Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/5/2021

Điểm báo ngày 10/5/2021

  1. Vấn đề nổi bật

1. Sáng 7/5/2021, tại Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV dự Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, tại trường Đại học Quy Nhơn, TP. Quy Nhơn. Các báo đã đưa tin về sự kiện này như: Thông tấn xã Việt Nam (07/5) đăng tải phóng sự ảnh “Bầu cử QH và HĐND: Bộ trưởng  Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Bình Định”, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (07/5) phát phóng sự “Bộ trưởng Tài chính tiếp xúc cử tri tại Đại học Quy Nhơn”, báo Chính phủ (07/5) có bài “Bộ trưởng Tài chính trao đổi nhiều băn khoăn về tài chính cho giáo dục”, báo Đại biểu nhân dân (07/5) có bài “Cải cách bộ máy để có nguồn tăng lương giáo viên”, báo Đại đoàn kết (07/5) có bài “Dự toán chi lương cho giáo viên năm sau cao hơn năm trước”, báo Đảng cộng sản (07/5) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Gỡ bỏ các rào cản góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, hệ thống các cơ quan báo chí tuyên truyền ngành Tài chính và một số báo khác cho biết: Một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thực hiện tại buổi tiếp xúc cử tri tại Đại học Quy Nhơn, Bình Định là giải đáp các câu hỏi, vướng mắc, kiến nghị của cử tri. 

Một số câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc như: kiến nghị miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành; thực hiện danh mục các công trình công nghệ cao theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách cải cách tiền lương để giáo viên đủ sống bằng tiền lương của mình; tự chủ đại học; đầu tư của nhà nước để nâng cao chất lượng giáo viên…

Về câu hỏi chính sách cải cách tiền lương để giáo viên đủ sống bằng tiền lương của mình, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã quy định cụ thể về vấn đề này. Dự toán chi lương cho giáo viên năm sau luôn cao hơn năm trước, đến năm 2024 là 120.000 tỷ đồng; năm 2025 là khoảng 150.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình cho rằng, mặc dù ngân sách đã bố trí nguồn chi nhưng lương cho giáo viên không phải là cao, muốn tăng mức sống cho cán bộ giáo viên, cần phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy để tiết kiệm, có nguồn chi cho người lao động.

Liên quan đến những trăn trở về câu chuyện đầu ra cho sinh viên sư phạm, theo người đứng đầu ngành tài chính, cần xác định đào tạo theo cơ chế đào tạo - đặt hàng; cân đối lại tỉ lệ giáo viên và nhu cầu. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi đó là muốn giải quyết việc làm cho sinh viên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, từ đó sẽ giải quyết việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Nếu trở thành ĐBQH của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, sẽ tập trung giải quyết những nút thắt, khó khăn, những vấn đề còn là lực cản cho sự phát triển, vấn đề cử tri yêu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

  1. Vấn đề về thuế

2. Báo Đại đoàn kết (08/5) có bài “Triển khai nhanh các gói hỗ trợ” cho biết: Năm 2020, để xử lý các khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP để giảm, giãn và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đây là những ưu đãi về thuế rất hữu ích đối với DN.  Tuy nhiên theo đánh giá chung các ưu đãi này chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Có nhiều DN không nộp hồ sơ xin gia hạn thuế đất, cũng như phàn nàn DN không kinh doanh, không lợi nhuận thì lấy thuế đâu mà đóng. Đến thời điểm này, dịch bệnh thêm một lần nữa làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lại tiếp tục khó khăn. Do vậy các chính sách an sinh xã hội cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, việc giãn, giảm thuế nếu có chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít DN không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các DN đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế thu nhập còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đảm bảo hiệu quả, việc xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi thuế phải có chọn lọc, có trọng điểm, minh bạch và đơn giản dựa trên nguyên tắc thị trường và phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Báo Hà Nội mới (08/5) có bài “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” cho biết: Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách, ngay sau khi Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 được ban hành, Tổng cục Thuế có công điện yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế để sớm đưa Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ vào cuộc sống; qua đó, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, đây là giải pháp cần thiết, giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh đã và đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, đây là chính sách cần thiết, cho thấy Chính phủ tiếp tục lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp. Với chính sách này, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, mà không phải đi vay và trả lãi vay.

4. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (6/5) có bài “Thuế cho thuê nhà nên thế nào?” cho biết: Khi Cục Thuế TPHCM có tờ trình tham mưu về chống thất thu thuế với việc cho thuê căn hộ, các chiêu thức né thuế và các giải pháp hoá giải được đăng tải trên báo chí để các bên cùng trao đổi. Bên nào cũng có nỗi lòng: cơ quan thuế không muốn bị thất thu, bên đóng thuế thì cho rằng quy định thuế 10% như hiện nay là cao.

Tác giả phân tích và cho rằng, ở Việt Nam có lẽ nên lựa chọn hoặc nhập vào thuế thu nhập cá nhân, hoặc chuyển sang hình thức doanh nghiệp. Tuỳ trường hợp cụ thể mà chủ sở hữu lựa chọn hình thức phù hợp với mình. Hiện nay, phần lớn chủ cho thuê nhà hay căn hộ nộp thuế dưới dạng hộ kinh doanh cá thể, tổng cộng là 10% doanh thu, trong đó 5% thuế GTGT và 5% thuế TNCN với thu nhập cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Có điều, mức thuế khoán 10% thì chủ tài sản không được khấu trừ các chi phí, cũng như GTGT đầu vào. Do đó, nếu tính vào thu nhập cá nhân để chịu thuế TNCN với mức giảm trừ gia cảnh hiện nay (132 triệu đồng/người/năm) thì những người có thu nhập chính từ việc cho thuê nhà nhưng tiền thuê không cao. Nhưng với người có thu nhập cao, có thêm thu nhập từ việc cho thuê nhà, việc coi thu nhập từ tiền cho thuê là thu nhập cá nhân hay thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách. Đây cũng là lý do thêm vào việc nhiều ý kiến cho rằng loại hình hộ kinh doanh cá thể đã lạc hậu. Thay vào đó, chuyển tất cả các hình thức sản xuất kinh doanh sang doanh nghiệp, rồi trong đó chia thành nhiều hình thức doanh nghiệp khác nhau. Với doanh nghiệp siêu nhỏ thì cần có những hình thức quản lý giản đơn nhất có thể dựa vào doanh thu hằng năm.

Để chính sách thuế đi vào cuộc sống, cần cho người đóng thuế thấy được tiền thuế của họ được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, công bằng. Nhà nước tổ chức việc thu thuế thế nào để người nộp thuế có nhiều sự lựa chọn, phù hợp hoàn cảnh và mục tiêu ưu thế của họ. Quan trọng nữa là giám sát việc thu thuế hiệu quả, đảm bảo minh bạch, công bằng.

5. Báo Tuổi trẻ (8/5) có bài “Tính thuế tài sản thứ hai: Người ít tiền sớm thoát cảnh nhà thuê trọ?” đặt vấn đề: Trong khi những người có hơn một căn nhà, căn thứ hai sẽ để cho thuê. Nếu đánh thuế tài sản thứ hai, không loại trừ khả năng đưa vào giá cho thuê và cuối cùng người thuê phải chịu. Việc đánh thuế đất trước mắt sẽ khiến đất lên giá khi gánh cả thuế. Bao giờ lợi ích mới đến tay người chưa có nhà đất? Điều người nghèo cần là cơ hội được mua nhà sớm nhất với mức giá phù hợp. Nhà nước làm được điều này chính là cách ngăn đầu cơ đẩy giá nhà lên cao. Bình Dương, Đồng Nai,… đã xây nhà giá rẻ từ 400-800 triệu đồng, đáp ứng thu nhập số đông người dân. Cách làm này cần được nhân rộng….

