Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/5/2021

Điểm báo ngày 06/5/2021

I. Vấn đề tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ

1. Bnews.vn (5/5) có bài “Hỗ trợ 115.000 tỷ đồng giãn, hoãn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp”, Báo điện tử Lao động (5/5) có bài “Chính phủ gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021 khoảng115.000 tỉ” thông tin: Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều ngày 5/5, trả lời câu hỏi về gói hỗ trợ tiếp theo gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đối với doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định về gia hạn thuế đó là Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Tuổi trẻ (6/5) có bài “Đánh thuế tài sản, nhẹ gánh cho người mua nhà”; Đại đoàn kết (6/5) có bài “Chặn sốt bất động sản bằng thuế suất” cho biết: Hiệp hội bất động sản TP HCM đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng mang dấu hiệu đầu cơ, lướt sóng và đánh thuế tài sản nhằm ổn định thị trường bất động sản. Bộ Tài chính khẳng định đang nghiên cứu để thúc đẩy. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Chính phủ và các địa phương cần áp dụng những công cụ mạnh để triệt tiêu động lực của giới đầu tư (tổ chức và cá nhân) đang làm thị trường bất động sản sốt ảo. Thuế tài sản sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó thị sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường. Về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thực tế, việc đầu cơ hiện nay khiến nhiều nhà đất để không, lãng phí.

Bài “Đủ dữ liệu để đánh thuế tài sản với nhà đất” cho biết: Hiện có rào cản lớn trong đánh thuế tài sản nhưng theo nhiều chuyên gia, có thể giải quyết được. Về những lo ngại thiếu cơ sở dữ liệu nhà đất để áp thuế tài sản, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn phân tích chính sách tài sản, Học viện Tài chính khẳng định nhiều nước đã làm và Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để đánh thuế tài sản. Bộ Tài chính đã 2 lần trình đề án thu thuế tài sản ra Quốc hội nhưng chưa được thông qua.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc đánh thuế tài sản đã được Chính phủ họp bàn và có Nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu nhiều năm qua nhưng đến nay chưa thể thực hiện. Thuế tài sản có ý nghĩa điều tiết thị trường bất động sản, tuy nhiên, việc áp thuế tài sản hiện gặp nhiều khó khăn khi người Việt còn nặng văn hoá sở hữu tài sản nhà đất.

3. Thanhnien.vn (6/5) có bài “Bỗng dưng làm giám đốc công ty ma nợ thuế cả tỉ đồng: Ngành thuế và công an vào cuộc giải quyết” cho biết: Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết ngành thuế đã phối hợp với công an gửi thư mời đến anh N.V.T (ảnh - 29 tuổi, quê Quảng Bình, tạm trú Bà Rịa-Vũng Tàu), người đã phản ánh tới Báo Thanh Niên việc mình “bỗng dưng làm giám đốc công ty ma nợ thuế cả tỉ đồng” mà anh không hề hay biết. Liên quan đến vụ việc này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 21.2.2017, theo dữ liệu từ Sở KH-ĐT TP.HCM truyền về hệ thống quản lý thuế TMS, Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại vận tải Mai Hương (Công ty Mai Hương) có đăng ký thay đổi thông tin người đại diện pháp luật từ bà Nguyễn Thị Hương, CMND số 024863xxx cấp ngày 6.12.2007 tại Công an TP.HCM, sang ông N.V.T, CMND số 194485xxx cấp ngày 12.3.2009 tại Công an Quảng Bình.

Về công tác quản lý thuế, theo Bộ Tài chính, ngày 7.6.2017, Chi cục Thuế khu vực Q.7 - H.Nhà Bè (TP.HCM) đã ban hành thông tin về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đối với Công ty Mai Hương, đồng thời gửi thông tin đến Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.7.

