Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/5/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 10/5/2022

I. Vấn đề về thị trường chứng khoán

1. Báo Tiền phong (10/5) có các bài “Siết vốn và nghẹt thở”, “Thấy gì từ phiên chứng khoán lao dốc mạnh?”; Người lao động (10/5) có bài “Chứng khoán lại lao dốc mạnh”; VnExpress (9/5) có bài “Chứng khoán giảm gần 60 điểm”; VietNamNet (9/5) có bài “Cú vùi dập đầu tuần: 40 tỷ USD bốc hơi, VN-Index mất mốc 1.300 điểm”; Thanh niên (9/5) có tin “Mất gần 60 điểm, VN-Index tăng thanh lọc thị trường?”; Vneconomy.vn (9/5) có bài “Kỷ lục lịch sử: 356 cổ phiếu giảm hết biên độ trên toàn thị trường”; Giao thông online (9/5) có bài “Kỷ lục: 356 cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 9/5” và nhiều báo cho biết: Ngày 9/5, thị trường chứng khoán đánh dấu phiên lao dốc mạnh thực sự khi VN-Index đã bay mất gần 60 điểm mức giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt. Trên cả 3 sàn, có tới 944 cổ phiếu giảm giá, hơn 360 cổ phiếu lao dốc hết biên độ, thị trường tiếp tục bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.

Nhận định về diễn biến phiên giao dịch 9/5, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết cho rằng hiện tâm lý nhà đầu tư rất tiêu cực, áp lực bán lan tỏa diện rộng khi thị trường rơi vào xu hướng giảm kéo dài (hơn 1 tháng). Ngoài ảnh hưởng tâm lý, ông Ngọc cho rằng, việc xử lý margin (vay ký quỹ) cũng là nguyên nhân dẫn đến phiên chứng khoán lao dốc mạnh ngày 9/5.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường đang trong trạng thái mất cân bằng khi thiếu dòng tiền hỗ trợ cũng như cổ phiếu có thể ổn định thị trường. Hầu hết công ty chứng khoán vẫn dự báo thị trường sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng TTCK rớt mạnh là điều không quá bất ngờ bởi thời gian qua thị trường tài chính có nhiều xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Và khi cổ phiếu giảm sâu là cơ hội để mua vào, nhà đầu tư cứ gom tiền và đợi VN-Index giảm về khoảng 1.200 điểm mà ở đó cổ phiếu không rơi nữa thì có thể giải ngân. Theo TS Đinh Thế Hiển, nhà đầu tư có thể chú trọng các cổ phiếu thuộc nhóm sản xuất - kinh doanh đang hoạt động tốt, xuất khẩu, tiêu dùng, thủy sản, dịch vụ cảng biển, dược…

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), chỉ ra nghịch lý của TTCK hiện nay là giá nhiều cổ phiếu đã giảm 40%-50% nhưng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng mạnh. Về định giá, nhiều doanh nghiệp có chỉ số P/E chỉ 6-10 lần và P/E của toàn thị trường chỉ khoảng 13 lần là rất hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn.

2. Báo Người lao động (10/5) có tin “HOSE thử nghiệm giao dịch lô lẻ”; VnExpress (9/5) có tin “HoSE đang thử nghiệm giao dịch chứng khoán theo lô lẻ”; VTCnews (9/5) có tin “HoSE thử nghiệm lại giao dịch lô lẻ chứng khoán” cho biết: Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán thành viên về việc thử nghiệm toàn thị trường giao dịch lô lẻ chứng khoán. Trong văn bản của HoSE gửi các công ty chứng khoán thành viên, Sở Giao dịch này đã yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện thử nghiệm giao dịch lô lẻ trên toàn thị trường trong thời gian từ ngày 9/5 đến 20/5. Sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm, HoSE yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên phải gửi báo cáo kết quả về Sở trước ngày 25/5.

Đại diện HoSE cho biết sau khi có kết quả thử nghiệm thành công, Sở sẽ báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) để xin chủ trương triển khai chính thức.

II. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

3. Báo Hà Nội mới (10/5) có tin “Cần đánh giá hạn mức tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu” cho biết: Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tính đến giữa tháng 4-2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 43%. Năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã vượt ngân hàng, đứng đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tỷ trọng 35%. Trong số này, gần một nửa giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, VARS cho rằng, việc đánh giá hạn mức tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần thiết. Hạn mức tín nhiệm cho phép nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát, khách quan, đánh giá những rủi ro có thể khi đầu tư vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần có cơ chế kiểm tra các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

III. Vấn đề về chính sách thuế

4. Báo Tuổi trẻ (10/5) có bài “Giá cao nhất 50 năm, nên cấm xuất khẩu phân bón?”“Vẫn còn góp ý đề xuất tăng thuế” cho biết: Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), giá phân bón vừa tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua do những diễn biến tăng theo giá thế giới. Nhiều ý kiến đề nghị cấm xuất khẩu phân bón để bình ổn thị trường.

