Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/5/2021

Điểm báo ngày 12/5/2021

I. Vấn đề nổi bật

1. Ngày 11/5, các ứng cử viên thuộc đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri tại xã Phước Lộc - huyện Tuy Phước và xã Phước An - huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Các báo, đài cùng hệ thống các cơ quan báo chí tuyên truyền ngành Tài chính đã đưa tin về sự kiện này như: Báo Bnews (11/5) có bài Siết chặt kỷ luật đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia”, báo Đại biểu nhân dân (11/5) có bài “Bộ trưởng Tài chính cam kết huy động nguồn lực phát triển Bình Định”, báo Đảng cộng sản (11/5) có bài “Tận dụng lợi thế và tiềm năng đưa Bình Định phát triển bền vững”, báo Pháp luật Việt Nam (11/5) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Bình Định sẽ “cất cánh” trong một ngày không xa”, báo Đại đoàn kết (11/5) và Truyền hình Quốc hội (11/5) đăng tải thông tin “Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp xúc cử tri tại Bình Định”… Các báo đài cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, ngành Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, trong điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước, ngành Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện chính sách theo hướng khơi thông các nguồn lực của nền kinh tế; phân bổ và sử dụng có hiệu quả, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế; đảm bảo nguồn thu bền vững, đáp ứng các nhiệm vụ chi của nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội… đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Đồng thời, ngành Tài chính cũng sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường tài chính, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Có mặt tại các buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri đồng tình và đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên.

Thay mặt các ứng cử viên thuộc đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các ứng cử viên sẽ nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của mình trên cương vị công tác được giao. Nếu được trúng cử, các đại biểu Quốc hội sẽ giữ mối liên hệ với bà con; đưa lên diễn đàn Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh Bình Định.

2. Báo Giao thông (12/5) có bài “Trạm thu phí BOT bỏ hoang, vì sao?” đưa tin: Hiện trên nhiều tuyến đường có khá nhiều trạm thu phí BOT bỏ hoang nhiều năm, do hết thời hạn thu phí. Việc bỏ hoang nhiều năm khiến công trình xuống cấp, gây mất mỹ quan, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì sao lại có tình trạng này và khi nào thì các trạm được tháo dỡ, đảm bảo an toàn? Theo tác giả bài báo sở dĩ chưa tháo gỡ một số trạm bỏ hoang do trong giai đoạn làm thủ tục chuyển giao tài sản, bởi lẽ trạm thu phí BOT chuyển từ DN về NN bắt buộc phải có quyết định của Bộ Tài chính xác định công trình thuộc sở hữu toàn dân, lúc đó Bộ GTVT mới đưa ra các quyết định liên quan đến trạm thu phí. Từ đầu tháng 4/2021, Bộ GTVT đã chuyển toàn bộ hồ sơ, báo cáo tài sản sang Bộ Tài chính. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ vấn đề này.

Về nội dung báo nêu, Văn phòng trình Bộ giao Vụ Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 14/5/2021.

Vấn đề về thuế, lệ phí

3. Lao Động (11/5) có bài “Bộ Tài chính lý giải việc không đồng ý giảm 50% phí trước bạ cho ôtô”, Vnexpress, Đại đoàn kết, Thời báo ngân hàng, Người Lao động (11/5) có bài “Bộ Tài chính tiếp tục bác đề xuất giảm phí trước bạ ô tô” cho biết: Bộ Tài chính cho biết không đồng ý với đề xuất giảm thêm 50% phí trước bạ do tác động của đại dịch COVID-19 từ các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam do Chính phủ đã có một loạt chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Trao đổi với Lao Động, ông Trương Thanh Tân - Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Học viện Quốc tế - cho biết, việc giảm 50% phí trước bạ giúp doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước kích cầu tiêu dùng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, thời điểm này, nhu cầu mua xe của người dân đã tăng cao, doanh số bán xe quý I/2021 của nhiều hãng rất khả quan. Theo đó, thị trường ôtô Việt Nam khép lại quý I/2021 với tổng doanh số bán hàng tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm ngoái (theo số liệu của VAMA). Chính vì vậy, không cần thiết phải kéo dài thời gian giảm phí trước bạ.

