đa số nhà đầu tư trên thị trường, có lợi cho tổng thể thị trường. Nhà đầu tư có thể thỏa thuận với các công ty chứng khoán để bán các cổ phiếu lô lẻ (nếu có). Hiện nay, Bộ Tài chính (UBCKNN) chưa có phương án tiếp tục nâng lô giao dịch. Sau khi phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoàn tất và đi vào hoạt động, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ sớm khôi phục môi trường đầu tư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư và thành viên thị trường.

Về lĩnh vực thuế, báo Hà Nội mới có bài “Sẽ nghiên cứu đề xuất đánh thuế ngăn chặn đầu cơ bất động sản”; Tuổi trẻ có bài “Phản hồi HoREA, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất đánh thuế để ngăn đầu cơ bất động sản”; Vietnamplus có bài “Bộ Tài chính lên tiếng trước đề xuất thay đổi cách thu thuế và tiền sử dụng đất của HoRea”; Bảo vệ pháp luật có bài “Bộ Tài chính trả lời thông tin bỗng dưng thành giám đốc, nợ thuế cả tỉ đồng”; VOV có bài “Giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi”; Người lao động có bài “HoREA đề xuất loạt giải pháp thuế chặn sốt đất, Bộ Tài chính nói gì?”; Hà Nội mới có bài “Bộ Tài chính: Đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết” và nhiều báo khác đưa lại thông tin của Bộ Tài chính trả lời báo chí về chính sách thuế bất động sản; giảm phí trong lĩnh vực chăn nuôi; phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; việc quản lý nợ thuế…

II. Vấn đề về thuế, phí

2. Báo Vietnamnet (5/5) có bài “Quy định bất khả thi: Các bộ 'vênh' nhau, doanh nghiệp mắc kẹt”, Báo Tuổi trẻ (4/5) có bài “Đột ngột' dừng hoàn thuế, doanh nghiệp đầu tư ngành điện kêu cứu” cho biết: Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư điện gió đang vấp phải khó khăn khi bị cơ quan thuế dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Mới đây, nhiều doanh nghiệp ngành điện khác tiếp tục phản ánh về vấn đề này. Vì thế, doanh nghiệp đề nghị xem xét có chính sách điều chỉnh Luật thuế giá trị gia tăng theo hướng điều chỉnh điều kiện hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT khi chưa có giấy phép theo hướng "cho phép các dự án được hoàn thuế GTGT khi đã ký hợp đồng mua bán điện, thay vì phải có giấy phép hoạt động điện lực".

Một doanh nghiệp thủy điện cũng cho hay: Vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 470/TCT-KK ngày 25/2/2021 về việc rà soát, thu hồi hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư ngành điện nộp hồ sơ trước thời điểm có Giấy phép hoạt động điện lực. Qua các buổi làm việc và trao đổi với Cục Thuế tỉnh yêu cầu truy thu số thuế GTGT đã được hoàn, đồng thời phạt tính trên số tiền thuế truy thu; phạt tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính từ ngày được hoàn thuế. Số tiền hoàn thuế này đã được cơ quan quản lý thuế kiểm tra trước và sau hoàn. Nếu thực hiện truy thu và phạt số tiền như trên sẽ gây ra ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động của dự án, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và hàng loạt cơ quan liên quan, Hiệp hội năng lượng Việt Nam viện dẫn và cho rằng, các quy định về hoàn thuế GTGT để hỗ trợ dự án trong giai đoạn đầu tư đã được ban hành không áp dụng được đối với các dự án ngành điện, không đạt được mục đích, tinh thần điều chỉnh của chính sách về hoàn thuế GTGT.

Liên quan đến kiến nghị của hai chủ đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2, tại văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nêu quan điểm về “giấy phép điện lực” như yêu cầu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Bộ Công Thương cho hay dự án BOT Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 đã tuân thủ quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian xây dựng và đã được cơ quan thuế hoàn thuế nhiều lần. Hợp đồng BOT của các dự án này được Chính phủ cam kết và bảo lãnh nên việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, tiến độ vận hành thương mại và sự thành công của dự án. Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng như vậy có thể dẫn tới thủ tục pháp lý, trách nhiệm của Chính phủ trong đảm bảo dự án. Vì vậy, bộ này đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hoàn thuế cho các dự án.

Về nội dung này, đề nghị Tổng cục Thuế nghiên cứu, báo cáo Bộ, đồng thời bổ sung vào tài liệu họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

3. Lao động (05/5) có tin “Các gói hỗ trợ phải tính đến tác động cộng hưởng, đa chiều” cho biết: Tưởng chừng khó khăn phần nào đã được giảm thì bất ngờ làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 lại ập đến khiến cuộc sống người dân phần nào bị thay đổi, DN khó lại càng thêm khó khăn. Dù Chính phủ đã và đang có những gói hỗ trợ cho người dân, DN nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các gói hỗ trợ phải tính đến bản chất, tác động cộng hưởng, đa chiều.