Nhiều lần tiếp xúc cử tri, ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho hay đồng tình với quan điểm đánh thuế xuất khẩu phân bón và giảm thuế phân bón nhập khẩu, để bà con được lợi từ sự bình ổn thị trường trước nguyên liệu đầu vào khan hiếm.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Trương Bá Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương góp ý cho dự thảo nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, trong đó có nội dung đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón lên 5%.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ ổn định thị trường nội địa. Để góp phần hạ nhiệt giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với nhiều mặt hàng phân bón. Phương án này góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

5. Báo điện tử Lao động (9/5) có tin “Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ gia hạn thời gian nộp nhiều sắc thuế”; Người lao động (9/5) có tin “Trình Chính phủ gia hạn 125.000 tỉ đồng tiền thuế và tiền thuê đất năm 2022” cho biết: Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022.

Để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5.2022 và quý I/2022, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6.2022 và quý II/2022, gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7.2022, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8.2022 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng nêu trên. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT theo phương án nêu trên thì tổng số thuế gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8.2022 và quý I, quý II/2022 là khoảng 53.300 - 54.300 tỉ đồng.

Đối với thuế TNDN, để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn nộp thuế đối với số thuế như sau: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 51.000 - 52.000 tỉ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 30.12.2022. Như vậy, số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 15.304 tỉ đồng.

Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với 50% số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31.5.2022 đến ngày 30.11.2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỉ đồng.

IV. Vấn đề về quản lý thuế

6. Báo Hà Nội mới (10/5) có bài “Hóa đơn điện tử - Bước quan trọng thực hiện chuyển đổi số” cho biết: Ngành thuế đã và đang đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử nhằm mục tiêu đến ngày 1/7/2022, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc sẽ áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Đây được coi là bước quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành.

7. Chiều ngày 9/5, Tổng cục Thuế phát đi thông tin báo chí về kết quả nhiệm vụ thu NSNN thuộc ngành Thuế quản lý tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022. Nhiều báo đưa tin về nội dung này như: Vietnamplus (9/5); Baochinhphu.vn (9/5); Tin tức (9/5); Thanh tra (9/5); Công Luận (9/5); Hà Nội mới (9/5); VnEconomy (9/5) và nhiều báo khác cho biết: Kết quả thực hiện thu NSNN 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN tháng 4/2022 do cơ quan Thuế quản lý thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 136.000 tỷ đồng, đạt 113,6% so với dự toán và bằng 113,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, tổng thu ngân sách đạt 544.215 tỷ đồng, đạt 46,3 % dự toán. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 24.096 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán. 

V. Vấn đề về hải quan

8. Báo Thanh tra online (9/5) có tin “"Bêu tên" 42 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nợ gần 500 tỷ đồng tiền thuế” cho biết: Cục Hải quan tỉnh Lào Cai vừa công khai danh sách 42 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đang còn nợ thuế, nợ phạt chậm nộp tính tới cuối tháng 4/2022 với tổng số tiền là hơn 485,8 tỷ đồng.

VI. Vấn đề đầu tư công

9. Báo Đại đoàn kết (10/5) có bài “Thúc giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, đến cuối tháng 4 chỉ mới đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%); trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%. Có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá rất cao các giải pháp mà Chính phủ đưa ra để đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, kèm với đó là việc phải chỉ rõ dự án nào chậm, địa phương nào chậm. “Không thể khen chung chung, cũng không thể nhắc nhở chung chung. Khi gọi tên dự án, gọi tên địa phương buộc lãnh đạo địa phương phải lên tiếng” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Để thúc giải ngân đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân. Nhưng thúc đẩy đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế không phải bằng mọi giá, vẫn phải tuân thủ đúng Luật Đầu tư công, làm sao giải ngân phải thực sự có hiệu quả, tránh hiện tượng lợi dụng cơ hội này gây thất thoát lãng phí tổn hại tiền ngân sách Nhà nước. Với rất nhiều thông điệp mạnh mẽ, kỳ vọng đầu tư công sẽ có những bứt phát để thúc đẩy GDP đạt kết quả cao nhất.

VII. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Nhân dân (10/5) có bài “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải” cho biết: Kết quả khảo sát hai tháng 2 và 3 vừa qua, ứng với mức tăng giá xăng, dầu và kết hợp ảnh hưởng dịch Covid-19, có tới 80 đến 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định kê khai điều chỉnh tăng giá cước 10 đến 15% để bù đắp chi phí nhiên liệu. Ở lĩnh vực hàng không, theo báo cáo của các hãng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 đến 42% tổng chi phí chuyến bay; giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua, khi giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá xăng máy bay Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao. Hiện nay, các hãng đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa, mỗi ngày 700 đến 800 chuyến bay; khôi phục đường bay đến hơn 20 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thị trường quốc tế, tuy nhiên sản lượng hành khách quốc tế giảm 72 đến 80% so năm 2019 (trước khi dịch bùng phát), phải cần một thời gian dài mới có thể phục hồi.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn, tạo tiền đề phục hồi và phát triển trong tương lai, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế, ưu tiên cho doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Bộ Tài chính xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra, vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00