6. Báo Tuổi trẻ (10/5) có bài “Bán hàng trên Chợ Tốt, Shopee, Lazada… vào tầm ngắm thuế” cho biết: Không chỉ người cho thuê căn hộ, tới đây các sàn thương mại điện tử có kết nối người mua với người bán như Chợ Tốt, muaban.net, Adayroi, Shopee, Lazada; doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ... trên mạng sẽ vào tầm ngắm thuế. Đây là một nội dung quan trọng trong kế hoạch tăng cường công tác quản lý thu đôn đốc thu, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2021 mà UBND TP.HCM vừa ban hành dựa trên kế hoạch mà Cục Thuế TP.HCM trình trước đó.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc cơ quan thuế nhắm đến các sàn thương mại điện tử có kết nối người mua với người bán như Chợ Tốt, muabán.net, Vatgia.com, Shopee... khiến người bán hàng trên các trang này lo lắng, nhất là khả năng bị truy thu.

  1. Vấn đề về NSNN

7. Thời báo ngân hàng (10/5) có tin “53/63 địa phương thu  ngân sách đạt trên 35% dự toán” cho biết: Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu NSNN lũy kế 4 tháng đầu năm 2021 đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Thống kê của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, cả nước hiện có 53/63 địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán. Tuy  nhiên, số thu ngân sách đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

  1. Vấn đề về đầu tư công

8. Báo Đại đoàn kết (10/5) có bài “Giải ngân chậm, dự án cũng chậm theo”; Người lao động (10/5) có tin “Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 86.010 tỷ đồng” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 86.010 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%). Trong đó, vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%.  Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA là rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do công tác giải phóng mặt bằng. Hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu nôi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. ngoài ra, cũng có vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ…

  1. Vấn đề về DNNN

9. Thời báo ngân hàng (10/5) có bài “12 đại dự án thua lỗ sẽ được xử lý theo hướng nào?”, Báo Đầu tư (10/5) có bài “Chìa khóa trong tay chủ sở hữu” cho biết: Bài viết nêu một số nội dung mới của Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 được Bộ Tài chính hoàn thiện, sẽ sớm trình Chính phủ. Việc tập trung xử lý  dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương là một trong 6 nhiệm vụ  của Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, phương hướng xử lý dứt điểm 12 dự án này là dứt điểm, không để kéo dài gây thất thoát tài sản của nhà nước theo nguyên tắc xác định rõ đúng người đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật và theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước. Nguyên tắc này đã được đưa vào dự thảo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Tài chính đang hoàn tất, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2021.

Bài viết “Chìa khóa trong tay chủ sở hữu”, ông Đặng Quyết Tiến thừa nhận, nếu không thay đổi thực sự tư duy về doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc phân định rõ quyền tài sản của doanh nghiệp nhà nước, thì hình dung về một khu vực doanh nghiệp nhà nước được hoạt động và ứng xử đúng theo nguyên tắc – kỷ luật thị trường vẫn sẽ xa vời.

10. VTV.vn (7/5) có tin “TP Hồ Chí Minh đề xuất không cổ phần hóa Saigontourist” cho biết: TP Hồ Chí Minh đề xuất Thủ tướng Chính phủ không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist vì có đến 4 khách sạn có giá trị lịch sử cần bảo tồn… UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án kiến nghị Thủ tướng xem xét:

Phương án 1: Chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP Hồ Chí Minh để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.

Phương án 2: Chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Nếu Saigontourist được giữ 100% vốn Nhà nước, TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ sở điều chuyển thêm một số tài khoản vốn góp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa về Saigontourist quản lý, tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ chốt của Saigontourist.

  1. Vấn đề khác

11. Báo Đại đoàn kết (08/5) có bài “Gỡ khó cho nông nghiệp trong Covid-19” cho biết: Nhằm gỡ khó những vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bộ NNPTNT đề xuất Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00