Đồng thời, việc kết thúc thời hạn giảm phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước sẽ tránh được việc kiện tụng về sau, đảm bảo các cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa sản xuất hàng hoá trong nước và xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau khi Nghị định 70 quy định về mức thu lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước giảm 50% từ 28.6 - 31.12 đã làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỉ đồng.

Bên cạnh đề nghị giảm lệ phí trước bạ, VAMA cũng có kiến nghị giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp của chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ đề nghị trước mắt các doanh nghiệp thuộc VAMA thực hiện theo quy định hiện hành. Ngoài ra, Bộ sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và diễn biến, tác động của dịch; phối hợp với các bên tham mưu chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển.

4. Diễn đàn doanh nghiệp, Vnexpress, Zing (11,12/5) có bài “Kiến nghị TP.HCM hoãn thu phí hạ tầng cảng biển” cho biết: VASEP cho rằng quy định thu phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển của TP.HCM sẽ khiến "phí chồng phí" đè nặng lên vai doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Hầu hết doanh nghiệp thủy sản nói riêng và các ngành hàng khác nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu 2 lần phí cho container hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu.

Do đó, đại diện các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị tạm hoãn thu các loại phí này ít nhất đến hết 31/12 năm nay, đồng thời điều chỉnh các mức thu theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách chính.

Ngoài ra, việc tổ chức thu phí theo một kênh thu khác cũng là bất hợp lý và không khả thi, tạo thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Quy định này đồng thời phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM. Điều này có thể dẫn đến nghẽn mạng của Hải quan TP gây ách tắc trong quá trình thực hiện nếu các doanh nghiệp ngoài TP đồng loạt chuyển về khai báo hải quan tại TP.

Về nội dung báo nêu, Văn phòng trình Bộ giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 14/5/2021.

5. Báo Đầu tư (12/5) có bài “Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt. Bài 2: Nguy cơ đình trệ dự án, doanh nghiệp bên bờ phá sản” phản ánh: Các văn bản, chính sách về hoàn thuế GTGT với doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện thiếu thống nhất và khó thực thi đang đẩy hàng trăm doanh nghiệp vào thế khó khi dòng tiền dự án đột ngột bị thay đổi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là việc hết sức cần thiết.

Bài báo dẫn chứng từ các doanh nghiệp đầu tư dự án điện có quy mô vài trăm tỷ đồng đến các doanh nghiệp đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng (như: công ty CP Xây dựng và thương mại Lam Sơn; công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam; Công ty TNHH Điện lực Vân Phong, Công ty TNHH Nhiệt điện Nghi Sơn 2) đều khẩn thiết đề xuất có giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc dừng hoàn thuế GTGT trong thời gian xây dựng các dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2. Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư điện trong nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể mắc kẹt với những quy định liên quan đến hoàn thuế GTGT. Nhiều câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra là vì sao trước đây doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào khi đầu tư dự án điện, nay lại không được tiếp tục hoàn thuế, trong khi các chính sách chưa có gì thay đổi đáng kể? Liệu số thuế được hoàn trước đây có bị truy thu? Nếu tuỷ thu, phải chăng doanh nghiệp đã trở thành đối tượng vi phạm quy định thuế dù trước đó hồ sơ của họ đã được cơ quan thuế chấp nhận?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, pháp luật đã có các quy định về hoàn thuế GTGT để hỗ trợ doanh nghiệp, dự án, gồm cả doanh nghiệp điện trong giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện chính sách hoàn thuế GTGT với các doanh nghiệp hiện nay có nhiều bất cập. Đáng lưu ý, Luật số 31/2013/QH13 quy định các trường hợp được hoàn thuế GTGT nhưng không đề cập đối với hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, Công văn 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT lại quy định không hoàn thuế GTGT với doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…..

Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương khẳng định trong thời gian xây dựng, các dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT. Nếu 2 doanh nghiệp này được tiếp tục hoàn thuế như công văn của Bộ Công thương đề nghị thì hàng trăm doanh nghiệp khác cũng cần được gỡ khó tương tự.