Hiện tại, Công ty Mai Hương còn nợ tiền thuế hơn 1,5 tỉ đồng (phát sinh từ lúc bà Nguyễn Thị Hương còn làm đại diện pháp luật). Chi cục Thuế khu vực Q.7 - H.Nhà Bè đã tiến hành cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp đề nghị Sở KH-ĐT TP.HCM thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Vẫn theo Bộ Tài chính, ngày 7.4.2021, Chi cục Thuế khu vực Q.7 - H.Nhà Bè đã làm việc với cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an TP.HCM liên quan đến việc đăng ký và kê khai thuế của Công ty Mai Hương, đồng thời liên lạc với anh N.V.T qua điện thoại nhưng chưa xác định được ngày làm việc trực tiếp. Chi cục thuế cũng đã ban hành thư mời đối với anh T. làm việc về nội dung liên quan đến Công ty Mai Hương.

III. Vấn đề về chứng khoán

4. Sài gòn giải phóng (6/5) có tin “Thổi còi” 2 công ty chứng khoán huy động vốn sai quy định” cho biết: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản yêu Công ty Chứng khoán (MBS) và Công ty Chứng khoán VNDirect (DMONEY) báo cáo, giải trình về thông tin đã huy động vốn của nhà đầu tư không đúng quy định; đồng thời yêu cầu dừng thực hiện các dịch vụ này. Những dịch vụ mà 2 công ty này đưa ra là “dịch vụ tiết kiệm tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng và “Hợp tác kinh doanh chứng khoán” đều không phù hợp với giấy phép kinh doanh của 2 công ty.

IV. Vấn đề về DNNN

5. Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Thế giới (1/5) có bài “Cổ phần hóa DNNN: Lộ trình và thách thức trong 5 năm tới” cho biết: Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020 còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy, ở giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025 số lượng doanh nghiệp cần cổ phần vẫn còn rất lớn. Tính trung bình mỗi tháng sẽ phải cổ phần hóa hơn một doanh nghiệp, đây có thể là một thách thức không nhỏ trong 5 năm tới đây của các bộ ngành có liên quan.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa còn chậm là do một số cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo đầy đủ thủ tục, cơ sở pháp lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Bộ Tài chính hiện đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai quyết liệt các đề án cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng một cách chủ động trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, cũng như sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

V. Vấn đề khác

6. Báo Pháp luật Việt Nam (06/5) có bài “Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước: Kỷ luật tài chính – việc không thể “lơi tay” cho biết: Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì một cuộc làm việc với các đơn vị phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ quản lý thu ngân sách như Thuế và Hải quan,… bởi theo tân Bộ trưởng, cân đối ngân sách là nhiệm vụ tối quan trọng, với yêu cầu không chỉ hoàn thành dự toán thu mà đồng thời phải đảm bảo tiết kiệm chi trong quản lý, điều hành. Theo Bộ trưởng, trong quản lý, điều hành ngân sách việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính là việc làm thường xuyên, liên tục. Để làm tốt điều này cần quan tâm 3 vấn đề cốt lõi. Đầu tiên, con người phải liêm chính, tận tụy, trách nhiệm và chuyên nghiệp. Thứ hai, quy trình thủ tục hành chính phải thông thoáng, phải phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, cho người nộp thuế, cho đơn vị thụ hưởng ngân sách. Thứ ba, phải ứng dụng triệt để công nghệ cao trong hoạt động nghiệp vụ.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ quản lý điều hành ngân sách đảm bảo bội chi ngân sách trong giới hạn mà Quốc hội quy định (không vượt quá 4%). Để hoàn thành nhiệm vụ này phải vừa tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển và phải tăng thu ngân sách. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ đang giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ quay vòng vốn. Vì thế, quan điểm của Bộ Tài chính là tăng thu đối với các khoản tiềm năng chứ không tăng thuế suất; đồng thời không để sót đối tượng thu.

7. Tuần tin tức (6/5) có bài “Nguyên liệu ván bóc đang chảy máu” cho biết: Chi hội gỗ dán vừa có văn bản gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính có biện pháp kiểm soát chặt giá mặt bằng ván bóc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách ồ ạt với giá rẻ hơn rất nhiều mặt bằng giá nguyên liệu trong nước.          Mối lo đi kèm với việc xuất khẩu ồ ạt nguồn nguyên liệu còn ở nguy cơ thất thu ngân sách. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, sẽ có kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng… với giá FOB tối thiệu 160 USD/m3 đối với ván bóc sản xuất từ cao su giá FOB tối thiểu 200 USD/m3.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00