Một loạt các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí với nhiều mức giảm sâu, trực tiếp cho các DN bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Số lượng DN được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ lên đến 93% tổng số DN. Các hình thức ưu đãi thuế cũng khá đa dạng về thuế suất thuế TNDN; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế XNK…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các chính sách của Chính phủ, bộ ngành là rất hợp lý. Muốn cho DN “sống lại” ngay trong và sau dịch, phải tiếp tục giãn thuế, phí giúp DN có nguồn tiền trang trải vượt qua khó khăn. Việc giãn thuế là yếu tố cực kỳ tích cực.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, đúng là Bộ Tài chính ở vào thế khó khi vừa phải đảm bảo nhiệm vụ thu NSNN theo mục tiêu đề ra, vừa phải có giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho DN. Trên thực tế, phải thấy rằng các gói hỗ trợ qua chính sách tài khóa, tiền tệ… không phải là thuốc thần và không thể cứu hết DN gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách còn hạn chế trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, yếu tố tự thân của DN cũng hết sức quan trọng.

4. Báo Hà Nội mới (4/5) có bài “Thông thoáng ngày cuối cùng quyết toán thuế thu nhập cá nhân” cho biết: Theo ghi nhận tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội vào ngày cuối cùng quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020, người nộp thuế đến thực hiện các thủ tục quyết toán thuế thuận lợi, thông thoáng, không xảy ra hiện tượng ùn tắc. Tính đến sáng 4-5, Cục Thuế Hà Nội và các chi cục thuế đã tiếp nhận 98,2% hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế so với số lượng hồ sơ dự kiến; trong đó, trên 60% số hồ sơ được người nộp thuế nộp qua phương thức điện tử và không phải đến cơ quan thuế.

5. Báo Đại đoàn kết (5/5) có tin “Bán hàng online phải nộp 3 loại thuế” thông tin: Cục Thuế Hà Nội cho biết, theo Nghị định 139/2016/NĐ- CP quy định, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ áp dụng mức lệ phí môn bài từ 300.000 đồng đến một triệu đồng. Cá nhân bán hàng không thường xuyên, địa điểm không cố định hoặc có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp lệ phí môn bài. Cá nhân bán hàng online nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, phải nộp thuế TNCN với mức 0,5%. Thuế này được tính theo tháng, có thể kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm. Trường hợp cá nhân không xác định được doanh thu, cơ quan có thẩm quyền sẽ ấn định để xác định số thuế phải nộp.

6. Báo Đầu tư (5/5) có bài “Chính sách thuế không được gây khó cho doanh nghiệp” đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng quy định cũ (trước năm 2014) về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạo ra kẽ hở để không ít doanh nghiệp lợi dụng bằng cách chỉ tạm nộp thuế TNDN theo quý lấy lệ rồi nộp dồn vào cuối năm. Vì vậy, hướng dẫn quản lý thuế được Bộ Tài chính sắp ban hành sẽ khắc chế được tình trạng doanh nghiệp chỉ tạm nộp lấy vì. Tuy nhiên, việc quản lý mới này lại phát sinh ra tình trạng khác đó là nếu làm cứng nhắc sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp bị nộp tiền chậm nộp.

Do vậy, theo bà Cúc, cơ chế này chỉ thích hợp cho những doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ thì cần tìm ra cơ chế linh hoạt khác, vì trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ chiếm tuyệt đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng đóng góp không đáng kể so với doanh nghiệp vừa và lớn.

III. Vấn đề về hải quan

7. Báo Pháp luật Việt Nam (5/5) có bài “Ngành Hải quan đẩy mạnh chiến dịch “Con rồng Mê Kông 3” cho biết: Để chủ động kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép ma tuý, động thực vật hoang dã, các đường dây tội phạm xuyên quốc gia… Tổng cục Hải quan mới đây đã ban hành công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch Con rồng Mê Kông 3.

Chiến dịch con Rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9/2018 và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật lớn từ Văn phòng Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp quốc và Văn phòng Liên lạc tình báo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới cũng như sự tham gia của cơ quan hải quan 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông trong đó có Việt Nam. Với sự nỗ lực của các thành viên, kết quả đấu tranh giai đoạn 1, 2 của con Rồng Mê Kông đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận….

IV. Vấn đề về NSNN

8. Báo Nhân dân (5/5) đưa tin “Bốn tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 468 nghìn tỷ đồng” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, đến hết 4 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 468 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% so dự toán, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu trong nước ước đạt 457 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ. Cả ba khu vực kinh tế quan trọng đều có sự tăng trưởng so cùng kỳ và đạt tiến độ thu khá so với dự toán.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00