6. Báo Tuổi trẻ (12/5) có bài “Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn” cho biết: Doanh nghiệp khi bán xăng dầu cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn điện tử cho người mua và cơ quan thuế. Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế cho biết đây là nội dung được Bộ Tài chính đề nghị tại dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ điện tử, đang được lấy ý kiến góp ý. Thời điểm thực hiện dự kiến từ 1-7-2022. Để đồng bộ, ông Huy cho biết, Bộ Tài chính có đề xuất Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, một điều kiện để được phép kinh doanh xăng dầu là DN phải phát hành hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội DN.TPHCM cũng đồng tình cần phải có nhiều chính sách đồng bộ. Về phía cây xăng phải kiểm soát được đầu vào – đầu ra, kết nối dữ liệu của cột bơm xăng với cơ quan thuế. Phía người mua xăng cần có chính sách khuyến khích họ lấy hóa đơn như cho phép trừ chi phí cơ bản, xổ số định kỳ. Còn như hiện nay rất khó kiểm soát.

7. Báo Tuổi trẻ (12/5) có tin “Bún, phở, cà phê, gỗ dăm vào danh sách rủi ro về hoàn thuế GTGT” cho biết: Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát toàn bộ hồ sơ hoàn thuế cho mặt hàng gỗ dăm, viên nén gỗ thành phẩm, linh kiện điện tử, máy tính, bún, phở, cà phê... để phân loại và thanh kiểm tra hoàn thuế ngay với hồ sơ có rủi ro. Tổng cục Thuế cũng lưu ý, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì phải thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm đến cơ quan công an.

8. Báo Thanh tra (11/5) có bài “Ngành thuế kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra hơn 9.700 tỷ đồng” đưa tin: Trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện được 13.333 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2020; kiểm tra được 140.610 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020, qua đó, kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 9.768,72 tỷ đồng…

9. Vnexpress (12/5) có bài “Thí điểm thu thuế cho thuê nhà chung cư” cho biết: Các chung cư quận 11 trong diện thí điểm làm chặt thu thuế cho thuê căn hộ, theo kế hoạch chống thất thu ngân sách của TP HCM. Cá nhân, tổ chức cho thuê nhà ở, căn hộ, mặt bằng kinh doanh và những người trực tiếp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong khu vực chung cư sẽ phải đóng thuế. Theo đó, cơ quan thuế sẽ làm việc với ban quản trị chung cư để thu thập danh sách các hộ cho thuê, trực tiếp kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ phối hợp công an quản lý địa bàn rà soát danh sách khai báo tạm trú, tạm vắng, danh sách có đăng ký thường trú để tuyên truyền chủ căn hộ khai báo tạm trú tự khai thuế, nộp thuế.

Không riêng tại TP HCM, Cục thuế Hà Nội cũng vừa chỉ đạo các chi cục tăng cường rà soát, quản lý các hộ, cá nhân cho thuê nhà, hộ kinh doanh nhà nghỉ, lưu trú. Trên thực tế, thu thuế cho thuê căn hộ, chung cư không phải là quy định mới, mà thuộc diện thu thuế cho thuê tài sản, đã được quy định tại Thông tư 92 của Bộ Tài chính. Theo quy định, người cho thuê nhà có doanh thu năm trên 100 triệu đồng phải nộp thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập cá nhân 5%. Tuy nhiên, lâu nay theo cơ quan thuế, vẫn còn nhiều người chưa chủ động tuân thủ nghĩa vụ này.

III. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Người lao động (12/5) có tin “Ưu tiên thép cho thị trường trong nước” cho biết: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm pháp năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động; tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh và đời sống của người dân vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành.

  1. Vấn đề về dự trữ

11. Báo Pháp luật Việt Nam (12/5) mục Tin vắn thông tin: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 67.705 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Kon Tum để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2021. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND tỉnh Kon Tum tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

V. Vấn đề khác

12. Đại đoàn kết (12/5) có bài “Buông lỏng quản lý đất đai, ngân sách thất thu” cho biết: Dự án Văn phòng làm việc các ban của Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế và Dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lập An chất lượng thi công không đảm bảo…; trong việc đấu giá đất có nhiều sai phạm nên đã khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng tỷ đồng. Do đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các đối tượng liên quan, đồng thời giao cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra với tổng số tiền là 401.720,45 triệu đồng và 1.219 USD.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00