Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 07/5/2021

Điểm báo ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 07/5/2021

I. Vấn đề nổi bật

1. Ngày 6/5, tại UBND phường Lê Lợi và UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia các Hội nghị tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức. Các báo đã đưa tin về sự kiện này như: , Bnews (06/5) có bài “Đảm bảo nguồn tài chính cho các dự án đầu tư trọng điểm”, báo Đảng cộng sản (06/5) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Bình Định”, báo Đại biểu nhân dân (06/5) có bài “Bộ Tài chính sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch”, báo Đại đoàn kết có bài “Tập trung đảm bảo cân đối ngân sách, giữ bội chi, tăng chi cho đầu tư”, báo Pháp luật Việt Nam (07/5) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri”, báo điện tử Bình Định (06/5) có bài “Chương trình hành động của 13 ứng cử viên ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh”, hệ thống các cơ quan báo chí tuyên truyền ngành Tài chính và một số báo khác cho biết: Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin sơ lược về quá trình công tác của mình, về cơ cấu chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nhiều lĩnh vực quan trọng có tầm ảnh hưởng bao quát, tác động trực tiếp tới nền kinh tế - xã hội đất nước, như ngân sách nhà nước (NSNN), thuế, phí, lệ phí, dự trữ nhà nước, tài sản công, kho bạc, hải quan, kế toán, giá, chứng khoán, bảo hiểm... Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó kịp thời động viên, huy động được các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để sử dụng có hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định các cân đối vĩ mô của đất nước.

Thông tin thêm đến cử tri, Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Tài chính mới đây nhất đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021 cho nhiều đối tượng doanh nghiệp; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chi hơn 12 nghìn tỷ đồng mua vaccine phòng chống dịch COVID-19; trình cơ chế mới cho các đơn vị sự nghiệp công lập…

Về quản lý ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung đảm bảo cân đối ngân sách, giữ bội chi, tăng chi cho đầu tư, đảm bảo chi cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đảm bảo nguồn cho các dự án đầu tư trọng điểm, có tính đột phá, thúc đẩy tăng trưởng.

Tại các Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trình bày chương trình hành động, trách nhiệm của mình nếu trung cử đại biểu Quốc hội khó XV. Chương trình hành động của Bộ trưởng tập trung vào việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư. Bộ trưởng sẽ cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, tăng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng…

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2025 Bộ trưởng hứa sẽ nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, người đại biểu của nhân dân và chương trình hành động đã đề ra.

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện cử tri bày tỏ tin tưởng đối với những chương trình hành động của các vị ứng cử đại biểu Quốc hội. Các cử tri cũng gửi gắm một số vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, như: giáo dục, giao thông, kinh phí phụ cấp cho cán bộ thôn xóm, tổ tự quản...

II. Vấn đề về thuế, phí

2. Thanhnien.vn (6/5) có bài “Vì sao làm công ăn lương đóng thuế thu nhập cá nhân cao nhất?” cho biết: Trong văn bản trả lời một số thắc mắc của báo chí xoay quanh chính sách thuế mới đây, Bộ Tài chính cho rằng, pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế với các mức thuế suất và cách tính thuế khác nhau. Trong đó, duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35%, còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Đối với hoạt động kinh doanh áp dụng theo biểu thuế toàn phần chi tiết theo từng lĩnh vực ngành nghề, trong đó ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số) chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%, thuế TNCN 2% và tổng cộng hai loại thuế là 7%.

Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nếu so sánh mức thuế của cá nhân kinh doanh là 7% với mức thuế bậc cao nhất của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (35%) là không phù hợp, bởi vì khoảng 90% cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công chỉ ở mức bậc 1 và bậc 2 (5% -10%). Ngoài ra, mức thuế suất toàn phần đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân cần phải tương đồng với mức thuế suất của doanh nghiệp có cùng loại hình kinh doanh là phù hợp, không thể so sánh với thu nhập từ tiền lương, tiền công để áp dụng biểu lũy tiến. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế TNCN.

3. Báo Pháp luật Việt Nam (7/5) có bài “Đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do nhà nước đầu tư” cho biết: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm các đoạn TP HCM-Trung Lương; La Sơn - Tuý Loan (Huế); Nội Bài – Nhật Tân (Hà Nội) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công. Bài báo dẫn phân tích và lý giải của Bộ Tài chính về đề xuất trên. Bộ Tài chính khẳng định việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, phối hợp với Bộ GTVT để đề xuất cơ chế thu phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

4. Đầu tư (7/5) có bài “Có thể quản lý bất động sản bằng chính sách thuế?” cho biết: Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi hiện nay ngân sách phụ thuộc vào đất đai quá lớn, trong khi thị trường bất động sản lại đóng góp vào ngân khố quốc gia rất ít. Nhiều chuyên gia cho rằng Quốc hội cần sớm thông qua Luật Thuế tài sản để đảm bảo sự công bằng theo đúng nguyên tắc người giàu, sở hữu nhiều nhà đất có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp lớn hơn vào ngân sách nhà nước và để tránh lãng phí đất đai.

III. Vấn đề về hải quan

5. Baotintuc.vn (6/5) có bài “Hải quan phát hiện 42 vụ gian lận, giả mạo C/O ghi nhãn hàng hóa” cho biết: Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Hùng Anh cho biết: Triển khai Kế hoạch 1195/KH-BTC đến nay, hải quan đã phát hiện 42 vụ việc liên quan đến giả mạo chống gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, cơ quan hải quan đã ra quyết định khởi tố vụ án 2 vụ, chuyển tin báo về tội phạm và cung cấp hồ sơ vụ việc cho cơ quan an ninh điều tra 1 vụ.

Để kiểm soát hành vi gian lận C/O, trong thời gian tới, hải quan tiếp tục tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận C/O và chuyển tải bất hợp pháp như: gỗ dán, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, gạch men, lốp xe tải và xe khách, ống đồng, bánh xe thép, vỏ bình ga, gim đóng thùng...

IV. Vấn đề về ngân sách

6. Báo Pháp luật Việt Nam (7/5) có bài “Kinh tế khởi sắc, thu ngân sách tăng gần 6% so với cùng kỳ” cho biết: Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 468.088 tỷ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 11.993 tỷ đồng, bằng 51,7% dự toán. Thu nội địa ước đạt 456.095 tỷ đồng, bằng 41% dự toán, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu - chi của Ngân hàng nhà nước ước đạt 361.270 tỷ đồng, bằng 41% so với dự toán, bằng 113% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu từ cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu NSNN đạt khá là do tình hình kinh tế quý I/2021 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thu 4,48% tương đương với quý IV/2020. Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao trước dịp Tết nguyên đán đã tạo đà cho kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng đầu năm 2021…

V. Vấn đề về DNNN

7. Đầu tư (7/5) có bài “Chuyện gì đang xảy ra?” cho biết: Trong khi nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp tục ghi dấu ấn rõ nét và đáng kể trong nền kinh tế thì các doanh nghiệp nhà nước vẫn loay hoay với nỗi lo làm thế nào để không sai và câu hỏi khó nhất là ai chịu trách nhiệm? Trong hội thảo về cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến đã khẳng định rằng chúng tôi xác định, quy định phải rõ để không ai sợ trách nhiệm, không ai trốn tránh trách nhiệm và cũng vì sợ sai mà không làm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00